19-11-1998
Trí Thức có thể trở nên Tri Thức không? hay Tri Thức có thể trở nên Trí Thức? Hai cái trở nên song song hay hai cái sẽ gặp nhau ở một tụ điểm?
Người Tri Thức trở nên bậc Đại Ngộ còn người Trí Thức trở nên một Học Giả. Người Tri Thức không cần phải trở nên Trí Thức vì tri thức đi vào không tính trong khi trí thức đi vào hữu thể, đi vào thu thập dữ kiện, lưu giữ và sắp xếp dữ kiện.
Người lưu giữ dữ kiện không tiêu hóa dữ kiện mà mắc vào sự kiện lịch sử, tiến hóa khoa học. Đó là "Con Người Dữ Kiện" như một kho văn khố, chỉ có thể xài đi xài lại khi cần, nhưng không tiến hóa, vượt thời gian và không gian. Họ chỉ bắt giữ những sự tiến hóa của các dữ kiện theo từng thời diểm từ quá khứ cho đến hiện tại mà không đo lường đúng được tương lai.
Họ chỉ dự đoán theo kinh nghiệm đã học chứ không nắm bắt được sự chuyển động của cơ trời biến thiên theo sự chuyển hóa của bộ óc loài người hòa hợp với sự chuyển động của vũ trụ.
Ngay cả thiên cơ của các bậc đã giác ngộ cũng vẫn không chính xác vì thời điểm viết thiên cơ thì biết đúng nhưng thiên cơ mà họ biết trước cũng vẫn thay đổi theo sự vận hành không ngừng của kim mộc thủy hỏa thổ.
Người Đại Ngộ không làm việc dựa vào thiên cơ như người thường. Con người tu, sống, dựa vào thiên cơ vì họ sợ hãi bị rớt ra khỏi vòng an toàn. Người có sứ mạng phải vạch ra con đường cho chính mình và tha nhân, không dựa vào các bộ óc của quá khứ. Người có sứ mạng phải vượt sợ hãi, phải tháo gỡ vòng giây an toàn. Trước nhất là không sợ cho chính mình, cũng không sợ cho người, vì khi sợ cho người tức là sợ cho chính mình, cho sự yếu đuối của mình.
Giác ngộ, biết điều mình phải làm chưa có nghĩa là mình dám làm. Khi không chiến thắng được sự sợ hãi chính mình thì không thể cứu người được. Còn sợ hãi tức còn vọng tưởng, mà còn vọng tưởng tức còn cái ngã, chưa bước vào Không Tính một cách toàn vẹn được vì cứ còn để trí đời xâm lấn, tấn công, còn phân nhân ngã, giữa ta và người, còn bị kềm chế bởi lục căn lục trần, chưa vượt được cảm xúc của chính mình.
Người Đại Giác có Tri và có Giác. Có đủ cảm xúc, cảm giác nhưng phải đi vào vô ngã vô tướng.Làm như không làm, làm mà không vướng mắc vào cái làm. Tâm thức lẫn hành động thoáng qua như cơn gió, như không khí không lưu lại tì vết, không vướng mắc vì đã vô ngã và vô tướng.
Vô ngã, vô tướng mới vô tâm. Đó mới là sự sống toàn diện. Ở trạng thái đó ta sống mạnh mẽ và đồng thời biết ta, biết người, cùng sống với ta và người. Ta sẽ không bị hụt hẫng, bị hất ra ngoài vũ trụ vì sự bất quân bình giữa thân tâm.
Sự quân bình của thân tâm đưa đến sự quân bình của tri giác và tri thức mới đưa đến Tri Hành Hiệp Nhất. Sự Tri Hành Hiệp Nhất của chính ta chứ không phải Tri Hành Hiệp Nhất theo người đời gán ghép cho ta.
Sự Tri Hành Hiệp Nhất theo đời thì ta phải là Người Mẫu. Còn Tri Hành Hiệp Nhất của ta là chính ta quyết định mọi hành động của chính mình, chứ không do bên ngoài xen vào quyết định. Tức ta không còn hành xử theo quốc gia, văn hóa, kinh điển, tôn giáo, hay bất cứ thành kiến cá nhân nào.
Ta phải thật sự là ta. Ta không còn bị điều hành bởi thế giới bên ngoài. Phải chính ta lái con tàu định mệnh và Ta Trở Nên Con Tàu Cho Chính Mình.