- 1- Sinh hoạt của Ban Việt Ngữ Đài BBC Luân Đôn (trích Đường Sống, 1984)
- 2- Đài Á Châu Tự Do (RFA), Từ Người Đến Việc (tường trình của Nguyễn Huỳnh Mai từ Hoa Thịnh Đốn, trích Nhật báo Người Việt, 1997)
- 3- Thăm Ban Việt Ngữ Đài VOA (tường trình của Nguyễn Huỳnh Mai từ Hoa Thịnh Đốn, trích Nhật báo Người Việt, 1997)
- 4- Trở lại thăm Đài Phát Thanh BBC Luân Đôn (trích Tiếp Tục Hành Trình, 2006)
Ông Đổ Văn (trái) trong văn phòng tại đài phát thanh BBC Luân Đôn
Theo ông Đỗ Văn, người làm việc tại đây 20 năm, cho biết đài BBC là một công quản, bán tư nhân, do nghị định của nhà vua nước Anh ban hành cho phép đài này được hoạt động. Phần lớn ngân khoản để hoạt động của đài này được lấy từ tiền thuế của những người có máy thu thanh và truyền hình. Tiền thuế này dùng để chi tiêu vào những chương trình quốc nội. Riêng chương trình hải ngoại vụ thì do Bộ Ngoại giao nước Anh đài thọ trong ngân khoản của bộ này.
Ông Đỗ Văn cho biết thêm:
“Hải Ngoại vụ đài BBC làm nhiệm vụ thông tin và làm sao loan báo những tin tức trung thực vì trên thế giới này các cơ quan truyền thông của các chính quyền không có tính cách tư nhân, thường hay loan những tin tức có lợi cho chính phủ của họ. Riêng ở đây, tôn chỉ của đài BBC, ngay từ lúc đầu, theo truyền thống của nước Anh là thông tin thì phải trung thực. Chẳng phải lẽ vì thế nên đài BBC được nhiều người trên thế giới chịu khó nghe.”
Khi được hỏi về dư luận cho rằng đài BBC có trách nhiệm về việc mất các tỉnh miền Nam một cách nhanh chóng, ông Đỗ Văn cười xòa đáp:
“Đài BBC không có trách nhiệm gì trong vấn đề Sàigòn mất vì hệ thống thông tin BBC là một hệ thống phức tạp chứ không phải do ban Việt ngữ quyết định. Tin tức của ban Việt ngữ đài BBC loan đi đều là những tin tức mà tất cả gần 40 ban ngoại ngữ loan báo. Nếu tưởng tằng những tin tức loan đi là chỉ để cho người Việt Nam nghe là một sai lầm.”
Sau đó, ông Đỗ Văn giải thích về hệ thống nhận định của đài BBC như sau:
“Tin tức đến đài BBC trước hết phải qua một ban cao nhất của đài. Ban này sẽ cân nhắc qua ít nhất là ba nguồn tin gủi về mà họ cho là xác thực nhất. Họ đưa vào bối cảnh lịch sử và những điều kiện hiện thời xem tin đó có đúng không, họ sẽ viết lại vô tư và trung thực rồi đưa qua ban Thế giới vụ. Sau đó các bản tin sẽ được đưa qua một ban ở giữa, ban này sẽ xem những tin nào mà thính giả ở mỗi châu thích nghe như Âu châu vụ, Á châu vụ, hay Đông Nam Á vụ. Sau cùng mới đến các ban ngoại ngữ, trong đó có ban Việt ngữ.”
Trong dịp này, ông Đỗ Văn tâm sự:
“Lần đọc tin khó nhất trong cuộc đời tôi là hôm đọc bản tin Sàigòn mất. Tôi phải đọc làm sao cho thật vô tư. Tôi phải cố làm sao cho thật bình tĩnh, coi như mình chỉ là khách bàng quan cho nên tâm trạng mình lúc đó phải cố làm sao cho không ai biết được.”
Trong dịp này, “người bị phỏng vấn lần đầu tiên” cho biết ông đã đi làm phóng sự ở hầu hết các trại tị nạn Đông Nam Á, Hồng Kông, Singapore. Ông đã qua Mỹ hai lần để làm phóng sự. Lần đầu khi người Việt mới đặt chân trên đất Mỹ, và lần thứ nhì năm 1983 để xem sau bảy năm định cư mức sống của người Việt đã được ổn định và tiến triển ra sao. Được biết vào tháng 6 và tháng 7, 1984 tới đây ông Đỗ Văn sẽ phát thanh 10 bài nói về sinh hoạt văn hóa của người Việt tại Mỹ. Khi được hỏi đài BBC có loan những tin về các hội đoàn tại Mỹ hay không, ông Đỗ Văn nói:
“Tại Hoa Kỳ có đến 400 hội đoàn. Nếu có hoạt động của hội đoàn này có tính cách quốc tế, có thực chất và có diễn biến quan trọng, chúng tôi sẽ loan tin. Chúng tôi thường chú ý đến những tin tức có liên quan đến người vượt biển.”