13-4-10 – 5:00 giờ sáng
Mỗi khi tiếp xúc với ai hay đến một môi trường nào mà ta giữ được tâm không thì sẽ tránh tạo nên một chuỗi dây chuyền cho hạt giống nảy mầm.
Hạt giống nảy mầm đủ loại tốt xấu tùy theo cách trao đổi, phản ứng, hành xử, ngôn ngữ, cử chỉ của ta đầu tiên rồi đến giữa ta và người.
Có rải hạt thì hạt sẽ nảy mầm, chưa kể đến hạt tốt, xấu, nhưng nảy mầm thì đó là nhân quả.
Người tu đạo muốn giải thoát có nên tạo thêm nhân quả chăng? Dù tốt hay xấu? Tốt hay xấu cũng nằm trong cái muốn của mình. Mà khi muốn thì dục vọng của một con người vẫn còn. Chính cái dục vọng “muốn” đó sẽ kềm giữ ta lại cõi trần thế này.
Cái muốn của người thường dễ thấy nhưng càng tu tập, thanh lọc, cải sửa thì cái muốn đó càng lắng sâu vào tâm thức, rất khó thấy, khó truy ra.
Càng tu tập dài lâu ta càng cần phải tự kiểm thảo luôn luôn để vét cho hết số cặn còn lại ở dưới đáy giếng. Nếu không một ngày nào đó cặn bã lại nổi lên mà ta không biết cách đỡ thì sẽ gãy gánh giữa đường.
Người mới tu vấp ít, khổ ít; nhưng người tu lâu sẽ vấp nặng, đau nhiều vì không chuẩn bị hay không ngờ nên vết thương sẽ sâu hơn, khó lành.
Sự tự kiểm và trau giồi, quán sát về mình luôn luôn không ngưng nghỉ để lượm sạch hay đừng gieo giống nghiệp quả dù lành hay dữ đều sẽ níu kéo mình vào vòng luân hồi triền miên đầy ảo mộng, nghiệp lực khó buông.
Tu tập để cải sửa, buông bỏ, chứ không để nắm bắt mọi cơ hội để nhận, để được vì chính cái nhận được là những xiềng xích cột chặt ta vào bánh xe luân hồi.
Hãy buông cái xích sắt mạ vàng ảo giác của tình, tiền, danh vọng hư ảo đó đi, vì nó là nghiệp lực cản bước người tu để giải thoát.