1- Thăm bạn xưa tại Miami, Florida (NV, 7- 04-91)

10 Tháng Năm 200512:00 SA(Xem: 17428)
1- Thăm bạn xưa tại Miami, Florida (NV, 7- 04-91)
633800527945312500Mai và Kim Ánh đứng trước căn nhà bốn phòng này giá 150,000 đô tại Miami, Florida.

Người quan trọng

 Tôi đến Miami, Forida đã được ba ngày rồi. Tôi tự cho phép mình nghỉ xả hơi. Một phần vì “hơi giận” các ông Người Việt. Tôi gởi về trên mười bài mà các ông chỉ mới đăng đến bài số…. hai.

Lúc đến phi trường Houston tôi có gọi về cho Mẹ tôi. Bà nói: “Mẹ chỉ đọc được bài con “viết trên không trung” rồi hết. Mẹ tìm hoài không thấy. Hôm nay ở đây mưa lớn lắm. Thằng Bảy che dù đi mua báo người Việt cho mẹ. Để chút mẹ xem coi có không”

Mẹ hỏi tôi hôm nào về. Tôi bảo thứ Tư, ba tây. Mẹ hỏi còn đến một tuần nữa lận. Tôi bảo mẹ đón báo xem cho đỡ nhớ tôi, mấy bài sau có hình tôi chụp với bác

Thanh Hùng và ở vựa cá.

Mẹ lại dặn dò lên máy bay nhớ cầu nguyện nhe con.

Cô nàng tiếp viên hàng không xếp cho tôi ngồi ngay cửa exit vì tôi muốn ngồi cạnh cửa sổ. Đến lúc máy bay cất cánh, tôi táy máy lấy trong cái túi trước chỗ tôi ngồi: nào là túi giấy phòng ngừa “nôn ọe”, rồi bản hướng dẫn khi gặp trường hợp khẩn cấp thì tìm phao ở đâu….Rồi chót hết là một bản nói rõ “bổn phận”của người ngồi ngay cửa exit.

Theo tờ giấy này là người muốn ngồi đây phải hội đủ điều kiện: biết nói và nghe Anh ngữ, mắt thấy rõ để đọc bản này, có thể nhìn và nghe được khói, tiếng động bên ngoài, chân tay phải mạnh khỏe để có thể mở cửa (nặng bằng em bé 7 tuổi) và bưng cửa ra, có thể lo cho người khác…..Ôi cha đủ thứ điều kiện. Nhưng nếu không muốn làm những việc trên thì… đi chỗ khác ngồi.

Lý do họ muốn mắt mình thấy rõ là vì nếu bên ngoài có khói hay có nước mà mình “hăng hái” mở cửa ngay thì có nước…chết. Tôi yên lòng, điểm này là vì tôi năm nay tuổi hạc đã cao nhưng không bị cận mà chỉ bị “làng” thôi. Vì thế nên nhìn gần thấy mờ mà nhìn càng xa thì thấy càng rõ. Vả lại cửa exit của tôi nằm ngay trên cánh phi cơ, nếu có việc gì thì chỉ việc leo ra chứ không cần phải thả cầu tuộc bằng cao su như tại các cánh cửa exit khác. Điều cuối cùng mà tôi tính trước là nếu cánh cửa nặng quá thì tôi nhờ ông Mỹ mang mắt kiếng ngồi kế bên…mở giùm, nếu phi hành đoàn đến không được hay không kịp.

Bạn của Bố.

 Máy bay đến phi trường Miami đúng 5 giờ 5 phút tôi không biết có lầm không vì đồng hồ tại Houston chỉ mới 4 giờ 5 phút. Hỏi ra thì mới biết giờ của Florida sớm hơn Houston một giờ. Tôi gọi về Cali cho hay đã đến Florida bình an thì ông xã tôi đang làm việc và bên ấy chỉ mới 2 giờ 5 phút.

Bác Lưu Hùng đứng đón tôi tại chỗ hành lý. Bác là bạn cố tri của ba tôi. Năm nay bác đã 70 tuổi, con của bác là bạn của tôi từ lúc còn bé đi học lớp năm. Cô bạn của tôi có chợ Việt Nam nên bận việc cửa hàng nên không thể đón tôi được. Gia đình bác di cư vào Nam và về tận miền Tây sống nên hai đứa tôi quen nhau. Mỗi ngày tôi, Ánh và anh Huyên, chị Điệp đi bộ đến trường đều có mang theo cơm nắm và giò hoặc ruốc (thịt chà bông). Chúng tôi thường hay về nhà bà ngoại Hương Chánh để nghỉ trưa, ăn cơm. Người ta gọi bà ngoại nuôi của tôi là bà Hương Chánh vì gia đình của bà có rẫy ở làng Hương Chánh. Bà hay cho tôi ăn cơm với cá kho tiêu. Vào mùa bắp bà rang bắp cho tôi bỏ túi mang theo đi đến trường ăn. Bắp khô còn hơi tươi khi rang lên bỏ chút muối hay nước mắm ăn thơm và dẻo vô cùng. Tôi vừa đi vừa thò tay vào túi lấy ra từng hột nhăm nhi thật là ngon tuyệt.

Dâu của bà ngoại là thím Ba Kẹo làm bánh kẹp ngồi bán ở trước cửa nhà. Thím cũng hay cho chúng tôi bánh kẹp “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”. Trưa nào sau khi ăn uống no nê thì anh Huyên, chị Điệp và Ánh dạy cho tôi nhảy “mì sol”. Chúng tôi hát múa đủ kiểu. Chúng tôi còn nhỏ đâu biết chính trị là gì cứ vừa hát vừa múa: “Mì mi mì sol, la sol do la sol. Mì mì sol mi rề, rề đồ rê mi rề…”

Tía em hừng đông đi cày bừa.
Má em hừng đông đi cày bừa
Tía em là một người nông dân
Má em là một người nông dân
Cùng sống trên đồng ruộng bao la.

Khi cô nàng hát, cái môi cong lên, mắt cô lé, hai tay múa may trông rất là dễ thương. Tôi cứ hay “dụ” cô hát để tụi tôi lén cười bằng thích…

Về hưu tại Florida

Tối hôm tôi đến Florida, sau khi đóng cửa tiệm, Kim Ánh mời tôi về nhà ăn cơm. Căn nhà của Ánh mới toanh, bước lên gạch trắng mát cả chân. Tất cả nhà Ánh sơn và lót gạch màu trắng nên trông thật rộng rãi sáng sủa và trang nhã. Salon da màu trắng, các kệ màu đen và thảm màu xám nhạt. Các cô bạn tôi không có học Interior Design mà cô nào cũng có “gu” cả. Ánh bảo nhà mới dọn vào mấy tuần nên chưa “đâu vào đâu cả”. Tuy nhiên tôi thấy cũng đã rất gọn và sạch sẽ.
Tôi hỏi Ánh căn nhà bốn phòng này bao nhiêu. Ánh bảo là 150,000, cộng thêm mọi thứ cho căn nhà mới là vị chi 180,000. Thật là căn nhà lý tưởng vì tôi rất thích mái ngói nhưng căn nhà này mà cở Cali thì không dưới 400 ngàn. Tôi nói thôi để về già Mai qua đây dưỡng già. Ánh bảo các em bên Cali là Hiệp và Bình dự định khi về già sẽ trở về đây ở.

Thổ địa Miami.

Mấy hôm nay được lái xe vòng vòng quanh nhà bác Hùng, tiệm của Ánh trên đường Colonial Dr.. Nào là đi rửa hình tại Eckerd, nào là đi chợ Publix. Theo Ánh thì chợ Publix rất nổi tiếng tại Florida vì có dịch vụ tốt. Khi tôi trả tiền thức ăn xong là có một anh chàng “hộ pháp” cao lớn xách các túi đồ ăn cho tôi ra xe.

Ở bên Houston cũng có một chợ rất nổi tiếng của người Pháp là chợ Auchan. Cô nữ ký giả Phương Thúy của báo Chính Luận đã rất điệu nghệ với tôi nên cô hay tìm chỗ nào hơi đặc biệt là ghé cho tôi xem, còn lái xe quanh chợ Auchan cho tôi chụp hình nữa.

Theo Thúy thì người Việt Nam gọi chợ này là “Chợ 55” vì nó có đến 55 quầy hàng. Trong chợ có McDonald, Taco Bell,…. chợ này có đủ mọi thức ăn cà cả quần áo, xe đạp, ti vi, máy chụp hình, dụng cụ tập thể thao…. Họ nhận tất cả thẻ tín dụng và thẻ ATM. Khi cô cashier tính tiền xong là hàng của mình mua được một cái máy đẩy ra cho mình. Mình để lên xe đẩy đi. Mỗi khi muốn lấy xe mình phải bỏ 25 cents mới rớt ra cho mình. Nhờ vậy mà chi phí nhân viên ít nên giá hàng hóa hạ và dĩ nhiên là lôi kéo khách hàng trong đó có “a-na-mít” của mình.

 Hôm qua nói chuyện với tòa soạn, ông Tổng GĐ có hỏi thăm cô bạn Phương Thúy. Tôi kể cho ổng biết là cô bạn của tôi làm ký giả đã năm năm ở báo Chính Luận, học luật ban tư pháp, thường hay ra chiến trường mặc đồ nhảy dù bốn túi. Ngoài ra cô còn là con gái của một trong những lãnh tụ của VNQDĐ nữa đó. Tôi nói:

-Ngòi bút của cô này nãy lưã lắm, các anh có muốn cô ấy viết cho báo Người Việt không?

Bên đầu dây bên kia trả lời: “Muốn lắm!”
 (Còn tiếp)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41181)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42128)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48149)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 41760)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 35875)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40794)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40543)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44346)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39463)
1,863,880