30-8-04 - 10:30 giờ sáng
Rằm tháng Bảy, Giáp Thân
Thật là tuyệt vời thay khi “không muốn.”
Không muốn in sách, không muốn bán sách, không muốn ra mắt sách. Không muốn làm phiền bạn bè, gia đình, con cái, không muốn làm phiền học giả, diễn giả. Không muốn được khen, không muốn lên mặt báo, không muốn được tường thuật.
Khi “không muốn” hiện diện thì tất cả mọi ý thích, lo lắng, được, không, thành công hay thất bại đều rớt xuống. Lưng, vai, đầu, tim, óc, toàn thân nhẹ nhàng.
Phải chăng “ý chí” đã thoát thai từ “cái muốn”? Trong ý chí có tham vọng không? Trong ý chí có tự ái không? Có cao vọng không?
Núp đằng sau ý chí có cả một kho nội tâm ẩn tàng mà phải đào cho sâu, cho kỹ, cho thật, mới có cơ may tìm ra nguồn cội xem cái Muốn đó bắt nguồn từ đâu.
Ta muốn đạt những gì? Nhận những gì? Tìm hiểu điều gì? Ta dùng ý chí đó cho ta hay cho người? Cho nhân loại?
Muốn dùng ý chí cho nhân loại ta phải có can đảm giết ta khi ta tìm thấy cái muốn, cái ý chí đó là để dùng cho chính ta.
Nhân loại là ai? Nếu muốn đóng góp cho nhân loại thì có cần ai biết đến ta không?
Ta chỉ là một hạt bụi nhỏ bé trong biển hồng trần nhân loại này. Ta đến rồi đi trong cơn gió thổi bay. Một đời người chỉ là một hạt vi trần trong thoáng chốc của trùng trùng kiếp kiếp của loài người.
Vậy thì ta cần biết đến để làm gì. Sau cơn gió thoảng ta sẽ ra đi nhanh hơn tốc độ của ánh sáng không để lại dấu vết của xác thân.
Tư tưởng của ta không phải của ta mà của nhân loại. Ta chỉ hiện diện trong khoảnh khắc để làm chứng nhân ghi lại một điểm thời gian. Bao nhiêu kẻ đã ra đi và đã để lại cho ta. Ta nhận và trao lại các thế hệ đi sau. Rồi cũng ra đi. Ra đi nhẹ nhàng, thơ thới, vì mình đến không luyến tiếc những gì lưu lại để cộng hưởng. Và cứ thế tiếp tục, và liên tục, miên viễn hết đời này sang đời khác.
Trong khoảnh khắc của thời hiện tại, ta cưu mang sinh khí của đất, núi, sông miền Cửu Long sông Hậu. Ta được thở, được nâng niu bởi khóm trầu, buồng cau, sóng nước, câu hò, lời kinh, sấm giảng. Ta ôm ấp, nuôi dưỡng sinh khí đó và cưu mang tâm tình của nòi giống Việt Nam.
Đất nước biến chuyển, con người biến chuyển, lịch sử Việt Nam biến chuyển, tuổi trẻ Việt Nam bơ vơ với các chủ nghĩa ngoại lai không đem lại tình yêu chân thật cho nòi giống Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam – con Rồng cháu Tiên.
Dòng Cửu Long vẫn chảy êm đềm bên các rặng núi Thất Sơn mầu nhiệm hùng tráng. Ta đã biết được gì, học được gì nơi dòng sông thiêng liêng đến từ đỉnh núi Hy Mã Lạp Sơn?
Ta đã học được gì, biết được gì qua những câu kinh giảng của các bậc Anh Minh muốn giữ gìn giống dòng Hồng Lạc, một nền văn minh chưa được loài người khám phá và khai phá?
Tất cả dụng tâm muốn đè bẹp, kềm chế của các cường quốc ngoại bang rồi sẽ được tung vỡ để con Rồng Việt Nam vùng dậy sau một giấc ngủ dài.
Những quốc gia đã ra tay đè ếm trấn giữ Việt Nam rồi sẽ bị công phạt nặng nề bởi những nghiệp quả của tham vọng trong quá khứ.
Ánh bình minh sẽ chiếu rọi sáng rỡ cho quê hương Việt Nam. Các chủ nghĩa ngoại bang lạc hậu sẽ úa tàn như mây khói để con dân Việt Nam được cùng hòa ca một bản nhạc Việt Nam Hòa Bình, Nam Trung Bắc thắt chặt tình người cùng siết tay nhau xây dựng lại những gì đã đổ nát do sự mù quáng khiến họ đã quên rằng tất cả cùng máu đỏ da vàng.