6-6-07 - 9:15 giờ sáng
Muốn có tư tưởng phải có ngôn ngữ và dữ kiện. Đó là điều tiên quyết. Nhưng dữ kiện là thông tin, là thực tế, như đất để trồng cây. Không có đất thì hạt giống không nảy mầm. Và từ đó cây mới cao lớn, ra hoa, ra trái, cung cấp nguồn thực phẩm cho con người và vạn vật theo luật sanh diệt.
Người sống cô lập, không thông tin, như những hạt giống thiếu đất, nước, thiếu phân, sẽ chết khô và bị hủy diệt.
Việt Nam đã thiếu thông tin, nay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ký sắc lệnh không cho các bộ cung cấp thông tin cho báo chí. Cái dây cáp bị chặt đứt, ăp cắp để bán. Việt Nam sẽ bị cô lập với các nguồn thông tin trên thế giới, nhu cầu sống còn và phát triển của một quốc gia nghèo hậu tiến cần học hỏi để lớn mạnh triển khai mọi ngành nghề mới có khả năng bước vào sự toàn cầu hóa, gánh vác cùng các quốc gia tiền tiến.
Việc cô lập thông tin của nhà nước Việt Nam có thành công hay lại là một đòn bẩy cho sự khai ngộ khai trí của một dân tộc với đa phần là giới trẻ. Ta hãy nhìn xem những đập nước. Muốn nước chảy mạnh để tạo điện lực, phải có đập nước. Nước càng bị ngăn chận, càng chảy mạnh thành những dòng thác lũ.
Giới lãnh đạo Việt Nam càng hoảng sợ bị mất quyền lực, bị mất quyền lợi, càng ngăn chận thì nguồn lực đổi mới theo nhu cầu toàn cầu hóa càng bị thúc mạnh, đẩy mạnh, sự thay đổi càng nhanh. Đó là những nước cờ thiếu sáng suốt của các cấp lãnh đạo trong nước, vì họ chưa biết được Lực Thông Tin hay còn được gọi là Lực Truyền Thông Đại Chúng.
Lực Thông Tin hay Lực Truyền Thông Đại Chúng là gì?
Lực bưng bít càng nhiều càng giúp cho Lực Thông Tin chừng đó. Vì một quần chúng bị bưng bít rất thèm khát thông tin hơn các quốc gia tự do. Như một miếng đất hạn hán cần nước nhiều hơn nơi khác. Như một dân tộc bị đói, nghèo, cần thức ăn, nước uống, và quần áo vật dụng hơn các nơi khác.
Có bưng bít là có Dối Trá. Dối trá có thể chỉ một phần nào. Nhưng khi quần chúng phát hiện một vài sự dối trá thì họ không tin các dữ kiện nhà nước đưa ra, dù là những điều thật.
Chánh quyền Việt Nam với dự luật mới ban hành chỉ cho phép một số người được quyền phát ngôn và có quyền từ chối phát ngôn. Đó là một sai lầm lớn vì quần chúng sẽ hoàn toàn không tin những gì mà nhà nước đưa ra, vì họ sẽ cho đó là sự che dấu nguồn tin đưa ra đã được thanh lọc, uốn nắn, chòng chéo, điều chỉnh, nên không thật và việc này có nguy hiểm cho dân tộc.
Người dân sẽ vô cùng hoang mang với một guồng máy điều hành bị bưng bít. Dự luật cấm các bộ cung cấp nguồn thông tin cho báo chí là một sắc luật sai lầm, tách rời giữa nhà nước và giới truyền thông, tăng thêm lòng tin của quần chúng đối với giới nhà báo.
Dân chúng Việt Nam sẽ đặt lòng tin nơi báo giới nhiều hơn là các cơ quan công quyền và chánh quyền đương thời.
Ghi chú: Nhân đọc bản tin ngày 6/6/2007 trên trang nhà BBC về việc T.T. Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 77/2007 ban hành ngày 28-5-07 cấm tất cả các quan chức cơ quan hành chánh nhà nước cung cấp thông tin cho báo chí.
Và bản tin 6-6-2007 “Cảm nhận của giới trẻ ngày nay về lãnh tụ Hồ Chí Minh” trong mục Diễn Đàn Bạn Trẻ của trang nhà đài phát thanh Á Châu Tự Do (RFA). Du Sinh Hồng cho là ngày sanh của Bác là 2/9, nhưng vì là ngày quốc khánh nên đảng ta dấu. Vậy thì đảng có thể thay đổi cái gì mà họ cho là bất lợi.