90. Trao Đổi Hay Thuyết Trình Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo

21 Tháng Sáu 20188:49 CH(Xem: 2683)
90. Trao Đổi Hay Thuyết Trình Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo
Trong các sinh hoạt của tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo có những buổi Trao Đổi Giáo Lý hay Thuyết Trình Giáo Lý.

Sinh hoạt này của đạo vô cùng quan trọng nhằm mục đích giúp tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hiểu rõ hơn về giáo lý của tôn giáo của mình để tu tập, cải sửa, nhằm trở nên người tốt, lương thiện, có ích cho chính đời sống của hành giả, và xa hơn là có ích lợi cho quần sanh.

Mục đích tối hậu của sinh hoạt nầy là giúp cho tín đồ có đường lối tu hành chân chánh theo đúng với chánh pháp mà Đức Phật Thầy Tây An cùng các Vị kế truyền trong hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương và Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã khai thị.

Sinh hoạt của các buổi trao đổi giáo lý cần phải được các tổ chức của giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo đặt đúng tầm quan trọng, và người thuyết trình giáo lý phải biết trách nhiệm, vai trò và nhất là sứ mệnh thiêng liêng của chính mình.

Người thuyết trình giáo lý cần phải là người biết tu tập, nghiên cứu một cách cặn kẽ giáo lý của đạo và cần biết rõ lịch sử của đạo.

Đức Thầy, Vị khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo đã đặt tinh thần bình đẳng cho các buổi học tập giáo lý, nhằm giúp tín đồ cùng nhau học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tu tập, chận đứng sự ngạo mạn của nhiều thuyết trình viên thường cho rằng mình cao và người khác thấp.

Trong sự tu tập thì không có kẻ cao người thấp vì có người biết nhiều, nói nhiều, nhưng tu ít, hay không có thời giờ tu, hoặc có người tuy có sự hiểu biết hạn chế, nhưng thời giờ tu tập, niệm Phật và cải sửa nghiên cứu giáo lý nhiều hơn.

Những điều cần thiết khi thuyết trình giáo lý là gì?

Phải chăng khi thuyết trình giáo lý ta cần tránh chủ quan, khoe khoang thành tích cũng như là sự hiểu biết của mình để lòe người nghe, nhằm mục đích cho họ phải khâm phục mình.

Khi thuyết trình giáo lý, ta tránh đi xa đề tài hay nói lạc đề, hoặc nói vòng vo nhằm kéo dài thì giờ, vì không soạn bài hay thiếu sự nghiên cứu về đề tài mình muốn trình bày. Cũng nên nhớ rõ mình là người đang cùng tu học với người nghe, chớ không phải là người đã đạt đạo, hay đã thành Phật.

Thuyết trình viên cần nêu lên những lời nào là lời của Phật dạy, hay đó là lời của Đức Thầy khuyến tu, chứ không phải của mình tự đặt ra.

Đức Thầy đã dạy: “Bắt lỗi người phải xét lỗi mình”, nên thuyết trình viên dù có chức vụ cao trong đạo cũng tránh phê phán người khác, tránh thị phi chê trách lối tu của họ, nhất là đả kích người tu hay tu sĩ của các tôn giáo khác. Ngoài ra, giữ tự trọng tránh lợi dụng diễn đàn làm cơ hội thuyết trình để kể công hoặc đính chánh, nói riêng về cá nhân mình.

Một điều khá quan trọng, nên nhớ lấy lời dạy của Đức Huỳnh Giáo Chủ là “Tùy phong hóa dân sanh phù hạp”. Vì thế thuyết trình viên cần biết thính giả là ai, trình độ chung và lứa tuổi của họ, nhất là họ thuộc thành phần nào, để điều chỉnh ngôn ngữ, cách nói chuyện và nội dung sao cho phù hợp.

Nếu thành phần thính giả là đồng đạo có sinh hoạt thường xuyên thì thuyết trình viên có thể lướt qua những chi tiết căn bản về đạo. Nhưng nếu có những người mới đến để tìm hiểu, nghiên cứu thì thuyết trình viên cần giải thích tỉ mỉ hơn những từ ngữ đặc biệt của đạo, hoặc dành một ít thời giờ để nói qua về lịch sử của tôn giáo mình, vân vân…

Một điều mà người nói đạo, giảng đạo cần nhớ rõ là phải có sự tương kính giữa người nói và người nghe. Sự kính trọng người nghe, sự khiêm nhường của người nói sẽ giúp cho những buổi trao đổi giáo lý có nhiều lợi ích, nhất là sự khuyến tu giữa các đồng đạo và sự tương thân tương ái được nẩy nở, tốt đẹp hơn.

Trong hoàn cảnh đất nước hiện tại, trước họa xâm lăng của các nước phương Bắc, chúng ta có cần thiết để đem truyện Tàu ra để phân tách hay giải trình trong các buổi thuyết trình hay trao đổi giáo lý nữa hay không?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880