Cuộc Trường Chinh Bằng Hình Ảnh

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 13096)
Cuộc Trường Chinh Bằng Hình Ảnh


- Tôi nhận thấy chính phủ Nhật không tích cực trong việc giúp các thuyền nhân. Tự cảm thấy có trách nhiệm, nên tôi cố gắng thực hiện và đem các hình ảnh về người tị nạn đi khắp nơi, dùng các hình ảnh ấy mong thức tỉnh lương tâm nhân loại...

Ông Makoto Maekawa, tác giả quyển "Người Nhật Lạnh Nhạt" (Tsumetai Nihonzin) đã nói như trên tại phòng triển lãm của Trung Tâm Văn Hóa Nhật Mỹ Los Angeles sáng thứ Bảy 24-5-1980 nhân khi khai mạc phòng triển lãm hình ảnh về người Đông Dương tị nạn tại đây, do Cục Xã Hội Tổ Chức Người Việt Tự Do chủ trương.

Ông Maekawa cho biết, từ 1975 trở đi, người tị nạn Đông Dương bắt đầu đến đất Nhật. Ông nhận thấy có một cái gì bất ổn và tự đặt câu hỏi: một nước đã độc lập, hòa bình, tại sao dân lại bỏ ra đi? Ông để tâm tìm hiểu và từ năm 1977 ông bắt đầu đến tận các trại tị nạn ở Đông Nam Á để thu hình. Tác giả của 200 tấm ảnh phóng lớn, chọn lọc trong số 15,000 âm bản của cuộc triển lãm, ông Maekawa nói:
- Trong thời gian qua, vấn đề tị nạn được đăng trên báo nhiều, nhưng nói không đủ. Tôi muốn đưa hình ảnh của họ cho mọi người thấy, hay nói khác đi, tôi muốn đưa nhân loại đến gần người tị nạn hơn.
Theo nhiếp ảnh gia Maekawa, ban đầu ông nghĩ rằng chỉ hoạt động trong nước Nhật thôi, nhưng sau đó ông đã mở rộng phạm vi hoạt động ra khỏi nước Nhật, mong hình ảnh người tị nạn được các nước khác nhìn thấy. Ông đã đến các trại tị nạn Đông Nam Á hai lần. Lần đầu năm 1979, ông viếng khoảng 15 trại tại Mã Lai và Thái Lan cùng với phái đoàn Nghiên cứu Á Châu của Đại học Sophia tại Nhật. Năm 1980 ông trở lại Thái Lan với phái đoàn Caritas Nhật Bản và lần này ông đã được thu hình trong trại tị nạn của người Campuchia.

Ngoài quyển "Người Nhật Lạnh Nhạt", ông Makoto Maekawa cũng đã xuất bản quyển “Người Việt Tị Nạn Tại Nhật”. Ông đưa ra hình ảnh về đời sống thường ngày của các thuyền nhân trong các trại tị nạn ở Nhật Bản. Ông cho biết chính phủ Nhật không cung cấp nơi tạm trú; tất cả đều do Hội Hồng Thập Tự Nhật và các cơ quan tôn giáo nhờ trợ giúp; mỗi ngày, Cao Ủy Tị Nạn LHQ cấp cho mỗi đầu người 900 yen. Với sự hợp tác của Tổ chức Người Việt Tự Do, và sự tài trợ của Viện Đại Học Sophia, ông Makoto cũng đã xuất bản quyển "Boat People" và "Refugees", nói lên thảm trạng của người tị nạn vượt biển.

Khi được hỏi đến những mong ước tương lai, ông Makoto Maekawa nói:
- Tôi có ước vọng giúp những người Đông Dương trở về phục hưng xứ sở họ, vì tôi nghĩ rằng những người rời bỏ quê hương bao giờ cũng mong trở lại quê hương của mình.
Ông nhấn mạnh:
- Trong quá khứ, các thế lực như Nga, Trung Cộng, Mỹ, đều có dính líu đến vấn đề Đông Dương; tị nạn chỉ là hệ quả tất nhiên của những dính líu đó. Hơn nữa, theo tôi, tị nạn là vấn đề chung của cả nhân loại...

Cuộc triển lãm lưu động công phu nầy đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước với phí tổn về thu thập hình ảnh, tài liệu lên đến gần 30 ngàn Mỹ kim, chưa kể 12 ngàn Mỹ kim khác để chi phí cho cuộc triển lãm tại Hoa Kỳ và Canada. Cuộc triển lãm lưu động nầy cũng được sự hợp lực của khoảng 100 đoàn thể Việt, Lào, Campuchia. Vì tính cách quan trọng của cuộc triển lãm, ông Makoto đã phải lên đường theo cuộc triển lãm lưu động trong khi vợ mới sanh được nửa tháng và ông cụ thân sinh đang đau nặng sắp mất.

Cuộc triển lãm khởi đầu từ Los Angeles ngày 24-5-1980, sau đó sẽ đến San Diego, Houston, New Orleans, Washington D.C., New York, Montreal, Ottawa, Seattle hay Portland, San Francisco, San Jose và ngày 9-8-1980 sẽ trở lại Los Angeles một lần nữa trước khi chấm dứt. Theo đuổi cuộc triển lãm dài hàng vạn dặm, ông Maekawa e rằng ông không còn kịp gặp mặt thân phụ lần cuối.

ĐÂY, DÂN TỊ NẠN

- Những trại tị nạn nghèo nàn ọp ẹp, thiếu vệ sinh như thế kia, lại mọc giữa thành phố Los Angeles ư?

Những ánh mắt đầy ngạc nhiên trên những khuôn mặt đang cố làm ra vẻ phớt tỉnh của những người ngoại quốc đến xem triển lãm. Da thịt họ chắc chưa bao giờ thấy buốt giá bởi sương đêm, bão táp. Bao tử họ chắc chưa bao giờ phải quặn thắt vì những cơn đói chết người. Họ chỉ biết bấm nút để có lửa, có đèn, có nước nóng nước lạnh, có máy sưởi, máy điều hòa không khí v.v... Họ khó có thể hiểu rằng ở những nơi không một tiện nghi tối thiểu mà con người vẫn có thể sống được ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác để đợi chờ...

Nơi này là trại Leamsing ở Thái Lan. Các đứa bé đang ngồi chơi trong những mái chòi được che bằng lá, bằng bao gạo hay những tấm ni lông. Đàng kia là những người đang đi cầu trong một dãy cầu tiêu lộ thiên mà chiều cao chỉ đến đầu gối. Một anh đang hút thuốc, còn một anh đang bận rộn chùi. Đàng kia, một người đàn bà đang kho những con cá nhỏ trên chiếc lò dã chiến chụm bằng sơ dừa. Bên cạnh bà là nước mắm đựng trong chai bằng ni lông, một vật dụng rất hiếm ở trại tị nạn mà ở đây chúng ta vất đi hàng ngày. Ở một góc, là hình ảnh của bà cụ già người Tàu với đôi mắt buồn dịu vợi; bên cạnh là đứa cháu gái thật mũm mĩm dễ thương. Quanh một cái hồ cạn dơ bẩn, những chú bé trai đang nô đùa, mót từng chút nước đục để tắm. Dọc theo một tấm vách tre là những người đàn bà, những trẻ em đang ngồi cầu nguyện, những ánh mắt nhìn xa xăm buồn bã, hình như không có bút mực nào tả nổi.

Đàng kia, là một nhóm trẻ em, một chú bé trai nhỏ chỉ mặc độc chiếc áo, múc cơm ăn. Bé đang nhìn những hột cơm dính trên tay. Bé có biết hột cơm của bé tị nạn quý lắm không? Một đứa bé khác đang ngồi cạnh đống đồ đạc, ngắm nghía những mụn ghẻ trên bàn chân mũm mĩm của mình.

Tại một hàng rào của Ban Nam Yao Thái Lan, một đứa bé trạc 11 tuổi đang thẩn thơ tựa đầu vào cột rào, tay chú bâng quơ nghịch những sợi râu trên kẽm gai. Bé đang nghĩ gì? Những hình ảnh cướp bóc, hãm hiếp, vất vả đói khổ có ám ảnh đầu óc non nớt của bé không?

Còn cô bé gái với mái tóc dài óng ả, với đôi mắt to đẹp trên khuôn mặt trái xoan...Hàng ngày, ai lo lắng giúp đỡ cô ăn uống, tắm gội, vì chiến tranh đã cướp mất của cô trọn cả đôi tay? Cô còn có đủ nước mắt để khóc cho một tương lai đen tối trước mặt mình không?

Nơi góc tường đối diện là hình ảnh của một người mẹ đang bế con bên cạnh mái nhà tranh, mà quanh đây, những cây bắp, giây bầu đã lên cao, cho thấy thời gian chờ đợi chất chồng ở trại tị nạn.
Rồi những hình ảnh dân tị nạn Campuchia trong trại Sakeo gần biên giới Thái. Những đứa bé ốm yếu trơ xương, như những con búp bê bị cháy khô, chân tay đen đủi khẳng khiu như những que củi nhỏ.

Nếu được xem chương trình truyền hình "Holocaust Now" do tổ chức International Christian Aid thực hiện, bạn sẽ hiểu những hình ảnh của ông Makoto Maekawa hơn. Trong chương trình đặc biệt vừa nói, mục sư Joe Bass đã dắt chúng ta đến viếng các trại của người Campuchia như Sakeo, Prasat, Ubon... Bạn khó có thể ngăn xúc động bởi hình ảnh của những người sắp và đã chết vì đói. Những xác người, mà nhiều nhất là trẻ em, được bó chiếu xếp thành đống để chôn. Theo ông, dân Campuchia có bảy triệu người thì ba triệu đã bị giết; trong bốn triệu người còn lại, sẽ chết rất nhiều trong vòng hai tháng nếu họ không có thức ăn. Mục sư Joe Bass cũng như những người thực hiện chương trình kêu gọi mọi người nên gởi chút ít tiền để cứu những người đang chết đói. Nếu gửi 25 Mỹ kim, chúng ta sẽ nuôi sống một gia đình người Campuchia trong vòng một tháng. Người viết bài cũng xin ghi lại địa chỉ gửi tiền để các nhà hảo tâm phòng khi cần đến: ICA, Box 250 Glendale, CA 91209 hoặc điện thoại miễn phí số 1-800-528- 6050 hay 1-800-453-9000.

CHILDREN OF THE SEA

Ngoài những giọng ca quen thuộc của Khánh Ly, cùng các con của Phạm Duy, người đến viếng phòng triển lãm còn được nghe tiếng hát của cô Trần Mỹ Linh hay Agnes Chang. Theo một đoàn viên của Tổ Chức Người Việt Tự Do, cô ca sĩ người Hồng Kông 24 tuổi này hiện đang lưu diễn tại các đại học lớn tại Nhật để lấy tiền cứu trợ người tị nạn. Cô đàn và hát bài "Children of the Sea", bài hát do cô đặt ra để nói lên thảm trạng của thuyền nhân. Chúng ta thử lắng nghe một đoạn của bài hát do "Joan Baez Á Châu" sáng tác:

Mother took me in her arms
She said: "Son, listen to me...
Soldiers with their bombs and guns
Made us leave our country
With strangers, friends and family
We set sail for a dream.
I hope someday you'll understand
Why home is home no more..."
And she said:
"You are the children of the Ocean
You are the children of the Sea
There's no going back
We must go on...
On and on...
On and on...

Trong dịp nầy, Tổ Chức Người Việt Tự Do cũng phân phối các quyển "Boat People - The Holocaust of the 20th Century", "Boat People - Vietnamese Refugees in Japan", "Refugees - The Cry of the Indochinese" và các hình ảnh tị nạn để gây quỹ yểm trợ cuộc triển lãm. Theo một đoàn viên của Người Việt Tự Do, thì tổ chức rất mong mỏi nhận được sự đóng góp tài chánh quý báu của tất cả mọi người để trang trải phí tổn dự trù lên đến 12,000 Mỹ kim.

Tổ Chức Người Việt Tự Do

Người viết bài cũng xin nêu lên vài nét về Tổ Chức Người Việt Tự Do. Tổ chức được những người quốc gia chính thức thành lập vào ngày 1-11-1975 với quyết tâm theo đuổi con đường cách mạng Việt Nam, hiện thực xã hội nhân bản, quốc gia hòa bình, dân tộc hùng mạnh. Tổ chức chủ trương:

- Phủ nhận tà thuyết Mac-Lenin,
- Phế bỏ cơ chế độc tài đảng trị và nhà nước cộng sản,
- Kiện toàn hệ tư tưởng Việt Đạo / Nhân Bản,
- Xây dựng cơ chế Tự Do Dân Chủ, Nhà Nước Cộng Hòa.

Nguyệt san Người Việt Tự Do do anh Ngô Chí Dũng làm chủ nhiệm được phổ biến rất rộng rãi, hiện đã được in tại Hoa Kỳ và Pháp với những phụ trang gồm những tin tức địa phương về sinh hoạt của người Việt tị nạn.
Ngoài ra, Tổng Cục Tuyên Huấn của Tổ Chức đã ấn hành đặc san Việt Đạo, chuyên biệt về tư tưởng để đối đầu và chiến thắng cộng sản trên mặt trận ý thức hệ, bằng tư tưởng dân tộc, nhân bản.
*
Trước khi kết thúc bài nầy, người viết xin được góp vài ý kiến. Theo người viết thì cuộc triển lãm nhằm tạo xúc động cho người xem, và đối tượng chính là người ngoại quốc. Từ sự xúc động đó, họ có thể có một trong hai thái độ: một là tích cực tham gia việc cứu trợ người tị nạn; hai là chống lại chủ nghĩa bạo tàn của cộng sản. Muốn đạt mục đích trên, chúng ta hãy giúp ban tổ chức vận động dư luận người ngoại quốc một cách mạnh mẽ hơn. Khi bài nầy đến tay độc giả thì cuộc triển lãm đến New York. Người viết bài xin kêu gọi các đoàn thể địa phương, nhất là từng cá nhân, tích cực ủng hộ bằng cách phổ biến mục đích cuộc triển lãm với thân hữu người ngoại quốc, như người bảo trợ, giáo sư, bạn cùng sở, bạn học v.v... Nếu có thể, xin phổ biến trước khi cuộc triển lãm bắt đầu. Và, trong khả năng có thể, xin làm giúp ban tổ chức những biểu ngữ để treo trước phòng triển lãm, những dấu hiệu và mũi tên đặt ở các góc đường dẫn tới địa điểm triển lãm, để cuộc triển lãm được thành công hơn.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 40952)
1,863,880