Viếng Thăm Dinh Ông Thẻ Của Bửu Sơn Kỳ Hương

15 Tháng Tư 20221:34 SA(Xem: 904)
Viếng Thăm Dinh Ông Thẻ Của Bửu Sơn Kỳ Hương
VIẾNG THĂM DINH ÔNG THẺ
CỦA BỬU SƠN KỲ HƯƠNG
Nguyễn Huỳnh Mai

Phật Giáo Hòa Hảo có nguồn gốc là Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do vị Giáo Tổ Đức Phật Thầy Tây An, thế danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), khai sáng năm 1849. Ngài đã đi khắp nơi trị bệnh, khuyến tu, lập làng và nhiều trại ruộng. Ngài khuyến tấn tín đồ lo tu hành và dạy tin đồ thờ đơn giản một tấm trần điều, trên bàn thờ có nhang đèn, hoa tươi và nước lạnh, đúng theo giáo pháp vô vi của Đức Phật Thích Ca. Ngài dạy tín đồ luôn nhớ đến bổn phận của mình và trong lúc tu hành vẫn phải làm ruộng rẫy để sinh sống, hiển thị pháp môn Tu Nhân học Phật.

Khoảng năm 1851, sau khi lập làng Hưng Thới và Xuân Sơn, Đức Phật Thầy có truyền một trong 12 vị đệ tử của Ngài, là Đức Cố Quản Trần Văn Thành, đi cắm những cây thẻ chung quanh vùng núi Thất Sơn.

Đức Phật Thầy tiên tri dãy Thất Sơn hùng vĩ này sẽ là hoa địa, trong đó có tích tụ nhiều địa huyệt hiển linh. Ngài cho cắm các thẻ để trấn áp, ngăn ngừa sự phá hoại và cũng để giải trừ sự linh nghiệm của những loại bùa hay ếm của nhiều nhà địa lý người Tàu, với mục đích bảo vệ cho vùng địa linh nhân kiệt thuộc dãy Thất Sơn và Cửu Long Giang.

Được biết các cây thẻ được làm bằng gỗ lào táo hay gỗ trắc rất nặng cứng, rất quý và bền bỉ. Nơi đầu mỗi cây thẻ có tiện búp sơn hoa sen và trên có khắc bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Đức Cố Quản cùng các vệ sĩ khiêng các cây thẻ rất nặng này, lúc đi đường bộ, lúc xuống thuyền theo hướng chỉ dẫn của Đức Phật Thầy. Trong một tháng họ mới hoàn tất được việc cắm những cây thẻ nơi những địa điểm trọng yếu theo dịch đồ “Ngũ Long Trấn Phục” bao bọc vùng Thất Sơn.

Theo Giảng Nhà Láng của Bửu Sơn Kỳ Hương thì Đức Phật Thầy cho biết việc cắm thẻ nhằm để ngăn chận sự xâm phạm chủ quyền địa giới của Việt Nam.

Theo Nguyễn Văn Hầu, tác giả quyển Đức Cố Quản hay là Cuộc Khởi Nghĩa Bảy Thưa xuất bản năm 1956, thì các cây thẻ được cắm ở 5 địa điểm sau đây:

Cây Thẻ số 1, tức Đông Phương Thanh Đế ở làng Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, Long Xuyên, An Giang, trên đường vào lộ tẻ Tri Tôn.

Cây Thẻ số 2 tức Bắc Phương Hắc Đế ở Ngã Bát, ngọn rạch Cái Dầu, Thạnh Mỹ, làng Vĩnh Thạnh Trung Châu Đốc, An Giang.

Cây Thẻ số 3, tức Tây Phương Bạch Đế ở Bài Bài, bên bờ kinh Vĩnh Tế, thuộc làng Vĩnh Ngươn, Châu Đốc. Thuộc chùa Bồng Lai, nơi có trấn phù bia của Cao Biền.

Cây Thẻ số 4 hay Nam Phương Xích Đế ở Giồng Cát, Rừng Tràm, làng Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Cây thẻ số 5 hay Trung Ương Huỳnh Đế ở trên núi Cấm, cạnh giếng nước của Đức Phật Thầy cho đào khi xưa thuộc làng Tú Tề, Châu Đốc. Cây thẻ này là cây thẻ chính, nằm ở vị trí trung tâm trên núi được bốn cây thẻ khác bao quanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sau việc cắm 5 cây thẻ, Đức Phật Thầy Tây An ban cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành một cái ấn triện có chạm 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương, một cây cờ và một cái áo đều màu dà. Ngài dặn: “Cái Ấn để sau này thay ta mà truyền mối đạo, còn cây cờ và cái áo thì để dùng trong lúc trở ra đền nghĩa nước non.”

Sau này, khi phát hiện được những cây thẻ, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tôn kính xem đó là những vật linh thiêng, di tích của Đức Phật Thầy để lại. Họ đã cất những cái miếu để thờ và gọi đó là Năm Ông Thẻ. Hiện nay những nơi này đã được trùng tu xây cất rất trang trọng khang trang và trở thành những Dinh Quan Thẻ. Mỗi dinh có ban điều hành sinh hoạt tín đồ và tổ chức những ngày lễ đạo của Bửu Sơn Kỳ Hương rất quy mô. Tín đồ và khách hành hương đến chiêm bái rất đông, có khi lên đến hàng ngàn người.

PHÁT HIỆN NHỮNG CÁI ẾM

Chúng tôi xin nói qua về những bia đá trấn ếm đã được chôn tại vùng Thất Sơn và đã được đệ tử Đức Phật Thầy phát hiện.

Ông Phạm Thái Chung, tức Đạo Lập, một đại đệ tử của Đức Phật Thầy, đã khám phá ra cây trụ đá trấn ếm tại núi Ngược, vùng Ton Hon, Thất Sơn, và ông đã cho đào lên, đem về làng Bài Bài, xã Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.

Riêng Đức Bổn Sư Ngô Lợi, một vị trong dòng kế truyền của tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng khám phá một cây trụ ếm khác khá to, chôn dấu dưới gốc 3 cây đa lớn tại hòn núi Nước Thủy Đài Sơn. Đức Bổn Sư đã đem 50 môn đệ đến có mang theo những chiếc rìu có bịt khăn ấn đến lấp hang Thuồng Luồng, hạ 3 cây đa và đào đất rất sâu mới lấy được ếm của người Tàu lên.

Cây trụ ếm này có lẽ đã bị phá hủy bởi các môn đệ Đức Bổn Sư, nhưng cây trụ ếm do ông Đạo Lập được di chuyển về Bài Bài, thì hiện vẫn còn tại đó. Theo hai nhà sưu khảo Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu, tác giả quyển Thất Sơn Mầu Nhiệm có chụp hình và mô tả như sau:

Tấm bia đá đã bị mòn chữ đi nhiều, chỉ còn đọc được trên mặt những dòng: Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán. Theo các dữ kiện này, thì trụ ếm được chôn vào mùa thu, tháng 8, đời vua Càn Long nhà Mãn Thanh năm thứ 57 tức 1710 Tây lịch, sau ngày Mạc Cửu đến Hà Tiên.
 
Vào cuối năm 2019 chúng tôi đã may mắn có cơ hội viếng thăm các Dinh Quan Thẻ trong dịp về Thánh Địa Hòa Hảo tại An Giang nhân Lễ Đản Sinh 100 Năm của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.

Chúng tôi xin hân hạnh được trình bày một cách sơ lược về các nơi có di tích của 5 Ông Thẻ này:

VIẾNG DINH QUAN THẺ SỐ 1

Dinh Quan Thẻ số 1 được gọi là Đông Phương Thánh Đế tọa lạc tại ấp Vĩnh Hòa, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Trên cổng dinh có ghi Dinh Quan thẻ số 1 thật lớn, mái ngói xanh và có hai rồng chầu. Bên trái cổng có một tượng rồng xanh thật lớn.

Trong sân, trước dinh có một hòn non bộ lớn kiến trúc có rồng chầu quanh cột phướng, tượng hổ đứng hầu hai bên. Cây “Thẻ Ần” này được cắm khuất dưới nước trước bản thông thiên sau cột cờ, hai bên có hai rồng xanh bảo vệ. Theo ông Từ thì ngày trước ông nội ông tên Trần văn Đính đã phát hiện ông thẻ dài 1 thước rưỡi, trên đầu có chuốt hình búp sen và trên thẻ có khắc 4 chữ Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông đã chôn xuống đất, và xây hồ Sơn Thủy lên trên để bảo vệ.

Tại chánh điện bàn thờ Đức Cố Quản Trần Văn Thành có thờ bức Trần điều, hai bên có cặp hạc trắng chầu. Phía sau là bàn thờ Đức Phật Thầy, phía dưới có dựng bài vị  12 vị đại đệ tử của Đức Phật Thầy và một bức ảnh của Quan Cậu Nhì, người đầu tiên gìn giữ Dinh này. Đối diện nơi này là chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ. Trên các vách dinh, có treo rất nhiều bức tranh minh họa cuộc hành đạo của Đức Phật Thầy khi đi chữa bệnh, khuyến tu và lúc gặp nạn trong tù. Ngoài ra có tranh Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực chiến thắng giặc Pháp và đứng trên tàu Esperance. Trên vách gần phía trước chúng tôi nhận thấy có tranh vẽ các địa danh của Năm Ông Thẻ và một bức tranh chép lại Bức Đồ Thư của Đức Bổn Sư.

VIẾNG DINH QUAN THẺ SỐ 2:

Theo tài liệu của Viện Bảo Tàng An Giang, ấn hành năm 2018 thì người dân lập miếu thờ Ông Thẻ số 2, tức Bắc Phương Hắc Đế cắm ở ngọn Thạnh Mỹ, ấp Vĩnh Lợi nay là Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú An Giang năm 1870, tức 19 năm sau khi đệ tử Đức Phật Thầy cắm thẻ  này. Hiện nay Dinh Quan Thẻ số 3 được nhiều lần trùng tu nên có diện tích gần 6 ngàn mét vuông, rất khang trang gồm 3 căn, xây cất theo hình bát quái kiến trúc theo kiểu tứ trụ có chánh điện và hậu điện. Ngoài ra có Miếu Thượng Động Cố Hỷ nằm cạnh bờ rạch Cây Gáo và một nhà khách rộng lớn bên cạnh dinh.

Bàn thờ Ông Thẻ được đặt tại chánh điện ở gian nhà Bát Quái. Chính giữa có bài vị Bửu Sơn Kỳ Hương, phía trên có thờ tấm Trần Điều trong cùng là Khánh thờ Ông Thẻ làm bằng gỗ, bốn cột tạo hình long trụ, sơn son thiếp vàng, cá hóa long, mặt khánh chạm lộng lưỡng long triều dương, hoa mẫu đơn. Cốt Ông Thẻ được quấn vải đỏ, đặt trong hòm kính hình bát giác ở giữa khánh.  Hai bên bàn thờ Ông Thẻ trang trí mười hai binh khí cán gỗ bằng kim loại và cặp lộng thêu tứ linh. Bàn thờ Đức Phật Thầy Tây An và ngôi Tam Bảo được đặt tại gian giữa của chánh điện.

Bàn thờ ông Trần Văn Nhu, con Đức Cố Quản, bàn thờ Đại Thần Nguyễn Trung Trực và bàn thờ ông bà Đức Cố Quản Trần Văn Thành đặt tại gian giữa hậu điện. Đây là những vị anh hùng dân tộc đã kiên cường tham gia kháng chiến chống Pháp.

Bàn thờ Cửu Huyện Thất Tổ và các vị Từ đã có công gìn giữ Dinh Quan Thẻ được bố trí tại gian thứ ba ở cuối hậu điện.

VIẾNG DINH QUAN THẺ SỐ 3:

Địa điểm của Dinh Quan Thẻ số 3, tức Tây Phương Bạch Đế, được cất ở Bài Bài, bên bờ kinh Vĩnh Tế, thuộc làng Vĩnh Ngươn, xã Vĩnh Tế, huyện Tịnh Biên, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, gần biên giới Việt-Miên. Năm 1861 Ông Đạo Lập Phạm Thái Chung, một trong 12 vị đệ tử của Đức Phật Thầy, đã khởi xướng cất chùa Bồng Lai.

Bồng Lai cổ tự, cũng có tên là Chùa Bài Bài hay Bà Bài. Phía sau ngôi chùa có một miếu nhỏ, có tấm bia đá mà người trong chùa cho biết là trước kia từng có khắc chữ Bùa, nhưng ông Đạo Lập đã đục bỏ để giải Ếm này.

Phía trên nơi chánh điện có bản lớn ghi Dinh Quan Thẻ, bàn thờ nơi chánh diện có tượng Đức Phật Thích Ca trang trí rất trang nghiêm với các bình hoa tươi, hai bên có dựng hai hàng binh khí. Chùa có bàn thờ Đức Phật Thầy, ông Đạo Lập và ông Cử Đa cùng Trăm Quan Cựu Thần.

Ông Thẻ được cột vải đỏ và thờ trong một tủ kiếng lớn, bên cạnh có trưng bày gốc cột phướng ngày xưa của chùa do ông Đạo Lập dựng lên. Bên cạnh nơi này có bàn thờ Ông Thẻ để tín đồ chiêm ngưỡng lễ bái.

VIẾNG DINH QUAN THẺ SỐ 4

Ông Thẻ số 4, tức Nam Phương Xích Đế, được trồng ở Giồng Cát, rừng Tràm, làng Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Trước là một miễu rất đơn sơ khó tìm vì là nơi đồng cỏ hoang vu chưa được khai phá. Nhiều lần bị kẻ xấu đập bỏ lư hương hay đốt phá nhưng tín đồ vẫn kiên nhẫn lập lại để thờ.

Có lẽ biết được sự quan trọng và linh thiêng của những cây thẻ của Đức Phật Thầy, nên nhà cầm quyền địa phương đã cho phép xây đền thờ và làm lễ khánh thành Dinh Quan Thẻ số 4 tại ấp Đồng Cơ, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành tỉnh Kiên Giang vào lễ giỗ Đức Cố Quản Trần Văn Thành ngày 22 tháng 2 âm lịch năm 2017.

Trên cổng Dinh Quan Thẻ số bốn có gắn bản Đền Thờ Quản Cơ Trần Văn Thành. Trước Dinh có xây một hòn non bộ lớn. Chánh điện có ngôi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, bàn thứ nhì thờ đại thần Nguyễn Trung Trực, bàn thứ ba thờ Quan Thẻ số 4, đâu lưng là bàn thờ Quản Cơ Trần Văn Thành. Trong cùng là bàn Cửu Huyền Thất Tổ, hai bên có bàn Tả Ban và Hữu Ban. Phía bên mặt chánh diện có bức tranh họa Đức Đức Cố Quản đang cầm gươm oai phong lẫm liệt, với hàng chữ: “Đời đời nhớ ơn Đức Quản Cơ Trần Văn Thành”. Bên cạnh có 2 tủ kiếng đựng những vật kỷ niệm của Nghĩa Quân Gia Nghị do Ngài lãnh đạo chống giặc Pháp đã được người dân đào được trong thời gian gần đây là cây kiếm và con trâu bằng gỗ.

VIẾNG HANG ÔNG THẺ SỐ 5:  

Ông Thẻ số 5 hay Trung Ương Huỳnh Đế, ở ấp Vồ Đầu trên núi Cấm, nay thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Địa điểm hang Ông Thẻ này gần hang Bác Vật Lang. Chúng tôi phải mướn xe hơi chạy lên núi được một đoạn thì phải dừng xe lại để tiếp tục đi bằng xe Honda ôm. Mặc dù mấy chục năm không đi bằng xe gắn máy, nhưng với lòng hiếu kỳ và ngưỡng mộ muốn được thăm Hang Ông Thẻ, chúng tôi cũng quên sợ mà đội nón bảo hiểm ngồi phía sau các chú xe ôm.

Khi đến khu vực Lâm Viên có chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn, xe rẽ bên trái và đi cập bên hông chùa Vạn Linh. Sau một đoạn đường lớn, xe phải quẹo mặt vào con đường nhỏ, và càng lúc con đường đất càng nhỏ hẹp gồ ghề, lên dốc xuống đồi một cách bất thường nguy hiểm, chúng tôi cũng nhắm mắt niệm Phật tiếp tục đi cho đến nhà trọ Bốn Phương và nhiều quán nước.

Gần sát nơi nầy có những bậc thang bằng xi măng, có sợi dây để chúng tôi nắm chặt đi từ từ xuống dốc núi. Chặn cuối cùng phải đánh đu mới xuống được miệng hang. Nơi đây có bàn thờ nhỏ có lư hương cho tín đồ thắp nhang đèn cúng lạy nguyện cầu trên một khuôn viên bằng xi măng.

Cách bàn thờ một khoảng nhỏ là đường vào hang. Hang rất hẹp chỉ đủ một người len vào và phải mang theo đèn cầy hay đèn pin để rọi mới thấy đường đi.

Hang Ông Thẻ khá hẹp, có nơi bề ngang chỉ có vài gang tay, nên người chui vào phải luồn lách, lúc trèo lên, lúc phải tuột xuống. Xa xa có ngọn đèn cầy leo lét do người đi trước để lại. Thỉnh thoảng có một điện thờ nhỏ có hoa, đèn, nhang đang thắp. Trên một vách hang có treo một tấm biển màu đen, chữ vàng có trang trí hai nhánh hoa sen nâng một lư đồng nghi ngút khói, phía trên có ghi một bài thơ khoán thủ với bốn chữ đầu là: Đức Huỳnh Giáo Chủ:

Đức kia rán giữ chí anh hùng,
Huỳnh Kỳ khai mở đạo Nam thiên.
Giáo phê cơ bút đạo huyền,
Chủ trương Phật dạy ráng mà hành y.

Bàn thờ Ông Thẻ ở nơi có khoảng trống khá lớn và bên cạnh đó lại có thêm một bàn thờ nhỏ. Cả hai đều có đèn đốt sáng rực cả một góc hang và khói nhang nghi ngút. Các chung nước lạnh được châm đầy, bình bông được tín đồ hay khách hành hương chưng hoa huệ và hoa cúc tươi. Không khí nơi này có vẻ trang nghiêm, huyền bí và sống động.

Đi thêm một đoạn nữa sẽ thấy một thang treo bằng sắt thép ôm sát vào vách hang, được cột vào những khối đá bằng dây thừng  để leo lên ngỏ ra của của hang. Nếu người nào sợ không dám leo thì phải trở lại ngõ đã vào.

Chúng tôi nhận thấy hầu hết các Dinh Quan Thẻ, đều mang đậm nét đặc trưng của Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Hầu hết các bàn thờ đều có thờ tấm Trần Điều, tiêu biểu cho tinh thần vô vi tối thượng của Phật Giáo và tượng trưng cho sự hòa hợp bình đẳng của nhân loại. Các Quan Thẻ của Đức Phật Thầy là vật chứng hùng hồn cho tinh thần bảo vệ non sông đất nước Việt Nam, thể hiện giáo lý Tứ Ân mà ngày nay Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn tiếp tục trong sứ mạng bảo vệ đạo pháp và dân tộc./.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880