26. TỰ KIỂM

27 Tháng Mười Hai 200412:00 SA(Xem: 74961)
26. TỰ KIỂM

20-10-88

Hôm nay là ngày 20 tháng Mười, 1988, ngoài các ngọn đèn trên bàn thờ Phật, tôi thắp riêng cho tôi một ngọn đèn cầy. Tôi ôm câu nói của Ruth Nanda Anshen trong nhiều năm qua kể từ khi tôi tỉnh giấc ngủ triền miên trên bốn mươi năm "The Light is not without but within me and I myself am the light" (Ánh sáng không phải không có mà có bên trong tôi, và chính tôi là ánh sáng). Không phải tôi cho câu đó là sai nhưng tôi thấy sự cần thiết thắp cho mình một ngọn đèn. Có phải ánh sáng trong tôi không đủ sáng, không đủ mạnh để soi đường cho tôi chăng? Hay tôi muốn ánh sáng ngọn đèn này tiếp dẫn trợ lực cho ánh sáng của tôi? Hay tôi muốn xem ánh sáng của tôi có đủ sáng như ngọn đèn trước mặt chưa hay là vẫn còn mù mờ đen tối. Ánh sáng luôn luôn có, luôn luôn hiện hữu nhưng độ sáng khác nhau và năng lực, màu sắc cũng khác nhau.

Có phải ánh sáng trong tôi không đủ sáng để dẹp những u uẩn trong tôi, những lo buồn suy nghĩ, những gì đã tiềm ẩn trong tôi qua nhiều tiền kiếp, những gì chất chứa từ thuở bé đến giờ và những gì sắp thu nhặt vào. Bộ máy con người của tôi vẫn hoạt động, vẫn làm những việc mà một con người bình thường phải làm cộng thêm vai trò của một người vợ, người mẹ đối với hai con trai, của một người con đối với cha mẹ, với chị em, với nhà chồng và với tất cả những liên hệ bà con bạn bè, và nhân loại.

Có phải nhiều năm nay tôi bắt tôi tu học sửa đổi để tự đưa mình vào ngõ cụt. Tôi vẫn tự thấy mình vẫn ngủ, và vẫn lầm lẫn vô tư, tóm lại thì vẫn là TÔI. Tôi vẫn tự mình nhìn mình mỗi ngày trong lúc quán chiếu, trở về với chính mình. Có những lúc tâm hồn thật bình lặng, có những lúc khám phá rất nhiều, cũng có lúc thấy tâm hồn sóng gió, lộn xộn đảo điên trong những giây phút thiền quán. Có lúc tôi thấy bất lực với chính mình, có lúc tôi thấy buồn chán nhìn lại vẫn thấy mình y nguyên như độ nào.

Tôi phải nhìn ngọn đèn để tự đối thoại với chính mình. Có lẽ tôi nên quyết định. Không có lẽ mà phải quyết định từ đây tôi chỉ nên đối thoại với chính mình, trong niềm cô đơn cùng cực. Tại sao giờ đây trong tôi lại rỗng tuếch. Có phải khi thật sự trở về với chính mình thì sẽ đối diện sự rỗng tuếch ấy chăng? Bao nhiêu sự học hỏi bây giờ lại được trở về số không? Phải chăng đó chính là cái không của Bát Nhã Tâm Kinh mà tôi luôn phải khởi đọc mỗi khi bị nhiều chuyện rối rắm vây quanh hay lúc đầu óc xáo trộn lúc ngồi thiền.

Chỉ một phút chốc mình quên mình là mình sa cơ vào lỗi lầm. Không phải lỗi lầm với chính mình mà lỗi lầm với người chung quanh. Chỉ một lời nói vô tư, trong sạch không nghĩ ngoắt ngoéo, chỉ một hành động vô tư không suy nghĩ để chọn lựa cho một mục đích gì, cũng đủ làm cho người khác buồn lòng giận hờn. Nếu tôi cứ phải theo tôi mỗi phút, tôi sẽ là người giả hình hay tôi là người thật. Chính tôi đã ngồi thiền giải đáp cho mình bao nhiêu câu hỏi rồi giờ đây lại trở về bế tắc giữa cái giả và cái thật. Phải chăng cái giả của tôi trong đời tạo hạnh phúc cho tôi còn cái thật của chính tôi sẽ đem cho tôi nhiều đau khổ xáo trộn của đời. Hay muốn mình yên thân phải sống kín thầm lặng nhốt cái thật của mình, trong tận chiều sâu tâm hồn rồi lại sống như một nhà kịch sĩ đại tài để hòa với con người. Vậy phải chăng con người tu để bước vào những tầng đau khổ sâu kín hơn chớ không phải tu để tìm sự an vui, yên tĩnh tâm hồn. Sự yên tĩnh nếu có chỉ là sự dối trá, gạt gẫm mình trong giây lát. Vậy có phải con đường hành đạo là con đường đi ngược mãi vào chính mình. Có phải tôi đang đi vào ngõ hẹp nhất thâm sâu nhất đây chăng, cho nên tôi phải thắp cho tôi một ngọn đèn để tăng cường ánh sáng trong tôi và trợ lực cho sự yếu đuối của tôi.

Tôi phải thắp cho tôi những ngọn đèn và nhiều ngọn đèn. Tôi sẽ tiếp tục thắp đèn mãi cho chính mình vì tôi sẽ đi tìm tôi cho hết kiếp này.

Ánh sáng của ngọn đèn thứ nhất chưa hoàn toàn bị dập tắt trong tôi, thì hôm nay tôi vội đốt ngọn thứ hai. Có lẽ chưa bao giờ tôi lại tự đối thoại với chính mình như những ngày vừa qua. Có phải khi tâm được yên tĩnh, con người cảm thấy trống rỗng thì lại vội vàng cho là mình tầm thường quá "không biết gì", không "khám phá" ra gì, thì lại cố gắng tìm tòi, lục lạo tìm kiếm một cái gì, quấy động tâm hồn mình. Có phải khi con người động lại tìm cách tịnh rồi khi tịnh lại đi tìm cái động? Có phải chỉ tại cái "muốn" mà ra. Khi muốn viết thì lục lọi trong đầu mình nhận xét điều này điều kia, vừa nhìn thấy một điều gì của chính mình, của người thì mau mau cho là hay quá, tạo ra đề tài, sắp xếp tư tưởng rồi viết ra ngay trong đầu, rồi ráng nhớ lại để khi có bút có viết sẽ viết ra. Cái muốn thật ra đã tạo nhiều xáo trộn. Tôi ngồi đây với cây bút và tôi cứ muốn con tôi tắt tivi, tôi muốn nó ra sân chơi hay tốt hơn là ra tiệm rượu chơi bắn máy game, mặc dù tôi đã cấm nhặt hai con không được ra đó. Tại sao tôi ngồi đây mà theo dõi nó quá kỹ, âm thanh nó đang nhai đồ ăn sáng tôi cũng nghe. Tiếng chân nó, tiếng đóng cửa tủ lạnh tôi cũng đều nghe hết. Như thế là tâm tôi động, vì rõ ràng đã nhiều lần luồng tư tưởng bị cắt đứt mặc dù tôi cố ép tôi dẹp cái muốn. Tôi muốn thực tập dẹp cái muốn bằng cách vẫn tiếp tục ngồi thiền và cầm bút lên viết. Con tôi lại cất tiếng hỏi xem nó hút bụi được không? Tôi đành chịu thua nói không vì mẹ còn ngồi thiền. Con tôi xin phép ra sân chơi. Còn cái gì làm tôi mừng hơn. Vậy là tôi vẫn chịu thua cái muốn rồi đó!

Khi cầm bút lên viết có phải mình đã bắt đầu hạn chế mình? Hay mình bắt đầu lừa gạt mình? Mình bắt đầu chải chuốt tư tưởng hay bắt đầu muốn khoe khoang "cái biết." Như vậy thế gian nầy có bao "kẻ tuyệt vời" khép kín. Dù cho mình có tự lừa gạt là để chia sẻ đi nữa thì cũng có sự khoe khoang, chải chuốt, tự lừa dối, tự nâng cao xuất phát. Xuất phát ngay cả trong những câu tự dìm mình, tự thú thật cái xấu, cái bỉ ổi của mình. Đó chỉ là một cách tự nâng cao bằng cách tự bôi nhọ vậy thôi.

Có phải khi cầm bút lên là ta có ngay sự lựa chọn chẳng hạn như bày những món ăn mà mình đã nấu. Mình chỉ dọn những món ngon món đẹp còn các món nấu khét, nấu rục rã bấy bá thì dấu vào lò hay cho vào máy xay. Khi người ăn thấy ngon khen mình thì mình nhún nhường cho là không ngon lắm. Sự nhún nhường chẳng qua là sự tự thẹn với chính mình.

Có phải còn muốn đi tìm cái "thật" dù cho của chính mình thì vẫn còn khổ, vẫn còn thất vọng chăng. Mình đã tự gạt gẫm lấy chính mình bao nhiêu lần. Cái thật có nhiều tầng lớp hay thật là cái "không có"? Vĩnh viễn không có.
Khi tôi nghĩ rằng tôi sẽ viết thì tôi bắt đầu nghĩ xàm và nói xàm với chính mình. Việc gì tôi nghĩ tôi thấy nó cũng hay hết mặc dù đã nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần. Những gì đã viết cả chục năm trước đem trở lại tôi cũng thấy nó hay ngay cả câu nói lúc tôi viết trong quyển sổ tay lúc 12 tuổi "không có sự giáo dục nào bằng sự giáo dục chính mình." Tôi đem nó so với những câu tôi viết về tự giác tôi thấy hay quá. Vậy chẳng qua những điều tôi nghĩ, tôi thấy, đều cũ rích ngay cả tôi lúc 12 tuổi còn con nít cũng đã biết rồi. Chỉ có điều con bé 12 tuổi trong sạch hơn nên không cho đó là hay.
Có phải tôi còn giả dối khi mọi việc có liên lệ đến cái tôi và người khác tôi đều muốn cho nó được toàn vẹn, tức đẹp lòng mọi người. Tôi hỏi Phương tôi có điểm nào xấu thì Phương nói: "Mỗi khi chị có quyết định đầu tiên theo trực giác mà chị không nhất quyết giữ nó và sau đó chị lại đổi, vì vậy nên người bên kia cho rằng chị sai. Điều này bất lợi cho chị về phương diện kinh doanh. Về mặt tình cảm, nếu chị gặp bạn tốt không lợi dụng thì chị không sao, nhưng nếu gặp bạn xấu họ sẽ làm chị buồn."

Không hiểu đây là lần thứ mấy tôi hỏi Phương nhưng chắc chắn không phải là lần đầu. Đến nay khuyết điểm này vẫn còn trong tôi, có điều tôi thấy nó rất rõ. Điều gì tôi quyết định thì thường hay bị người khác đổi hay thật ra chính tôi đã đổi. Không phải họ tìm cách nói tới nói lui cho tôi lung lay mà vì chính tôi đã lung lạc tôi qua lời nói của họ vì tôi muốn người khác "nghĩ tốt" vì tôi. Tôi muốn chiều họ để họ thích tôi hay đừng phật lòng vì tôi. Như vậy thì tôi còn coi tôi quá nặng. Và rất nhiều lần tôi đã vì tôi mà hại tôi. Những gì tôi cảm thấy đúng nhất, tốt nhất cho tôi, phải nhất cho cả đôi bên tôi lại vì cái tôi ích kỷ, tham vọng, ngụy biện mà phá vỡ, lật ngược đem đến thất bại, buồn bực xáo trộn cho chính tôi.

Tất cả nguồn khởi của xáo trộn, đau khổ cứ tưởng là bên ngoài đem vào nhưng thật sự là chính mình. Chính cái tư tưởng của mình, đưa ra lời nói và hành động đã gây ra biết bao nhiêu điều quật ngược lại chính mình. Không phải cho mình mà cho cả cuộc đời của các con mình và của những gì quanh mình.

Chúng ta vẫn có thể kịp thời sửa đổi qua mỗi giây phút giác ngộ. Mọi việc quanh ta đều đáng cho ta lãnh hội và biết ơn những kẻ xung quanh, để nhìn họ mà thấy ta và nhìn ta mà thấy họ. Ta và mỗi người quanh ta đều có sự liên hệ cấu kết chặt chẽ và chỉ có "cái thấy" mới cho ta biết điều đó. Nếu thấy một người vấp cục đá ta hãy mau mau nhìn xuống chân khi đi thay vì ta cười, vì ta cười rồi ta sẽ vấp như họ vì ta không thấy. Cái thấy là ánh sáng là sự mầu nhiệm thiêng liêng trên mặt đất này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880