2. Lính Việt Nam Cộng Hòa Trả Lời Truyền Hình Mỹ

23 Tháng Tư 200512:00 SA(Xem: 20476)
2. Lính Việt Nam Cộng Hòa Trả Lời Truyền Hình Mỹ


Hình : Tù trái Đại-úy Chiến Tranh Chính Trị Đỗ Đức Cường, ông Bruce Palling, Bùi Văn Phú, Nguyễn Huỳnh Mai, cameraman, ...

Sau bảy năm mất nước, trong chúng ta có bao nhiêu người đã đặt lại giá trị tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính VIỆT NAM CỘNG HÒA?







Đài truyền hình WGBH tại Boston đã thực hiện điều đó. Họ đã dành một cơ hội cho một số cựu quân nhân Việt Nam, những người đã thực sự chiến đấu, bày tỏ lập trường và cảm nghĩ của mình trong nhiều đoạn của chương trình 13 giờ về: "{VIỆT NAM, TỪ THỜI PHÁP THUỘC CHO ĐẾN THÁNG 4, 1975."

Chương trình truyền hình với phí tổn 4 triệu bạc này đã được đài PBS nói trên phối hợp để thực hiện cùng với đài truyền hình Pháp Antenne 2, đài TV Thụy-Điển và một đài nữa tại Anh quốc. Chương trình này được dự trù sẽ khởi chiếu trên toàn nước Mỹ qua hệ thống PBS vào mùa Thu 1982 và đồng thời cũng được phát hình trên toàn thế giới. Với tư cách một Phụ Tá Sản Xuất, cô Judith Vecchione đã bày tỏ, "Dựa trên sự nghiên cứu cho chương trình này, chúng tôi nghĩ rằng người dân Hoa-Kỳ không bao giờ hiểu được cục diện hay những áp lực tại miền Nam Việt Nam vào năm 1975. Và chúng tôi cũng nghĩ rằng người Hoa-Kỳ không bao giờ hiểu được ảnh hưởng của những quyết định chính trị của chính phủ Hoa-Kỳ đối với cục diện này và trách nhiệm của họ đối với sự sụp đổ của Miền nam Việt Nam."

Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin tường thuật lại buổi phỏng vấn cựu Đại-úy Chiến Tranh Chính Trị Đỗ Đức Cường, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Người Việt Quốc Gia Nguyễn-Khoa-Nam, Santa Ana, vào cuối năm qua.

MÙA HÈ ĐỎ LỬA

Câu đầu tiên mà Đại-úy Cường tỏ bày trước ống kính truyền hình là "Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa rất xứng đáng để cho tôi phục vụ và tôi rất hãnh diện để phục vụ suốt mấy năm cho đến ngày mất nước." Nét cương quyết, hào hùng pha lẫn tức giận hiện rõ trên khuôn mặt, ánh mắt và giọng nói của ông khi ông được yêu cầu kể lại diễn tiến của mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 tại Quảng trị.

Đại-úy Cường cho biết: Vào tháng 3-1972, với chức vụ Phụ-Tá Trưởng Phòng An Ninh Quân đội, ông có ghi nhận được sự tập trung quân sự rất lớn của Cộng quân gồm có Sư đoàn Cờ-Đỏ 351A, Sư-đoàn Sao-Vàng 711 và 250 chiến xa T-54 bên kia bờ Thạch Hãn. Lúc bấy giờ tại Quảng trị, các đơn vị trấn đóng gồm có Sư đoàn 3 Bộ binh tân lập chưa làm lễ xuất quân, liên đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến. Ngay sau đó, Cộng quân mở những cuộc tấn công lớn, và vì không có đủ thời gian chuẩn bị nên các đơn vị quân đội phải tháo lui khỏi Quảng trị và rút vào phía Nam sông Mỹ Chánh lập thành tuyến phòng thủ cho Cố Đô Huế. Sau đó tướng Hoàng Xuân Lãm bị triệu hồi về Trung ương và tướng Ngô Quang Trưởng thay thế giữ chức vụ Tư Lệnh Quân khu.

Đại úy Cường cho biết sau khi nhậm chức, Trung tướng Ngô Quang Trưởng thực hiện ngay kế hoạch tái chiếm Quảng trị. Ông Cường nói: "Giai đoạn đầu của kế hoạch này là củng cố lại tinh thần binh sĩ, làm cho họ tin tưởng nhiều hơn ở mặt trận mới. Sau đó chúng tôi có những mục tiêu giả để gạt cho Cộng quân tập trung quân số của họ vào một điểm và chúng tôi cố gắng mở một điểm khác để tấn công. Nói một cách chính xác hơn là Trung tướng Ngô Quang Trưởng cố gắng mở một gọng kềm gồm có: Sư Đoàn Nhảy Dù, ở phía Tây quốc lộ một, Thủy Quân Lục Chiến ở phía Đông quốc lộ một, và đồng thời các đơn vị hỗ trợ như là Sư đoàn Bộ binh gồm Trung đoàn 51 Bộ binh, Trung đoàn 3 Bộ binh và Trung Đoàn 1 Bộ Binh làm hậu thuẫn cho hai đơn vị Thủy quân Lục Chiến. Vào khoảng tháng 6 năm 1972, chúng tôi ào tiến qua khỏi bờ sông Mỹ Chánh và rất là ngạc nhiên vì trong vòng 48 tiếng đồng hồ đầu tiên của chiến dịch phản công, chúng tôi đã tiến được một khoảng rất xa và chiếm lại quận đường Hải Lăng. Tuy nhiên sự tiến quân của chúng tôi sau đó chậm hơn vì gặp sự kháng cự khá mạnh của địch quân nhất là về pháo kích. Trung bình mỗi ngày chúng tôi phải chịu 5000 quả đạn pháo kích 122 ly của Cộng quân. Hơn nữa Sư Đoàn 1 Bộ binh lúc bấy giờ ngoài nhiệm vụ yểm trợ cho Sư đoàn Nhảy dù và Thủy quân Lục Chiến còn có nhiệm vụ bảo vệ cả cái tuyến Tây Nam của Huế. Nhưng một điều may mắn là chúng tôi có được sự yểm trợ về phương diện pháo binh từ hạm đội 7 của Hoa Kỳ đậu ở ngoài khơi. Trận phản công được dự trù ba tháng thì chỉ trong vòng hai tháng chúng tôi đã tái chiếm cổ thành Quảng trị. Các đơn vị quân sự lúc bấy giờ rất lên tinh thần và sẵn sàng vượt bờ sông Thạch Hãn để tái chiếm Ái-Tử và tiến xa hơn nữa. Nhưng... ngay lúc đó thì Hiệp định Ba-Lê được ký kết, chận đứng chúng tôi lại bên bờ phía Nam sông Thạch Hãn. Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng chiến đấu của QLVNCH lúc bấy giờ và riêng cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng: Nếu chúng tôi tiếp tục được sự yểm trợ của Hoa Kỳ và sự yểm trợ tinh thần của các nước tự do trên thế giới thì chúng tôi có thể bảo vệ được nền tự do của Nam Việt Nam. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì những áp lực khác được dẫn đầu bằng Hiệp Định Ba-Lê.
"
Đáp một câu hỏi kế tiếp của ông Bruce Palling về tướng Văn Tiến Dũng, Đại úy Cường đáp: "Trong suốt thời gian chiếm Quảng trị, chúng tôi cố gắng sử dụng hệ thống tình báo kiểm thính để thu thập những công điện mà Bộ Tư Lệnh Văn Tiến Dũng chỉ thị cho các đơn vị Cộng quân. Do đó chúng tôi biết được Bộ Tư Lệnh của Tướng Dũng nằm ở Ái-Tử. Khi chúng tôi đặt chân lại Quảng trị, hầu như lúc bấy giờ trên hệ thống kiểm thính, chúng tôi nghe được những chỉ thị rất hốt hoảng, kinh hoàng của cấp lãnh đạo Cộng sản chỉ thị cho những đơn vị của họ rút lui khẩn cấp để bảo vệ Bộ Tư Lệnh của họ. Họ rất đỗi ngạc nhiên về sự phản công mau lẹ và mạnh mẽ của chúng tôi. Vì đây là lần đầu tiên Cộng quân tập trung một số lượng chiến xa quá lớn, cũng như lần đầu tiên họ sử dụng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3, FA7, FA9 để chống chiến xa và phòng không. Tôi nghĩ rằng nếu lúc đó Hiệp định Ba-Lê không trói chân chúng tôi lại thì có lẽ đó là lần mà chúng tôi có thể dạy cho Văn Tiến Dũng một bài học đích đáng."

Khi được hỏi cảm tưởng lúc trở lại thành phố Quảng trị, Đại-úy Cường đáp: "Tôi rất hãnh diện khi đặt chân trở lại Quảng Trị sau một thời gian dài thành phố náy rơi vào tay Cộng sản. Cộng quân đã chiếm Quảng trị vì lý do chính trị hơn là quân sự. Họ muốn lập thủ đô cho Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, chúng tôi cố chiếm lại thành phố này."

GIẤY KHAI TỬ

Bày tỏ cảm tưởng về Hiệp định Ba-Lê, ông Đỗ Đức Cường bực tức nói: "Người dân Việt Nam chúng tôi hơn ai hết, chúng tôi biết như thế nào là Cộng sản, vì vậy chúng tôi không tin tưởng vào Hiệp định Ba-Lê. Phải thành thật nói rằng chúng tôi rất giận dữ. Hiệp định đó mất công bằng hay nói khác hơn là một tờ giấy khai tử đối với chúng tôi bởi những điều khoản hết sức vô lý. Trong Hiệp Định có quy định sự triệt thoái của quân đội Hoa Kỳ mà không nói đến lực lượng ngoại nhập khác của Cộng sản Việt Nam. Bởi lẽ Việt Nam là hai quốc gia khác nhau sau Hiệp định Genève 1954. Về việc thay đổi vũ khí một đổi một, Hiệp định này chỉ quy định cho Nam Việt Nam và Hoa Kỳ. Chúng ta không thể tìm thấy một điều khoản nào nói đến việc kiểm soát các nguồn tiếp ứng cho Bắc Việt hay nguồn tiếp ứng qua đường mòn Hồ Chí Minh. Hiệp định Ba-Lê là một trở ngại rất lớn, trói chân chúng tôi, nhốt chúng tôi vào một khoảng bé nhỏ khiến quân đội VNCH chúng tôi không thể chiến đấu hữu hiệu được."

Đại úy Cường cho biết suốt thời gian tại ngũ mỗi năm ông được về thăm nhà một hay hai lần. Cuộc sống gia đình ông tương đối vất vả, tiền lương của ông rất ít so với chi phí cá nhân. Ông Cường nhấn mạnh: "Tuy nhiên chúng tôi quan tâm những gì xẩy ra tại chiến trường nhiều hơn là những gì xẩy ra tại hậu phương. Chúng tôi quan tâm đến cái việc sinh tồn của đơn vị hơn là những diễn tiến có tính cách xã hội, chính trị nằm ở sau lưng chúng tôi, những người lính cầm súng ở mặt trận không được thỏa mãn, đó là những cuộc biểu tình của nhóm phản chiến, thành phần thứ ba lôi cuốn những người khác làm xáo trộn chính trị trong nước. Cái xáo trộn chính trị đó cũng ảnh hưởng đến chiến trường, đến tinh thần chiến đấu của chúng tôi và nhất là có ảnh hưởng đến vấn đề quốc tế. Có lẽ người ngoại quốc họ không hiểu người lính VNCH phải chiến đấu với tâm trạng như thế nào."

Nói đến đây Đại-úy Cường phải ngưng lại để dằn bớt xúc động. Sau đó với đôi mắt đỏ và long lanh ướt, người chiến sĩ với sáu tuổi lính tiếp: "Chúng tôi đã đánh đổi khó nhọc, máu xương cho chỉ một con đường mà mình đã lựa chọn. Đó là con đường chiến đấu cho tự do, cho sự sống còn của cá nhân, cho gia đình và cho tất cả những người ở phía sau lưng. Chúng tôi thấy không có một sự hòa bình thật sự nào hơn là chúng tôi phải đẩy lui Cộng quân ra để bảo vệ lãnh thổ Nam Việt Nam."

Đáp một câu hỏi cuối có liên quan đến việc Cộng sản tiến chiếm Phước Long, Phước Bình và Ban Mê Thuột năm 1975, Đại úy Cường đáp: "Chúng tôi không nghĩ rằng nó sẽ dẫn tới một sự sụp đổ toàn diện vì đó không phải là một trở ngại lớn. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng đó là một nỗ lực trong cao điểm chiến trường mà chúng tôi có thể tái chiếm lại được. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi Huế phải rút lui vì suốt tháng Hai và tháng Ba năm 1975, tình hình Huế rất yên ổn. Các đơn vị của Sư đoàn 1 đang trấn giữ các vị trí ở Tây Nam Huế. Lúc bây giờ, trong khi quân đội chúng tôi chưa thấy gì là nguy hiểm cả, chưa cảm thấy bị một áp lực Cộng quân nào đè nặng cả, thì các đơn vị hành chánh rút lui tạo nên một tình trạng hết sức rối loạn. Sau cùng chúng tôi cũng phải rút lui. Vì vậy chúng tôi thấy mất nước năm 1975 là một sự vô lý quá sức. Năm 1972, chúng tôi có giao tranh, có thất thủ, rồi có giao tranh để tái chiếm. Còn năm 1975, chúng tôi không được biết gì khác hơn là một cái lệnh rút lui."

Sau phần nói chuyện của Đại-úy Đỗ Đức Cường, ông Bruce Palling, một ký giả Úc đã từng sống nhiều năm tại Việt Nam và Cao Miên trước và sau năm 1975, tiếp tục phỏng vấn một số cựu chiến binh thuộc nhiều binh chủng khác. Hầu hết những cựu chiến binh tiếp xúc với đài WGBH ngày hôm đó đều là những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu tại các trận Tết Mậu Thân, An-Lộc, Khe Sanh, Mùa Hè Đỏ Lửa, hay tham dự các cuộc hành quân sang Cao-Miên để tiêu diệt quân Cộng sản Bắc Việt.

Nói về khả năng chiến đấu của QLVNCH người viết bài xin nhắc lại lời của một người bà con ruột của một viên Thủ-Trưởng của một Sư đoàn Bắc Việt đã từng đóng quân ở Cao Miên (hiện đã vượt biên sang Mỹ):

"Tướng Đỗ Cao Trí và cuộc hành quân Cao-Miên 1970-1971 của quân lực VNCH quả thiệt đã làm cho hàng ngũ Cộng sản Việt Nam tại đây phải thất bại trầm trọng, khiến cho cái gọi là Chính Phủ Lâm Thời Miền Nam của Huỳnh Tấn Phát đã chạy trốn không kịp, và ngay viên Thủ-Trưởng của Sư đoàn mà còn phải leo lên đọt cây cao su trong rừng để trốn mới thoát chết!"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41182)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42128)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48150)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 41761)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 35875)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 40795)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 40543)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 42478)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 38906)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 44347)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 39463)
1,863,880