27. Sự quan trọng của Tánh Không

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 77953)
27. Sự quan trọng của Tánh Không

22-6-04 - 11:35 giờ trưa

Nếu chưa đạt được “tánh không” thì chưa giác ngộ được. Giác ngộ là thấy, biết. Thấy, biết thật sự chứ không bằng tưởng tượng hay ảo giác. Thấy, biết thật sự là thấy biết chân tánh của mình, của mọi sự vật đồng nhất thể, không xa lìa, phân ly, chia cách.

Giác ngộ là ngộ không, bắt gặp cái tánh không của  mọi sự vật, có đó và không đó, qua sự tạo tác của ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức, và trở về không tánh, rồi trở lại. Từ hữu đến vô, rồi từ vô về lại hữu.

Khi biết, khi ngộ không tánh rồi, mọi tham lam ích kỷ, cảm xúc đam mê, ngay cả ngũ uẩn tự chúng sẽ tan biến. Ta cũng sống như người mà khác người, khác đây là trình độ thức giác của tánh không.

Người đạt đến giác ngộ không tánh càng sống bình thường, không còn bị lôi kéo bởi Hữu và Vô. Đi vào cực hữu và cực vô là còn tìm kiếm có và không, còn đặt nặng hữu giới và vô sắc giới, còn tưởng, còn tính, còn đặt mọi sự lên bàn cân, và còn so đo trình độ tri thức.

Khi đạt được tánh không, con người sẽ chấm dứt sự tìm kiếm, và sống, thở, ý tưởng dừng lại, chấp nhận đời sống NHƯ LÀ. Chấp nhận Như Là, là chấp nhận mọi sự vật, ta và người, với một tình thương chân thật, không bị ràng buộc bởi bộ óc NGƯỜI đầy nhân tính và thú tính.

Con người sanh ra mang đầy đủ cả nhân tính và thú tính. Nhân tính là sự khôn ngoan, xảo trá, tính toán; còn thú tính là sự mù quáng sống theo sự thúc đẩy của lục căn lục trần. Cả hai tính này đều nguy hại cho con người muốn đi đến chân thiện mỹ mà luôn tránh né không trực diện với nó, để chính mình phải giải tỏa nó bằng các phương pháp tu tập.

Không có pháp tu nào hữu hiệu cho bằng nhìn thẳng vào mình, vào nguồn gốc của mọi tư tưởng và hành vi của mình. Muốn làm được việc đó, phải can đảm phanh phui và trực diện với chính mình. Bằng không cho dù có áp dụng bao nhiêu pháp tu cũng chỉ chữa bệnh của mình cho nhẹ hơn, và tự dối mình để sống cho hết kiếp người.

Muốn đi đến bến bờ giác ngộ, ta phải giải quyết các vấn đề trong chính đời sống của mình. Thân nghiệp và ý nghiệp luôn đi song đôi, và ta sẽ không dứt hai nghiệp này được nếu không đạt được không tánh. Vì thế nhiều người xuất gia đã đi đến thất bại vì nghĩ rằng mình đã ly gia cắt ái, là cắt được đời thường để sống một đời sống tu hành. Vì họ ly gia cắt ái nhưng ngược lại bị ly tâm và không nhất tâm.

Chỉ có nhất tâm mới quán chiếu được Bản Sắc của Như Lai trong sáng rực rỡ đầy hào quang. Ta không thể nào thấy được nếu ta ly tâm. Tâm ta bị phân tán vì những ý tưởng đi ngược thời gian bởi hình ảnh âm thanh của quá khứ. Ta không thể trốn chạy đời sống bằng sự chạy trốn, bằng lời kinh tiếng kệ, bằng quang cảnh tu hành của thiền môn. Biết bao kẻ thân gỡi thiền môn mà tâm phân tán, không được cả sự bình an của người sống đời thường.

Thế kỷ 21, hình thức sống của con người bị đảo lộn. Nhiều người đi tu mà có tâm phàm, mà nhiều người thường (laymen) lại có Phật Tánh, sống chân thật với mình với người, làm việc và phục vụ tha nhân.

Biết bao kẻ mang lớp áo tu hành đã dùng tôn giáo để phục vụ cá nhân, và tham vọng để bù đắp lại sự khổ hạnh của đời sống tu hành mà họ cho là hy sinh cho tha nhân, cho đạo pháp, cho Giáo Chủ tôn giáo mà họ mượn danh để trục lợi, mà ngay chính họ vẫn không biết rõ điều họ đang làm là gánh nghiệp. Bao nhiêu tiền của tín đồ đóng góp là bấy nhiêu nghiệp quả mà họ phải gánh, phải trả cho ngàn kiếp sau.

Chỉ có không tánh mới chấm dứt được nghiệp quả, vì ta không còn tìm con đường này hay con đường khác. Ta còn tìm thì còn sai lầm. Chỉ có trực diện với mình và tự giải chính thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp của mình, ta mới được giác ngộ, và giải thoát ngay cảnh giới hiện tại mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880