- I- Hoa Hậu Áo dài 1978 (Việt Nam Hải Ngoại, số 33, 1-10-1978)
- II- Đêm Hoa Hậu Áo Dài 1979 tại Đại Họa Long Beach (Việt nam Hải Ngoại, số 59, 1-11-1979)
- III- Trung Tâm Sinh Họat Người Việt Quốc Gia Trong Khí Thế Mới (VNHN, số 73, 15-1-1980)
- IV- Từ Đây Không Còn Văn Nghệ Hưởng Thụ Nữa (VNHN số 71, 15-5-1980)
- V- Trên Chiều Hướng Văn Nghệ Đấu Tranh (VNHN số 73, 15-6-1980)
- VI- Những Tiếng Hát Yêu Quê Hương (Người Việt Tự Do, số 69, 15-1-1981)
- VII- Phạm Duy và Lịch Sử Âm Nhạc (ngưuời Việt Tự Do, 7-1981)
- VIII- Đại Hội Chính Trị Kinh Doanh (VNHN số 101, 1-8-1981)
Phải công nhận ban giám khảo đã làm khá vừa lòng khán giả trong sự chấm điểm cuộc thi Hoa Hậu Áo Dài 78. Tuy nhiên, Á Hậu Bùi Ngọc Thu với tướng đi hơi ưỡn ngực, hơi nhún nhẩy và nét nhìn ngang qua vai không tự nhiên của mình đã làm cho sắc đẹp kém đi. Riêng Á Hậu Lê Kim Trung nếu biết cách lợi dụng mái tóc và cách trang điểm khuôn mặt của cô sẽ sáng và nổi hơn. Hơn nữa, chiếc áo dài kim tuyến với những đường nét kỷ hà cũng đã làm cho thân hình Kim Trung nhỏ đi và cứng hơn, mặc dù cô có dáng đi khá đẹp.
Về phần câu hỏi cho các thí sinh, người viết bài xin có hai đề nghị. Một là câu hỏi được viết sẵn trong bao thơ cho các cô tự tay bắt. Hai là câu hỏi sẽ được đặt ra theo lứa tuổi, ngành học, hoặc sở thích của các cô. Vì một câu hỏi thích hợp cho cô gái 20 tuổi không hẳn đã thích hợp với cô gái mới 15 tuổi. Chẳng hạn như trường hợp cô Minh Phượng, 15 tuổi, ở San Diego. Cô thích về tài tử, khiêu vũ, nghệ thuật, thì tại sao ban tổ chức không hỏi cô về tài tử, phim ảnh, hoặc hỏi các điệu nhảy, như hỏi cô nghĩ gì về disco dance chẳng hạn, hoặc hỏi tại sao cô thích múa ballet, thay vì hỏi một cách tổng quát về dự tính tương lai của một cô gái 15.
Người viết bài này cũng xin đề nghị ban tổ chức đừng nên pha trò một cách quá đáng. Chẳng hạn như, cũng trường hợp cô Phượng, anh Jo Marcel đã giải thích câu hỏi của mình là “cô sẽ có chồng, hoặc đi tu”. Anh đã làm cho cô bé lúng túng, lại càng bí hơn, nên chỉ còn cách lặng thinh. Anh cũng nên nhớ, người Việt Nam mình rất sợ “xúi quẩy”, với những câu nói không được êm tai như thế. Một thí dụ cho anh thấy là thí sinh dự thi không có cô nào chịu mang số 13 hết, vì vậy tổng số là 16 người, nhưng người cuối cùng mang số 17.
Là một khán giả đến xem các thiếu nữ Việt Nam thi áo dài, người viết bài nhận thấy Hội Sinh Viên Việt Nam tại Long Beach State University đã đính chính và thể hiện đường lối dân tộc của mình qua các lời nói và tiết mục văn nghệ, cùng với sự tham dự của các nghệ sĩ vừa vượt thoát khỏi gông cùm cộng sản. Nhưng, trước mặt họ còn cả một con đường dài để thực hiện và chứng tỏ điều đó. Vì, theo sự hiểu biết của một số sinh viên tại California thì chính sách của các cộng nô hiện nay là một hoạt động âm thầm, nhằm chụp mũ, gây chia rẽ trong giới sinh viên chống cộng, làm cho những người có nhiệt tâm, thiện chí phải chán nản, bỏ cuộc. Tuy nhiên, với một chương trình văn nghệ áo dài khá thành công trên, Hội Sinh Viên Việt Nam tại Long Beach đã có một điểm son trên con đường duy trì và phát huy văn hóa dân tộc nơi xứ người.