Vài Ý Kiến Về Vấn Đề XÂY DỰNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM

11 Tháng Bảy 200612:00 SA(Xem: 15554)
Vài Ý Kiến Về Vấn Đề XÂY DỰNG ĐẠI HỌC VIỆT NAM


GS Tôn Thất Thiện

Xây dựng Đại Học là một điều căn bản trong các kế hoạch phát triển nhằm hiện đại hóa nước Việt Nam và xã hội Việt Nam. Nó thuộc về loại xây đắp hạ tầng cơ sở (infrastructures) để tạo điều kiện cho công cuộc hiện đại hoá, về chiều sâu và chiều dài. Nó cần được chuẩn bị thật chu đáo để đạt hưu hiệu tối đa, tiếp tục áp dụng được lâu dài mà vẫn thích hợp với hiện đại. Như vậy, cần tránh sơ ý trong giai đoạn thiết kế.

Xây dựng Đại Học cần sự đóng góp của rất nhiều người, nhiều giới, đặc biệt là giới Đại Học, và trong giới này lại cần có sự đóng góp của những người rất lưu tâm về vấn đề, có nhiều kinh nghiệm về giảng dạy, đã bỏ nhiều thì giờ nghiên cứu suy ngẫm, và có tiếp xúc rộng rãi với các giới Đại Học quốc tế.


Vấn đề rất bao la. Ở đây tôi chỉ xin lưu ý những người trách nhiệm về xây cất Đại Học cho Việt Nam về một số khía cạnh mà tôi cho là căn bản nhất, dựa trên những nhận xét của tôi qua một thời gian khá dài, và đặc biệt là trong những năm gần đây, nhờ có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với giới Đại Học của nhiều nước – Bắc Mỹ, Âu Châu, Á Châu --, về những khuyết điểm lớn trong các giới có ảnh hưởng đến sự định hướng đi của Việt Nam, ngay cả trong những giới khoa bảng và trí thức, đã gây trì trệ trong việc hiện đại hóa đất nước và xã hội Việt Nam không những trong quá khứ, mà ngay cả hiện nay.

Trong thời gian qua – “qua” đây là mấy thập niên – tôi nhận thấy giới mà GS Nguyễn Ngọc Huy gọi là “người ưu tú” – elite – của Việt Nam, những người coi là có khả năng, nghĩa là được coi như đương nhiên có trách nhiệm, dẫn dắt xã hội Việt Nam, đặc biệt là giới khoa bảng hay có trình độ học vấn khá cao, thiếu một số kiến thức căn bản về chiều huớng của văn minh tân tiến. Đó là những kiến thức về tiến trình xã hội và kinh tế của nhân loại. Những giới trên đây không có những kiến thức căn bản về con đường mà những dân tộc tiên tiến nhất hiện nay của thế giới đã đi qua để đạt được tình trạng phát triển hiện tại, điều kiện của mức sống rất cao mà họ được hưởng. Cuộc tiến đó là một tiến trình dài, trải qua nhiều chặng, và những chặng này nối tiếp nhau theo một thứ tự lô-gích. Vì thiếu kiến thức đó, những phần tử “ưu tú” của Việt Nam không chuẩn bị dân tộc về mặt chấp nhận những thay đổi cần thiết về văn hoá để thích ứng với điều kiện mới, và không chuẩn bị những thay đổi về thể chế để thực hiện những thay đổi về văn hoá nói trên.

Những giới nêu trên có thể rất tài giỏi về phương diện chuyên môn, trong lãnh vực nghề nghiệp của mình, nhưng trong những hoạt động có tính cách điều hướng cọng đồng, giúp cọng đồng cải tiến đời sống, họ hoàn toàn vô hiệu. Cái học và bằng cấp của họ chỉ có ích cho cá nhân và gia đình họ thôi. Đây là một tình trạng cần phải thay đổi. Mà một trong những môi trường thay đổi quan trọng nhứt về lãnh vực này là Đại Học. Do đó, tôi thấy những ai có liên hệ với vấn đề xây đắp, hay xây dựng lại Đại Học Việt Nam nên lưu ý đền những điểm sau đây.


Trong chương trình giảng dạy của Đại Học mới cần có những môn Xã Hội Học, Nhân Chủng Học, chú trọng đến tiến trình phát triển của tổ chức và văn minh nhân loại. Điều này rất cần để cho mỗi trí thức Việt Nam, làm việc trong bất cứ lãnh vực nào, cũng có một ý niệm rõ ràng rằng về phương diện tổ chức xã hội và văn minh, nhân loại đã đi qua những con đường nào, những giai đoạn nào, và hiện Việt Nam đang ở giai đoạn nào trên con đuờng đó.

Một môn nữa cũng phải cần được giảng dạy trong tất cả các chưong trình học là môn Phát Triển Kinh Tế Thế Giới, đặc biệt là giại đoạn về phát triển kinh tế cận đại và cận kim. Phần chính của môn này là Cách Mạng Kỹ Nghệ (The Industrial Revolution). Môn này cần được dạy kỹ để cho tất cả các trí thức, lãnh đạo của Việt Nam trong mọi ngành, đều có những kiến thức rõ ràng về sự canh tân của một nước, và thấy rõ sự canh tân đó, cần thiết cho sự hiện đại hoá, là một tiến trình kéo dài, qua nhiều thập niên, và nhiều giai đoạn. Nó không thể thực hiện trong một ngày một đêm được, mà phải đi qua nhiều giai đoạn, theo một thứ tự lo gích của nó, không “nhảy” được, như một số người hằng tin. Mọi người, nhứt là giới lãnh đạo, cần hiểu rỏ điều này để lo chuẩn bị từng giai đoạn, từng bước đi cho chu đáo.

Thêm vào các môn trên, cũng cần buộc các sinh viên, lãnh tụ tương lai, nhưt là trong ngành Khoa Học, phải học Lịch Sử Khoa Học, để cho họ ý thức rằng tình trạng tiến triển của Khoa Học Kỷ Thuật ngày không phải tự nhiên mà có, mà nó phải qua một số giai đoạn căn bản, và nó có được là nhờ có những ngưới có óc tò mò, bỏ công sưu tầm, nghiên cứu, thí nghiệm, có tinh thần dám xét lại và nói lên những gì mình thấy biết là không phải, hay đúng ra, không phải nửa, như Galilé, Copernic, Kepler, v.v...Nếu Âu Châu không qua giai đoạn cách mạng tư tưởng đó, ở thế kỷ XVI và XVII, sau thời gian mấy thế kỷ do các nhà chức sắc tôn giáo trị vì thì không có sự bùng phát của khoa học , và kinh tế, trong mấy thế kỷ sau.


Thêm vào các môn trên, cũng nên xen vào các chương trình học môn Địa Dư Thế Giới, để cho tất cả các trí thức Việt Nam có một ý niệm rõ ràng về môi trường trong đó mình đang sống, để thoát cảnh tự cao tự đại, mình là nhứt, vì “đả thắng Pháp thắng Mỹ”....

Cuối cùng, Sinh Ngữ cần được coi như là một môn rất quan trọng. Sinh viên bắt buộc phải có một trình độ cao khi thi vào Đại Học, phải bị sát hạch khi thi vô, và chăm lo trau dồi Sinh Ngữ – hai Sinh Ngữ: một chính, một bổ túc –trong suốt thời gian học. Lý do là: sinh viên loại mới này phải có đủ khả năng đọc sách để tự học, cập nhật kiến thức, và sau này khảo cứu và trao đổi với giới ngoại quốc. Sinh viên sẽ bắt buộc học Sinh Ngữ trong suốt thời gian học, và phải đủ điều kiện về Sinh Ngữ mới được phát bằng tốt nghiệp.

Về cơ cấu tổ chức thì nên hạn học 4 năm, và tổ chức theo phương thức kể từng môn (credit) thay vì từng năm, để mỗi sinh viên có thể học theo khả năng và hoàn cảnh của mình – học nhiều hay ít điểm/credits mỗi năm, trong một thời gian dài hay ngắn --, và tránh tình trạng cứ thi dài dài, năm nào cũng thi, mà không đỗ được vì cứ mỗi lần/năm lại hỏng một môn khác nhau, như thi Tú Tài trước 1945... Về số môn thì mỗi năm bình thường sinh viên học 5-6 môn (15-18 credits) mỗi kỳ (6 tháng), với một số môn tối thiểu (2) và tối đa (5) mỗi kỳ, và sinh viên được phát bằng sau khi hội đủ số điểm/credits bắt buộc.

Ngoài các môn học có tính cách Trí Tuệ-Chuyên Môn thì sinh viên phải tham dự các hoạt động thể thao, và sinh hoạt có tính cách cọng đồng/công dân vụ. Các hoạt động này cũng bắt buộc và được ghi điểm.

Một điều nữa cần lưu ý là cần có một sự phối hợp với cấp Trung Học để phổ biến những kiến thức trên. Tất nhiên, ở cấp Trung Học thì chỉ cần những kiến thức tổng quát . Những kiến thức này có thể đưa vào các môn học trong chương trình Trung Học.

Về phương diện Giáo Khoa, tất cả các ngành Đại Học đều phải có một khối cốt lỏi chung – Tronc Commun – gồm những môn nói trên. Tất cả các sinh viên học cấp Đại Học đều phải học các môn này để có kiến thức cần thiết cho sự canh tân xứ sở. Khái niệm này là một khái niệm rất mới về Đại Học, nhằm đưa Đại Học Việt Nam một xu hướng khác hẳn với xu hướng chuyên môn hoá triệt để – biết rất nhiều nhưng chỉ về một môn, hay một phần, của môn đó, mà các Đại Học ở các nước tiền tiến đang theo hiện nay. Họ có thể đi con đường đó được, vì họ đã có hạ tầng cơ sở (infrastructures) để yểm trợ chuyên môn, trong khi Việt Nam cần xây cơ sở rộng rãi trước.

Cũng trong khung cảnh Giáo Khoa, sự lựa chọn Giáo Sư phải rất kỹ, và căn cứ trên những tiêu chuẩn cần ấn định rõ ràng theo những điều kiện nêu trên. Cần nhứt lá tránh lối giảng dạy nhồi sọ, phát Cours in sẵn và bắt sinh viên học thuộc lòng...Sự giáo huấn phải ăn khớp với mục đích và tinh thần Đại Học kiểu mới nói trên. Giáo Sư như vậy tất nhiên phải được trả lương cao, để tránh cảnh họ phải đi “kiếm ăn” thêm ở ngoài, không còn đủ thì giờ và tâm trí để lo tròn nhiệm vụ sứ mạng của mình được.

Muốn có đủ tài chính để trả lương giáo sư như trên, phải buộc sinh viên trả học phí cao. Nhưng để duy trì công bằng xã hội, đồng thời phải có biện pháp nâng đỡ những sinh viên không giàu, bằng cách cấp học bổng và trợ cấp. Về điều này, cần có sự yểm trợ của các quốc gia muốn giúp Việt Nam. Phải nhờ họ giúp
Việt Nam duy trì trình độ cao về Đại Học, bằng cách trợ cấp khá dồi dào, kể cả về trang bị dụng cụ giáo khoa cập nhật, ít nhứt là trong giai đoạn đầu (10 năm).

Trên đây chỉ là một vài ý kiến căn bản, bàn đến một cách tổng quát, để làm cái khung cho một sự tổ chức Đại Học Việt Nam Ngày Nay, để người dân Việt Nam có đủ điều kiện để ngồi ngang hàng với các dân khác trong Ngày Mai.


Ngày Nay mà không lo, thì Ngày Mai Tốt Đẹp sẽ không có.

Ottawa,
Tháng 5, 2004

GS Tôn Thất Thiện

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41856)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42801)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48928)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42521)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36562)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41518)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41217)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43132)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39562)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45153)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40130)
1,863,880