Để Xây Một Đại Học

15 Tháng Bảy 200612:00 SA(Xem: 15737)
Để Xây Một Đại Học

Trần Khải

- Tất nhiên là cần một nền đại học vững vàng, thuộc đẳng cấp quốc tế, nơi vừa trao truyền kiến thức vừa kích thích khả năng sáng tạo cho một thế hệ trí thức mới. Ai cũng mong muốn cho đất nứơc mình có điều kiện như thế.

Mỗi năm, khi tới kỳ loan báo danh sách trúng giải Nobel, chúng ta lại nghe tên những vị giáo sư đại học này, đại học kia được các giải Nobel về Vật Lý, Hóa Học, Kinh Tế, Y Khoa, vân vân… Mỗi khi vào các sân đại học Mỹ, những nơi đã nổi tiếng và có uy tín, chúng ta lại thấy có một số chỗ đậu xe ghi rõ giành cho vị giáo sư giải Nobel này, Nobel kia… Thế giới của kho tàng tri thức, của phát minh, của những trí tuệ nhân loại thấy rõ hầu hết nằm nơi các khuôn viên đại học. Và chúng ta mong muốn đất nứơc mình cũng sẽ có ngày xây dựng được một nền đại học như thế.

Thực ra, một đại học đẳng cấp quốc tế vẫn là cần thiết, tất nhiên, nhất là khi cần có các phát minh độc đáo để chuyển hứơng kinh tế quê nhà. Hãy nhớ tới các phát minh lớn của nhân lọai trong vài thập niên qua: máy điện tóan, Internet, email, điện thọai di động, vân vân… Thọat tiên cũng từ một vài cá nhân xuất sắc, được học và nghiên cứu trong một môi trừơng thích hợp. Và một phát minh lớn cũng có thể chuyển hứơng cả lịch sử nhân lọai. Nghĩa là cần một đại học có sức nghiên cứu để sáng tạo và phát minh. Đại học như thế có thể chỉ vài trăm sinh viên, hay vài ngàn sinh viên. Nghĩa là, một đại học cho các em ưu tú. Tại Hoa Kỳ, ngay từ tiểu học, trung học đã có những lớp riêng cho các em xuất sắc, dạy chương trình khó hơn bình thường. Thí dụ như chương trình Gifted Students, chương trình GATE, hay các lớp AA dạy riêng trong một ngôi trừơng bình thường…

Nhưng dù vậy, trước hết, môi trừơng chung vẫn là gìn giữ phẩm chất cao cho một nền giáo dục đại chúng - đây là điều không thể nào bỏ lơ. Hãy suy nghĩ về Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, hay Đại Học Vạn Hạnh thời trước 1975. Tính ra các đại học này đã đào tạo ra ít nhất vài trăm ngàn cử nhân, cao học văn chương, và có lẽ vài tiến sĩ (?). Nhưng trong đó có lẽ chỉ rồi có được vài chục (đoán kiểu bi quan), hay vài trăm (đoán kiểu lạc quan) nhà văn, nhà thơ đáng chú ý.

Tương tự, hệ thống đại học đại chúng sẽ đào tạo cho đất nứơc hàng triệu chuyên viên, trí thức, nhà giáo, luật sư, bác sĩ, vân vân. Nhưng đại học đẳng cấp quốc tế chỉ cần đào tạo ra vài trăm nhà phát minh, trong đó có một Albert Einstein hay một Bill Gates là đủ. Như vậy, nhu cầu đại học đẳng cấp quốc tế là phát minh khoa học, vì đó là nhu cầu cấp thiết để tăng tốc phát triển kinh tế, thăng tiến đời sống dân mình.

Tập trung vào hướng khoa học… đó là chiến lược xây dựng đại học của Singapore, nơi đang hy vọng tự biến thành thủ đô của ngành sinh hóa toàn cầu. Không phải nơi đây chúng ta thiên vị gì cho các ngành khoa học, mà coi nhẹ các ngành nhân văn. Không phải thế. Bản thân người viết bài là sinh viên Văn Khoa Sài Gòn, lê lết chơi thân với bạn bè toàn các ngành ngoài khoa học, thí dụ như các bạn ở Đại Học Vạn Hạnh, Minh Đức, Luật…. Nhưng chúng ta đều biết rằng đào tạo một nhà văn, nhà thơ có khi cần chất tôi luyện của đời sống, nhiều hơn là ở sân trường. Đúng là chúng ta phải học chữ, từ ngữ, văn phạm, đặt câu, học chữ Hán Việt, học thơ cổ, thơ mới… nhưng như thế có thể tự học ngoài quán cà phê cũng được, còn văn bằng thực ra chỉ để xin đi dạy học. Còn nhu cầu đại học cấp thiết ở đẳng cấp quốc tế phải là khoa học, phải là môi trừơng để tìm các phát minh lớn về vệ tinh, về nguyên tử, về thuốc trị bệnh ung thư, về kỹ thuật môi trường… nghĩa là đất nước cần gấp các phát minh thiên tài để phát triển.

Còn như để các sinh viên ưu tú này sang Mỹ, sang Đức, làm việc chung các toán nghiên cứu và phát minh được những gì lớn lao sau đó, thí dụ như tìm ra cách biến nứơc lã thành xăng, thì lợi ích lại rót về cho nứơc Mỹ, nứơc Đức… Còn tìm cách mang bí mật kỹ thuật này ra khỏi sân đại học Mỹ, Đức là bị quy tội gián điệp kinh tế liền. Thêm nữa, nếu phát minh này có tính chiến lược, không dùng cho dân dụng, thì có khi phát minh đó lại sử dụng riêng cho ngành qúôc phòng của Mỹ, của Đức, thì VN kể như không có gì hết.

Đặc biệt, dù là đại học nào đi nữa, thì rất mong muốn nên là tạo mọi cơ hội cho tất cả các sinh viên muốn học, là có đủ khả năng tài chánh đi học. Điều chúng ta đọc báo quê nhà đau sót nhất là khi thấy nhiều trẻ em tiểu học, trung học đã bỏ ngang vì nhà nghèo. Rồi tới đại học, thì nhiều bậc ba mẹ phải bán ruộng để đóng học phí cho con. Sao lại để tình trạng như thế kéo dài? Khi chính phủ bỏ phí một đầu óc, đó là một tội lớn với sinh viên đó, tội lớn với cả đất nứơc, và cũng là tội lớn với cả nhân loại. Hãy hình dung, một em bé Albert Einstein phải bỏ ngang ở lớp 4, hay lớp 5 để ra bến xe Miền Đông bán vé số giúp mẹ mua gạo… Hãy cố gắng, đừng bỏ rơi một em nào cả, hãy đưa tất cả các em lên con tàu giáo dục đại chúng.

Bây giờ nhìn lại đời mình, tôi vẫn thấy mình mang ơn chế độ Miền Nam nhiều nhất là về mặt giáo dục. Tôi bứơc vào bậc tiểu học, rồi trung học, rồi đại học Sài Gòn trứơc 1975 mà không tốn tiền học phí gì. Chỉ trừ tiền mua sách, đóng lệ phí giấy tờ, chụp hình làm thẻ… Thực sự như thế. Tất nhiên là cũng nhờ may mắn hồi đệ thất thi đậu trung học công lập. Ai muốn nói Miền Nam phồn vinh giả tạo thế nào thì nói, nhưng làm sao mà các chữ tôi học, các bài thơ cổ, thơ mới, chút xíu vốn Anh Văn, Pháp Văn, Hán Văn học miễn phí từ nền giáo dục đó lại là phồn vinh giả tạo? Bây giờ tôi vẫn mong muốn nhà nứơc, bất kỳ nhà nứơc nào của VN, hãy gìn giữ và tạo điều kiện cho mọi sinh viên học miễn phí. Hay chỉ tốn ít nhất.

Nếu các bạn sang Hoa Kỳ, và sẽ nghe hầu hết người Việt mình ở Mỹ kể rằng nền giáo dục đại học Hoa Kỳ gần như là cho tiền để học. Đi học mà còn có tiền nữa. Đó là sự thực. Chúng ta không dám mong quê nhà có dư điều kiện như thế, nhưng hãy thấy ưu tiên phát triển phải dựa chính yếu vào giáo dục.

Giúp cho tất cả các em đi học còn là cách trị an tốt nhất. Như thế, sẽ xóa dần ngăn cách hố sâu giàu nghèo. Hãy nhớ, ngay cả học đại học tư, chính phủ Mỹ vẫn tìm cách giúp tiền cho các em. Tiền cho các em vay (student loans), rồi tiền cấp tặng (Pell Grants). Nếu tính từ năm 1995, số lượng mà 1 sinh viên đại học Hoa Kỳ có thể vay mượn đã tăng tới kỷ lục, và số lựơng các khoản Pell Grants tặng cho sinh viên cũng tăng nhiều. Tiền Pell Grants dự kiến sẽ tăng thêm 240 triệu đô, và số SV nhận tiền này tăng 59,000 em để tới con số 5.3 triệu sinh viên. Tiền tài trợ cho Pell Grants tăng từ 8.8 tỉ đô năm 2001 để tới 13 tỉ đô năm 2006. Trong năm 2006, Bộ Giáo Dục Mỹ dự kiến phân phối 77 tỉ đô la các khoản tiền ban tặng, tiền cho vay và các khỏan trợ giúp khác cho hơn 10 triệu sinh viên. Các con số đó là từ phúc trình của Thượng Nghị Sĩ Jon Kyl, Uy Ban Tài Chánh Thượng Viện Hoa Kỳ.

Hãy nhớ, cơ hội giáo dục phổ thông cho các em sẽ giúp xóa ngăn cách giàu nghèo. Thí dụ, các em thuộc diện gia đình nghèo hay thuộc các nhóm dân thiểu số đương nhiên khó có điều kiện học đại học. Thấy rõ, như ở VN, các em nào thuộc gia đình người Tày, người Nùng, người Tây Nguyên ở các tỉnh phía Bắc, Cao Nguyên là khó mà học cao. Chính phủ Hoa Kỳ luôn luôn giúp đỡ các trừơng hợp bất lợi như thế, cho nên khi thấy số lượng các em gia đình nghèo nhận lãnh tiền Pell Grant giảm là báo động liền. Không làm gì có chuyện kỳ thị lý lịch ba đời hay đuổi ra sân đại học gì khác.

Bản phúc trình tựa đề "Using Multiple Lenses: An Examination of the Economic and Racial/Ethnic Diversity of College Students" (Nhìn Từ Đa Cực: Cuộc Khảo Sát về Tính Đa Dạng Kinh Tế và Sắc Tộc/Chủng Tộc của Sinh Viên Đại Học) thực hiện tại 22 đại học tư ở California (xin nhớ, đại học tư nhân cũng được giúp) phổ biến hôm 11-7-2006, làm bởi Claremont Graduate University và hội Association of American Colleges and Universities cho thấy:

-- Tỉ lệ trung bình sinh viên lãnh Pell Grants giảm từ 26% năm 2000 xuống còn 23% năm 2004.

-- Tỉ lệ trung bình sinh viên các nhóm thiểu số cũng giảm, từ 45% năm 2000 xuống còn 41% năm 2004.

Tại sao Mỹ lại chú ý nâng đỡ, cấp tặng tiền cho các em gia đình nghèo và sắc tộc thiểu số như thế, để khi vừa sụt xuống chút xíu là báo động liền? Chế độ nào mà nhân đạo như thế?

Tôi tin rằng những ai từng học miễn phí ở Miền Nam, và rồi học tiếp đại học miễn phí ở đại học Mỹ sẽ không bao giờ hình dung được có hệ thống giáo dục nào ưu việt và nhân đạo hơn.

Còn chuyện có nên nhờ qúôc tế giúp xây đại học cho mình hay không? Có lẽ có vài mô hình đã thành công ở nứơc ngòai. Trong bản tin CNET News hôm 10-7-2006 cho biết MIT và Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Singapore loan báo kế họach MIT (Viện Kỹ Thuật Massachusetts, bản doanh ở Cambridge, Mass.) sẽ thiết lập tại Singapore một trung tâm nghiên cứu mới năm 2007 - để sẽ tập trung nghiên cứu chủ yếu về khoa học y sinh hóa (biomedical science), kỹ thuật môi trừơng và nứơc (water and environmental technology), và truyền thông kỹ thuật số (digital media). Nghĩa là, một viện đại học mà chỉ có 3 ngành chủ lực thôi.

Bản tin phóng viên Michael Kanellos còn viết, "Duke University cũng đang giúp Singapore thiết lập một đại học y khoa, trong khi nhiều công ty và học viện khác đang tham dự chương trình Biopolis để thiết lập cho Singapore một trung tâm kỹ thuật sinh học."

Thực sự, không riêng chỉ Singapore phải thỉnh các sư phụ ngành khoa học về giúp. Những hỗ tương giữa các công ty kỹ thuật và các đại học ngày càng chặt chẽ. Như hãng Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. mới đây thuê giáo sư Chenming Hu của UC Berkeley về làm Trưởng Phòng Kỹ Thuật từ 2 năm nay.

Hay như tại quốc gia đầy dầu hỏa Qatar, cũng phải thỉnh các đại học Mỹ Carnegie Mellon University, Georgetown University, Texas A&M University và vài đại học Mỹ khác thiết lập các chương trình dạy và cấp bằng 4 năm ở Qatar, và bằng này tương đương bằng cấp tại Mỹ vì giáo sư hầu hết sẽ thỉnh giảng hay dọn sang ở đây.

Cornell University cũng lập 1 đại học y khoa ở Qatar cùng với 1 bệnh viện nghiên cứu với khỏan tiền 8 tỉ đô.

Thậm chí siêu đẳng tới ngay như Úc cũng phải thỉnh cầu Mỹ giúp đỡ: hồi tháng 5-2006, Carnegie Mellon University đã lập một khuôn viên trường vệ tinh, dạy và cấp bằng cao học (master's degrees, hình như ở VN còn gọi là thạc sĩ) về môn kỹ thuật tin học ở Adelaide, Uc Châu.

Chúng ta thực sự là có quá nhiều điều để mơ ứơc. Đặc biệt là mơ ứơc về một đất nứơc dân chủ, tự do, công bằng và nhân quyền. Nhưng dù là chưa được như thế, và dù là ở hoàn cảnh nào đi nữa, thì nhu cầu giáo dục đại chúng vẫn là cần thiết, trong đó tất nhiên phải là có một hay vài đại học đẳng cấp qúôc tế. Bỏ phí một bộ não là tội lớn kinh khủng. Hãy nhớ như thế. Để xây một đaị học, trứơc tiên là cần một tấm lòng đaị lượng, giúp tất cả các em muốn học đều có thể đi học được. Bất kể quá khứ gia đình các em, bất kể sắc tộc hay tôn giáo. Tấm lòng cưu mang người cả nứơc như thế, đó mới là yêu nứơc thực sự.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Chín 2004(Xem: 41812)
1,863,880