44. TRƯỞNG THÀNH

12 Tháng Giêng 200512:00 SA(Xem: 78184)
44. TRƯỞNG THÀNH

11-2-1990

Từ đây phải là một con người đã trưởng thành. Trưởng thành từ thể xác, tâm hồn, đến tư tưởng. Thể xác của một người với đầy đủ xúc giác và tri giác để biết thế nào là ngọt mặn chua cay, biết thế nào là vui buồn đau khổ, để hiểu con người và sống với con người chứ không phải để đam mê đời sống vật chất mà quên đi phận sự của mình ở trên mặt đất này để làm gì. Trưởng thành về phương diện tâm hồn qua bao nhiêu sóng gió, học hỏi bao nhiêu qua các giai đoạn thăng trầm của đời sống tình cảm. Trái tim qua các thời kỳ rung động mãnh liệt đã mở rộng tâm hồn đầy từ ái. Tất cả nhỏ nhen ích kỷ của một con người trần gian đã được cho thấy, xem xét. Hãy vứt bỏ chúng để cho trái tim từ nay không còn chứa đựng sự hạn hẹp đó nữa mà phải bao la như biển cả mênh mông. Tình thương trải rộng không mưu cầu sự đáp lại, và tâm sẽ được lặng yên trong tình yêu thương đó. Sự cảm xúc, nhạy cảm nhằm cho ta hiểu biết chứ không để trì kéo dẫn dắt ta. Như vậy mới thương mà không thương, ghét mà không ghét. Đó là trình độ ĐẠI TỪ ĐẠI BI. Ta phải sống với thiên hạ mà như sống MỘT MÌNH. SỐNG Ở ĐÂY MÀ LÀ Ở CÕI KHÁC.

Giai đoạn mới là phải trưởng thành về mặt tư tưởng. Tư tưởng nào rập khuôn thì không phải là tư tưởng của mình. Đó là sự sao chép, bắt chước. Tư tưởng như thế sẽ đi đến bế tắc vì nó không phải của ta. Tư tưởng của ta phải sáng tạo phải hòa nhập với thiên nhiên, phải hòa nhập với Thượng đế, phải hòa điệu với sự tiến hóa của muôn loài. Tư tưởng của người sáng tạo phải hòa nhập với trung thiên của càn khôn vũ trụ.

Ơn trên thương yêu và chấp nhận sự chân thành dâng hiến bản thân. Người tu sẽ là nơi tiếp nhận suối nguồn từ trung thiên của càn khôn vũ trụ. Sự đau đớn của tâm linh và thể xác mà bản thân phải trải qua chẳng qua chỉ là sự thử thách để học hỏi. Cái biết phải qua tiến trình học hỏi như mọi con người thì cái biết mới sử dụng được. Cái biết bỗng dưng có thì khó có được người nghe vì con người chỉ nghe những người giống họ, họ chỉ tin những người tầm thường như họ, sống như họ, thở như họ, ăn như họ, sanh con đẻ cái như họ. Tóm lại phải là chính họ. Phải là người cùng sống với họ, cùng thở, cùng đau khổ vì tình lẫn vì tiền như họ. Một lời nói dù đúng của một bậc chân tu ở hang động, ở núi cao, ở chín tầng mây, không làm  họ xoay chuyển, không làm họ tin tưởng vì bậc này sống cách xa họ, vì bậc này cao quá, trong sạch quá không dơ bẩn tầm thường như họ.

Sự đau khổ trong tình cảm vì thường muốn đem những cái biết hiến dâng cho mọi người xung quanh, sự đau khổ này sẽ được giải tỏa khi ta chỉ dâng hiến cái biết cho tha nhân, chia sẻ với họ, nhưng đừng MUỐN họ thay đổi. Thứ nhất cái muốn như đã biết chính là ĐAU KHỔ. Thứ hai là mỗi người có sự lựa chọn cho cuộc đời của họ, cũng như không khí, cũng như thiên nhiên. Tất cả đều được Thượng đế ban cho con người. Mọi người đều được hưởng thụ và hấp thụ ngang bằng nhau. Ánh sáng của chân lý cũng tỏa ra tràn đầy mà mỗi người phải tự gột rửa dẹp bỏ sự u minh tăm tối của chính mình mà đón nhận ánh sáng đó. Ta chỉ là người nhận rồi phát ra ánh sáng chân lý đó chứ không phải là người kéo màn u minh cho mỗi cá nhân để ánh sáng đó tuôn tràn vào.

Càng tịnh tâm, ít nói, khí lực càng mạnh càng vững vì lời nói sẽ có nội lực hơn và được nhiều người lắng nghe hơn. Hãy tự tin tiến bước vì mỗi việc làm và bước chân đi đều có các vị và Thầy trợ lực. Mọi việc đều có định hướng rõ rệt như đã thấy và biết trước. Từ nay phải tự tin.

Hôm nay là lần thứ nhì ta nhìn thấy vòng tròn ánh sáng bao bọc xung quanh để hiểu được tuần lễ tịnh khẩu có kết quả. Đó là sự mầu nhiệm của tỉnh thức liên tục. Sự tỉnh thức liên tục khi ta trở về với ta thường xuyên và ta chỉ sống trong ta liên tục khi ta bớt nói. Nếu ta bớt nghe và bớt nghĩ thì bộ não của ta càng mạnh hơn càng chứa những làn sóng cao hơn và hội nhập luôn luôn với trung thiên của càn khôn vũ trụ. Bớt nói, bớt nghe và bớt nghĩ không phải ý nghĩa tầm thường mà bớt nói là chỉ nói những gì cần nói, bớt nghĩ là đừng bận tâm tới những ý nghĩ xấu, tầm thường, rồi dần dần tự nó sẽ lắng đọng và ta chỉ nghĩ những gì cần thiết. Bớt nghe không phải là chạy trốn người nói hay bịt tai lại mà chỉ lược lại những gì cần nghe. Đó là điều khó khăn mà không phải không làm được. Nếu diệt cái ta tầm thường thì chắc chắn ta sẽ làm được.

Kỷ nguyên này ta phải phát triển một tôn giáo không tôn giáo. Đó là tôn giáo thế giới. Đó là tình thương nhân loại.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng
Bồ Tát Ma Ha Tát

8:20 AM - chủ nhật 11-2-90

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880