4- Viếng chùa Phước Huệ tại Miami, Florida (NV, 11- 4- 91)

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 17488)
4- Viếng chùa Phước Huệ tại Miami, Florida (NV, 11- 4- 91)

Tôi ngồi vào hàng cuối của chánh điện chùa Phước Huệ nhìn chị Hoàng Điệp đang trang nghiêm gõ chuông bên cạnh tượng Phật Như Lai uy nghi. Thượng Tọa Thích Chánh Lạc đứng trước bàn thờ chuẩn bị khóa lễ cầu siêu cho một số đạo hữu vừa qua đời tại vùng Miami. Bên tay phải của Thầy là Thúy Trúc, người vừa mới tặng tôi tập thơ. Cũng như Hoàng Điệp chị đang mặc áo tràng màu lam, tay chị đều đều gõ mõ.

Gặp lại sau 16 năm
Tôi thân với Kim Ánh, em của chị Điệp, nhưng tất cả những kỷ niệm của chúng tôi từ thuở thiếu thời, tuổi mộng mơ đều có hình ảnh chị Hoàng Điệp. Chị Điệp lúc nào cũng cười tươi với chiếc răng khểnh. Ít khi chị làm gì hay nói gì cho người khác phiền lòng. Ai cũng cho rằng chị vô tư không biết buồn.
Lúc ở đường Vườn Chuối, Saigon tôi còn học trung học. Mỗi khi Ánh bận, tôi hay đi chợ hay đi xiné với chị Điệp. Thỉnh thoảng tôi cũng hay chuyện vãn hay tâm tình với chị. Từ ngày anh Lưu Huyên tử trận tại Suối Máu, Biên Hòa, chị trở nên người chị cả trong gia đình.
Chị Điệp đến tuổi cập kê trước chúng tôi. Chị quen với anh Sơn nay là chồng của chị. Anh Sơn cũng vui tánh hiền lành như chị. Khi anh mời được chị Điệp đi chơi buổi đầu tiên, tôi cùng các em của chị là Ánh, Bình, Tú đều được lon ton chạy theo tháp tùng cho chị bớt... "mắc cở."
Hôm kia tôi được anh chị mời đến nhà ăn phở do chị nấu. Chị bảo ở đây không phải như ở Cali nhiều tiệm ăn. Nếu muốn ăn tiệm phải lái xe cả tiếng nên chị nấu ở nhà để thiết đãi tôi. Con của chị, Tố Uyên nay đã là cô sinh viên năm thứ hai xinh đẹp, tóc dài nửa lưng. Hiện chị Điệp đang làm việc cho một hãng thầu sửa chữa nhà cửa và anh Sơn đang làm việc cho một hãng bảo hiểm. Anh chị đều làm việc trên mười năm không thay đổi chỗ.
Sau khi ăn uống xong xuôi chị Điệp mang nhiều kinh sách, băng kinh giới thiệu cho tôi và anh chị hăng hái hứa sẽ đưa tôi đến chùa dự lễ vào trưa Chủ Nhật 31 tháng Ba, 1991.

Nên trau dồi Phật Pháp
Thượng Tọa Thích Chánh Lạc cho tôi biết ngôi chùa này trước là một nhà thờ Do Thái. Cũng như chùa Như Lai tại Colorado hay chùa Từ Quang tại Garden City, Kansas, chùa Phước Huệ đều do Phật Tử đóng góp mua và ban quản trị do Phật Tử bầu ra điều hành. Thầy là vị lãnh đạo tinh thần của ba nơi này. Mỗi năm thầy đến chùa Phước Huệ ba lần, để hoằng dương Phật Pháp và chủ lễ cầu an và cầu siêu cho các Phật Tử quá cố.
Thượng Tọa Thích Chánh Lạc đã dạy những lớp: Phật Giáo Cơ Bản, Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo Ấn Độ, Phật Giáo Trung Hoa v.v... Thầy khuyên các Phật Tử nên cố gắng trau giồi Phật Pháp để tránh lầm đường.
Qua quyển Sống và Chết của thầy, tôi được biết thầy là Tổng Thơ Ký Tổng Vụ Giáo Dục Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1969 và cũng là giảng sư Phân Khoa Phật Học, Viện Đại Học Vạn Hạnh. Thầy đã đậu Tiến Sĩ Văn Chương Trung Hoa tại Đại Học Sư Phạm Đài Loan năm 1980. Hiện thầy là Giám Đốc nhà xuất bản Phú Lâu Na tại Denver, Co.

Đạo
Trong khi khóa lễ cầu siêu còn đang tiếp diễn. Tiếng các Phật tử đọc kinh hòa vào tiếng chuông mõ tạo ra một bầu không khí trang nghiêm đạo vị. Tôi đi một vòng viếng cảnh chùa.
Ngôi chùa rộng vừa đủ cho khoảng mấy mươi gia đình tại Miami và các vùng phụ cận đến làm lễ. Chùa chia ra làm hai bên. Bên cạnh mặt là một căn phòng dài và hẹp là nơi kê bàn cho các Phật tử ngồi dùng cơm sau mỗi kỳ lễ. Bên cánh trái rộng hơn, lót thảm trắng là nơi chánh điện. Phía giữa là phòng sách và phòng dành cho quý thầy lưu trú.
Tôi thích nhất là sân sau của chùa. Sân chùa có hai cây soài thật lớn đầy hoa. Một cây đã có xoài sống lớn bằng nắm tay tôi làm tôi cứ nhớ đến vườn xoài tại miền Tây hồi còn trẻ. Tôi cứ hay ăn xoài sống với nước mắm đường. Đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc mà tôi vẫn thèm mỗi khi nghĩ đến.
Ngoài các cây xoài còn có cây bưởi trái đã to và vàng và một vài thứ cây khác mà tôi không biết tên. Mỗi gốc cây đều có đóng băng gỗ chung quanh để Phật tử ngồi hóng mát.
Tôi dở các sách báo mà tôi đã được Phật tử ở chùa biếu ra đọc. Tiếng kinh kệ vẫn vang ra từ chánh điện. Tiếng mõ đều đều và tiếng chuông ngân tạo nên một khung cảnh thoát tục. Tôi một mình ngồi yên dưới tàng cây rợp bóng, gió Miami thỉnh thoảng thổi mạnh làm tung mái tóc.
Tôi lật những trang báo của giai phẩm Xuân Tân Mùi của ba ngôi chùa trong đó có chùa Phước Huệ phát hành. Tôi rất thích đoạn kết của bài "Một cái nhìn về đạo" của Hoàng Minh Trí:
"Hầu hết đạo lý của các tôn giáo đều là những phương thức sống để trở thành tri thức và văn minh gọi là ĐẠO. Nếu chúng ta chỉ nhìn sơ về căn bản đạo lý của mỗi tôn giáo thì ta chỉ thấy ĐẠO làm người, Đạo từ bi, Đạo bác ái, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu kỹ về đạo lý thì sẽ tìm được một con đường, một phương thức sống rõ ràng làm cho mình được bình an và hạnh phúc và cũng góp phần xây dựng được xã hội hoàn mỹ hơn.
Tốt nhất là mỗi chúng ta hãy trở về tìm hiểu ngay đạo lý của tôn giáo mà mình đang tin theo để xây dựng một quan niệm sống vững chắc hơn, mang lại hạnh phúc cho chính mình và những người chung quanh trong đời sống, hiện tại và mãi mãi."
Tờ báo còn có đăng những bài trích từ báo Người Việt như "Tỏi có thể trị bệnh tim và bệnh ung thư" hay bài "Đừng để con em sa chân vào băng đảng, ma túy, phạm pháp" của Tô Quán trong Yearbook Người Việt 1991.

Tình yêu và thiền
Tôi lật qua tập thơ Thúy Trúc cho khỏi phụ lòng người tặng.
Tôi được biết Thúy Trúc là vợ của ông hội trưởng Lê Trai người rất hăng say trong các công tác Phật sự của Chùa. Thúy Trúc đã có các con trưởng thành tốt nghiệp hậu đại học, nhưng thơ tình yêu của Thúy Trúc vẫn còn rất rạt rào:
Em hãy nằm trên đám cỏ nhung,
Bên bờ suối vắng cạnh đồi thông.
Anh xin hầu quạt ru em ngủ,
Giữa khung trời bát ngát mênh mông.
Nắng đã lên rồi nắng đang say,
Làm em chói mắt cong nét mày.
Em nằm hoa lá nhìn ngây ngất,
Cùng ngủ với em: cây cỏ may
Anh vội chép ngay một vần thơ,
Gửi vào trong những giấc em mơ.
Thương quá em ơi anh thương quá,
Anh đã thương em đến sững sờ...
Chúng ta hãy đọc những câu thơ thiền của Thúy Trúc
Mây trắng in bóng nước
Rừng xanh đứng chịu sương
Trăng thiền soi lối nhỏ
Lan thoáng nhẹ mùi hương
hoặc
Trăng sáng ngần sau cơn mưa dứt,
Hoa tỏa hương trầm giữa bao la.
Tiếng chuông thong thả ngân trong gió
Hỏi ai nhìn thấy ta trong ta?

Sinh hoạt của chùa
Sau khóa lễ cầu siêu, Thượng Tọa Thích Chánh Lạc giảng một đoạn kinh "Đại Sám Hối Văn" cho Phật tử nghe. Đó là một trong những buổi học Phật Pháp ở chùa mỗi khi thầy đến Chùa Phước Huệ Miami.
Khi tan lớp Phật pháp, mọi người được dùng một bữa cơm chay. Tôi thấy chị Điệp hăng hái tới lui phụ dọn các món ăn. Tôi được một bữa cơm chay thanh đạm gồm bún bì và cà ri. Chị Điệp và các Phật tử địa phương mang đến cho tôi trái cây, bánh kẹp, bánh khoai mì, nước ngọt v.v...
Sau buổi cơm tôi được tiếp xúc với Ban Quản Trị của chùa tại Chánh Điện, với sự có mặt của ông Hội Trưởng Lê Trai, ông Phó Hội Trưởng ngoại vụ Đặng Công Quỳnh, ông Tổng Thư Ký Trần Đức Nhuận và bà Thủ Quỹ Lê Diệu.
Theo ông hội trưởng thì vì hình thể tiểu bang Florida dài nên sự tập trung các đạo hữu hơi khó khăn. Ông nói:
"Đạo hữu thì ít nhưng đạo tâm thì nhiều."
Nhiều Phật tử đã lái xe cả hai giờ từ West Palm, hay một giờ từ Fort Lauderdale hoặc 45 phút từ Hollywood, để đến dự lễ.
Theo quý ông ban trị sự thì riêng tại Miami có khoảng 30 gia đình Phật tử hằng lui tới chùa. Nhiều khi chùa phải tổ chức các cuộc thăm viếng và thuyết pháp ở những nơi xa để phổ biến Phật pháp. Cũng trong mục đích truyền bá đạo pháp, Hội Phật Giáo Miền Nam Florida cũng đã ấn tống kinh Dược Sư và thực hiện hai cuộn băng cassettes kinh Dược Sư và Phổ Môn.
Về hoạt động xã hội, Ban quản trị của chùa đã tổ chức bữa cơm thân mật, đi thăm viếng và ủy lạo các gia đình từ Việt Nam mới qua. Hoặc hội tiếp đón các hòa thượng Thích Thiền Định đến từ Pháp, Thượng Tọa Thích Trí Chơn từ Cali đến hay Đại Đức Thích Huyền Diệu từ Ấn Độ về. Ngoài ra hội còn hợp tác với các tổ chức của hội Ái Hữu trong các dịp Tết Nguyên Đán hay Tết Trung Thu. Hội cũng đang xúc tiến bảo trợ gia đình Phật tử từ trại tỵ nạn.
Về mặt Thông tin và báo chí hội đã cùng với chùa Như Lai và Trí Quang phát hanh các Giai Phẩm Xuân và bản thông tin Hoa Sen. Hội cũng đã tổ chức hai buổi đại nhạc hội để trả nợ ngân hàng. Hiện nay chùa đã được miễn thuế và tiền nhà của chùa mỗi tháng chỉ còn 400 đồng.
Tôi ra về khi cơn mưa tại Miami đã nhẹ hột. Ngồi trên xe tôi vừa nhìn đường phố Miami dưới cơn mưa vừa xem các quyển sách báo được các đạo hữu tặng. Tôi đọc mười điều tâm niệm in ở mặt sau của quyển "Đường vào ánh sáng đạo Phật" của Tịnh Mặc:
1- Nghĩ đến thân thể, thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sanh.
2- Ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
3- Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo...
Bởi vậy Đức Phật Dạy:
* Lấy bịnh khổ làm thuốc thần.
* Lầy hoạn nạn làm giải thoát.
* Lấy khúc mắc làm thú vị.
* Lấy ma quân làm bạn đạo.
* Lấy khó khăn làm thích thú...
(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10023)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 53722)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 30805)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41181)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42128)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48149)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40794)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40543)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44346)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39463)
1,863,880