8- Đi Metro đến chợ Tàu New York

29 Tháng Chín 200412:00 SA(Xem: 21719)
8- Đi Metro đến chợ Tàu New York

blankKhông như lần trước đi xe lửa viếng phố Nữu Ước, chúng tôi phải đi taxi để dời đến nhà ngủ Ramada ngang Madison Square Garden, nơi đấu võ đài ở phố này.
Đây là loại taxi đi chuyến nên chúng tôi nhờ nhà ngủ trả giá dùm. Ông tài xế taxi đã 67 tuổi, trước ông làm nghề lái xe hàng giao bàn ghế.
Vào thành phố phải qua cổng trả tiền 2.50 xu. Trên cổng có chạy các hàng chữ "Gridlock Alert". Bà Mỹ đến đứng thu tiền trong căn phòng nhỏ, giống như cái tủ kiếng, cho biết các hàng chữ đó báo là sẽ có kẹt xe trưa nay vì hôm nay thứ Năm 23 tháng Một, 92 có Tổng Thống Bush đến họp tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Tài xế bảo sau khi bỏ chúng tôi xuống ông phải chạy nhanh ra khỏi phố kẻo kẹt xe. Lúc chạy vào đường hầm, chúng tôi không dám hỏi chuyện và nhắc ông phải lái xe kỹ vậy mà xe ông cũng quẹt vào vách hầm làm chúng tôi đứng cả tim.
Ông nói là ông đã về hưu nhưng cũng lái xe để kiếm thêm tiền vài ngày một tuần. Số tiền kiếm được thì ông được 50%, chủ xe 50% và mỗi ngày ông tốn 15 đồng tiền xăng. Mỗi ngày ông lái có khi 10 đến 12 tiếng đồng hồ.

Đi Metro
Vừa bỏ hành lý vào phòng là chúng tôi vội vã sửa soạn để đi chợ tàu vì có hẹn với Mai Liên và Hội Cộng đồng Việt Nam Tự Do vào lúc 6.30 chiều tại nhà hàng Sài Gòn đường Mulberry.
Từ nhà ngủ chúng tôi băng qua đại lộ số 7 qua Madison Square Garden rồi đi xuống hầm của Penn Station. Đây là nhà ga trung ương của New York.
Vì là giờ đi làm về nên người ta đi rất đông và "rất mau". Có nhiều người vừa đi vừa chạy. Ông Đen bán vé ngồi trong một phòng kiếng vuông, trông rất an toàn, ông nói chuyện qua micro nên rất khó nghe vì tiếng loa vọng ra tiếng mất, tiếng còn. Chúng tôi bỏ ticket là những đồng token vào cổng kiểm soát và hỏi xe metro nào đi chợ tàu tại một bàn giấy. Hai cô Mỹ đen mỗi cô chỉ một xe khác nhau làm chúng tôi chẳng biết xe nào. Tất cả có năm tầng lầu đứng đợi metro, đường đi chằn chịt làm chúng tôi đứng lớ ngớ không biết đi đường nào. Không hiểu các ga metro ở Anh và Pháp giờ đây thay đổi gì không chứ khi chúng tôi đi vào năm 1984 thì giản dị hơn New York rất nhiều.
Những người đi qua chúng tôi đều vội vã và họ sợ phải bị hỏi đường mất thì giờ nên họ làm lơ mình. Chúng tôi nảy ra một ý kiến rất hay là tìm nơi nào có nhiều khuôn mặt Á Đông. Quả nhiên đến hỏi thì họ đi China Town.
Đi metro giờ này dĩ nhiên là phải chen chúc và đứng. Phần nhiều ai cũng lo về nhà, khuôn mặt đăm chiêu hoặc đeo đuổi một sự suy nghĩ. Ít ai chuyện vãn hay cười nói. Một bà Mỹ đen ngồi cạnh nơi tôi đứng lặng lẽ đọc sách. Một bà khác tựa chiếc mông thật to vào thành xe hai tay đan thoăng thoắt. Bà đang đọc sách nói sẽ cho tôi biết khi nào đến chợ tàu. Bà nói chúng tôi có thể xuống đường Grand hay Canal gì cũng được.

Lên giá vé
Theo báo "Đồng Tâm" phát hành bởi Cộng đồng Việt Nam Tự Do vùng Nữu Ước thì bắt đầu từ ngày 1 tháng Một, 92 giá đi xe bus và metro ở thành phố Nữu Ước đã từ 1.15 lên 1.25. Những token mua với giá cũ vẫn còn có giá trị cho tới khi có lịnh mới.
Thống đốc Cuomo cũng như thị trưởng Dinkins và các nhân vật chính thức có trách nhiệm vấn đề vận tải công cộng của thành phố cố gắng hoãn việc tăng giá nầy cho tới năm 1993, nhưng cuối cùng không tìm được biện pháp nào để thay thế việc tăng giá nên đã đồng ý chấp thuận sự tăng giá vé đi Metro và xe bus như trên.
Theo các giới chính thức của cơ quan điều hành Metro và xe bus MTA thì sự thâm thủng của ngân sách ngành vận tải công cộng nầy sẽ lên tới 263 triệu vào năm 1992 và như thế thì phải lên giá vé tới $1.40. Sau rốt các nhà lập pháp của tiểu bang đã chấp thuận việc lên giá 1.25 và sẽ tìm cách bù lỗ cho sự thâm thủng nói trên. Thị Trưởng Dunkins cho biết là ông sẽ cấp thêm cho cơ quan MTA 15 triệu từ ngân sách của thành phố, để có thể duy trì giá vé ở con số $1.25.

Chợ Tàu
Lúc chúng tôi lên khỏi hầm thì trời tối, gió nhiều và lạnh. Tôi biết là phải đi bộ nên mặc nhiều lớp quần áo. Mới sáu giờ mà phố Tàu đã lên đèn. Các cửa hàng bày hàng hóa lan ra phía đường đi đủ loại rau cải. Chợ cá cũng bày đủ loại cá, cua, ếch v.v... Hai bên lề đường thì nhiều sạp trái cây, nhiều nhất là cam, quýt, nho và có cả hồng dòn. Mặc dù phải xách nhiều sách báo, băng video nặng tôi vẫn mua hồng dòn vì tôi rất thích và lúc đó hồng đã bắt đầu hiếm tại các chợ khu Bolsa.
Chợ Tàu của New York giống chợ Tàu ở San Francisco hay Vancouver bên Canada hơn chợ Tàu tại Los Angeles. Chợ Tàu ở Los Angeles không có những chợ nhỏ bán cá, bán trái cây hay rau cải vì các loại này được bày bán trong các chợ lớn hay siêu thị. Thỉnh thoảng tại đây cũng có các sạp nhỏ hay các xe hàng của người Mễ đậu ở góc đường bán đu đủ, dưa hấu, cam, quýt hay hồng dòn hoặc soài tùy theo mùa.
Không hiểu chợ Tàu tại New York vào mùa hè thì sao chứ chợ Tàu tại Vancouver mà tôi đi cách đây vài năm có chôm chôm và, măng cụt, sầu riêng và dâu. Các loại này lúc đó rất quý vì chưa có ở Cali. Tôi nhớ đã dấu được nhiều trái măng cụt trong vali, để mang về Cali tặng những người thân vì tiểu bang Cali không cho mang trái cây vào.

Giống Âu Châu
Cách bày bán của các cửa hàng rau cải trái cây hay cá tươi tại các chợ Tàu New York, San Francisco hay Vancouver giống như các tiệm nhỏ ở London hay Paris. Trông rất vui mắt và dễ mua. Người mua cũng cảm thấy được mua rẻ và có cảm nghĩ gần gũi với không khí Sài Gòn hơn là đi vào siêu thị quá ngăn nắp và sạch sẽ.
Các tiệm hoa tại nơi đây cũng thế. Hoa đủ màu sắc được để vào các thùng nước xếp ngoài lề đường. Thỉnh thoảng người đi đường ghé lại mua một bó hoa đủ màu sắc xinh tươi và tiếp tục đi dạo phố.
Tôi nhớ lần đi vào hàng thịt tại London. Thịt bò được treo từng miếng lớn tòn teng. Miếng thì nguyên nửa bên hông, miếng thì cả cái đùi to và bắp đùi. Khi được hỏi mua thịt loại nào tôi rất lúng túng vì lúc đó tôi muốn mua thịt về nấu phở.
Tôi không biết gọi như thế nào để mua thịt mềm làm thịt tái và thịt bắp để nấu chín. Tôi đã quen đi chợ bên Mỹ thịt được phân sẵn từng loại, chỉ cần chỉ cho họ cân thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 40951)
1,863,880