4- Manhattan và người đàn bà bán hàng rong (NV, 31- 3- 92)

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 20891)
4- Manhattan và người đàn bà bán hàng rong (NV, 31- 3- 92)

Tôi bị thu hút bởi khu Garment District và Flower Market nên chúng tôi đi dài theo đường số 7 về hướng hai nơi này.
Dài dài theo đường phố có nhiều sạp bán nữ trang giả, bán hot dog. Nhiều nhất là bánh Pretzels to bằng hai bàn tay. Mùi bánh bốc lên thơm lừng. Có những xe bán đậu phọng nóng hổi.
Những người bán hàng người Mỹ, người Mễ hoặc thuộc nhiều giống dân khác đều rao hàng, gọi khách thật to. Họ rao một cách quen thuộc, mạnh miệng và vui vẻ. Có một ông Mỹ đen bán dao hướng đạo năm đồng một cái, có ông khác bán đồng hồ một cái một đồng. Nơi khác áo lạnh mười đồng ba cái hay năm đồng một cái áo thun...
Tôi thấy hơi lạ tai vì chưa quen nghe người ngoại quốc rao hàng. Chỉ nhớ lời rao bằng tiếng Việt Nam, hay lơ lớ giọng Tàu khi còn ở Saigon mà thôi.
Ngoài đường phố ai cũng có vẻ tự nhiên, vội vã, chỉ có chúng tôi là có vẻ “đi lang thang”. Những người ở đây bảo rằng hễ thấy dân du lịch là họ biết ngay vì thứ nhất là hay chụp hình hay quay phim, thứ hai là ưa ngước nhìn lên các tòa nhà cao và thứ ba là nhìn qua nhìn lại tìm đường. Có lẽ cả ba điều này chúng tôi đều có cả. Chắc có lẽ trông quê lắm.

Ít cảnh sát
So với một số downtown của các thành phố khác thì Manhattan khá giống phố Chicago ở điểm cũ kỷ, đông người và các cao ốc hai bên con đường nhỏ. Xe cộ chạy rất ẩu. Người đi bộ và xe dành nhau đi bất kể đèn xanh, đèn đỏ giống như tại Paris. Rất nhiều nơi người đi bộ đứng đầy hai bên đường chỉ còn chừa một khoảng nhỏ cho xe hơi chạy qua. Nhiều xe vừa chạy vừa bóp kèn inh ỏi. Nhiều taxi và ngay cả xe hàng nhỏ quẹo chữ U ngay tại đường lớn “tỉnh bơ”.
Có một lần tôi hỏi ông tài xế rằng ông không sợ bị phạt sao. Thì ông nói: “Đâu phải một mình tôi quẹo chữ U. Nhất là không có cảnh sát”.
Thật vậy, không như ở các thành phố lớn khác như ở Los Angeles chẳng hạn. Downtown New York có rất ít cảnh sát. Một ông tài xế nói với tôi tại họ không có tiền. Ở đây phần nhiều cảnh sát lo đi ghi giấy phạt nhiều hơn.

Dì Huệ
Đang vừa đi vừa ngắm người và đường phố thì tôi nghe có tiếng nói chuyện bằng ngôn ngữ Việt Nam nên quay lại và làm quen ngay.
Đó là dì Huệ đang bán hàng rong và cô Nga đang theo học trường Thời Trang kiểu mẫu ngang đó.
Dì Huệ đội nón, quấn khăn và mặc áo thật dầy nên trông dì như ông già Noel. Dì Huệ rất nhỏ nhẹ và hiền lành nên vừa mới quen là tôi mến dì liền. Con trai dì cao quá hơn chúng tôi một cái cổ và một cái đầu.
Dì qua đây từ 75 và đứng bán nơi đây. Dì cho biết trước kia buôn bán dễ dàng hơn bây giờ. Trên ngực dì có thẻ có hình, cho phép dì đứng bán. Dì nói ba tháng phải đóng thuế 400 đồng. Nhà dì Huệ ở tận Bronx vì theo dì ở đó nhà rẻ chỉ 400 mà có ba phòng. Ngoài ra dì phải mướn một căn lầu gần nơi dì đứng bán để trữ hàng hóa với giá 1500 một tháng.
Dì Huệ đứng bán từ sáng sớm cho đến tối, có khi đến 8, 9 giờ. Đáp câu hỏi sao dì không ở các nơi ấm áp hoặc không làm ăn gì khác, dì nói vì không có nghề và nghèo nên bán như vầy dễ hơn.
Hàng dì Huệ bày bán có găng tay, nón khăn len, vớ và những thứ lặt vặt như bóp, đồ để chìa khóa và các loại đồ kỷ niệm với giá bình dân.
Cô sinh viên nội trú Nga cho tôi biết đồ này vốn một lời hai. Nga thường chạy qua đứng bán tiếp dì Huệ hay qua phụ dì dọn hàng ra hay xếp hàng vào. Những lúc vắng khách dì Huệ đến ngồi trên một rổ cao xu vuông cứng lập ngang để làm ghế. Cạnh đó là một chợ nhỏ có bán bánh, nước và các loại rau cải trái cây.
Những ngày ở Manhattan chúng tôi thường ghé thăm dì Huệ. Sáng trưa hay 7, 8 giờ tối lúc nào tôi cũng thấy dì đứng, ngồi kiên nhẫn, nụ cười hiền lành lúc nào cũng nở trên môi. Đôi mắt bình an của dì chỉ thoáng lo âu khi nói đến kỳ nộp thuế sắp đến. Sau đó dì lại nở nụ cười. Giọng nói chậm rãi, nhỏ nhẹ và cung cách của người đàn bà Việt Nam vẫn đeo đuổi tôi sau những ngày dài New York.

Sinh viên trường kiểu mẫu thời trang
Dì Huệ cho tôi biết tại phố có một nhà ngủ Việt Nam. Dì bảo tôi đến đó ở cho vui và rẻ. Nga vội nhận lời dắt chúng tôi đi vì còn vài hôm mới vào khóa học, cô rảnh chẳng có gì làm.
Nga vui vẻ, liếng thoắng và lanh lợi. Chỉ mới qua Mỹ mấy năm mà cái gì cô cũng rành. Cô là sinh viên Việt Nam duy nhất ở nội trú tại Fashion Institute of Technology. Mỗi tháng tiền học và tiền ăn ở của cô là 400 đồng. Cô cho biết hè cô phải ở bên ngoài nên cô cũng muốn đến nhà ngủ Việt Nam xem có rẻ cô sẽ mướn để ở đó đi học và đi làm hè.
Sau giờ học buổi tối, Nga đi bán hàng và cuối tuần cô làm tại một tiệm bánh ở chợ Tàu cách nơi này khoảng 20 phút xe hơi.
Nga nói bán bánh lời lắm và cô tính tiền bánh tiền bột tiền công v.v... Cô nói "Ở New York nếu biết cách làm ăn là "tiền không đó"."
Nga nói cho chúng tôi nghe chỗ nào nên đi chơi và cho biết nhiều người quen hễ đến New York là cô dẫn dắt đi chỗ này chỗ nọ, cô vừa được đi chơi luôn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10682)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 54412)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 31551)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 42069)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 43031)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 49191)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41755)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41428)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43376)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39781)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45711)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40357)
1,863,880