Người già có tu, có thiền định, có quán chiếu, có theo dõi sẽ giúp cho tâm thân ý được điều chỉnh đồng bộ để có thể hòa hợp, tuy chậm lại, nhưng tránh sai lầm, phỏng đoán sai, thiếu sáng suốt, không bắt kịp những hành động hay lời nói sai quấy.
Một bộ máy tinh vi như bộ máy người của ta, càng về già mà không định tâm, tu tập thì càng suy nhược từ thể chất cho đến tinh thần.
Vậy khi có những sai lầm nhỏ ta nên điều chỉnh ngay để tránh sai lầm lớn hơn.
Vì sao những vị thiền sư vẫn sáng suốt khi tuổi thọ? Vì họ biết định tâm, quán chiếu, theo dõi tâm thân ý. Tất cả những sai lầm của ta đều có sự liên hệ dù tâm, thân hay ý. Cả ba đều chịu trách nhiệm mà người chịu trách nhiệm lớn nhất là ta, chủ nhân ông.
Chủ nhân ông như là một nhạc trưởng hướng dẫn ban nhạc hòa tấu sao cho đúng bài bản, nốt nhạc khi cao, khi thấp, khi trầm, khi bổng, khi nhẹ nhàng, lúc thì dồn dập.
Một nhạc trưởng vô ý vô tứ, hay vô tình, thiếu trách nhiệm đối với bản thân, đối với ban nhạc thì hởi ôi bản nhạc hòa tấu trở nên một cơn bão hay một cơn lốc, nổi nên nhạc điệu rối loạn, lung tung vì kẻ đánh đàn bên đông người đánh đàn bên tây, không phối hợp theo bài bản.
Khi thiếu phối hợp giữa tâm thân ý thì ta trở nên một người già lẩm cẩm, lúc vui, lúc buồn giận từng cơn, khiến người chung quanh tránh tiếp xúc hay xa lánh. Đó là chưa kể những sai lầm quan trọng khác từ cách ăn, mặc, đi đứng, cư xử, nói năng giao tiếp.
Sự tu tập, thiền quán thường xuyên giúp người già có một đời sống nhẹ nhàng, an lạc
Trích "Sự tu tập giúp người già an lạc"