19. Tịnh tâm mới sáng suốt (25-5-87)

02 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 91143)
19. Tịnh tâm mới sáng suốt (25-5-87)

25-5-1987 - 9:30 sáng

Tịnh tâm là gì?

Tịnh tâm là tâm không động trước mọi vấn đề và trong mọi trường hợp.

Người Tịnh Tâm trước hết tâm phải yên, tâm yên không bị dấy động thì sẽ có sáng suốt. Có sáng suốt sẽ biết mình phải làm gì.

Người sống trong sa mạc hay rừng sâu tưởng rằng mình tịnh tâm nhưng không phải mà chỉ vì người đó không gặp các hoàn cảnh và vấn đề làm cho tâm họ dấy động. Người tịnh tâm thật sự là người tuy gặp mọi hoàn cảnh và nhiều vấn đề khó khăn mà mình bị bắt buộc phải giải quyết nhưng tâm vẫn yên.

Làm sao để tâm được yên trước mọi vấn đề khó khăn hay hoàn cảnh khó khăn mà mình phải giải quyết?

Trước hết phải có thái độ và tinh thần không chống báng, không có ý định tránh né để bước ra ngoài vòng khó khăn phải giải quyết vấn đề mà ngược lại phải đương đầu với nó và nhìn vấn đề thật kỹ, hiểu vấn đề tường tận rồi sẽ nhìn thấy vấn đề để giải quyết.

Tại sao ta chống? Vì ta cho nó làm bận lòng ta. Ta càng tránh thì nó càng làm cho ta bực mình nhiều hơn. Việc ta càng tránh (dĩ nhiên là việc có liên hệ trực tiếp trong đời sống ta) thì nó càng đeo đuổi quấy phá đầu óc ta nhiều hơn, làm cho ta bực mình hơn.

Người đã hiểu ý nghĩa giải thoát nhưng đồng thời phải sống trong cảnh ngộ trần gian với tất cả những ràng buộc của một con người thì  phải làm sao cho được quân bình giữa hai đời sống tâm linh và vật chất???

Trước hết phải có sự chấp nhận về hoàn cảnh hiện tại đương nhiên mà mình phải nương theo nó để thực hiện lý tưởng phục vụ đại đồng chúng sanh. Ta phải xem như không có hoàn cảnh hiện tại thì lý tưởng ta sẽ không thực hiện được và ta không có cơ hội để thực hiện được lý tưởng đại ngã đó.

Sự chấp nhận sẽ không tạo ra hoặc đánh gục hết những tư tưởng chống đối làm loạn tâm ta.

Sự chấp nhận chuyển mọi khó khăn thành sự dễ dãi hoặc dẹp bớt hầu hết các khó khăn quanh ta.

Như thế nào là tùy cơ ứng biến?

Tùy cơ ứng biến không có nghĩa là để hoàn cảnh đưa đẩy mà phải tùy hoàn cảnh mà quyết định về hành động của mình. Gặp khó khăn thì than thở càu nhàu bực mình, gặp dễ dãi thì buông xuôi hưởng thụ, tất sẽ gặp rắc rối, trước nhứt phần nội tâm rồi đến hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng cả những người xung quanh.

Tịnh tâm là gặp khó cũng không buồn, mà gặp dễ cũng không vui. Tâm yên tịnh sẽ phát triển sáng kiến và kiến thức. 

Người có lý tưởng phục vụ đại đồng sẽ vượt khó khăn trần gian. Nếu gặp mọi hoàn cảnh dễ dãi thuận buồm xuôi gió thì con đường phục vụ của mình không còn ý nghĩa nữa mà việc đó ai cũng làm được, không cần một người có quyết tâm và ý chí mạnh mẽ nữa.

Đừng mang ý nghĩ là mình bị ràng buộc hay bị đày đọa, vì mang ý nghĩ đó ta còn phân giữa ta và người. Phải giữ chữ HÒA. Hòa mình và hòa tâm mình với nhân loại. Từ ý nghĩ này mới có sự dễ dãi chấp nhận không khinh rẻ những người xung quanh, không xem mọi việc mình phải giải quyết là quá thấp, quá thường. Khi thấy việc ta phải giải quyết là quá thấp quá thường ta sẽ cố bỏ qua không chịu hành động vì cho nó không phải là việc mình phải làm. Ta sẽ cho rằng nếu mình phải giải quyết và phải làm thì mình quá ư tầm thường.

Khi mang trong người tư tưởng HÒA ta sẽ không thấy mình cao và việc đụng chạm hàng ngày có liên hệ với mình là thấp. Khi không có tư tưởng cao thấp ta sẽ không có sự chống đối việc phải làm, nhờ vậy mà tâm ta tịnh. Khi chống đối để giải quyết vấn đề tâm ta lại ĐỘNG. Khi HÒA ta CHẤP NHẬN để giải quyết vấn đề thì ta lại TỊNH. Vì vậy một đằng ta không làm mà lại ĐỘNG, một đằng khác ta làm tâm ta lại TỊNH.

Ý nghĩa TỊNH trong cái ĐỘNG và ĐỘNG trong cái TỊNH là vậy.

Sự tránh né cũng nằm trong tư tưởng sợ hãi lo lắng cho chính bản thân mình.

Sự sợ hãi lo lắng tưởng tượng cũng cần được chấm dứt vì nó là mộng ảo.

Chính nó đã làm cho ta chùn bước, và làm tiêu hao ý chí, ngăn chặn bước tiến và sự thành công của ý nguyện của ta. Phải dẹp bỏ sợ hãi. Sự sợ hãi sẽ làm hỏng đi việc ta thành công – ngăn ngại việc đáng ra phải làm mà ta không làm. Sự sợ hãi tạo ra nghịch cảnh. Không có sự sợ hãi sẽ không có nghịch cảnh. Không có sự sợ hãi sẽ không có thất bại. Không có sự sợ hãi sẽ chỉ có thành công.

Sợ hãi là chướng ngại.

Không có sự sợ hãi là không có chướng ngại.

Thế giới này sở dĩ có chiến tranh vì sự sợ hãi, vì con người cảm thấy không an toàn. Làm sao cho con người cảm thấy được thương yêu được bình yên thì chiến tranh sẽ chấm dứt.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880