22- Cảm nghĩ sau một chuyến đi (NV , 21- 4- 92)

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 20172)
22- Cảm nghĩ sau một chuyến đi (NV , 21- 4- 92)

Phi cơ chạy nhanh trên phi đạo và cất cánh rời phi trường JFK, New York. Chỉ mới ở tiểu bang này có vài hôm mà tôi cảm thấy quyến luyến.
Tôi thích nhất là Tượng Nữ Thần Tự Do đứng hiên ngang hùng dũng, đẹp đẽ, thanh thoát tại hải cảng New York. Một biểu tượng hết sức mạnh mẽ và ý nghĩa cũng như ý muốn tự do của con người.
Tôi mong rằng một ngày rất gần tại quê hương mình cũng có một tượng nữ thần tay giơ cao bó đuốc đón mừng người tị nạn trở về tổ quốc Việt Nam được Tự Do Dân Chủ.
Dù cho trở về viếng thăm hay lưu lại vĩnh viễn, những người mang dòng máu Việt Nam cũng đều góp bàn tay của mình để xây dựng lại quê hương thân yêu mà đời sống cũng như dân trí đã bị lùi lại hằng nhiều thế kỷ, trong khi các nước văn minh vẫn đi tới. Những người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam rồi cũng có lúc phải giật mình tỉnh ngộ trước sự thê lương của đất nước mình.

Cảm tình đặc biệt
Tôi thấy mến những người bạn mới, tuy sơ giao nhưng đã có một cảm tình đặc biệt. Sự hăng say của hai cô bạn Hồng Liên và Ly Lan trong mọi sinh hoạt cộng đồng và tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ quê hương làm tôi cảm phục.
Tôi nhớ mãi lời nói của ký giả Ngọc Chương: "Cộng đồng này đặc biệt lắm chị ạ. Tôi tiếp xúc với mọi người mà không thấy ai nói xấu nhau cả. Họ đoàn kết ghê đi."
Ly Lan đã tâm sự với tôi: "Hội phụ nữ tụi này yểm trợ các anh hết mình. Hễ lâu lâu các hội đoàn chúng tôi tổ chức đi picnic là hội phụ nữ chúng tôi lo đồ ăn. Chúng tôi cùng nhau nói chuyện, bàn luận, ăn uống hết sức vui vẻ."

Vài mẩu chuyện
Một vài mẩu chuyện về vị đại diện cộng đồng làm tôi suy nghĩ. Hình ảnh ông chủ tịch thường rảo bước ở công viên sau giờ làm việc khi nghe có người tị nạn không nhà ở, lang thang. Vị đại diện cộng đồng đi tìm cho được người đồng hương thất chí không nơi nương tựa để giúp đỡ.
Trong buổi đại hội được mệnh danh là "xây dựng lại những mảnh đời tan vỡ" do các cơ quan US Department of Justice Community Relation Service, NY State Department of Social Service, NY City Mayor’s Office of Asian Affair và Mayor’s Office of Immigration Affair tổ chức, ông Dương Đệ cho biết, đã nhận được thư và điện thoại của những gia đình Việt Nam bị băng đảng hăm dọa hoặc cướp bóc. Họ nhờ cộng đồng giúp đỡ vì họ sợ báo cảnh sát sẽ bị trả thù.
Vì muốn giúp những người tuổi trẻ từ bỏ cuộc sống sa đọa hiện tại để trở thành người hữu dụng cho xã hội, ông đã "bắn tiếng" muốn gặp người lãnh đạo của băng đảng.
Vào tháng Bẩy, 1991, ông đã được đáp ứng và đã gặp đại diện của nhóm này, và họ đã đồng ý giải tán nhóm BTK.
Đại diện băng đảng yêu cầu Cộng đồng Việt Nam tại New York giúp đỡ bằng cách tạo cho những người này có nơi ăn ở, tạo dịp cho họ được học hành hoặc được huấn nghệ để họ có việc làm và có một đời sống chân chính.
Sau đó ông Chủ Tịch Cộng Đồng Tự Do New York Dương Đệ đề nghị với các cơ quan trên giúp đỡ để thành lập một trung tâm sinh hoạt Cộng Đồng mở cửa 24/24 và bẩy ngày một tuần.
Trung tâm này sẽ lo nơi ăn chốn ở cho thanh niên, kèm học Anh ngữ và các môn học khác, phụ đạo, cố vấn về kiến thức và nghề căn bản, v.v...

Nắm tay đoàn kết
Khi tôi cầm bút để viết những dòng chữ này thì miền Nam California, nơi tôi sinh sống, đang xôn xao chuẩn bị ứng cử và bầu cử vào tổ chức Đại diện Cộng đồng.
Tôi nghĩ rằng sau 17 năm mất nước, 17 năm hô hào chống Cộng, xây dựng cộng đồng, tranh đấu để giành lại quê hương, người Việt ly hương chắc chắn đã đặt ra câu hỏi "Cộng đồng ta đã vững mạnh chưa? Nếu chưa thì tại sao?"
Sau 17 năm các bậc đàn anh đã có đủ thời gian để có thêm kinh nghiệm về đoàn kết, về xây dựng và giáo dục đàn con của mình, tuổi trẻ đã có đủ thời gian để học hỏi, phát triển khả năng về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Đây là lúc để chúng ta cùng kiểm thảo, trao đổi và bổ túc cho nhau.
Các bậc đàn anh hãy san sẻ kinh nghiệm dù cho thất bại hay thành công. Giới trẻ hãy mang sự học hỏi của mình và bước ra khỏi sự vị kỷ cá nhân để cùng nhau nắm tay đoàn kết xây dựng một tập thể, một cộng đồng cho lớn mạnh. Chúng ta không thể thành công một công việc lớn nếu thất bại khi thực hiện một công việc nhỏ. Nếu việc hy sinh cá nhân, xóa bỏ tự ái, tị hiềm, nghi ngờ nhau, để đoàn kết nơi cộng đồng mình bất thành, thì việc xây dựng quê hương mãi mãi chỉ là một ước mơ không thành sự thật.

Đều sẽ ngồi lại với nhau
Kỳ bầu cử này có nhiều liên danh ứng cử. Có nhiều khuôn mặt đã hoặc chưa xuất hiện ở Cộng Đồng và cũng có nhiều thành phần chánh trị lẫn kinh doanh và nhiều lứa tuổi.
Người viết bài chỉ cầu mong rằng sự xuất hiện đông đảo lần này vì có nhiều người muốn hy sinh bước ra gánh vác việc chung, sau những năm học hỏi, chuẩn bị, chứ không phải bước ra vì nghĩ rằng "cơ hội" đã tới hay "Mỹ phực đèn xanh". Vì những sự suy nghĩ sai lầm đó mà cộng đồng của chúng ta chưa kết hợp, chưa trưởng thành được.
Chúng ta hãy nhìn xung quanh, xem truyền hình, đọc báo, có bao nhiêu vấn đề của cộng đồng mà chúng ta cần hợp lực để giải quyết mà sự giải quyết cấp thiết nhất là vấn đề hướng dẫn, giáo dục thanh thiếu niên. Chúng ta phải là người yêu cầu chính quyền, nhà trường giúp đỡ, chớ không phải đợi nhà trường hay cảnh sát kêu gọi sự tiếp tay để giáo dục, hướng dẫn con em "của chúng ta". Rồi những người mới qua, chân ướt chân ráo, thiếu thốn mọi bề. Họ cần gì những lời hứa cao cả, xa vời. Họ cần có chỗ ở, cơm ăn và việc làm.
Người đứng ra không thể có cây đũa thần để hóa giải mọi việc nhưng ít nhất là phải quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn họ, cho họ một nguồn an ủi, dìu họ đi trong những bước khó khăn nhất.
Tôi ước mong, sau mùa bầu cử, liên danh đắc cử cũng như thất cử đều sẽ ngồi lại với nhau, chứng tỏ rằng sự ra ứng cử không phải vì tranh giành quyền lợi hay chức tước mà vì muốn chứng tỏ sự quan tâm, muốn đóng góp xây dựng cộng đồng.
Hãy cùng chứng tỏ căn bệnh "lãnh tụ" và "thời cơ chủ nghĩa" đã được chữa dứt sau 17 năm mất nước. Căn bệnh trầm kha đã phá tan bao công trình xây dựng của người dân Việt.
Đã đến lúc những người Việt ly hương thầm lặng, phải đưa ra sự suy nghĩ của mình, nói lên tiếng nói của mình bằng lá phiếu.

Cho thế hệ tương lai
Nhiều người cho rằng các cộng đồng nhỏ ít người Việt Nam thì dễ đoàn kết, dễ xây dựng hơn, vì cộng đồng càng lớn càng dễ phân hóa.
Theo sự suy nghĩ của tôi thì cộng đồng càng lớn nhu cầu đoàn kết càng quan trọng, cần thiết. Những người ưu tư cho việc xây dựng một cộng đồng càng thấy trách nhiệm của mình và phải đứng ra nhận lấy trách nhiệm đó, và phải đem hết nhiệt tâm cũng như khả năng ra phục vụ.
Nước Việt Nam chúng ta sau 30 tháng Tư, 1975, không còn là một nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới mà đã lan rộng ra khắp hoàn cầu theo bước chân của con dân Việt Nam.
Tất cả chúng ta bước ra khỏi quê hương để mở mắt học hỏi những cái hay cái đẹp của các nước bạn, chúng ta đã trải qua sự đau khổ của những ngày mất nước, qua những cơn bão tố sống chết của những ngày vượt biên, vật lộn với những khó khăn để mưu sinh nơi xứ người, để dạy dỗ con cái.
Các bậc đàn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm đau thương của lịch sử, những sự thất bại đớn đau vì tranh chấp, chia rẽ. Giờ đây, chúng ta phải gom góp lại, học hỏi, suy ngẫm để đoàn kết, để xây dựng và cùng làm việc cho thế hệ sắp trưởng thành. Và thế hệ tương lai đó sẽ hàn gắn lại những đau thương của lịch sử, của dân tộc để quốc gia Việt Nam sẽ phát triển, lớn mạnh và người Việt Nam biết ngẩng mặt khi sánh vai cùng các nước bạn trên thế giới.

HẾT

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 40928)
1,863,880