25. Sự bình đẳng - hay: Công trình tiếp nối của Đức Thầy

29 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 77976)
25. Sự bình đẳng - hay: Công trình tiếp nối của Đức Thầy

17-6-04 - 10:00 giờ sáng

Đức Thầy không bao giờ vắng mặt và công trình của Ngài được tiếp tục bởi hàng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Tây, nay đang lan rộng ra cả nước, đến hải ngoại. Ngài đã gieo chủng tử GIÁC NGỘ.

Đức Thầy đã dạy tín đồ, dạy chúng sanh, không phân biệt tôn giáo từ bước một tất cả những căn bản mà con người cần có, cần biết, và cần hiểu để chung sống với nhau một cách đầy nhân ái. Sống với đầy đủ đức tin nhân ái dồi dào tình thương mới tạo dựng được một quốc gia, một thế giới hòa bình ấm no hạnh phúc.

Tư tưởng của Phật Giáo Hòa Hảo đi đến đâu sẽ mang lại nhân tính, tình thương yêu đồng loại đến đó. Sẽ tái lập lại quân bình cho bản thân, gia đình, xã hội, quốc gia, và lan ra thế giới.

Một tư tưởng nảy sinh phải qua quá trình cả trăm năm mới có kết quả. Vì thế ta phải liên tục làm việc để triển khai nó cho đầy đủ ý nghĩa, sao cho phù hợp với Thời Đại Mới mới giúp được cho con người.

Một tư tưởng không được triển khai là tư tưởng chết, vì không được áp dụng và thử nghiệm bởi chính con người. Một tư tưởng sống là một tư tưởng có thể áp dụng cho con người từ mặt tâm linh đến phần vật chất. Phải hòa hợp và đồng điệu mới đem lại kết quả thật sự, đó là con đường đưa đến Giác Ngộ.

Bất cứ một tư tưởng nào, lý thuyết nào, ý thức hệ nào, quan niệm nào, lý luận nào, lập luận nào mà dù ta có nâng cao lên tột đỉnh, ca ngợi, tung hô, tập trung dùng mọi quyền lực để phổ biến mà không mang lại kết quả có ích cho con  người đều sẽ bị vất đi. Nếu có tiếc rẻ ôm lấy nó, trì hoãn rồi cũng chỉ đưa đến thất bại nặng nề.

Một lý tưởng đúng, ta không cần ca ngợi, tung hô, bênh vực vì kết quả sẽ biện minh cho tất cả. Kết quả tốt cho con người, hữu lợi cho nhân quần xã hội, giúp cho con người tiến bộ, sống biết nâng đỡ nhau những lúc đói khổ khốn cùng. Đó là một tư tưởng được nhập tâm vì nó đã giúp người tiêm nhiễm nó trong mọi hành động và lời nói của kẻ mang tư tưởng này trong “phương thức hành đạo”, hay “sự chỉ đạo của một tư tưởng.”

Giáo lý Tứ Ân Bửu Sơn Kỳ Hương Phật Giáo Hòa Hảo sẽ được thế giới chú ý qua kết quả của một vùng đất với những dân quê chất phác không học thức cao nhưng lại đạt được trí tuệ mà nhiều tín đồ của một số tôn giáo khác không đạt thành.

Tín đồ của một số tôn giáo trên thế giới đã bị tôn giáo mình biến thành những kẻ tuân hành mệnh lệnh để được “cứu rỗi.” Họ trở nên mê muội, không còn trí tuệ để phán đoán việc đúng hay sai. Tôn giáo không phải là nơi để ta cầu ơn mưa móc, mà tôn giáo để hướng dẫn con người đi đến sự sáng suốt, biết rõ mình phải làm gì và không nên làm gì, điều gì nên tin và không tin.

Tôn giáo là tình thương chứ không phải là những giáo điều dùng để xiết chặt gò bó đời sống con người. Vì tôn giáo là một con đường giải thoát con người khỏi sự tối tăm. Không có sự xử phạt và hình phạt trong tôn giáo mà chỉ có sự tha thứ khi ta giác ngộ ăn năn và trở về đường ngay nẻo thẳng. Nếu ta đi sai, ta bị vấp ngã, ta ăn năn, sửa đổi, và thay đổi để tiến tới.

Thượng Đế rất thương yêu con người và luôn luôn mở rộng vòng tay chào đón những đứa con giác ngộ. Chỉ con người vì lòng vị kỷ mới hành hạ xử phạt con người.

Các vị lãnh đạo tôn giáo nên chấm dứt việc thay mặt Thượng Đế đe dọa việc xử phạt con người. Đó là một việc làm mất nhân tính.

Nếu giác ngộ họ sẽ sợ hãi chính những gì mình đã, đang, và sẽ nói để đe dọa con người khi muốn chinh phục họ và lôi kéo họ về với tôn giáo mình.

Một tôn giáo đi đúng đường phải là một tôn giáo biết hòa đồng, không mang tính chất độc tôn, vì độc tôn đi ngược lại sự bình đẳng mà con người có quyền thụ hưởng khi làm người, khi bước vào mặt đất này.

Sự Bình Đẳng là khuôn vàng thước ngọc cho mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, và đó là quyền căn bản của con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880