Tijuana đọc là Tee-wah-na. Con đường đẹp, ngắn, dễ đi, từ Ensenada qua Tijuana là xa lộ 1D. Tuy nhiên, bạn phải qua ba trạm trả lệ phí khoảng 2 đô cho mỗi chỗ.
Vừa chạy vào đại lộ Revolucion là bạn thấy ngay phố xá ở đây khác hẳn với các thành phố khác ở Mễ Tây Cơ. Nơi đây thật ồn ào náo nhiệt. Đúng là “ngựa xe như nước, áo quần như nêm.” Tuy nhiên, quần áo vì trời nóng cho nên phần nhiều là quần đùi áo hở lưng hở ngực, còn xe thì rất nhiều xe tắc xi, xe buýt. Riêng ngựa thì lại đứng trên lề nơi các góc đường để... chụp hình với du khách.
Tại phố này hầu như các góc phố đều có xe ngựa làm cảnh để chụp hình. Các ông phó nhòm vừa rao vừa đưa các ngón tay chỉ năm đồng một bức ảnh cưỡi ngựa hoặc ngồi trên xe với chiếc nón rộng vành gọi là Mexican Sombreros mà chính người Mễ cũng ít dám đội..
Tôi trả giá và leo lên xe chụp một tấm ảnh làm kỷ nghệ. Ông Mễ lấy tiền liền, và cho tôi một hóa đơn để đứng đợi bức ảnh lấy liền khô ráo. Trong lúc đó, ông quơ tay la to mời người khác. Sau đó trao một bức ảnh cho khách chụp trước tôi.
Nhìn bức ảnh đen trắng lờ mờ, bà Mỹ giận đỏ mặt hỏi ông ta sao không cho biết trước là đen trắng. Hắn vừa cãi vừa gạ bà mua cái khuôn bằng giấy cứng để giữ cho tấm ảnh “mờ ảo” đừng cong. Bà càng tức giận hơn vì bà cũng như tôi đều đã trả tiền rồi. Chỉ khác là bà trả năm tì, còn tôi trả có ba tì.
Cà rá ở lề đường
Ở trên hè phố còn có các ông Mễ khắc tên lên cà rá để kỷ niệm. Các ông ra giá 7 đồng, nhưng 5 đồng họ cũng chịu. Trên mâm ông có để nhiều cà rá vàng. Sau khi chịu giá, ông ghi tên mình lên giấy rồi khắc bằng cái cưa bé xíu. Các ông thật khéo tay.
Một ông cho biết mỗi ngày làm được trên 10 cà rá. Cuối tuần có ngày khắc được 50, 60 cà rá. Ông nói phải nuôi nhiều người lắm nên chẳng là bao. Tôi được biết là người Mễ hay sống đại gia đình và phần nhiều chỉ người chồng đi làm nuôi cả cha mẹ, vợ con, có khi còn cả anh em nữa.