03. Trại Ruộng Ở Láng Linh, Châu Đốc

21 Tháng Sáu 20188:57 CH(Xem: 3734)
03. Trại Ruộng Ở Láng Linh, Châu Đốc
Láng Linh ở giữa khu tứ giác của bốn quận Châu Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Thành thuộc về làng Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Châu đốc, cách sông Hậu giang gần 10 cây số ngàn, từ kinh xáng Vịnh Tre đi vô.

Đức Phật Thầy có lập một trại ruộng bằng tre lá giống như ở Thới Sơn theo đúng giáo pháp vô vi của

Ngài, tức cũng thờ Trần điều, không có tượng cốt. Ngài đặt hiệu cho trại ruộng nầy là Bửu-Hương-Các, nêu tên giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Ngài khai thị.

Cách chùa 8 cây số, ra hướng kinh xáng Vịnh Tre, xã Vĩnh Thạnh Trung, có dinh Ông Thẻ nhà Láng. Đây là một cây thẻ trong năm cây thẻ mà Đức Phật Thầy cho trồng xung quanh vùng Thất sơn.

Cũng như ở trại ruộng Thới Sơn, nơi đây Đức Phật Thầy đã trị cho nhiều người thoát khỏi những căn bệnh hiểm nghèo và Ngài dạy cho người lành bệnh biết lo niệm Phật tu hành. Mỗi khi có người xin qui y học đạo thì Ngài phát cho một lòng phái, trong đó có bốn chữ “Bửu Sơn Kỳ Hương”. Mỗi tín đồ đều cất giữ rất kỹ, không trao cho bất kỳ ai.

Đức Phật Thầy thường hay đi đó đây cứu nhân độ thế nên Ngài giao phó trại ruộng này cho Đức Cố Quản Trần Văn Thành, một đại đệ tử của Ngài coi sóc. Dưới thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, vị đệ tử này đã làm đến chức Quản Cơ. Ông đã cầm quân đánh tan giặc Miên ra khỏi biên thùy và lập nhiều chiến công hiển hách.

Sau khi quy y với Đức Phật Thầy, Đức Cố Quản đã bỏ sự nghiệp đem gia đình về núi Doi, phá rừng dựng nên làng Hưng Thới. Ông đã được Đức Phật Thầy giao cho trọng trách đi cắm 5 cây thẻ quanh vùng Thất Sơn để trấn những cột ếm của người Tàu, và giữ trại ruộng Bửu Hương Các.

Vào thời Pháp thuộc, Quản Cơ cùng các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đang khai hoang trại ruộng Láng Linh thì rút vào rừng Bảy Thưa, thành lập căn cứ kháng chiến, bộ chỉ huy lấy tên là Binh Gia Nghị đặt tại đồn Hưng Trung, nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Sau khi ông bà Cố Quản mất, con là cậu Hai Trần văn Nhu đứng ra cất Bửu Hương Tự, cách Bửu Hương Các 200 thước, bằng cách bán vòng vàng của bà Cố Quản để lại và một chiếc ghe sáu bổ lịch sử với giá 300 đồng. Ghe này thuộc loại ghe độc mộc (chỉ một cây sao lớn, khoét ruột rồi thành ghe, be ghe dầy khoảng 7 phân tây, có 6 cột chèo. Có mui lớn được chạm trổ hết sức cổ kính). Tương truyền Đức Phật Thầy thường đàm đạo trên ghe này với Đức Cố Quản. Về sau tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đã chuộc ghe lại và cất chùa Bửu Sơn Tự hay còn được gọi là chùa Ghe Sáu tại ấp Long Hạ xã Kiến An, huyện Chợ Mới tỉnh An Giang để thờ chiếc ghe này.

Năm 1912, Cậu Hai bị vu cáo mưu phản nên bị nhà cầm quyền tỉnh Châu Đốc bao vây Bửu Hương Tự. Cậu Hai thoát khỏi nhưng 56 người đến chùa lễ bái bị bắt bỏ tù.

Mãi đến năm 1941, Bửu Hương Các, và năm 1942 đến Bửu Hương Tự, được ông Nguyễn Văn Tịnh, đệ tử cậu Hai trùng tu chấn chỉnh, nhưng năm 1948 cả hai chùa đều bị chiến tranh tàn phá.

Mặc dầu bị mất hai người con vì binh biến, ông Tịnh cũng cố công dựng lại hai kiểng chùa để có nơi cho thiện nam tín nữ đến lễ bái như ngày nay.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880