5. Một Trang Sử Mới - Cảm nghĩ nhân ngày Đản Sanh năm 2005

14 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 76766)
5. Một Trang Sử Mới - Cảm nghĩ nhân ngày Đản Sanh năm 2005

Nguyễn Huỳnh Mai
qua đài phát thanh Chân Trời Mới

Ngày Đản Sanh của Đức Huỳnh Giáo Chủ là ngày 25 tháng 11 âm lịch Bính Tuất năm nay, cũng là ngày 25  tháng 12 năm 2005, ngày Chúa Ky Tô giáng sinh. Chúng tôi mong rằng lịch sử Phật Giáo Hòa Hảo sẽ lật qua một trang sử mới, với sự thay đổi, cởi mở của một chánh sách tôn giáo tại Việt Nam.

Một trang sử mới do chính các nhà lãnh đạo trong Ủy Ban Tôn Giáo chánh phủ Hà nội chủ trương với sự công bằng và nhân đạo từ trong trái tim, chứ không do áp lực của các cường quốc dù Tây phương hay Á Đông.

Một chánh sách đổi mới phải do chính người Việt Nam quyết định, vì đổi mới, khoan hồng, sáng suốt phải do người Việt Nam đề ra để đối xử với chính quần chúng do mình lãnh đạo mới đúng là phục vụ cho sự  tồn vong của tổ quốc.

Một chánh sách đổi mới hay khoan hồng đối với chính đất nước mình mà lại do áp lực của các cường quốc đòi hỏi để bênh vực cho tự do tôn giáo hay quyền làm người của nhân dân do mình lãnh đạo thì tôi nghĩ đó là một sự sỉ nhục chung. Chúng ta không thể nào luôn luôn bị ngoại bang khuất phục, điều khiển.

Phật Giáo Hòa Hảo trong dòng lịch sử dân tộc đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử, biết bao tín đồ đã hy sinh vì bảo vệ đạo pháp và tổ quốc Việt Nam. Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua bao thời kỳ, bao chế độ độc tài khắc nghiệt vẫn vươn lên trong máu và nước mắt. Dù bị đàn áp, bắt bớ giam cầm, người tín đồ trung kiên vẫn giữ một lòng tin mãnh liệt vào lời dạy của Đức Tôn Sư. Họ luôn luôn sống đạo với Tứ Đại Trọng Ân: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, và Ân Đồng Bào Nhân Loại.

Dưới bất cứ chế độ nào trong quá khứ, dù nhà cầm quyền có muốn đàn áp, triệt tiêu Phật Giáo Hòa Hảo, họ cũng phải công nhận sự đóng góp tích cực của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo trong mọi phương diện: xã hội, giáo dục, kinh tế, nhất là từ thiện và nông nghiệp. Người dân Việt Nam no cơm ấm lòng có phải chăng đã nhờ hột gạo của nhà nông mà phần lớn đã được cung cấp từ miền đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa của đất nước, nơi quy tụ của phần lớn tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.

Trong quá khứ, khi miền Bắc bị nạn đói năm Ất Dậu, thì chính Đức Huỳnh Giáo Chủ đã đi khắp các tỉnh miền Tây để khuyến nông. Qua các thời đệ I và đệ II Việt Nam Cộng Hoà, các chánh phủ đều tuyên dương sự đóng góp tích cực của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nhất là về nông nghiệp.

Ngày nay, qua các bài khảo cứu của các giáo sư, các nhà nghiên cứu trong nước, đều nói lên giá trị tích cực đóng góp của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo qua năng suất nông nghiệp, qua hàng trăm cơ sở từ thiện, từ các Phòng Thuốc Nam, các Trại Hòm, các Tổ Phát Cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo cạnh các nhà thương. Kết quả các cuộc nghiên cứu cho thấy những vùng có mật độ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cao thì tệ nạn xã hội thấp.

Nếu thực tế đã minh chứng một kết quả tốt đẹp rằng tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đã được Đấng Minh Sư ra đời dạy Đạo, giúp cho họ vượt qua bao thử thách, sóng gió của lịch sử Việt Nam, để đóng góp vào sự tồn vong của đất nước, thì ngày nay tôn giáo xuất phát tại Việt Nam này phải được đặt đúng vào vị trí của nó, và phải được cư xử công bằng, hợp lý, ngang hàng với các tôn giáo bạn.

Chúng tôi mong rằng bắt đầu năm 2006, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được quyền tổ chức ngày Đức Thầy Ra Đi để được tạ ơn Ngài đã ra công hoằng hóa một tôn giáo có cội nguồn Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An sáng lập tại Việt Nam trên 100 năm nay.

Chúng tôi kính chúc quý đồng đạo thân tâm an lạc để được sống bình an và thực hiện Lời Thầy Dạy trong đời sống.

ĐẢN SANH ĐỨC THẦY năm 2005

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880