14-5-98 - 8:15 giờ sáng
Từ nay ta phải tự hứa nhiếp tâm phục vụ cho nhân loại. Chấp nhận mọi khổ đau tật bệnh. Không cầu nguyện thoát bệnh, thoát nạn. Không cầu nguyện cho mình, cho gia đình mình, cho thân nhân mình, mà chỉ cầu nguyện cho toàn nhân loại.
Bản thân ta từ đây là sự kết tụ của toàn nhân loại. Nhân loại an bình thì ta an bình, nhân loại hạnh phúc thì ta hạnh phúc. Lấy đạo làm kim chỉ nam để bước tới phục hoạt lại chân lý nguyên thủy của nền Đại Đạo, phục hưng chánh pháp hòa đồng các tôn giáo, màu da và chủng tộc hầu giúp nhân loại tiến lên cõi đại đồng của thế kỷ 21, từ năm 2000.
Phục quy chánh pháp cũng là sứ mạng của nữ nhi chân yếu tay mềm nhưng có một ý chí và tâm lực mạnh mẽ, bền bĩ giúp cho phía hữu thần cũng như vô thần tỉnh thức. Tỉnh thức sự đột kích lẫn nhau, hận thù, chém giết nhau, đưa nhân loại vào chỗ hủy diệt, thay vì sự đối lập có thể đưa con người đi đến tiến hóa, phát triển trí tuệ về tâm linh cũng như kỹ thuật văn minh tuyệt vời của các bộ óc con người.
Người có sứ mạng được sự che chở và bảo bọc một cách âm thầm của các đấng thiêng liêng. Mọi sự nhẫn nhục, sa cơ đều được bề trên biết đến và thương yêu vô bờ.
Cơ trời lúc tiến lúc lùi, biến chuyển không ngừng, và uyển chuyển theo mỗi sự thay đổi của con người trên quả địa cầu này. Không có con đường nào thiên định mà không thay đổi. Thấy tiến mà lùi, thấy đau mà mạnh. Đau thể xác nhưng tiến tâm linh. Đau nhiều, tiến nhiều, đó là những bực thang cao dành cho các bậc chân tu. Càng bệnh hoạn, đau khổ, nội lực càng tăng, trí tuệ càng sắc bén. Càng quả cảm, càng biết mình thì càng biết người. Sự sợ hãi chỉ là bức chắn ngăn cản sự học hỏi về mình và về người. Càng sợ hãi càng mất tự chủ, trí tuệ lu mờ. Muốn diệt sự sợ hãi, việc càng khó ta càng tiến bước. Điều gì làm ta sợ ta phải đối đầu với nó để xem nó có khó thật không, ta có sợ thật không? Hay đó chỉ là ảo ảnh nhất thời do lục giác hay lục giác của ảo giác tạo nên và ta bị ảnh hưởng của nó vì ta quá sợ hãi.
Làm sao biết chính ta tạo ra ảo giác và bị nó ảnh hưởng?
Làm sao biết được ta bị ảnh hưởng của người?
Thế nào là lục thông? Làm sao biết mà không bị ảnh hưởng dây chuyền? Làm sao để đừng lầm lẫn cảm xúc, cảm giác của ta là do ảnh hưởng của người?
Tất cả những cảm nhận đều phải qua lục căn lục trần, sau đó ảnh hưởng vào Tâm. Từ Tâm ảnh hưởng lên Trí, và từ Trí mới tạo cảm giác, rồi mới đưa đến hành động.
Nếu cảm giác không qua lục căn lục trần thì do dòng điện của ta nhận được và đưa vào cơ thể ta để ta biết đó là cảm giác gì. Nếu ta có cảm giác ở đâu thì người đang có cảm giác ở đó, để cho ta nhận biết người đối diện đang ở hiện trạng nào.
Lục thông là sự nhạy cảm do sự mạnh mẽ của dòng điện của ta để đo lường người qua chính lục căn lục trần của mình.
Làm sao nhận biết mà không bị ảnh hưởng?
Tại vì mình còn bị yếu đuối nội lực, tâm lực và trí lực.
Làm sao để nhận biết và chấm dứt ngay?
Ta càng sợ hãi ta càng bị ảnh hưởng. Ta càng chống đỡ, thắc mắc, tự ái, vân vân.. thì cảm giác được thâu nhận, ghi nhận rõ vào tâm thức, siêu tâm thức, và vì thế nó sẽ trở đi trở lại khiến cho cảm giác ấy vẫn còn hoài trong ta tạo nên lục giác của ảo giác. Đó là một chuỗi dây chuyền của sự ghi nhận vào bộ nhớ sau đó nó gia tăng bằng các ảo ảnh dựng tạo thêm lên. Ta càng sợ nó càng ghi nhận, lặp lại nhiều hơn. Và sau cùng các cảm giác của người lại biến thành cảm giác của ta.
Trong khi đó cảm giác của người đôi khi có trong nhất thời đã đi qua, do sự tu học rèn luyện bởi ý chí. Rốt cuộc, người hết mà ta còn.
Muốn không bị ảnh hưởng, dao động bởi sự nhạy bén của lục thông nhận biết người đối diện, ta phải thả lỏng tự nhiên thì thân tâm mới tự tại. Khi nhận biết ta phải xem như một áng mây trôi qua không vui, không buồn, không luyến tiếc, không sợ hãi thì sự ghi nhận không có. Không có sự tồn tại thì không có sự trở đi trở lại của lục giác của ảo giác.
Muốn thân tâm tự tại, ta phải có tánh không. Tánh không hóa giải được mọi trở ngại trong đời sống thường nhật, giúp cho ta sáng suốt biết ta biết người. Biết ta rõ chừng nào thì biết người rõ chừng ấy.
Ta phải trong suốt, không vướng mắc như không khí.