9- Từ giã Miami, Florida (17- 4- 91)

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 15456)
9- Từ giã Miami, Florida (17- 4- 91)

Khi bác Lưu Hùng lái xe đưa tôi ra phi trường Miami International thì trời mưa lất phất. Không hiểu có phải mưa rơi để tiễn đưa người du khách sắp rời Florida chăng?
Chuyến máy bay của tôi khởi hành vào lúc 3:20 pm tức 12:30 pm tại Cali. Khi tôi đứng xếp hàng để được xếp chỗ ngồi thì được hỏi nếu "tình nguyện" ở lại đi chuyến sau sẽ được tặng một vé khứ hồi đi bất cứ tiểu bang nào. Lý do là đáng lẽ chúng tôi được đi bằng một máy bay lớn mà bây giờ được bay lượn trên không trung bằng một chiếc máy bay nhỏ nên không đủ chỗ ngồi.
Mới lúc đầu thoáng nghe sẽ được đi "free" tôi cũng ham lắm, nhưng nghĩ đến phải ngồi tại phi trường một mình, rồi hành trình dài trên máy bay vì phải ghé "thăm" phi trường Houston ở Texas, và nhất là sợ về đến Cali "người đón" đã bỏ đi nên tôi "đành" từ chối.

Air phone
Khác với chiếc máy bay Continental đi từ Houston qua Miami, sau mỗi lưng ghế đều có Air phone, Air phone của máy bay này được gắn một nơi trên vách máy bay. Thấy tờ giấy quảng cáo điện thoại tôi cũng thích lắm muốn thử gọi chơi nhưng sợ những người thân hay lo âu vớ vẩn khi biết đang nói chuyện với người đang lơ lửng trên không.
Không gọi nhưng tôi vẫn "nghiên cứu" tờ giấy:
"When your business is in the clouds, this card and GTE Airphone can bring you back down to earth."
Rồi những câu "dụ khị" ngắn ngủi nhưng hấp dẫn "quicker" dial tone,
Plus "faster" and "better" connection.
Mảnh giấy còn ghi là "giá thấp chỉ 2 đồng một phút. Có lẽ rẻ hơn gọi về Việt Nam (tôi nghe nói 7 đồng một phút). Hệ thống gọi điện thoại trên không trung này nhận những thẻ tín dụng như Master Card, Visa, En Route, Discover, American Express v.v...

Nhớ Miami
Nếu dùng Air phone để gọi có lẽ người tôi gọi là hai bác Lưu Hùng hay cô bạn Kim Ánh của tôi vì tôi đã cảm thấy nhớ Miami. Những ngày ở nhà bác Hùng có nhiều lúc "chợt nhớ ra" thì tôi cũng nói chuyện y như "gái Bắc" vậy. Có lẽ ở xung quanh những người nói tiếng Bắc mà mình nói tiếng Nam nghe "chói tai" chăng?
Thôi thì tôi cũng:
"Mời hai bác sơi cơm ạ."
"Bác sơi nốt chỗ này đi ạ."
Sáng nay trước khi về tôi ra vườn rào hái rau bình bát nấu canh thì bác gái dặn:
"Này cháu, rau bình bát cháu phải xắt nhỏ. Xong cháu nhớ bóp rửa cho sạch kẻo nó hăng."
Tôi cứ nhớ những lời hai bác nói với tôi với giọng Bắc dễ thương:
"Quần này đáng lẽ phải hấp. Bác giặt nên nó co, bây giờ bác xuống gấu một tị thì nó vừa cháu ạ."
Bác trai thì nói:
"Bác gái mà thích món gì thì bác ấy nấu liền tù tì mấy hôm ăn cho mà chết."
"Ăn hết đi đừng để lại nó ôi, cô ạ."
"Cơm còn khối đấy."
"Cụ Túc cụ ấy trên 80 mà cụ cứ nhảy lên máy bay đi loạn cả lên. Ai mời là cụ đi ngay."

Vườn rau và gỏi cá sống
Tôi nhớ ở vườn sau của nhà bác Lưu Hùng có rất nhiều cây ăn trái và nhiều loại rau. Nhiều nhất là tía tô, rau húng. Bác ươm rau ngò gai để ăn phở. Có cả lá dứa. Cây cẩm mẹ tôi cho bác lúc trước nay đã ra nhiều lá. Tôi thích nhất hàng rào có rau bình bát. Rau này có quanh năm nên bác có canh bình bát ăn đủ bốn mùa. Rau này phải trồng bằng rễ và bác xin của một người quen mang từ Thái Lan qua.
Bên hông nhà bác còn có một cây chanh Thái Lan. Lá chanh Thái Lan bán ở các chợ giá 12 đồng một pounds. Lá chanh này thơm hơn loại chanh thường trồng ở Mỹ. Nếu ngắt lá cho lên mũi ngửi sẽ cảm thấy mùi vị của thức ăn Thái ngay. Đặc biệt là cây chanh này có nhiều gai nhọn và dài và quả của nó sần sùi.
Một hôm bác Hùng hỏi tôi:
"Nhà bác có cả giây mơ tam thể và rau đinh lăng nữa cháu ạ. Cháu có thấy chưa?"
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bác ấy bèn dắt tôi ra sân chỉ. Bác ngắt cho tôi vài lá mơ tam thể. Bề trái của lá mơ có màu nâu, xanh và trên sống lá màu xanh lợt.
Bác cho biết lá mơ này trộn gỏi cá sống, ăn mắm tôm. Ngoài ra nếu thái nhỏ trộn vào trứng đã đánh lên, xong áp chảo không bỏ dầu. Lá mơ quện vào trứng ăn trị bệnh kiết lỵ rất hay.
Cây rau đinh lăng của bác để tại hiên sau nhà. Đối với người không biết thì nó là loại cây kiểng. Tôi bức mấy lá nhai thử. Bác gái vội bảo:
"Nhai cho kỹ kẻo vướng cổ cô ạ!"
Bác nói rau này ăn gỏi cá sống cũng rất ngon hoặc ăn mắm, ché, chạo hay nem chua.
Nói đến món gỏi cá sống thì bác trai nhắc quán gỏi cá sống tại ngõ Chùa Vua đường Phan Thanh Giản gần nhà bác Nguyễn Đức Quỳnh. Rồi bác nhắc xế cửa nhà bác Quỳnh là nhà của giáo sư Vũ Khắc Khoan v.v...

Ba mươi sáu phố phường
Những ngày ở Miami có lẽ tôi chú trọng việc học hỏi nhiều hơn là đi viếng cảnh đẹp. Tôi hỏi bác đủ thứ chuyện và bác Hùng vui lòng kể cho tôi nghe thời thanh niên của bác nào là cách ăn mặc của "các cậu" thời bấy giờ, cảnh khổ thời kháng chiến bị Việt Minh đấu tố, cảnh người chết trong trận đói Ất Dậu, cảnh di cư vào Nam năm 1954 v.v...
Bác Hùng nói thời bác còn trẻ ở Hà Nội thì chỗ nào có thức ăn ngon thì các cậu biết ngay. Bác cho biết mỗi tháng được bố mẹ cho 20 đồng. Tiền trọ mất 12 đồng, còn lại 8 đồng để ăn tiêu. Lúc đó bác hay ăn "tái năm", tức phở gánh một tô chỉ năm xu. Bác nói chỉ một đồng thôi mà được ăn đến 20 tô phở lớn thật ngon.
Khi được hỏi đến Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường, bác giải đáp là ở Hà Nội có nhiều phố mà mỗi phố có những cửa hàng đặc biệt như Phố Chả Cá Lã Vọng. Nơi phố đó có vẽ ông Lã Vọng ngồi câu cá. Tại đây có nhiều hàng làm chả cá. Khách đến ăn có khi phải trèo thang leo lên gác. Vì không có hệ thống cho khói bay ra nên vách và cột nhà đen bóng và chả cá có mùi khói than.
Hà Nội còn có phố hàng quạt chuyên bán quạt nan, quạt giấy. Hay phố Hàng Mã chuyên bán đồ mã, giấy tiền vàng bạc để đốt cho người dưới âm phủ xài. Rồi phố hàng Đường có bán đủ các loại đường và đậu để nấu chè. Hoặc phố hàng Bông có bán bông (gòn) để làm gối, làm chăn bông v.v... hay phố hàng Đàn có bán đủ loại đàn v.v...
Theo bác có nhiều phố nổi tiếng đặc biệt theo các nhân vật như Phố Hàng Nón có ông Vũ Văn Mẫu đậu tiến sĩ luật. Phố Hàng Gai có ông Dương Thiệu Tước. Hoặc phố Hàng Than có cụ giáo Nguyễn Bảo Nghi (bố TT Nguyễn Bảo Trị) làm đốc học v.v...

Gặp Tản Đà
Bác Hùng thích nhất là kể chuyện gặp Tản Đà lúc bác chỉ mới 7, 8 tuổi. Dạo đó Tản Đà vào Nam viết báo cho tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Khi Tản Đà trở ra Bắc thì ông cụ thân sinh của bác Hùng có mời về ở căn nhà cụ mới mua thêm. Đó là một căn nhà cổ ba gian.
Bác Hùng thường đến viếng Tản Đà. Lúc đó Tản Đà mặc áo dài, đầu húi cua, tóc bạc muối tiếu, mũi to. Cụ hay làm thơ và thích uống rượu kinh khủng. Cụ uống rượu Ngang. Rượu Ngang nấu bằng gạo nếp, nặng vô tả nhưng không hại vì không có để "cồn" vào như rượu Pháp.
Cụ Tản thường ăn đậu hũ chấm mắm tôm pha chanh ớt với rau húng. Cụ thường "nhắm" với ổi xanh và khi uống rượu xong cụ thường bảo bác Hùng ngồi chơi nghe cụ ngâm thơ.
Trước cửa nhà cụ Tản có để một cái bàn (kiểu bàn hương án) trên đó có để toàn sách chữ Nho. Ông dịch rất nhiều thơ Đường. Lúc đó cụ thắp đèn bằng dầu lạc và cụ thường ngồi đọc sách sau khi ăn cơm.
Bác Hùng nói các cô gái thời bấy giờ không bị đòi hỏi phải biết làm cỗ bàn (tiệc) nhưng ít nhất muối dưa phải ngon, muối cà phải trắng và nấu cơm đừng khê, đừng sống. Bác khen cụ Tản bà đã không giận cụ Tản ông khi ông làm bài thơ chê tài nội trợ của bà. Bài thơ đó như sau:
Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa.
Không đi thì ở lại nhà,
Những là dưa khú cùng là cà thâm.
Bài này được em nữ sĩ Tương Phố là Song Khê họa là:
Kính dâng rau sắng chùa Hương,
Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa.
Không đi thì gửi lại nhà,
Thay cho dưa khú cùng là cà thâm.
Theo Thanh Thủy Nguyễn Hữu Chí (Báo Ngày Nay, Houston), thì Nữ Sĩ Song Khê nay đã ngoài 80 tuổi.

Thiền Viện Thường Chiếu
Một điều may mắn khác cho tôi là trong khoảng thời gian ở nhà bác Hùng tôi có xem được một cuộn video của một Phật Tử ở Chicago về Việt Nam cho mượn. Qua cuộn phim này tôi được xem quang cảnh của Thiền Viện Thường Chiếu của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và được nghe thầy nói chuyện. Trông thầy rất nhân từ và hiền lành.
Cũng như qua các cuộn băng giảng đạo của thầy mà tôi được nghe, thầy nói rất giản dị dễ hiểu. Thầy nói với người Phật tử từ Mỹ về:
"Phật tử ở đâu cũng là Phật tử. Ở trong nước cũng như ở ngoài nước nhớ lấy năm giới làm gốc tu hành. Muốn tiến khá hơn thì giữ tam nghiệp: thâm khẩu ý. Tu là chuyển hóa ba nghiệp từ xấu đến tốt. Nếu không sửa thì không phải Phật tử dù có thương mấy thầy."
Và thầy Thanh Từ cũng dặn dò thêm:
"Tu không phải đợi rảnh rang đi chùa mới tu. Tu thì làm điều lành còn điều dữ thì tránh xa. Bỏ nghĩ xấu chỉ nên nghĩ tốt. Ngồi làm việc cũng vẫn tu. Quan niệm tu là đi chùa, niệm Phật làm công quả không thôi thì không chính xác."
Thiền Viện Thường Chiếu tại Long Thành này trông rất sạch sẽ, rộng lớn và khang trang, gồm có Tây Đường, Đông Đường và Hậu Đường. Đường vào chùa có hai hàng thông cao. Chùa có trồng đủ loại cây ăn trái như vú sữa, dừa, mít, đu đủ, ổi, nho v.v... Phía sau có cả dàn bầu dàn bí, đậu ve, đậu đũa, măng tre và đủ các loại rau.
Trên vách thiền viện còn có bản phân công của các thầy về các công việc như nấu ăn, bưng dọn, múc nước hầm cầu v.v...
Sau khi dẫn Phật tử xem quanh chùa xong Thầy phụ trách nhà khách giới thiệu chuông chùa và thầy đọc những câu thơ được khắc trên chuông mà tôi vẫn nhớ trong lúc ngồi máy bay trở về Cali.
Bài thơ để đọc mỗi tối khi đóng chuông như sau:
Nghe tiếng chuông
Phiền não nhẹ
Trí tuệ lớn
Bồ Đề sinh
Lìa địa ngục
Thoát hỏa hình
Nguyện thành Phật độ chúng sinh.
Và một bài thơ khác nói về Mộng cũng được khắc lên thành chuông:
Gá thân mộng, dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi, cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng, nhắn khách mộng
Biết được mộng, tỉnh cơn mộng.

NGUYỄN HUỲNH MAI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41181)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42128)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48149)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 41760)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 35875)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40794)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40543)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44346)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39463)
1,863,880