26-7-05 -5:00 giờ sáng
Làm thế nào để có thể biết trở ngại do mình hay do người?
Khi nào biết được ta đang ở trạng thái tâm không?
Khi tâm không hiện diện thì trở ngại mất.
Tâm vô quái ngại chính là trạng thái vô sắc vô nhiễm, tức không thành kiến chủ quan. Đó là trạng thái bất phân, quân bình, không nghiêng bên này hay bên kia.
Người ở trạng thái tâm không không có mục đích tấn công hay áp chế định kiến chủ quan. “Tâm không” tuyệt đối không chủ quan và phải vượt phần lý luận của chủ thể và cá thể. Phải ở trạng thái biết mà không biết. Biết là biết lắng nghe tận chiều sâu của người với sự vắng mặt của óc lý luận và phán đoán.
Tâm muốn hòa phải có sự cảm thông và sự cảm thông sẽ không nảy nở nếu thành kiến và định kiến chủ quan của hai bên vắng mặt, mà chỉ còn là sự đối diện giữa hai con người với sự vắng mặt của các nghiệp lực tạo ra từ tôn giáo, chánh trị, văn hóa, hay tư tưởng.
Muốn xây dựng lại Việt Nam phải có can đảm vứt bỏ quá khứ. Nhiều dân tộc luôn ngụp lặn trong bể hận thù vì độc tố của quá nhiều hận thù tàng trữ, trong đó tự ái cá nhân nắm vai trò chủ chốt.
Con người hành xử theo tự ái cá nhân nhiều hơn là lý tưởng dân tộc hay niềm tin tôn giáo. Họ chỉ là những hình nộm hay những con lật đật vâng lời theo sự điều khiển của chủ nghĩa cá nhân, hơn là lý tưởng tập thể hay niềm tin vào đấng thiêng liêng.
Việt Nam muốn bước ra khỏi cánh cửa nhược tiểu cần phải có những nhà lãnh đạo sáng suốt có hành trình tu học, cải sửa, biết mình và biết người, vượt thoát được tự ái cá nhân để hòa đồng vào lý tưởng, ước vọng của tập thể, tức phải biết hòa vào quần chúng để hiểu họ muốn gì chứ không phải mình muốn gì.
Muốn hiểu tập thể phải HÒA vào tập thể. Muốn hòa vào tập thể phải hiểu mình một cách rốt ráo, và tự vấn cho tường tận của chiều sâu tư tưởng.
Chiều sâu của tư tưởng là vô tư tưởng, vô thành kiến, và vô ý thức hệ.
Chữ hòa chỉ có thể thực hiện và thể hiện khi người của một dân tộc hiểu rõ rằng sự phân hóa của quần chúng lẫn lãnh đạo quốc gia đó đã bị chia rẽ, thiếu hợp nhất, chỉ vì đã bị các quốc gia giàu mạnh tạo sự phân hóa để ngăn chặn sự phát triển của nước ta.
Quốc gia chỉ phát triển khi tư tưởng của lãnh đạo và quần chúng được hợp nhất.
Nếu guồng máy của quốc gia Việt Nam không có lực quần chúng thì mãi mãi sẽ bị ngoại bang lợi dụng, và họ thi đua nhau lợi dụng, không bằng xương máu mà bằng nhân lực và tài nguyên thiên nhiên.
Làm thế nào để vượt được các thế lực kềm chế của ngoại bang?
Có phải chăng đó là một vấn đề nan giải cho quốc gia Việt Nam?
Chữ Hiếu của Phật Giáo Hòa Hảo nhằm đặt nền móng xã hội trên kính dưới nhường khiến cho trật tự vãn hồi. Khi trật tự vãn hồi thì kinh tế phát triển. Chữ Hòa để phát triển mối tương quan giữa các cấp lãnh đạo và quần chúng hầu ổn định chánh trị của một quốc gia nhằm xây dựng lại tiềm năng phát triển mọi ngành nghề sĩ nông công thương.
Nhưng muốn chống lại các áp lực của ngoại bang cần khai thác lòng yêu nước cực điểm, để triển khai tiềm lực của trí tuệ, sức mạnh của mọi đề kháng và phản kháng.
Bất cứ quốc gia giàu mạnh nào trên thế giới đều không thiếu sự khai thác lòng yêu quốc gia dân tộc. Một dân tộc thiếu lòng yêu nước sẽ mãi mãi gục đầu trước ngoại bang. Tại sao một quốc gia chỉ có quá trình 200 năm mà đứng đầu thế giới về quyền lực. Đó chỉ là vì họ biết khơi dậy lòng yêu nước, mặc dù đó là một quốc gia có quá nhiều chủng tộc và tôn giáo, đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo biết khai thác tiềm lực và tiềm năng dân tộc Việt Nam để chống lại mọi thế lực ngoại xâm.
Bài tặng tiến sĩ Phạm Bích Hợp để kỷ niệm
buổi gặp gỡ ban đầu
Park Hyatt, Sàigòn, 26-7-05