Đảng Tính Trong Nhà Thương Đảng Tính Trong Trường Học Và Những Tiều Phu Tóc Dài Ở Mã Lai

23 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 12412)
Đảng Tính Trong Nhà Thương Đảng Tính Trong Trường Học Và Những Tiều Phu Tóc Dài Ở Mã Lai

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI ĐI SAU

"Tôi không thể nào chấp nhận được quan niệm y khoa là để phục vụ riêng cho Bác và Đảng. Đối với tôi, cũng như những bác sĩ đã tốt nghiệp trong một nước độc lập tự do, y khoa là để phục vụ con người, không phân biệt giai cấp. Trước mắt chúng tôi, chỉ có bệnh nhân. Nhưng cộng sản dạy: Trước khi khám bệnh, phải định giai cấp của bệnh nhân, xem họ thuộc thành phần tư sản, lao động hay gia đình cách mạng. Sau đó, phải tùy theo giai cấp mà khám kỹ hay không và cũng tùy theo giai cấp mà điều trị."
Đó là lời của bác sĩ Huỳnh Thêm, người đã sống 1 năm 15 ngày trong trại cải tạo. Sau một năm bị quản chế tại nhà, bác sĩ Thêm bị buộc phải làm việc tại bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa Cần Thơ cho đến khi thoát khỏi tay cộng sản trong cuộc vượt biển lần thứ tư.
Ngoại trừ một người em trai đã định cư tại Pittsburgh, gia đình bác sĩ Thêm hiện có sáu người: 2 vợ chồng ông, 2 cậu em trai và 2 cô em gái. Tất cả đã dành cho chúng tôi một buổi phỏng vấn tại ngôi nhà chung cư mà ông đã mướn tại vùng Bellflower, Long Beach.
Rời Việt Nam ngày 17-3-78, sau ba ngày ba đêm lênh đênh trên biển, gia đình ông đến Mã Lai và sống tại đây tám tháng trước khi đến Mỹ vào đầu tháng 12-78. Gia đình ông đã được ông bà Mục sư của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tại Long Beach bảo trợ qua cơ quan IRC.
Bác sĩ Huỳnh Thêm đã đậu thủ khoa khóa 11 Y-Nha-Dược-Sĩ, trưng tập năm 1969 với bằng chuyên môn về giải phẫu tại Đại học Y khoa Sàigòn. Sau đó, bác sĩ gia nhập Quân đội VNCH và phục vụ tại Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ cho đến ngày cộng sản cướp quyền.
 Tháng 6-75, ông bị cộng sản giam tại Nha Cảnh sát Cần Thơ cũ, trong một nhà giam bề ngang 30 thước, dài 50 thước, cùng với 300 người khác. Sau đó, ông được chuyển đến trại gia binh của Trung đoàn 33 cũ ở Trà Nóc, nơi cộng sản tập trung 2,600 sĩ quan cấp bực đại úy. Đến tháng 4-76, ông bị đưa xuống vùng U Minh Thượng. Nhờ vợ ông hối lộ ti-vi, tủ lạnh, hàng vải cho các cán bộ cao cấp cộng sản, ông được trở về Cần Thơ vài tháng sau và được thả, trong khi các bạn ông vẫn còn bị tiếp tục "cải tạo".

Không muốn làm bác sĩ nữa
Khi về nhà, bác sĩ Thêm được cộng sản cho biết: ông bị quản huấn, tức không còn học tập trong trại tập trung nữa mà về nhà học tập. Nghĩa là ông được cách mạng "khoan hồng" cho quản chế, tức một thứ. . . tù treo. Trong thời gian bị quản chế, ông chỉ được tiếp xúc với hai nhà bên cạnh; nếu tiếp xúc đến nhà thứ ba là. . . phạm pháp. Mỗi ngày, ông phải làm tờ tự kiểm những gì đã làm từ sáng đến chiều, từ việc quét nhà đến việc trồng cây, nhất nhất phải ghi vào bản tự kiểm ấy. Thứ Bảy, ông phải đem tờ tự kiểm đến nộp cho viên cán bộ an ninh phường và thường bị hắn chửi rủa vào mặt, nào là "anh là bác sĩ, tay anh lúc nào cũng nhuốm máu đồng bào", nào là "tay sai Mỹ Ngụy" v.v. . .
Sau một năm bị quản chế, bác sĩ Thêm được "xã chế", tức là ông có thể đi lại trong thành phố một cách hợp lệ. Đến giai đoạn đó, bác sĩ Huỳnh Thêm bị Ty Y tế buộc phải học tập về chính sách y tế của cộng sản trước khi vào làm việc với họ tại bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần Thơ.
Ông kể lại một trong muôn ngàn trường hợp đau lòng đã xảy ra tại bệnh viện này, do chính sách y tế cộng sản gây ra: Vào cuối năm 1976, một chiến sĩ kháng chiến bị bắn xuyên qua đầu, được chở vào bệnh viện. Hôm ấy nhằm phiên trực của một bác sĩ cộng sản. Qua ngày hôm sau, đến phiên bác sĩ Thêm khám thì anh chiến sĩ kháng chiến vẫn còn quằn quại với vết thương, không một ai chăm sóc. Bác sĩ Thêm bèn cho y lệnh, cấp thuốc men để điều trị. Vì việc đó, ông bị một y tá cộng sản là chánh trị viên của bệnh viên gọi lên chửi mắng thậm tệ. Theo tên chánh trị viên này, ông đã không thi hành đúng đường lối y tế của cách mạng. Hắn cho rằng bác sĩ Thêm đã biết người bệnh là "phản động" mà lại khám bệnh; đó là một tội. Tội thứ hai: đã cho thuốc tên phản động. Tội thứ ba: đã vô nước biển cho tên phản động. Tội thứ tư: đã dám lấy thuốc trụ sinh quý giá để trị cho tên phản động.
Bác sĩ Thêm cho biết: mặc dầu bị chửi mắng nhiều lần, ông vẫn không thể nào thi hành đúng chỉ thị của cộng sản được. Ông nói:
 "Tôi suy nghĩ nhiều và không muốn làm bác sĩ nữa. Làm bác sĩ mà không được phục vụ bệnh nhân đúng lương tâm chức nghiệp thì thà tôi đi buôn bán hay làm bất cứ nghề gì để sinh sống. Nhưng họ không cho tôi bỏ nghề. Họ nói tôi là bác sĩ thì phải phục vụ Bác và Đảng. Tôi thấy chán nản đến cùng cực vì thấy cộng sản quá tàn nhẫn với dân chúng. Tôi cũng cảm thấy không thể nào sống dưới chế độ ngu xuẩn của cộng sản được, nên tôi quyết định ra đi. Khi ra đi, chúng tôi có mang theo thuốc độc cực mạnh để khi có bị bắt thì gia đình tôi sẽ tự tử chứ không để họ bắt được một lần thứ hai."

Trình độ bác sĩ cộng sản
Theo bác sĩ Huỳnh Thêm, thì cộng sản có bốn loại bác sĩ. Thứ nhất là bác sĩ tốt nghiệp Đại học Y khoa Hànội, được gọi là bác sĩ chính qui. Những bác sĩ này, sau khi hoàn tất các lớp trung học thì học năm năm về y khoa. Loại thứ hai là "bác sĩ giải phóng" tức những y tá của Việt Nam Cộng Hòa theo Việt Cộng, nếu có công với cách mạng trong vòng hai năm thì lên chức y sĩ, rồi hai năm sau nữa được làm bác sĩ. Loại thứ ba xuất thân từ Đại học U Minh là những bác sĩ rất kém về chuyên môn; có nhiều ông không biết băng bó nữa. Vì vậy nên có câu: "Băng theo kiểu Việt Cộng", tức là băng đại chứ không theo phương pháp gì hết. Họ cứ làm việc rồi lên chức theo thâm niên. Loại cuối, không có một trình độ văn hóa hay chuyên môn gì cả. Họ làm việc trong bệnh viện, lập công với đảng, lên chức từ từ rồi cuối cùng tự phong làm bác sĩ.
Theo bác sĩ Thêm, chuyện thường xảy ra tại bệnh viện và được những nhân viên cứ kể lại cho nhau nghe để cười trong khoảng thời gian mới giải phóng là: các anh cán bộ gặp những y công lớn tuổi trong bệnh viện, hay hỏi:
- Bà làm việc bao lâu rồi?
Khi được trả lời là 30 năm, các anh trợn mắt ngạc nhiên hỏi:
-Sao bà chưa lên chức bác sĩ?
 Theo nhận xét của bác sĩ Thêm và của các bác sĩ VNCH đã làm việc chung với cộng sản, thì về phương diện chuyên môn, bác sĩ chính qui chỉ bằng cán sự y tế của VNCH; bác sĩ giải phóng, bác sĩ U Minh và bác sĩ tự phong chỉ bằng hay thua y tá của VNCH trước kia.

Không bao giờ nên là bệnh nhân dưới chế độ cộng sản
_Dân Việt Nam mình đã khổ quá nhiều từ ngày bị cộng sản đô hộ. Nếu đau thì lại càng khổ hơn nữa. Cái khổ trước tiên của bệnh nhân là phải trả tiền. Trước, có bệnh viện miễn phí; nay thì bác sĩ tư không có, mà muốn bác sĩ công khám thì phải trả tiền. Bệnh nhân dù thuộc thành phần nào cũng vậy, đều muốn "bác sĩ Ngụy" khám. Nhưng việc khám bệnh và điều trị đều do cộng sản chỉ định. "Bác sĩ Ngụy" không có quyền có một sáng kiến nào hết. Cái khổ lớn nhất của bệnh nhân là tình trạng thuốc men càng ngày càng bi đát. Bác sĩ giỏi cho toa rồi không có thuốc thì bệnh nhân chỉ cắn răng mà chịu.''
Bác sĩ Thêm lắc đầu buồn bã nói tiếp:
"Đối với bệnh nhân đau nặng, việc phải nằm lại bệnh viện là điều khủng khiếp nhất, vì vừa phải đóng tiền mà vừa không có thuốc chữa.''
Ông giải thích: đối với ông thì ông cho là không có thuốc; nhưng đối với cộng sản, họ có thuốc, nhưng đó lại là thuốc giả. Ông cho một thí dụ về trường hợp bệnh nhân phải sang nước biển. Ông nói: trước kia nước biển (dextrose 5%) được viện bào chế O.P.V. bào chế theo công thức khoa học; ngay cả chai cũng như nắp đậy đều phải vô trùng tuyệt đối. Nay cộng sản chế Dextrose tại bệnh viện. Họ đun một nồi nước thật lớn trên lửa than; khi nước sôi, họ giở nắp ra lấy hơi nước dính trên nắp vung, cho nhễu xuống một cái nồi bên cạnh. Họ lấy nước đó pha với đường, làm Dextrose 5%.
Khi làm Normal Saline tức nước biển mặn thì họ pha muối vào.
Theo bác sĩ Thêm, bệnh nhân khi được vào nước biển này, phần nhiều bị phản ứng run rẩy, thành ra bệnh nhân đã đau lại càng đau thêm.
Bác sĩ Thêm cho biết là còn một thứ thuốc giết người nữa là NT9 (nhân trung). Cộng sản cho rằng thuốc này cấp cứu rất hay nhưng chính mắt bác sĩ Thêm thấy, thuốc này chích vào chết ngay. Cha đẻ của NT9 là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Y tế Bắc Việt. Nguồn gốc của loại thuốc này, theo chuyện được kể lại, như sau:
"Trước kia, mẹ bác sĩ Thạch bị bệnh tiêu chảy nhưng ông trị hoài không hết. Mẹ ông bèn đi uống thuốc tễ và hết bệnh. Bác sĩ Thạch bèn đi hỏi ông thầy thuốc tễ, thì ông này cho biết đó là thuốc gia truyền lấy phân người đốt rồi pha thuốc. Bác sĩ Thạch về nghiên cứu, thấy trong phân người có chất Potassium. Ông bèn lấy phân người chế ra loại thuốc NT9 mà ông cho là thuốc cải tử hoàn sinh. Năm 1975, cộng sản bắt đầu cho dùng thứ thuốc này tại miền Nam; các bác sĩ "ngụy" nhất loạt phản đối thuốc này. Năm 1977 thì có lệnh Hànội bảo phải ngưng sử dụng thuốc này, có lẽ vì đã có quá nhiều người chết vì nó.''
 Bác sĩ Thêm kết luận rằng: do sự ngu xuẩn, độc đoán và dối gạt trắng trợn của cộng sản như vậy nên tình trạng tử vong của bệnh nhân lên rất cao, mà chỉ có bác sĩ và nhân viên y tế "ngụy" biết mà thôi.

Mổ không thuốc mê
Khi được hỏi đến các trường hợp mổ bệnh nhân thì bác sĩ Thêm càng trở nên buồn bã. Ông nói:
"Ở các phòng mổ, bệnh nhân la hét là chuyện thường xuyên vì thiếu thuốc mê. Mà nếu có, thì loại thuốc mê bào chế tại Hànội, chích vào bệnh nhân vẫn tỉnh táo như không. Vì vậy nên bệnh nhân bị cột hết chân tay và thêm hai ba người đè.''
Ông cho biết, mỗi ngày phải mổ bụng, tay chân, ngực bệnh nhân trong những trường hợp như vậy, thật là khó khăn và đau lòng. Thảm thương hơn nữa là bệnh viện thiếu dụng cụ y khoa để giải phẫu, hay chỉ để may lại các vết mổ. Một cán bộ cao cấp trong Ty Y tế cho ông biết là họ đã chuyển hết số dụng cụ y khoa của Vùng IV Chiến thuật (theo bác sĩ Thêm, số này có thể dùng trong 10 năm nữa chưa hết) ra Hànội. Sau những cái thở dài, bác sĩ Thêm chua chát nói.
"Tôi đã cố gắng hết sức để cứu bệnh nhân với một tỷ lệ tối đa có thể. Nhưng hậu quả không do tài của bác sĩ mà do ảnh hưởng của thuốc men và dụng cụ.''
Theo bác sĩ Thêm, có hai bệnh mà bệnh nhân phải bị mổ nhiều nhất dưới chế độ cộng sản là: (1) bệnh sưng ruột dư và; (2) bệnh loét bao tử hoặc lủng bao tử. Bác sĩ Thêm cho rằng đó là hậu quả của tình trạng thiếu dinh dưỡng. Bác sĩ Thêm tâm sự:
 "Làm việc với cộng sản là những ngày dài đau khổ vì sự cắn rứt của lương tâm, và vì thấy nhiều bệnh nhân chết hết sức vô lý. Bệnh mình thấy cần mổ thì họ không cho mổ, mà bệnh nhân chưa đáng mổ thì họ bắt mổ. Khi bệnh nhân chết thì họ đổ thừa cho bác sĩ "Mỹ Ngụy"giết. Khi bệnh nhân hết bệnh thì họ nói đó là nhờ. . . cách mạng!''

Nỗi lòng người vợ
Hỏi đến tâm trạng người vợ khi chồng bị đi cải tạo, khuôn mặt bà bác sĩ Thêm bỗng u buồn:
"Lúc đầu cộng sản hứa 15 ngày sau anh Thêm sẽ được về. Nhưng ngày qua ngày anh ấy vẫn bặt tăm. Tôi cùng các bà khác họp nhau lại đi hỏi thăm tin tức của chồng. Chúng tôi đi rình lúc các anh đi đổ rác, hoặc chạy xe đạp, xe Honda theo xe chở cơm từ Khám Lớn sang khu An Ninh Nội Chính, nơi giam anh Thêm, trước là Nha Cảnh sát ở Bến Bắc Cần Thơ. Sáng nào chúng tôi cũng đi từ 6 giờ sáng, núp theo góc bụi, gốc, xem các ảnh có lảnh cơm không. Nhưng chúng tôi chỉ thấy thoáng xa xa, không nhận diện được đích xác. Trong khi đó, cộng sản lợi dụng lúc người đàn bà đang lo sợ bối rối, không biết tính toán, họ đến nhà hăm dọa, nói tôi là vợ của người tội lỗi, vì thời ngụy không tiếp tay cho. . . cách mạng. Bây giờ muốn chuộc tội, có thuốc men hay vật dụng gì quý, phải đem hiến hết cho Trạm Y tế phường nơi đây sẽ cấp giấy cho chồng mau về.
Cũng như những bà vợ khác lo cho chồng, tôi cho hết thuốc men dụng cụ của phòng mạch đến hiến cho họ và cố gắng "lao động tốt" như quét đường, đi móc đường mương theo đúng chỉ thị của họ. Ba tháng sau, chúng tôi được thăm chồng lần đầu, sau khi đã học tập đủ thứ về "Bác" và "Đảng". Được gặp chồng trong vòng 10 phút, tôi vô cùng xúc động vì anh Thêm như già đi 10 tuổi, tóc bạc, tay chân sưng vù và lở loét. Tôi cố gắng cầm nước mắt vì trước đó cộng sản đã dọa, nếu khóc, chồng sẽ bị nặng thêm sẽ bị cải tạo lâu.
Nói đến những nỗi khổ đau dưới chế độ cộng sản, người đàn bà 31 tuổi rưng rưng nước mắt kể:
"Khi mới cướp quyền xong, cộng sản bắt ông thân sinh, tịch thu nhà cửa, bắt thân mẫu tôi tra hỏi. Không chịu nổi sự dằn vặt tinh thần của cộng sản, bịnh tim của má tôi tái phát. Tôi vội chở mẹ lên bệnh viện Đồn Đất (Grall) ở Sàigòn, nhưng vì thiếu bác sĩ nên má tôi chết. Ở Sàigòn, không một ai thân thuộc nên tôi chở xác mẹ về quê. Chở xác chết đi đường lúc đó thật khổ, nên tôi phải dàn cảnh, để xác mẹ nằm trên băng ca, bên cạnh treo chai nước biển như một người bệnh còn sống. Tôi với cô em mướn xe chở xác mẹ về quê mà vừa đi vừa hồi hộp dọc đường. Khi về ngang Trà Nóc, nơi chồng và cha đang bị cải tạo lòng tôi đau như cắt, không biết làm sao báo tin về cái chết này. Cha tôi là người có chức vị cao trong quân đội nhưng khi mẹ tôi chết không một ai dám thăm hỏi. Bà con phải lánh xa, sợ liên lụy. Vừa lo đám tang cho mẹ, vừa nghĩ đến cha, chồng bị tù đày, gia sản tiêu tan, lại không còn bà con, bè bạn, tôi tủi thân chỉ muốn chết."
Đến đây, bà Thêm khóc òa. Cố nén xúc động bà tiếp:
 "Nhưng tôi nghĩ: nếu tôi chết, cha tôi, chồng tôi sẽ khổ hơn; các con tôi sẽ bơ vơ. Nên tôi cố gắng sống để tranh đấu cho đến ngày đưa được gia đình thoát khỏi nanh vuốt cộng sản.''

Hối Lộ
Bà bác sĩ Thêm cho biết, cũng như những người có thân nhân bị đi cải tạo, bà thường đi xem bói. Bà muốn hỏi lo cho chồng mau về nhưng sợ bị bắt và cũng không dám tâm sự ý định ấy với ai. Nhờ có người chị, bà lên Sàigòn, đến xem một ông thầy bói người Tàu ở ngã ba Trần Quốc Toản. Mỗi lần xem, ông thầy này lấy 10,000 tiền ngụy. Ông thầy nói: việc bà muốn làm sẽ thành tựu và có kết quả tốt. Mừng rỡ, bà trở về Cần Thơ nhờ một bà Việt Cộng nằm vùng dẫn đến vợ của một ông Chính ủy Quân khu 9 (vùng IV). Khi gặp bà vợ ông Tướng Vùng của cộng sản, bà hết sức ngỡ ngàng. Bà này vừa già, vừa quê, lại nhai trầu bỏm bẻm. Bà làm bộ làm tịch, làm khó làm khăn, rồi cuối cùng bằng lòng với số ti-vi, tủ lạnh, hàng vải, chén bát và quần áo hiến dâng.
Khi bác sĩ Thêm được thả, ông lại bị Trưởng ty cộng sản đưa đi Chương Thiện. Bà Thêm lại phải một phen lo lót nữa cho vợ tên Trưởng ty để chồng được về làm việc tại Cần Thơ.
 Hy vọng vượt biển khởi đầu thật xa vời đối với gia đình bác sĩ Thêm vì tiền bạc và tài sản đã cạn. Nhưng nhờ một ông chủ tàu quen, chỉ lấy một số tiền rất ít nên gia đình bác sĩ Thêm mới có cơ hội vượt biển.

Thầy trò thời cách mạng
Bà Thêm có ba người em trai và hai cô em gái. Một người em trai lớn trước phục vụ trong quân đội. Một em trai khác là sinh viên luật năm thứ hai. Cô em kế là sinh viên năm thứ ba Sinh Lý Hóa ở Thủ Đức, còn hai người em út học năm cuối trung học.
Sau khi cộng sản vào, Thủy và Tâm nộp đơn thi tú tài toàn phần. Thủy cho biết: cộng sản có ý vớt bộ đội nên bộ đội học thật dở cũng đậu. Thi tú tài, không cần lý lịch nên con ngụy cũng đậu; nhưng vô đại học họ kiểm soát lý lịch rất kỹ. Các bạn của Thủy và Tâm khai thật, đều bị đánh rớt. Riêng Thủy và Tâm nhờ gia đình bị cải tạo, đã có kinh nghiệm về cộng sản nên mạo khai là cha mẹ làm ruộng; nhờ vậy mà Thủy và Tâm vào Đại học Nông nghiệp Cần Thơ.
Theo Thủy và Tâm, sau này Đại học Cần Thơ chỉ còn hai ngành là Nông nghiệp và Sư phạm. Thủy nói:
"Sở dĩ em không dám chọn ngành sư phạm vì dưới chế độ cộng sản, thầy giáo sợ học trò. Trong lớp em có năm đảng viên; 2 ông làm trưởng lớp, 2 ông làm phó. Họ cứ ghìm giáo sư; nếu giáo sư nào giảng hơi sai đường lối cách mạng một chút là họ tố, báo cáo lên chi đoàn liền. Các môn Toán, Vật lý do các giáo sư ngoài Bắc vào dạy. Còn các môn khác do các giáo sư trước học ở Mỹ, Úc, Tân Tây Lan dạy. Các giáo sư này đều lộ vẻ chán nản. Trong giờ học, các ông cán bộ không biết gì hết, chỉ ngủ. Chừng dòm đồng hồ, thấy giờ rồi họ la lên "Tới giờ rồi nghe" hoặc "Hết giờ rồi". Nói xong, họ đi thẳng lên bàn giáo sư rót nước trà uống một hơi rồi bỏ về. Dù đang giảng bài nửa chừng hay chưa hết giờ, giáo sư cũng phải nghỉ dạy."
Nói đến đây, cô sinh viên 19 tuổi chớp đôi mắt thật to, cười rồi kể tiếp:
"Có lúc, thấy các anh vừa thức dậy, giáo sư hỏi các anh có hiểu gì không? Cán ngố bèn trả lời: "Từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ em chưa biết cái đó (độ F, độ C hay dấu móc [) là cái gì". Vậy mà giờ chánh trị họ nói như con két. Hễ hôm trước Lê Duẩn nói gì là hôm sau họ nói giống hệt, không thiếu một chữ.''
Tâm và Thủy còn cho biết, khi mới nhập học, sinh viên không ai dám chơi với ai vì không biết rõ thành phần của nhau. Học chung vài tháng thì chia phe rõ rệt. Các người con "Ngụy'' vì hoàn cảnh phải khai gian để nhập học thì chơi thân với nhau và không chơi với phe cách mạng nằm vùng. Thủy bỉu môi tiếp:
"Tụi nó làm phách và ghét tụi em ra mặt. Tụi nó ỷ lắm vì gia đình cách mạng cái gì cũng được ưu tiên, thi cử dễ dàng. Hễ mở miệng ra là "Bác" và "Đảng" và làm ra vẻ sành chánh trị lắm.''
Theo Tâm, khi làm bài thi, các cán bộ khều móc như điên. Họ được điểm đoàn viên và bài thi đều do giáo sư miền Bắc chấm, nên họ viết bậy viết bạ, hoặc chép bài của người bên cạnh chút đỉnh cũng đậu. Thủy cười, kết luận:
 "Thi chỉ cần 5 điểm là đậu. Mình thì có môn điểm cao, có môn điểm thấp. Còn cán bộ thi 10 môn thì năm, năm, năm, năm. . . đủ hết mười môn.''

 Xe đạp bị thương
Tậu được một chiếc xe đạp đối với các anh cán bộ là một việc hết sức cao sang. Vì vậy nên các anh lấy giấy dầu hay băng quấn hết xe lại, sợ trầy. Dân miền Nam thường gọi đùa là "chiếc xe đạp bị thương".
Khi gia đình ông Thêm rời Cần Thơ thì thành phố này không còn chiếc xe hơi nào gọi là "chiếc xe hơi bình thường" nữa. Xe nhà binh thì tan hoang, còn xe tư nhân các cán bộ cộng sản đang sử dụng thì không cửa, không đèn; cái thì không vè, móp méo, trầy trụa. Khi mới vào, nhiều anh cán ngố không biết ngồi xe hơi. Hễ leo lên xe là giơ cả hai chân gác lên kiếng xe. Các anh đưa ra nhận xét như sau:
"Gái Sàigòn thì đẹp ghê, nhưng đít có gân!''
Có lẽ vì các cô hay mặc xì-líp bi-ki-ni.
Theo gia đình bác sĩ Thêm thì khi đi ra đường chỉ cần nhìn nhau là biết người nào cộng sản, người nào quốc gia. Các cán bộ thì quần áo xùng xình, mang kiếng mát, viết dắt cùng miệng túi, mang dép râu. Các bà các cô miền Bắc vào thì đầu thắt bím, áo cũn cỡn trên lưng, quần vải đen ống túm và đa số đi chân không. Bác sĩ Thêm nói:
"Trông họ chẳng có một chút gì nề nếp và mỹ thuật cả.''
Bà Thêm cho biết sau khi cộng sản tịch thu hết các cửa hàng, nhà buôn, họ xếp đặt chợ búa lại. Mỗi nơi bán một loại hàng. Bà nói:
"Nếu theo một hoàn cảnh hoặc địa lý khác thì không sao, nhưng ở Cần Thơ thì không hợp chút nào. Chợ Cần Thơ thì lớn và dài suốt một con đường mà thịt cá bán đầu chỗ này, rau cải bán đầu chỗ kia. Muốn mua cho đủ đồ để nấu một bữa ăn, người nội trợ phải đi một vòng thật lớn, mất rất nhiều thì giờ.''
Bà kết luận:
 "Chợ búa dần dần cũng thưa thớt vì ít kẻ bán cũng như người mua. Nhà nào cũng cạn dần đồ đạc lẫn quần áo. Họ chỉ còn lại một số quần áo cũ để mặc mà nay cũng đã bắt đầu rách rồi. Dân chúng thường than với nhau là nếu mà cây cột đèn biết đi thì nó cũng vượt biển nữa.''

 Những người ở trần, tóc dài, tiều phu ở xứ Mã
Khi tàu vừa táp vào Mã Lai, gia đình ông Thêm cùng một số người khác nhảy đại xuống nước lội vào bờ thì cảnh sát Mã xua đuổi đòi bắn. Họ chỉ được phép lên bờ sau khi đục luôn tàu. Tuy nhiên, có một số đông cảnh sát khác kéo đến, xua đuổi dọa bắn nếu không lôi tàu trở ra biển. May nhờ một ông người Tàu trên ghe tiếp xúc và năn nỉ, một cảnh sát Mã gốc Tàu xiêu lòng, nên 10 người vượt biển được họ đưa đến đảo Pulau Besar thuộc tiểu bang Trengganu. Đó là một trong 12 đảo chứa người tị nạn. Bà Thêm nói:
"Khi ca nô chạy gần đến đảo, chúng tôi thấy một số đông người chạy ra mừng. Nhưng thấy đàn ông đen thui, ở trần, mặc quần cụt, tóc dài đến vai, chúng tôi sợ quá, vì không biết người gì. Đến chừng lên bờ, nghe nói tiếng Việt Nam, nhứt là gặp những người quen ở Cần Thơ như ông bà nhà thuốc tây Ngô Quyền và ông bà luật sư Ánh, ông bà dược sĩ Nhựt v.v. . . chúng tôi mới yên tâm, biết là mình đã thoát nạn.''
Theo bác sĩ Thêm, dân tị nạn ở Mã Lai tự động vào rừng đốn cây để cất chòi ở. Người nào có tiền thì sang lại những cái chòi của những người sắp rời trại. Chòi tốt giá 500 đồng tiền Mã, tức 250 đô la. Chòi rẻ nhất khoảng năm sáu chục đồng. Mọi người đều vào rừng đốn củi, xách nước giếng về xài và tự túc nấu ăn.. Bà Thêm có trồng rau muống và rau dền quanh chòi. Bà nói:
 "Họ có phát gạo, đường, muối. Mỗi tháng họ có cho một lần thịt bò và một lần thịt gà, nhưng toàn là đồ đã hư nên phải bỏ. Chúng tôi nhờ có trồng rau nên cũng đỡ. Tuy nhiên, dù cho người nội trợ có khéo gì đi nữa thì cũng sáng rau muống xào chiều rau muống luộc mà thôi.''

 Một hình ảnh khó quên
Một hình ảnh mà gia đình bác sĩ Huỳnh Thêm khó quên khi rời Mã Lai là: mỗi buổi chiều, một người đàn bà gầy yếu, dắt đứa con gái 6 tuổi ra bờ biển ngồi khóc. Bác sĩ Thêm kể:
"Trong suốt khoảng thời gian ở Mã Lai, tôi làm việc cho ban y tế của trại. Một hôm, tôi nghe có loa gọi tên tôi gấp. Khi tôi đến căn lều dột nát nghèo nàn của người đàn bà này thì bà đang nằm thiêm thiếp trên chiếc giường độc nhất, bênh cạnh đứa con đang đợi đứng khóc gọi mẹ. Bà đã tự tử, vì tôi thấy trong lều còn sót lại ba viên Valium. Sau khi được tận tình cứu chữa, 9 giờ đêm hôm đó bà tỉnh dậy, khóc nức nở, cho biết: hôm qua, phái đoàn Mỹ đã gọi bà lên chia buồn và báo tin chồng bà ở Mỹ đã từ chối không nhận bà và con, vì ông ta đã có vợ khác. Nghe xong, bà xỉu ngay tại chỗ.''
Với khuôn mặt đầy vẻ bất mãn, bà Thêm tiếp lời:
"Tôi thật không ngờ. Trước đó mấy hôm, tôi gặp bà thật vui vẻ sau khi được tuyên thệ xong. Bà khoe với tôi chiếc áo đầm mới mua với mấy chục đồng còn sót lại. Bà nói: qua Mỹ rồi chồng bà sẽ sắm cho bà thêm những cái áo khác. Tôi quen biết bà vì là em của chủ tiệm hủ tiếu Thanh Thanh ở Cần Thơ; chồng bà là một Thiếu tá Không quân được qua Mỹ du học rồi kẹt luôn sau ngày 30-4-75. Bà có bốn đứa con nên cả gia đình giòng họ hùn tiền lại cho bà vượt biển cùng với đứa con gái, vì sợ lâu ngày chồng bà sẽ có vợ bé. Bà định qua Mỹ sẽ đi làm tiếp với chồng để gởi tiền về lo cho ba đứa con còn ở lại. Nhưng. . .''
Bà Thêm đỏ mắt lắc đầu, tiếp:
"Phái đoàn Mỹ buộc bà phải đi một nước khác; vì nếu vào Mỹ bà sẽ làm rối trật tự an ninh của xứ họ. Bà than với tôi: bây giờ chồng đã bỏ bà, không họ hàng quen thuộc thì đi xứ khác làm gì? Càng ngày bà càng nhớ ba đứa con còn kẹt lại ở Việt Nam. Tôi có gặp bà trước khi rời trại. Trời ơi! Người đàn bà trẻ, xinh xắn, với đôi mắt sáng ngời tự tin sắp được gặp lại chồng hôm nào, nay đã gầy guộc và già đi rất nhiều. Với khuôn mặt buồn bã, mất hồn, bà ta đi lang thang, thất thểu, tay nắm chặt đứa con thơ.''

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Tư 2014(Xem: 10023)
23 Tháng Tám 2010(Xem: 53722)
25 Tháng Chín 2006(Xem: 30805)
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41181)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42128)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48149)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40794)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40543)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44346)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39463)
1,863,880