Tu tập để trở nên nhẹ nhàng, trong sạch, giản dị. Nhưng trước khi đạt được những điều trên ta phải trải qua rất nhiều thử thách và phải vượt được những thử thách này.
Những thử thách của người tu là muốn tâm bình yên, an lạc. Muốn được như vậy, ta cần chấm dứt tâm lý sợ hãi, trốn tránh, né tránh, ngại ngùng, vân vân...
Để trở nên một người bình an, nhẹ nhàng an lạc, người tu cần phải chấm dứt con đường của người kịch sĩ, mà phải đốt ngọn đuốc tâm thức lên, chấp nhận mọi việc đến với mình dù hài lòng, lẫn không hài lòng. Đó là con đường của một dũng sĩ.
Buông bỏ con đường của người kịch sĩ để trở nên một dũng sĩ ta sẽ thấy con đường trước mắt bỗng dễ dàng, tươi sáng hơn, có nhiều điều để khám phá hơn vì ta sẽ học hỏi được nhiều điều mà trước đây ta luôn tránh né, sợ hãi, do dự.
Chính tâm trạng sợ hãi, tránh né luôn cho ta cảm giác bất an, bực mình.
Con đường của một dũng sĩ mới thật sự là con đường mà những bậc chân tu đã chọn. Họ không dối mình lẫn dối đời vì họ không còn là một kịch sĩ khoát áo nhà tu nữa.
Người tu dù là tại gia, hay xuất gia trong bất cứ tôn giáo nào không thể trở nên một chân tu nếu không chọn cho mình một con đường của người dũng sĩ.
Trích "Sống hòa vào sự hợp tan tan hợp của vũ trụ thường hằng hay: Con đường của dũng sĩ. "