3 Năm Tủi Nhục 28 Tháng Cải Tạo

23 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 13577)
3 Năm Tủi Nhục 28 Tháng Cải Tạo

LTS: Trong chiều hướng phục vụ bạn đọc cũng như muốn phản ảnh trung thực đời sống của đồng bào tại quê nhà, Việt Nam Hải Ngoại đã tiếp xúc với gia đình một bác sĩ vừa rời Mã Lai sang định cư tại vùng Hawthorne, California. Vì muốn bảo toàn an ninh cho gia đình bác sĩ còn kẹt lại Việt Nam nên người viết đã đặt một tên mới cho bác sĩ là bác sĩ Thông. Bác sĩ Thông vượt biển cùng với bà ngoại 75 tuổi, vợ và ba đứa con nhỏ. Bác sĩ là bạn cùng trường với bác sĩ Huỳnh Thêm mà trước đây VNHN đã có lần tiếp xúc (VNHN số 46). Hai ông đã có một khoảng thời gian sống chung trong các trại tập trung. Bác sĩ Huỳnh Thêm được thả năm 1976 khi đang bị học tập ở vùng U Minh Thượng, thì bác sĩ Thông còn ở lại tiếp tục học tập và bị chuyển đi nhiều nơi khác cho đến tháng 10-1978 mới được thả về.

Trên ba năm sống trong gông cùm cộng sản, bác sĩ Thông đã trải qua năm giai đoạn học tập. Chúng ta sẽ cùng với bác sĩ Thông khơi lại những giai đoạn cực kỳ gian khổ ấy. . .

Sơ khởi
Khi cộng sản chiếm miền Nam, bác sĩ Thông đang phục vụ tại bệnh viện Long Xuyên. Cũng như bác sĩ Huỳnh Thêm, bác sĩ Thông bị giam tại Trà Nóc vào tháng 6-75 để học tập chính trị. Buổi sáng cán bộ giảng bài về Bác và Đảng. Buổi chiều những người đi học tập được chia ra từng tổ để học lại bài đó rồi đưa ra câu hỏi, sau đó mỗi người phải làm một bản thu hoạch để xem mình đã học được những gì. Đến tháng 6-76, gần 3,000 sĩ quan bị học tập tại đây được chia làm nhiều nhóm để đi lao động ở vùng U Minh Thượng, Chương Thiện, hay Cà Mau, Năm Căn. Theo bác sĩ Thông giai đoạn này chỉ có khoảng mười người có bà con với cán bộ cao cấp ở Hànội là được về rồi bị quản chế tại gia mà thôi.

Bốn bề lau sậy
Bác sĩ Thông thuộc nhóm bị đưa lên vùng U Minh Thượng để làm ruộng. Bác sĩ cùng các bạn đồng hoàn cảnh bị dồn khoảng cứ hai trăm người lên một tàu đổ bộ, mọi người được mang theo một “cái giường”, đó là một tấm tôn bị đập dẹp ra và được đóng khuôn bằng cây. Có người mang cơm vắt theo, hoặc tự túc nấu ăn trong một hoàn cảnh hết sức chật hẹp trên tàu. Tàu đi ba ngày từ Cần Thơ vòng ra cửa biển rồi đổ bộ gần ngã sông Ông Đốc. Từ đó, mọi người phải vác “giường” cùng quần áo, nồi niêu lội bộ hai ngày một đêm xuyên rừng, băng đồng để đến địa điểm lao động là ngã tư Sa Bạch, hay Hòn Đá Bạc. Đến nơi thì đầu gối và bàn chân mọi người đều sưng vù lên. Ngã tư Sa Bạc là một con đê dài nằm cạnh một con kinh tứ bề là rừng sậy, không một mái nhà.
Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều, trời mưa tầm tã. Mỗi người được phát một miếng nylon để trùm cả người cùng mền mùng, quần áo rồi nằm lên trên để chịu trận. Bác sĩ Thông cho biết vì vào mùa mưa nên có khi mưa cả ngày cả đêm, không có chỗ nấu cơm nên mọi người phải nhịn đói nằm chèo queo trong tấm nylon chịu trận.
Bác sĩ Thông cho biết, số người đi học tập tại đây được chia ra làm nhiều trại. Mỗi trại khoảng 200 người được chia ra làm nhiều tổ. Mỗi tổ 10 người bắt đầu lấy “giường” tôn để dựng “nhà” dài theo mặt đê. Mỗi “nhà” lợp bằng bảy tấm tôn, ba tấm còn lại để lót nằm. “Nhà” cao trên một thước, hai bên để trống, chỉ được nằm hoặc ngồi trong nhà, chứ đứng không được.
Trại bị canh giữ bởi một Trung đoàn cộng sản. Mỗi trại được chia ra làm ba toán. Toán thứ nhất đi xuồng hoặc dùng ghe đổ bộ bằng plastic vào rừng tràm hay rừng đước cách đó khoảng 10 cây số đốn cây về để làm củi hay để cất nhà cho cán bộ ở. Mỗi chuyến đi khoảng vài ngày có ba vệ binh theo canh giữ. Toán thứ hai lo làm nền giữa ruộng để cất nhà. Toán thứ ba lo phát hoang. Mỗi ngày ba người phải chặt sạch một công sậy. Bác sĩ Thông cho biết gặp nhiều cây sậy già to bằng cánh tay, hễ chặt vào là dội ngược trở lại. Người nào cũng ngâm mình từ sáng cho đến chiều tối ở dưới nước, nếu làm chưa xong phần của mình thì chủ nhật phải làm bù. Sau khi phát hoang xong, họ phải cấy lúa - cũng ba người một công đất, dù hôm nào trời mưa dầm dề cũng vậy. Có nhiều người không có giầy, chân bị cắt nát bấy và làm độc cũng không được nghỉ. Quần áo của họ lúc nào cũng ướt và hôi. Vì vậy nên phần đông các ông đều bị lang ben, lác hay ghẻ.
Nói đến muỗi Cà Mau là bác sĩ Thông lắc đầu:
- Muỗi ở đây rất khủng khiếp: ở các nhà dân, trâu bò phải ngủ mùng. Còn đỉa ở đây thì vô số kể. Nhiều khi cởi quần áo ra thấy nó đang hút máu mình. Ngoài ra rắn hổ mang hay bò vào chòi. Có hôm ngủ dậy thấy nó đang khè khè kế bên. Chúng tôi phải xúm nhau lại đập chết rồi nấu cháo ăn.
Mỗi tuần, được nghỉ ngày chủ nhật, bác sĩ Thông cùng các bạn câu cá rô hoặc cá sặc rồi kho với muối để dành ăn cho đến hôm sau. Ngày thường, mỗi tổ cứ một người lo đi kiếm rau muống hay rau đắng hoặc câu cá về ăn trong khi những người khác làm việc bù cho ông ta. Bác sĩ Thông cho biết nếu đi dài theo đê khoảng vài cây số sẽ gặp Xóm Huế. Tuy gọi là Xóm Huế nhưng dân ở đó là người Bắc di cư và họ theo Việt Cộng từ xưa. Theo bác sĩ, người dân ở đây lúc đầu chửi rủa “ngụy”, nhưng sau họ thấy hoàn cảnh cực khổ của những người bị học tập và họ nhận thấy rõ đây là chính sách trả thù, khác với những lời tuyên bố của chánh phủ cách mạng nên khi bác sĩ Thông cùng các bạn bị chuyển đi nơi khác họ khóc vì mến thương.
Khoảng bốn tháng sau cộng sản tách hai trại ra để đưa đến Lình Quỳnh với mục đích cất một lò gạch. Bác sĩ Thông cho biết Lình Quỳnh nằm trên đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên, nơi đây dân rất có nhiều cảm tình với số người bị học tập, họ đã tìm cách giúp chuyển thư từ về nhà báo tin cho gia đình biết hiện các ông ở đâu. Vì vậy nên cộng sản đã tuyệt đối cấm các ông tiếp xúc với bên ngoài. Hễ tiếp xúc mà bị bắt được thì bị chửi rủa thậm tệ hoặc bị phạt hay bị đánh đập nặng nề. Sau đó vài tháng cộng sản trộn lại các tổ, cắt xén, chọn lọc số người trong trại. Họ để lại một số người để gặt lúa còn một số họ chuyển đến Kiên Lương.

Kiệt lực
Kiên Lương là nơi có nhà máy xi măng Hà Tiên trước kia, nằm trên con đường từ Châu Đốc qua Hà Tiên. Sau khi được chuyển đến đây, bác sĩ Thông cùng mấy trăm người khác phải vác giường cùng vật dụng cá nhân đi bộ dọc theo kinh Xáng Múc khoảng bảy, tám cây số nữa mới đến nơi tập trung. Bác sĩ Thông nói:
- Công việc tại đây rất nặng, vì mỗi ngày một người phải đào khoảng bốn, năm thước khối đất trong khi ở vùng kinh tế mới thanh niên xung phong 18, 19 tuổi đặt chỉ tiêu cao nhất là từ một thước rưỡi đến hai thước, còn chúng tôi đều khoảng ba, bốn chục tuổi trở lên mà phải làm gấp ba họ. Sáng chúng tôi thức thật sớm lội bộ khoảng năm cây số mới đến nơi lao động, mọi người mang theo một lon cơm với muối hột để ăn trưa, rồi nhịn đến tối, lội về tới trại mới được ăn. Nước ở đây nhiều phèn nên cơm nấu chín có màu đen. Nước uống vào thấy mặn lờ lợ, vì vậy nên bệnh tật xảy ra rất nhiều.
Nhóm bác sĩ Thông có 15 người, trước đều rất lực lưỡng khỏe mạnh nay đã bắt đầu ho ra máu. Ngoài việc lao động, bác sĩ Thông còn lo về y tế nên ông cho biết mỗi ngày có khoảng 20 người bị bệnh tiêu chảy, phân của họ màu xám tro giống như màu cơm họ ăn.
Sau hai năm học tập, sức khỏe mọi người đã kiệt quệ, lại sanh bệnh tật vì cực nhọc và ăn uống kham khổ nên mọi người đều chán nản, không còn tin lời hứa sẽ được thả của cộng sản nữa. Bác sĩ Thông cho biết có khoảng mười mấy người, đa số gốc Hòa Hảo, trốn được. Một số người đi ngã Hà Tiên; có hai người bị bắn chết còn một người thoát được sang đất Miên. Vài người khác chạy thoát gần đến Chi Lăng (Châu Đốc), vì đói khát quá nên bị du kích bắt trở lại, và họ đã bị đánh đến bầm dập.
Thấy tù nhân bắt đầu trốn khá nhiều nên cộng sản di chuyển họ đến Kinh Tám Ngàn. Nơi đây là khoảng Vàm Rầy đi vô vài cây số. Lúc bấy giờ giữa Việt Nam và Cao Miên bắt đầu có những va chạm gần biên giới nên có cả một trung đoàn cộng sản đóng dọc theo con kinh. Những người đi học tập bị chia ra làm nhiều toán, mỗi toán khoảng 50 người. Họ được phái đến mỗi đại đội để làm công tác ngắn hạn như đào kinh, cất nhà cho bộ đội hay làm rẫy trồng khoai. Sau đó họ bị bắt phải làm một cái nền để phơi lúa thật lớn bề dài khoảng 300 thước bề ngang 200 thước và cao 2 thước. Bác sĩ Thông nói:
- Họ lấy cớ là làm nền để phơi lúa chứ thật ra họ muốn đày mình vì đâu có lúa để mà phơi.
     Bác sĩ Thông cũng cho biết khi ở Kiên Lương, nước phèn mà lại gặp mùa nắng nên cán bộ cấp sĩ quan các ông phải đi xin nước mưa cho họ uống. Khi dân biết xin cho cán bộ thì dù cho năn nỉ thế mấy họ cũng không cho. Nhiều khi không có nước, các ông bị cộng sản chửi rủa nên phải nói dối là xin cho mình, dân chúng mới cho.
Theo bác sĩ Thông thì dân bất mãn vì họ cho cộng sản ăn ở không hậu. Trước kia cần đến họ thì săn sóc hỏi han. Họ nuôi và giúp đỡ cho. Đến khi “cách mạng thành công” thì ở nhà lầu, máy lạnh, đi xe hơi, gặp họ thì ngó lơ; khi dân có việc gì cần thì phải xin xỏ, lạy lục, cầu cạnh mà nhiều khi cũng không được.

Từ chối làm cháu Bác Hồ
- Ba tôi ở tù thành ra tôi không chịu làm cháu Bác Hồ, bây giờ tôi chỉ học cho mẹ tôi đừng buồn thôi.
Đó là lời của đứa con trai lớn 10 tuổi của bác sĩ Thông, đang học lớp năm nói với cô giáo khi được chọn làm "cháu ngoan của Bác".
Bà bác sĩ Thông cho biết bà cấm không cho các con hát những bài cộng sản ở nhà và bà nói ở trường tụi nó cũng không chịu hát nhưng nhờ các thầy cô "ngụy" trước đó cũng là chỗ thâm tình nên không ghi vào hồ sơ xấu. Bà Thông đỏ mắt kể rằng khi bà dắt ba đứa con đi thăm chồng ở Trà Nóc, đứa con gái út của bà lúc đó chỉ mới 4 tuổi mà biết nói với ba nó:
- Ba ơi, ba ra ngoài kia ba làm bộ ba đi ỉa đi ba, rồi con lén dắt ba về; con biết đường.
Ba nó nghe xong xúc động ôm con khóc ròng.
Cũng như những người vợ có chồng đi học tập, bà bác sĩ Thông lo buôn bán tảo tần để nuôi con và lo tiếp tế cho chồng. Lúc ông bị bắt bà đang ở với các con tại Long Xuyên. Bà mua những loại hàng vải màu mè mà dân ở đây ít dùng của Hợp Tác Xã do chánh phủ tịch thu của các tiệm. Mỗi ngày 3 giờ sáng bà dậy nấu cơm, gởi con cho lối xóm rồi đi xe đò lên Sàigòn bán và mua lại các loại hàng nylon hay vải ú đem về Long Xuyên bán lại. Bà nói, nhiều hôm về nhà khuya quá, các con ngủ mê không mở cửa, bà phải ngồi co ro trước cửa cho đến sáng.
Bà Thông cho biết, hai năm sau khi chồng bị học tập bà được thăm chồng lần thứ hai khi ông bị giam ở Tri Tôn, Lình Quỳnh. Mấy đứa con của bà nhìn ba nó không ra vì ông Thông tiều tụy, râu tóc và mình mẩy hôi hám. Bà ứa nước mắt nói:
- Khi xuồng tách bến để ra về, mấy đứa con tôi khóc. Thiếu điều tụi nó muốn nhảy xuống sông đòi ở lại với ba nó. Thật là đứt ruột.
Khi ông Thông được chuyển đến Kinh Tám Ngàn, nhờ có người dẫn dắt bà Thông lo lót hai cái đồng hồ Omega nên tháng 10-78 ông Thông được thả. Lúc đó trong trại chỉ còn lại hai bác sĩ.
Theo ông bà bác sĩ Thông thì có rất nhiều thảm cảnh gia đình đã xảy ra vì nhiều người vợ quá thương chồng mà không tiền nên phải chấp nhận những điều kiện trái với lương tâm do các C trưởng đưa ra. Cộng sản gọi A là tiểu đội, B là trung đội, C là đại đội, và D là tiểu đoàn. Có người bị gạt gẫm đến thất thân mà chồng vẫn không được thả. Nhiều gia đình khi chồng được về biết chuyện trở nên ghen tuông rồi gia đình trở nên xào xáo. Cũng có trường hợp người vợ vì thẹn nên bỏ đi. Theo ông bà Thông thì có một số rất ít bà vợ sĩ quan đã bỏ chồng vì không đủ sinh sống; tuy nhiên số người này trước kia là thành phần không tốt. Ngoài ra hầu hết những người đàn bà có chồng đi học tập đã tỏ ra rất xứng đáng là người vợ hiền và đây cũng là dịp cho họ chứng minh sự hy sinh cũng như tiết sạch giá trong của mẫu người đàn bà Việt Nam.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41182)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42133)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48153)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 41762)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 35879)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40796)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40546)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44347)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39464)
1,863,880