4- KẺ MỚI NGƯỜI CŨ

18 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 11442)
4- KẺ MỚI NGƯỜI CŨ

"Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng. . ."

Loan chợt bàng hoàng xúc động. Âm thanh hai tiếng "Sàigòn" được nhắc đến với một giọng ca thật buồn, trong trẻo, thoang thoảng một chút nghẹn ngào. Tiếng vỗ tay bừng dậy rồi lắng chìm trong khoảnh khắc:

Sàigòn bây giờ ai khóc thương ai
Sàigòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sàigòn khói bay, Sàigòn nắng đổ
Sàigòn đã buồn như trời sớm mai. . .

Hơn một ngàn khán giả lặng chìm trong bóng tối. Trên sân khấu, dưới ánh đèn màu đỏ nhạt, người nữ ca sĩ vẫn khuôn mặt trái xoan ngày nào, đang cất tiếng hát, từ đáy lòng, đem người nghe trở về vùng đất mẹ. Cạnh đấy, người nghệ sĩ đang cúi xuống cây đàn, gẩy lên những tiếng nhạc do chính chàng sáng tác. Họ đang hạnh phúc, thật sự, sau những năm dài bị kìm hãm dưới chế độ cộng sản.

Hình ảnh của Lê Uyên và Phương nhòa đi, và trong tiếng hát, tiếng đàn đó, Loan thấy lại những đường phố Sàigòn ngày nào với những âm thanh hỗn độn, tiếng nói, tiếng cười, tiếng trả giá ở chợ Bến Thành; tiếng kèn xe, tiếng thắng xe ken két của chiếc xích lô đạp, tiếng gọi tắc-xi. Những hình ảnh giản dị, bình thường, những nụ cười cầu tài của những người bán vé số, bán thuốc lá dọc các hè phố.

Con đường hẻm nhỏ của đường Tự Do xuyên qua đại lộ Nguyễn Huệ, là nơi Loan hay đến vào những buổi chiều thứ Bảy, mùi nem nướng bay thơm phưng phức. Rồi bà cụ bán bún ốc ngang rạp ciné Rex, phải đứng chờ lâu, khi ăn phải bỏ nhiều ớt, vừa ăn vừa đổ mồ hôi hít hà mới thấy ngon. Các sạp bán sách, bán vải dài theo đường Lê Lợi, buổi trưa đi ở đây vừa chen vừa đổ mồ hôi, nhưng đến góc Pasteur mình sẽ gặp tiệm nước mía nổi tiếng. Nước mía này được vắt cam vào, tuy đắt mà ngon. Ai cũng nói mấy ông Tàu làm phá lấu không sạch đâu, nhưng khi gặp ông ta, mình lại tạm quên đi để mua một miếng gan, bao tử, tim, dồi trường, hay một ghim gan gà; phải quẹt một miếng tương, một miếng ớt lên, ăn mới bắt.

Chưa hết, xe bánh cuốn ở ngay góc đường mới ngon, vì nước mắm của ông ta pha với nước nấu chín nên không tanh, lại có những múi chanh chưa vỡ, cùng những miếng ớt tươi lơ lửng thấy phát thèm. Ông ta đã không hà tiện nước mắm, lại hay thêm rau, lại cắt chả lụa cho đầy, thì làm sao bước sang nơi khác cho được. Đêm nào bụng đói bất ngờ, phải nghĩ ngay đến phở Hiền Vương. Các tiệm phở Hiền Vương rất nổi tiếng, nhưng muốn vừa ngon vừa rẻ thì nên ăn ở các xe phở nơi góc Pasteur; hôm nào đói mà túi nhẹ, thì phải trộn giá sống vào tô cho nhiều. Tuy nhiên, muốn khoái khẩu thì đừng nhìn quanh dưới đất.

Loan nhớ mình hay lo lắng khi nghe tiếng gõ mì vào những giờ giới nghiêm. Không biết họ đã bán gần hết chưa, hoặc không hiểu họ đi kịp về nhà không.

Loan nhớ nhất, khi mình đang ngồi học bài mà nghe tiếng rao chè đậu đen của chị Tư. Loan hay xúc động mỗi khi thấy chị quảy vội gánh chè, bước vội vã trở lại như sợ Loan đổi ý.

Loan bỗng nhớ nhung một cách lạ kỳ tiếng xích lô máy nổ mà xưa kia đã làm cho Loan rất bực mình vào lúc 6 giờ sáng, giờ mà học sinh còn lưu luyến chăn mền. Giờ này, khi nhìn xuống đường Loan đã thấy những người buôn bán vội vã rảo bước. Đằng góc đường, bà cụ người Bắc đang chuẩn bị để tráng bánh cuốn. Bà sắp vào những chỗ cố định những chai nước mắm ớt, ống đũa, các dĩa lớn, chén nhỏ, rổ giá trần có cả ngò và rau thơm, lon Guigoz đựng hành rán. . . Bên kia đường, quán cà phê nhỏ đã bán những ly cà phê nóng thơm lừng từ bao giờ cho các chú tài xế tắc-xi hay những bác xích lô.

Sàigòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sàigòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sàigòn nắng nghiêng. . . Sàigòn đứng đợi. . .
Sàigòn bây giờ cúi mặt xa nhau. . .

Nước mắt của Loan ướt đầm cả mắt. Sàigòn bây giờ xấu lắm, buồn lắm và nghèo lắm rồi sao?

Loan chưa thấy, nhưng Loan nghe nói. Những người bên Việt Nam qua sau này đều nói thế. Cả cô ký giả Nariko Sugano người Nhật vừa viếng Việt Nam về cũng nói thế qua báo Người Việt Tự Do. Một người đã từng có nhiều thiện cảm với cộng sản nói, chắc hẳn đó là sự thật. Loan cảm thấy tim mình bị bóp thật đau. Bức tranh ghi lại những kỷ niệm trìu mến ngày nào của Loan như bị người ta bôi xóa, sửa đổi, cào nát đi. Để dằn nỗi xúc động, Loan ôm chặt con vào lòng.
Thằng bé gần bốn tuổi, miệng cười thích thú. Nó vỗ tay, miệng cũng la "bis, bis". Bên cạnh là anh của nó gần sáu tuổi, đôi mắt ngời sáng, đang rướn mình lên vỗ tay thật to. Nó bắt chước những người khác, hai chân dậm dậm xuống sàn nhà. Nó thường hãnh diện khoe với vợ chồng Loan: "Con biết Sàigòn nè mẹ, còn thằng Cường nó không biết gì hết. Con là Việt Nam, còn nó là Mỹ".

Thật vậy, thằng bé yêu mến Việt Nam, yêu mến Sàigòn qua những bức ảnh mà vợ chồng Loan mang theo và những hình ảnh mà vợ chồng Loan đã mô tả cho nó nghe trước những giờ ngủ. Những hình ảnh đó bao gồm cả ông bà nội bà nội, các cô chú của nó còn kẹt lại Việt Nam. Mỗi buổi tối, nó hay theo Loan đốt nhang lạy Phật. Nó luôn cầu nguyện: "Xin Trời Phật 'làm' cho ông nội bà nội con mau qua". Nó không biết nói tiếng phò hộ, mà lại dùng chữ  "làm". Nhưng đó là ý nguyện chân thành của tuổi thơ. Nó chưa biết viết nên nó thường hay vẽ ông bà nội nó theo hình của ông bà chụp vào ngày cưới của vợ chồng Loan. Ông nội thắt cà vạt mang giầy còn bà nội mặc áo dài bông, choàng khăn, trên đỉnh đầu có búi tóc. Nó thường hay đọc thư cho Loan chép để gửi cho ông bà nội của nó. Nó đọc say sưa, tay chống cằm, có khi dừng lại chép miệng, nhíu mày suy nghĩ. Nhiều khi viết không kịp, Loan phải gắt nó ngừng lại. Loan còn nhớ một vài đoạn nó nói: "Ông nội ơi, con nhớ ông nội, ông nội có nhớ con không? Con tên là Thịnh, thằng em của con tên là Cường. Hồi đó ông nội ẵm con, con đái ướt ông nội đó. Hồi đó con còn nhỏ, bây giờ con hơi lớn rồi. Ông nội ơi! Chừng nào ông nội qua? Chừng nào bà nội qua? Ông nội qua, con cho ông nội cây gậy, con cho ông nội nằm giường của con, con dắt ông nội đi chơi, đi Disneyland, đi Sea World xem cá bay. Con cho ông nội chơi đồ chơi của con. Ông nội ơi, con muốn ông nội qua mau mau đặng chơi với con, mà Việt Cộng nó ác quá, nó hổng cho ông nội qua. . ."

Loan nhớ mình hơi khựng lại khi nghe đến hai tiếng Việt Cộng. Loan không biết phải đổi thành chữ gì cho ổn mà gia đình vẫn hiểu, vì Loan sợ thư không đến tay ông bà nội nó, hoặc có thể gây khó khăn cho gia đình. Loan cũng không muốn sửa đổi ý của thằng bé. Cuối cùng, Loan viết tắt hai chữ VC thật nhỏ, thật khó xem, thế nào gia đình cũng đoán ra khi đọc đến chỗ "nó ác quá", vì còn ai ác hơn Việt Cộng đâu.

Thư bên nhà gửi qua cho biết, cả gia đình rất xúc động khi đọc những lá thư và xem các hình vẽ của thằng bé. Thư của bà nội chúng nó nói: "Bà nội nhớ các cháu quá. Bà muốn ôm các cháu hôn mà không biết làm sao, cháu ơi. . ."
Loan thường nghĩ, các con của Loan rồi đây sẽ lớn lên ở xứ người. Tình yêu thương dân tộc, tôn giáo, tình yêu gia đình, sự hiếu thảo, lòng tôn kính đối với ông bà và ngôn ngữ của chúng sẽ ra sao? Nếu chúng là những đứa mất gốc, không nói được tiếng Việt Nam, chê thức ăn Việt Nam, cuộc sống của chúng nó đi ngược lại luân lý Á Đông, chúng không biết thưởng thức một bản nhạc, một bức tranh, một đoạn văn mang nặng tình tứ dân tộc, thì đó là lỗi của vợ chồng Loan. Loan biết mình không thể đổ lỗi cho sự bận rộn vì mưu sinh của vợ chồng nàng, vì điều quan trọng hơn hết là sự muốn và không muốn.

Loan còn nhớ, cách đây vài tháng có vợ chồng một người bạn mới quen đến chơi, họ có dắt theo mấy đứa con. Các đứa bé nhập bọn chơi với nhau và nói toàn tiếng Mỹ. Như mọi khi, vợ chồng Loan rầy con không được nói tiếng Mỹ ở nhà. Các con của Loan bèn nói tiếng Việt, thì các bạn mới không hiểu. Vợ chồng người bạn hơi có vẻ ngượng, nhất là khi đôi bên đối thoại với nhau, cha mẹ nói tiếng Việt và phải lặp lại bằng tiếng Mỹ thì các con mới hiểu. Vợ chồng Loan hơi ngỡ ngàng. Khi họ ra về, Loan suy nghĩ nhiều và cảm thấy lo sợ. Các con của Loan rồi đây dần dần lớn lên, thời gian ở trường của chúng sẽ dài hơn, chúng sẽ tiếp xúc với thầy cô, bạn bè Mỹ nhiều hơn, liệu tiếng Việt của chúng có còn lưu loát như ngày hôm nay không? Liêm đã trấn an nàng: "Anh biết là khó, có thể là rất khó, nhưng không phải là mình làm không được. Điều cần nhất là mình phải cố gắng và tiếp tục những gì mình đã làm. Mỗi ngày, chúng mình dành một số thì giờ cho con. Mỗi bữa ăn, anh đều biểu chúng kể chuyện ở trường, vừa biết được sinh hoạt của chúng, vừa cho tụi nó có dịp nói tiếng Việt Nam. Mỗi buổi tối, anh hoặc em kể chuyện cho chúng nghe về Sàigòn, nhắc nhở ông bà ở bên này cũng như gia đình ở bên Việt Nam, rồi nghe nhạc Việt Nam. Chơi với bạn bè, thì lựa những người nào có con biết nói tiếng Việt Nam để chúng chơi với nhau. Anh thấy như vậy cũng đủ lắm rồi".

Từ lúc Loan để băng nhạc "Quê Hương và Lòng Mẹ" cho các con nghe vào những giờ chúng vào giường ngủ, hai đứa con nàng đều ghiền nghe nhạc Việt Nam. Thằng lớn hiểu biết hơn, mỗi khi Loan không để nhạc thì nó nhắc. Chúng nó thích nhất là bản "Việt Nam! Việt Nam!" của Phạm Duy và bản "Lòng Mẹ". Không như lúc trước, chúng bắt chước cô nàng bê-bi-xít, về nhà cứ mở nhạc Mỹ rồi nhảy Disco. Nhất là khi nghe bản "Saturday Night Fever", chúng hát theo, rồi bắt chước John Travolta nhào lộn, tay chỉ dưới đất tay chỉ lên trời, rồi uốn qua uốn lại. Phải công nhận trẻ con bắt chước thật là nhanh. Loan còn nhớ, sau khi qua Mỹ vài tháng, đứa con lớn của nàng mới hai tuổi, một vài lần Loan thấy nó đứng dạng chân ra, hai tay nắm lại, đưa hai ngón cái lên trời. Sau đó Loan mới biết nó bắt chước anh chàng Henry Winkler đóng vai Fonzie trong chương trình Happy Days chiếu trên tivi. Trẻ con bắt chước rất nhanh nhưng cũng chóng quên, miễn là cha mẹ chịu khó theo dõi và hướng dẫn theo những con đường mà mình muốn, để có ích lợi cho nó và cũng nhằm đào tạo nó trở thành một con người, nếu không làm gì hữu ích cho dân tộc thì cũng là một con người thuần túy Việt Nam.

Thấy những đứa bé Việt Nam da vàng mũi tẹt mang tên Mỹ, hễ nghe tiếng Việt thì ngơ ngơ ngẩn ngẩn như người ngoại quốc, Loan thấy làm sao ấy. Loan nhớ đến những lời thổ lộ của một anh bạn Mỹ gốc Việt Nam đã qua đây lâu: "Lúc đầu tôi cũng hãnh diện được làm người Mỹ, sống với cha mẹ nuôi người Mỹ, tôi chỉ nói tiếng Mỹ và giao thiệp với bạn Mỹ. Nhưng, dần dần tôi cảm thấy cô đơn giữa đám người đó. Mình cũng ăn thức ăn của họ, nói tiếng họ, nhưng nhìn quanh thấy da họ trắng, mắt họ xanh, chỉ có mình là da vàng, tóc đen, tôi thấy cô đơn và bị mặc cảm. Dù cho tiếng Mỹ mình có giỏi đến đâu cũng không bằng họ, thì làm sao có sự cảm thông hoàn toàn được? Tôi cũng biết khá nhiều tiếng lóng, nhưng đôi khi họ xúm nhau cười, còn mình thì hiểu chưa kịp".

Tiếng vỗ tay và reo hò của khán giả cắt đứt tư tưởng của Loan. Trên sân khấu, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, tức Hoài Bắc xuất hiện sau lời giới thiệu của nhà văn Du Tử Lê. Trông ông có vẻ khắc khổ hơn, nhưng không khác xưa mấy. Ông bày tỏ sự sung sướng được hát trở lại và than phiền một tờ báo đã loan tin Thái Thanh đi được. Theo Hoài Bắc thì Thái Thanh không đi, vì còn mẹ. Loan nhớ mình buồn nhiều, khi nghe một tờ báo nói Thái Thanh bán nước giải khát để sinh nhai. Loan nhớ Loan đã ứa nước mắt khi đọc bài "Tiếng hát Thái Thanh sau ngày mất nước" của Hoàng Hải Thủy đăng trong Thời Tập số 2. Trong bài này, Hoài Bắc đã đàn cho Thái Thanh hát. Hoàng Hải Thủy đã miêu tả: "Trong ánh đèn mờ, nàng đứng cạnh dương cầm, dáng hoa gầy guộc, thật gầy. Tôi gầy nàng lại gầy hơn. Nàng là đàn bà, nàng đau đớn nhiều hơn tôi. . ."Bài này là tác phẩm thứ hai nhà văn Hoàng Hải Thủy đã gởi cho độc giả "Ngụy thân ái" của ông ở nước ngoài.

Sau bản "Đôi Mắt Người Sơn Tây", Hoài Trung và Mai Hương bước lên cùng hát với Hoài Bắc bản "Ly Rượu Mừng" làm Loan nhớ Tết bên nhà làm sao. . . Suốt những ngày Tết, radio, truyền hình cứ lặp đi lặp lại bản này hoài, làm Loan thấy mình nôn nao một niềm vui khó tả.

Nhứt là những ngày còn bé, trong những âm thanh này, Loan mặc áo mới, cứ tới ngày móc túi ra đếm đi đếm lại đồng tiền lì xì. Tiền chẵn bỏ vào túi, còn tiền lẻ thì đặt xì dách, bài cào. Ở phòng khách, năm nào cũng có chậu hoa mai. Loan thích nhất là đi chợ hoa vào những ngày gần Tết. Ba hay dắt mẹ và chị em Loan đi chụp hình. Mẹ thích lựa cây quất thật to, trái thật nhiều, vàng tươi.

Đường Nguyễn Huệ những ngày hôm đó toàn là hoa. Nhiều hoa quả, chậu nào cũng đẹp, không biết đâu mà lựa. Loan hay đòi mẹ mua những chậu ớt có những trái đỏ tròn và nhọn; mẹ bảo ớt kiểng không cay đâu. Loan lựa những cành mai có búp thật nhiều, thật to, bảo mẹ mua; mẹ bảo cành mai này héo rồi, họ ngâm nước đó, mang về mồng một rụng hết, chẳng có nở đâu. Mẹ thích mua nguyên cây mai, sau ngày Tết mẹ đem trồng ngoài vườn.

Những năm sau, hễ Tết đến, những cây mai nở rộ, cả nhà ra vườn chụp hình. Mảnh vườn nhỏ trước nhà Loan, mẹ chăm sóc kỹ, mỗi lần sắc thuốc uống, mẹ hay lấy xác thuốc làm phân. Năm gia đình Loan đi, những cây ổi, cây mận giống thật tốt, bắt đầu có trái. Những người em họ viết thư sang cho hay thảm cỏ và sân vườn nhà Loan được bới lên trồng rau, trồng khoai để sản xuất; các cửa sổ đều bị gỡ. Loan chợt nghĩ: còn phòng thờ thì sao? Căn phòng mẹ mỗi ngày lui tới lau chùi, tụng kinh niệm Phật, bây giờ họ trưng dụng làm gì? Loan không dám nghĩ thêm. . .

Khi những câu đầu tiên của bản "Ngựa Phi Đường Xa" vừa được ban hợp ca Thăng Long cất lên, hội trường Crawford Hall của đại học UCI như lên cơn bão. Dưới nhà, khán giả vỗ tay; trên lầu, khán giả dậm chân. Nhất là khi Hoài Trung bắt chước tiếng ngựa hí, rồi tiếng vó ngựa phi. Liêm chép miệng: "Hoài Trung vẫn còn đủ phong độ, em nhỉ?" Loan nói: "Mai Hương hát cũng hay, nhưng phải chi có Thái Thanh hén anh! Tội nghiệp cô ấy quá!"

Chương trình hôm nay, theo nhà văn Du Tử Lê, là để mừng sáu văn nghệ sĩ mới vượt biên. Đó là nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương; nhà văn Đỗ Tiến Đức, tác giả truyện phim "Ngọc Lan"; vua du ca Nguyễn Đức Quang; nhà báo Duy Sinh; và cặp Lê Uyên và Phương.

Sự hiện diện của các văn nghệ sĩ hôm nay đem đến cho Loan biết bao là cảm xúc và suy tư. Không phải chỉ riêng với những người này, mà mỗi lần gặp bất cứ một nhạc sĩ, nhà văn, họa sĩ, nhà báo, nhiếp ảnh gia, hay thi sĩ mà Loan đã cảm mến qua các tác phẩm của họ, Loan đều thấy xúc động. Loan có cảm tưởng như giữa Loan và họ được liên lạc bằng một thứ tình cảm riêng. Đó không phải là tình giòng họ, tình bạn hay tình yêu, mà là thứ tình yêu dân tộc. Phải chăng bức họa gợi nhớ hình ảnh quê hương với cậu bé mục đồng thổi sáo bên cạnh chú trâu già; rồi những ca khúc, những bài thơ, bài văn làm xúc động những người ly hương; những bài báo, bức ảnh nói lên nỗi thống khổ của đồng bào bên quê nhà, cũng như trên mặt biển. . .

Loan nhớ mãi không quên bài "Bọn kiêu binh Thái Lan giết chồng tôi" của bà Đặng Thị Bê đăng trong Diều Hâu số 2. Những lời kể chân tình của người đàn bà đầy đau khổ đã làm cho Loan se thắt tim, và Loan đã khóc mỗi lần đọc lại bài báo đó. Tàu cảnh sát hải tặc đã bắt vợ chồng bà và đuổi những người còn lại trở ra biển. Ông Vĩnh, chồng bà, bị trói vào chân cây đại bác để chứng kiến cảnh 12 tên cảnh sát Thái hãm hiếp vợ mình. Trong lúc bà Bê dở sống dở chết, họ đã bắn vào đầu chồng bà một phát súng. . . Trước kia, bà Bê đã gặp ông Vĩnh khi bà theo học ngành xã hội học tại đại học Georgia. Năm 1972 bà tốt nghiệp và nhận giúp việc cho chương trình nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em da đen. Ông Vĩnh tiếp tục lên cao học và đổi từ ngành khoa học không gian sang ngành xã hội học, vì ông cho rằng ngành này không phục vụ thực tế cho xứ sở.

Năm 1973, hiệp định Ba Lê được ký kết, hai vợ chồng bà về nước, tình nguyện phục vụ cho chương trình cô nhi của hội Hoàn Cầu Khải Tượng tại Sàigòn. Khi cộng sản chiếm miền Nam, hai ông bà quyết định ở lại để phục vụ lý tưởng. Bị cộng sản điều tra nhiều lần, ông bà đã cố giải thích rằng trên đất Việt Nam, người Mỹ không phải chỉ có GI và CIA, nhưng ông Vĩnh vẫn bị ghép vào tội làm gián điệp cho CIA và bị tống giam. Để chuộc lại tự do cho chồng, bà Bê phải đút lót hết số tiền dành dụm và hiến thân cho một tên thiếu tá cộng sản tên Nguyễn Văn Sách. Khi được tự do, ông Vĩnh hoạt động kháng chiến quân, cộng sản lại bắt bà Bê bỏ tù. Bà Bê bị một nữ cán bộ cộng sản tên Thân, da đen mặt rổ, đánh đập, lột quần náo, liệng đỉa vào người. Khi mụ này lột quần lót của bà Bê để cho đỉa bò vào, bà sợ quá, khai dối rằng chồng bà đang ở Cà Mau, họ mới tạm tha. Vợ chồng bà được sự giúp đỡ của anh em kháng chiến quân nên đã vượt thoát đến bờ biển Thái Lan. Những tưởng sang được nước ngoài để hoàn thành nhiệm vụ mà những người ở lại giao phó. Nào ngờ. . .

Loan thầm nghĩ, những người mới tới, không ít thì nhiều chắc hẳn cũng có một tâm sự bi thương. Hai tiếng "mới tới" làm Loan lại tự đặt ra nhiều câu hỏi. Không hiểu các văn nghệ sĩ kia có yên nơi yên chỗ chưa? Họ đã đủ quần áo, bàn ghế, vật dụng trong nhà? Và nhất là giấy tờ? Họ có bị "hành", bị "dằn vặt", bị nói "chạm tự ái" khi đi lo thủ tục giấy tờ như những người mà vợ chồng Loan biết không? Và cũng không hiểu họ có bị "người Việt Nam mình" đã may mắn qua trước, làm ở cơ quan tìm việc, dạy rằng: "Các ông các bà còn khỏe lắm, nên đi tìm việc làm đi, đừng xin eo phe, Mỹ nó cười. Xin eo phe là hại cho những người còn kẹt trong trại".

Loan chua chát nhớ đến buổi phát thanh bằng tiếng Việt Nam vào một chiều thứ Bảy. Người xướng ngôn viên đọc bài bình luận rất hùng hồn. Ông ta gằn từng tiếng: "Có nhiều người, bà con của họ mới xuất trại đã vội vã dắt đi xin eo phe. Đó thật là một hành động ích kỷ!" Những lời nói đến với Loan thật bất ngờ. Loan không hiểu người viết bài bình luận này là người Việt Nam hay ngoại quốc? Nếu là người Việt Nam, sao họ lại đành tâm viết những lời như vậy? Khi nghe những lời mà họ viết, và biết rằng những lời ấy đến tim, đến óc đồng bào mình, họ có bị lương tâm cắn rứt không? Hay vẫn vui vẻ đợi ngày xòe tay nhận đồng lương chính phủ Mỹ? Buổi phát thanh này, đúng vào lúc mà đồng bào mình đang đông nghẹt ở đảo Bidong. Vậy thì đó là những lời khuyến khích để người Việt mình lo thủ tục bảo trợ những người trong trại, hay làm chùn chân những người tuy muốn nhưng không đủ sức nuôi thêm những người mới? Nếu nói rằng đủ sức nuôi, thì có bao nhiêu đồng bào mình đủ sức như vậy? Ai cũng đi làm đi học, đầu tắt mặt tối, vừa nuôi thân, nuôi gia đình, vừa gởi về Việt Nam, vừa đóng thuế chánh phủ Mỹ. Có nhiều người lại cố dành dụm hoặc vay tiền nhà băng để cho thân nhân vượt biển. Nếu ca ngợi đồng bào bên nhà ta, đừng quên ca ngợi đồng bào tị nạn ở bên này. Những người đến trước, học hành đỗ đạt, có công ăn việc làm, đóng thuế để giúp cho những người mới đến.

Qua các thống kê thì tiền thuế của người Việt tị nạn đóng góp cho chính phủ Mỹ không phải là nhỏ. Nếu cho rằng hưởng trợ cấp xã hội để đi học nghề, học anh văn hay trở lại đại học để tiến thân là điều xấu hổ, hãy đọc bài "Medicaid Abuse: Even worse than feared" (Lạm dụng cứu trợ y tế: sự thật còn tồi tệ hơn là người ta vẫn e sợ) đăng trong US News & World Report, để biết, trong năm rồi, giới y sĩ, các nhà thương, viện dưỡng lão, nhà bào chế Mỹ ăn gian chánh phủ họ hơn 8 tỉ đô la. Những nhà dưỡng lão vẫn đòi tiền chính phủ với tên của các cụ ông cụ bà đã chết cả năm trời; các nha sĩ thì đòi tiền răng đến 38 cái cho mỗi bệnh nhân, trong khi hàm răng trung bình của mỗi người lớn là 32 cái. Các phòng thí nghiệm đã tính 42$ cho bệnh nhân hưởng medicare mỗi lần thử nghiệm, trong khi nơi khác chỉ tính 5$. Hiện nay, ít hơn phân nửa tổng số các tiểu bang Hoa Kỳ áp dụng hệ thống quản trị chương trình trợ giúp y tế bằng điện toán, trong khi những tiểu bang khác vẫn còn dùng người để kiểm soát hồ sơ.

Khi cơ quan an sinh xã hội (HEW) kiểm soát với máy điện toán, riêng một số trong 275,000 hồ sơ của các bác sĩ và nhà bào chế, thì khám phá ra 47,000 cái gian lận. Tại Chicago, nhà bào chế Allen Zipersten và một số chủ nhân của những dưỡng đường và nhà thuốc bị buộc tội gian lận nhiều triệu đô la trong chương trình trợ giúp y tế của chánh phủ. Trước khi nội vụ được đem ra tòa, Zipersten và một người bạn bị giết và ba người khác chết một cách bí mật. Về phía người được cấp thẻ y tế, thì tại Michigan, một bệnh nhân Mỹ đã chạy chọt được đến 253 toa bác sĩ trong vòng ba tháng. Đấy chỉ là một vài thí dụ nhỏ thôi. Vậy thì đồng bào tị nạn của mình chịu bao gian khổ dưới chế độ cộng sản, trên mặt biển, và chịu bao thiếu thốn, đợi chờ cả năm trời ở các trại tị nạn vừa chân ướt chân ráo đến đất Mỹ, xe cộ, nơi ăn chốn ở chưa có, Anh văn chưa biết, sự hãi hùng lo sợ chưa quen, mà những người đứng ra phải giúp đỡ họ hết lòng, tại sao lại phải dọa nạt, làm khó dễ với họ? Một hôm, vợ chồng một người bạn hốt hoảng đến nhà Loan hỏi: "Hôm qua tụi này đi làm giấy tờ, ông worker nói hễ lãnh eo phe thì bị trả về Việt Nam, có phải thật vậy không?" Vợ chồng Loan tưởng mình nghe lầm. . .

Hội trường bỗng ồn ào một cách bất thường. Trên sân khấu, ký giả Duy Sinh bắt đầu nói chuyện với đề tài "Tường trình mới nhất về Việt Nam". Bài nói chuyện đúng ra phải được sắp xếp vào đầu chương trình mới có không khí. Tuy nhiên, Loan cũng thấy khó chịu về sự kém lịch sự của khán giả. Họ nói, họ cười, họ đi mua nước uống, thức ăn, họ đi. . . về. Trên sân khấu, diễn giả vẫn kiên nhẫn nói cho những người cố gắng nghe tiếng mất tiếng còn. Ông căm phẫn cảnh sát Thái Lan đã tàn nhẫn với thuyền nhân. Ông nói về các bộ mặt chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của miền Nam bấy giờ. Loan nghe nói ông sắp ra tờ báo mang tên Quê Hương, số đầu sẽ ra mắt vào dịp Tết. Loan thấy ái ngại cho ông, vì sống gần năm năm nơi đất người, Loan biết ra báo, nếu không vì ham danh hay mưu đồ tư lợi, mà vì lý tưởng muốn phục vụ dân tộc, là cả một sự hy sinh. Loan nhớ cách đây bốn năm, tờ Quê Hương của nhà văn Du Tử Lê số 2 phát hành vào cuối tháng 4-76 có kèm lá thư ngỏ. Nhà văn này đã than rằng trong tòa soạn có năm người đi làm, ba người phải nghỉ để lo cho tờ báo và tiền lương khiêm nhượng của hai người kia không đủ bù đắp cho chi phí ấn loát. Ông kêu gọi độc giả giúp cho tờ Quê Hương tồn tại bằng cách gửi cho Quê Hương từ 1 cent đến 100 đồng. Cuối thư, ông khẩn thiết kêu gọi: "Quê Hương đã được đặt vào lòng tay quý vị. Quý vị có thể bóp chết hay tiếp hơi cho sống lại, và chỉ quý vị mới có quyền đó mà thôi". Và tờ Quê Hương, một tạp chí thông tin, quảng bá và phát huy văn hóa Việt, lặng lẽ rời các sập báo, vì tờ Quê Hương, theo Du Tử Lê, đã quyết định ngay từ phút đầu: không nhận tài trợ, không nhận giúp đỡ, để giữ thế độc lập; báo sống hay chết, do nơi bạn đọc và thân hữu. Tờ Quê Hương chết, nhưng cái đẹp của người làm báo chân chính vẫn còn. Đó là tờ Quê Hương của Du Tử Lê. Còn tờ Quê Hương của Duy Sinh sẽ ra sao? Sau tờ Quê Hương của Du Tử Lê, một số báo khác phải chết non, như tờ Bút Lửa của Lê Tất Điều và một số anh chị em nhiệt huyết ở San Diego; hãy cố gắng thỉnh thoảng xuất hiện như Thời Báo của Đào Nhật Tiến ở Texas; Thời Tập của Viên Linh ở Virginia; Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến và Lê Tất Điều; hoặc tờ Đông Phương, một tạp chí văn nghệ biên khảo của Thế Vũ. . . dần dần vắng bóng, vì tiền mua hai tờ báo, người ta mua được một vé ciné hoặc ăn được hơn một tô phở; và 4 tờ báo người ta mua chưa được một cái vé nhảy đầm. . .

Rồi lại thêm một vài chợ có kèm quán ăn, cho xem báo cọp. Ờ, vừa no bụng vừa xem báo miễn phí, tội gì nữa! Những tờ báo nhăn nheo, ế ẩm là lỗi ở ai? Ở chủ tiệm hay ở người xem cọp? Hay người làm báo có lỗi?

Loan quý tất cả những tờ báo ở hải ngoại, vì mỗi tờ báo đều mang sứ mệnh bảo tồn ngôn ngữ Việt. Báo trí thức, báo chính trị hay báo bình dân, đều có một giá trị riêng. Nếu tất cả đều là báo trí thức, thì độc giả bình dân lấy gì xem? Người thích xem tin tức, kẻ thích xem bói toán, chuyện khoa học, tiểu thuyết kiếm hiệp hay chuyện tình. Độc giả hải ngoại không phải là những người dễ bị gạt. Họ đều có bạn bè, thân nhân bên nhà. Họ biết tin nào đúng tin nào sai. Đừng nghĩ rằng một tờ báo bán chạy là độc giả của họ tin hết những lời tờ báo ấy nói. Loan chỉ đánh giá các tờ báo qua giá trị ngôn ngữ, còn nếu một hai tờ báo có mưu đồ đen tối, thì chính những người cầm bút theo chiều hướng đó chịu tội riêng với lịch sử.

Hội trường của đại học Irvine bắt đầu lấy lại không khí, khi du ca Nguyễn Đức Quang xuất hiện. Anh hát bản "Đèn Cù", "Người Anh Vĩnh Bình" rồi "Cho Đồng Bào Tôi". Nguyễn Đức Quang may mắn hơn nhiều người vì anh có bạn văn nghệ cũng như bạn cùng học chính trị kinh doanh với anh. Ở xứ người, ngoài tình gia đình, còn gì an ủi, quý mến hơn tình bạn. Anh đã họp bạn tại nhà để cùng tâm sự, cùng hát. Hát để ca ngợi quê hương. Hát để nhắc nhở kẻ ly hướng nhớ mãi những gì mình phải làm. Trong các bản nhạc cũng được hát tại nhà anh Quang, Loan nhớ nhất bài "Tháng Tư Đen" của Phạm Duy, do chính người nhạc sĩ già hướng dẫn hát.

Tháng Tư Đen
Xin cúi đầu một phút
Nhớ anh em
Sống trong ngục tù
Tháng Tư Đen
Nuôi cho sâu hận thù
Mong và chờ
Về Việt Nam ước mơ. . .
Này người Việt ở trên thế giới
Nào cùng nhau họp chung khí giới
Cất tiếng đòi tự do cho đồng bào ta. .
.

Loan rời đại học Irvine trong cái lành lạnh về đêm của Cali. Những giây phút gặp gỡ của kẻ mới người cũ mang nhiều xúc động, vẫn còn lưu luyến trong lòng nàng. Nhà văn Du Tử Lê và các anh em sinh viên tại đây đã thành công qua buổi văn nghệ hôm nay. Tổ chức một buổi văn nghệ miễn phí với sự góp mặt của các văn nghệ sĩ nổi tiếng, cùng với sự đóng góp của các ca sĩ, nhạc sĩ đã đến định cư trước, và của các anh chị em sinh viên, là cả một sự cố gắng và hy sinh. Sự hy sinh của người trình diễn cũng như của kẻ tổ chức.

Các anh chị em cũng đã may mắn hơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa khi ông tổ chức buổi Nhạc Vàng tại đại học Fullerton, vì hôm nay, quanh đây không có ai tổ chức nhảy đầm.
Long Beach, 9-1-80

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10074)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 53770)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 30862)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41244)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42195)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48253)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40865)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40612)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42548)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38961)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44426)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39530)
1,863,880