04. Niệm Phật và biệt niệm

14 Tháng Tư 20221:38 SA(Xem: 786)
04. Niệm Phật và biệt niệm
4. NIỆM PHẬT VÀ BIỆT NIỆM

7-4-2020 – 3 giờ chiều

Trưa nay tôi lau dọn bàn thờ, dùng dấm tẩy sạch các chung nước cúng trên bàn thờ Phật và bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ có di ảnh cha mẹ đặt hai bên.

Tôi đem bát nhang xuống nhà lượt hết chân nhang và lấy bớt tàn nhang ra, sau đó cắt giấy khoanh tròn ở giữa để cắm nhang, như thế trong gia đình có người nào bị dị ứng tàn nhang hay khói nhang cũng đỡ bị phản ứng, nhất là những ai yếu phổi khi trọng tuổi.

Mỗi khi cúng lạy xong, từ khi chân tôi đau, tôi không còn nguồi xếp bằng trước ngôi Tam Bảo, mà lại ngồi nơi bàn viết để niệm Phật. Mùi hương thơm nhè nhẹ và ánh đèn cầy sáng rực lung linh khiến tâm hồn tôi luôn hướng về miền đất Hòa Hảo thiêng liêng nơi Đức Tôn sư khai đạo đem lại sự an lạc và hạnh phúc cho bao tín đồ biết lo tu hiền chơn chánh theo chánh pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trên năm ngàn năm về trước.

Tôi niệm Phật, quán hơi thở và đi dần vào biệt niệm, và không biết bao nhiêu lần tôi đã viết lên những điều chứng nghiệm trong tiến trình tu tập học đạo phát triển tâm linh và khám phá về mình, về những điều mình cần phải sửa đổi, phải làm, phải hành đạo sao cho đi đúng theo lời dạy của Đức Tôn Sư.

Trong Sấm Giảng quyển tư, Giác Mê Tâm Kệ (câu 775-778), Đức Huỳnh Giáo Chủ dạy rằng:

“Gìn giới cấm sửa tâm ô tạp,
Niệm Phật thì phải dẹp lòng tà.
Nhớ từ bi hai chữ ngâm nga,
Dù làm lụng cũng là trì chí.”

Đức Thầy nhắc nhở tín đồ trong bài “Tư Tưởng” viết tại Bạc Liêu năm Tân Tỵ 1941:

Chắp tay niệm Phật Di Đà,
Lòng ta ta biết ai mà mặc ai.
Hoặc:
“Rán tu đặng mà chết,
Chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu.”

Tôi luôn luôn tâm niệm những lời dạy của Ngài. Đó là kim chỉ nam soi đường cho tôi từ khi có trí khôn của một đưa bé được lớn lên trên mảnh đất đạo tại vùng Bảy Núi thiêng liêng mầu nhiệm với dòng Cửu Long Giang bắt nguồn từ đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới dính liền với Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng là những nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, đạt đạo, hành đạo và có biết bao vị Phật tái sanh hành đạo.

Làng Hòa Hảo là một mảnh đất đặc biệt nằm giữa sông Tiền giang và Hậu giang của của dòng sông Cửu Long này. Nơi đây Đức Phật Thầy Tây An đã khai sáng mật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Mảnh đất miền Tây Nam Việt với dòng Cửu Long Giang bên cạnh dãy Thất Sơn hùng vĩ, nơi địa linh nhân kiệt, đã phát sinh những vị hoạt Phật từ Đức Phật Thầy Tây An cùng các vị kế truyền như Đức Phật Trùm, Đức Bổn Sư, Đức Sư Vãi Bán Khoai và gần đây nhất là Đức Huỳnh Giáo Chủ cùng các vị đại đệ tử anh hùng hy sinh cho tổ quốc như Đức Cố Quản Trần Văn Thành, Đại Thần Nguyễn Trung Trực, vân vân.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, những câu kinh giảng mang đậm giáo lý Tứ Ân, đã luôn vang lên tinh thần đạo đức, nhân ái, sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà cha mẹ, tình yêu nước yêu dân, yêu đồng bào nhân loại, cố giữ yên bờ cõi trước giặc ngoại xâm, khiến cho Miền Tây Nam Việt vẫn còn giữ được mảnh đất phì nhiêu, người dân mộc mạc hiếu hòa như ngày nào các vị hoạt Phật đã ban rải tình thương không bờ bến.

Trở về với hiện tại, tôi khoác áo tràng, thắp nhang như thường lệ. Tôi cầu nguyện Ơn Trên hướng cho tôi tu tập luôn đi đúng đường đạo, để sau này góp một phần vào sự phục hưng đạo giáo Bửu Sơn Kỳ Hương Phật Giáo Hòa Hảo.

Trong đại dịch người chết như rạ, thật không biết làm gì được hơn là cầu nguyện cho người dân trên thế giới mau tai qua nạn khỏi, tật bệnh tiêu trừ, và những người chết được siêu thăng tịnh độ.

Quán chiếu lại thời gian qua, tôi nhận thấy Ơn Trên có ứng với tấm lòng thành khẩn của tôi đối với đạo.

Tôi đã một lần thấy mình trong giấc chiêm bao với cảm xúc rất thật, khi đó tôi bước vào phòng thờ và sửng sốt, mừng rỡ, thấy hình ảnh Đức Thầy hiện lên, liên tục đổi từ trẻ sang già khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ. Và cách một đêm trước, cũng trong một giấc mơ lúc gần sáng, tôi đi vào phòng thờ với cô em kế. Căn phòng hơi tối, bỗng có một ngọn đèn bật sáng lên rực rỡ ở giữa phía trên bàn thờ. Tôi thật bàng hoàng, và trong lòng vừa kính vừa sợ trước sự thiêng liêng bất ngờ này.

Trong đời tôi, từ bé đến lớn tôi luôn hướng tâm đến Đức Thầy và thường gặp được Ngài trong giấc mơ. Nhưng thấy Ngài nhiều nhất là từ năm 1981 đến nay, tâm tôi luôn muốn tu tập và lo việc đạo, viết sách, tiếp ba tôi (cố cư sĩ Nguyễn Long Thành Nam), làm báo Đuốc Từ Bi. Sau khi ba mất, tôi làm thêm các trang nhà trên mạng lưới điện toán toàn cầu về Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo, và trang nhà cá nhân để chia sẻ những quyển sách về đời sống hay ký sự và nhất là các cuốn sách Nhật Ký Tâm Linh nói về sự tu tập và hành đạo và sự biến chuyển tâm linh hướng đến nguồn gốc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Mấy tuần nay, chẳng những Hội quán Phật Giáo Hòa Hảo mà tất cả các cơ sở chùa chiền nhà thờ của các tôn giáo đều tạm đóng cửa. Thật là một sự trùng hợp hiếm có. Mọi người tu sĩ cũng như cư sĩ đều đồng tu tại gia, như lời dạy tín đồ của Đức Huỳnh Giáo Chủ.

Trong bài thơ Viếng làng Mỹ Hội Đông ở Long Xuyên năm Canh Thìn 1940, Đức Thầy cảnh báo (câu 77 đến 80 và 101-102):

“Hoàn cầu trái đất chuyển xây,
Gớm ghê cho chúng phơi thây muôn ngàn.
Ngày nay đạo đức chẳng màng,
Rồi sau dẫu có tiền ngàn khó mua.”

“Biết khôn tìm kiếm Ma Ha,
Một câu lục tự nhà nhà bình an.”
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880