24. Trì chí đi đến đích - hay: Phật Giáo Tứ Ân chân truyền

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 76298)
24. Trì chí đi đến đích - hay: Phật Giáo Tứ Ân chân truyền

15-6-04

Người có sứ mạng có một trách nhiệm, nhiệm vụ, và bổn phận khác hơn người khác. Một mặt phải chu toàn luật hữu vi, tức nhân luật. Mặt khác phải chu toàn bổn phận của luật vô vi đối với thiêng liêng, những vị mà mình đã nhận trách nhiệm liên hệ để tiếp nối thực hiện.

Luật hữu vi hay nhân luật dành chung cho loài người hầu con người được sống an vui hạnh phúc.
Thiên luật hay luật vô vi dành cho những bậc có trách nhiệm bảo vệ cho con người và mặt đất.
Thiên luật gắt gao hơn nhân luật. Người có sứ mạng thiêng liêng phải tuân hành dù muốn hay không muốn.

Muốn cũng không được mà không muốn cũng không được, vì một khi lãnh sứ mạng là phải nằm trong giới luật này. Phải hành xử sao cho đúng với thiên luật để được tồn tại và tiếp tục hành trình cho đến khi trở về với trạng thái hư vô. Vô hữu lẫn vô vi. Trạng thái có cũng như không. Đó là trạng thái hoàn hảo. Khi có sứ mạng mới để trở về mặt đất thì kim mộc thủy hỏa thổ sẽ kết tụ lại để nảy sanh ra con người đúng với hoàn cảnh thời thế mà làm việc.

Như vậy thì ta không phải là ta mà ta là sự kết tụ của Hồn Thiêng Sông Núi, của hoàn cảnh quốc gia mà ta sanh ra để làm việc. Vậy thì ta là kết tinh của bao nhiêu oan hồn tử sĩ, anh linh chiến sĩ, và bao bậc anh hùng hào kiệt đã hy sinh để gây dựng tiền đồ quê hương dân tộc Việt Nam.

Có biết bao đợi chờ của vùng địa linh nhân kiệt kết tụ bên dòng Cửu Long chảy xuôi từ Tây Tạng của đỉnh Hy Mã Lạp Sơn.

Ta phải làm gì và ta quá nhỏ bé để thực hiện  cho sơ đồ quê hương hình chữ S?

Tất cả đã kết tụ nơi tên Ngài Huỳnh Phú Sổ. Tư tưởng của Ngài từ đây sẽ vang dậy cả đất nước Việt Nam nhằm xây dựng lại xứ sở quê hương. Tư tưởng nào đi ngược lại truyền thống tổ tông sẽ bị bứng rễ để không làm cho nòi giống Việt Nam bị triệt tiêu. Trước nhất là tư tưởng cộng sản sẽ bị tàn lụi và không bao giờ có sự trở mình lại tại Việt Nam. Tại vài nước Tây phương  hay Á đông khác tư tưởng cộng sản vẫn có chỗ đứng. Nhưng tại Việt Nam chủ nghĩa cộng sản đang bị giáo thuyết tứ ân đè bẹp và giết chết, không còn chỗ đứng. Người cộng sản tiếp xúc với tứ ân đã thay đổi tư tưởng hoàn toàn.

Trong tương lai gần kề, chủ thuyết không phù hợp dân tộc tính tuy chỉ còn là tên gọi, trong khi cốt tủy của tinh thần dân tộc sẽ là Phật Giáo Tứ Ân. Bốn điều ân sẽ là kim chỉ nam cho đất nước, và quốc giáo cho một nước Việt Nam mới.

Phật Giáo Tứ Ân là đường lối hòa đồng tôn giáo và xóa bỏ ranh giới của các quốc gia, giúp cho loài người, không phân biệt chủng tộc, màu da, và tôn giáo sống chung hòa bình. 

Phật Giáo Tứ Ân sẽ thay đổi cái nhìn của các chủ thuyết và tôn giáo Tây phương đối với Phật Giáo. Đó là một tôn giáo hướng con người đi đến chỗ toàn thiện toàn mỹ. Đến một chủ nghĩa tình thương bao la bất diệt. Một chủ nghĩa chỉ nhằm phục vụ con người hơn là muốn chiến thắng hay nắm quyền lực đối với con người và không dùng luật lệ hay giáo điều để lợi dụng lòng tin, sự hy sinh, mê tín, hay sùng bái của con người.

Các tôn giáo thời nay càng ngày càng đi xa giáo lý, giáo thuyết chân truyền của các vị bề trên đến giúp con người. Những người dù mang lớp áo tu hành cũng không kềm hãm được dục tính, lòng tham sân si hỉ nộ ái ố, nên đã lợi dụng tôn giáo làm lợi cho các tham vọng riêng tư của cá nhân, của tổ chức, hay giáo hội mà họ lập ra hay phục vụ.

Con người không thể thật sự phục vụ con người hay phục vụ lý tưởng thiêng liêng của mình nếu không nhìn rõ chính mình. Phải tìm mình trước, hiểu mình trước, thật sự vạch trần mình ra, và có can đảm bỏ tất cả những tham vọng của mình để trở về với chân tâm. Phải trực diện với con người thật của mình không chút sợ hãi, không một chút hổ thẹn để nhìn rõ về mình và chấp nhận thay đổi.

Muốn thay đổi thì phải biết thật sự hy sinh. Có khi phải hy sinh những gì mình đã bõ công đeo đuổi, hay bị áp lực phải theo đuổi. Phải thấy rõ là con đường phục vụ tha nhân hoàn toàn khác với con đường phục vụ cá nhân mình hay gia đình mình, vì vậy có nhiều lúc ta phải trực diện những sự bất ngờ mâu thuẫn.

Đó là lúc ta phải quyết định mãnh liệt và dứt khoát, một là đường này, hai là đường kia. Quyết định sai một đường tơ kẽ tóc là ta đã đứt đường, và sẽ bơ vơ không biết đi về đâu. Nếu yếu đuối ta phải trở lại chốn khởi hành, chơi vơi không lối thoát.

Vậy điều quan trọng là phải tự biết rõ ta trước, rồi định lấy hướng đi. Nếu đã định hướng đi, ta phải trì chí kiên tâm tiến bước và giữ đúng hướng đi cho đến đích.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880