Khi ta thấy việc gì nên làm trên con đường hành đạo phục vụ đạo pháp và dân tộc, ta nên dồn hết tâm lực, trí lực và hành động lực để quán chiếu, suy xét, nghiên cứu cho kỹ những việc cần làm để sao cho việc đó trở nên hiện thực, tức là phải xảy ra đúng như ý nguyện.
Ngoài việc bõ công sức ra cho việc làm có thể thành công, ta cũng nên chuẩn bị hành trang tư tưởng sao cho ta có một tư thế sẵn sàng.
Khi ta chuẩn bị ở một tư thế vững vàng, tức là ta cần hội đủ điều kiện ắt có để ứng phó mọi trường hợp thuận hay nghịch xảy đến trong sự bình tĩnh, bình an, và đầy đủ tự tin hay nghị lực mạnh mẽ không run sợ hay lùi bước trước mọi khó khăn xảy đến.
Tâm không của người biết đạo, hiểu đạo, và hành đạo là tâm bất loạn, tâm bình an, không phải là tâm trống rỗng. Tâm không không bị gò bó bởi cái biết nên cái biết rất là diệu dụng.
Cái biết của người tâm không, tâm bát nhã ba la mật, biến hóa và uyển chuyển không ngừng. Nhờ thế mà không bao giờ bị kẹt dù có tiếp xúc với ai hay trong trường hợp nào đều có thể giải tỏa được nhẹ nhàng.
Người có tâm không họ chỉ giải tỏa chứ không giải quyết. Khi họ bị hàng rào, cánh cửa chận đường, họ tự mở rào, mở cửa đi qua, nhưng họ không xô ngã hàng rào hay đạp vỡ cánh cửa để thoát thân.
Giải tỏa tức ứng xử, ứng phó với người với cảnh, chứ họ không đối đầu hay đối phó, vì thế sẽ không có ai thắng ai thua, không có tranh chấp phải trái, thắng bại.
Khi đã biết Đạo ta không bao giờ ở thế tranh chấp vì ta phải hành xử trung đạo, không nghiêng bên ta hay bên người.
Con đường Trung Đạo là con đường hóa giải, không ăn không thua, đó là con đường đưa đến hòa bình và an lạc.Trích Nhật Ký Tâm Linh 6: Trí Tuệ Viên Thông , Cửu Long xb 2009