21.Dẹp lý luận mới có tánh không (8-6-87)

02 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 79476)
21.Dẹp lý luận mới có tánh không (8-6-87)

8-6-1987

Từ nay ta phải khắc phục mọi cảnh giới, ý thức giới để giữ cho mình luôn luôn ở thể KHÔNG TÁNH. Muốn luôn đạt được không tánh phải dẹp mọi luận lý của đời. Muốn dẹp được mọi luận lý của đời trước hết phải đặt mọi việc đời xảy ra vào ký ức để biết chứ không để các việc đó ảnh hưởng đến tâm thức mình, sự suy nghĩ của mình. Tâm thức luôn luôn ở thể không, tức Ngộ Không. Tâm thức càng ở thể không càng giản dị, càng bớt xáo trộn từ bên trong lẫn bên ngoài. Khẩu nghiệp càng giảm, thân nghiệp càng giảm, và ý nghiệp càng giảm thì khó khăn bên ngoài càng giảm đối với việc đời lẫn việc đạo. Tâm bớt chướng ngại, cảnh bớt chướng ngại thì hành bớt chướng ngại, thì đường đạo càng sáng càng rộng mở càng thấy những việc phải làm.

Khi luôn luôn đạt được không tánh là ta sống cõi Niết bàn. Mọi đau khổ nghiệp quả đều được tiêu trừ không cần đợi tới lúc ta chết bỏ xác. Vì khi chết bỏ xác mà vẫn chưa đạt được không tánh thì nghiệp quả vẫn còn và ta vẫn phải trở lại trần gian để trả. Khi đạt được không tánh là ta đã buông bỏ, vượt thoát mọi kềm chế, cám dỗ của trần gian để trở về với  Đại Hồn. Tất cả sự đau khổ của con người không xâm nhập ta được nữa. Ta không vui cái vui của thiên hạ. Ta nhìn mọi việc xung quanh với sự cảm thông hiểu biết nhưng hoàn toàn không bị ảnh hưởng và lôi kéo. Như thế mới đi đến sự sáng suốt của Đức Phật. Nếu Đức Phật không an nhiên tự tại thì Đức Phật không giúp ta được. Kẻ muốn giúp đời, tâm phải như bàn thạch. Còn vì lý do này hay lý do kia, hay vì người này vì người kia mà làm là còn đi vào việc đời, vì việc mình làm có khi còn hại người hơn là giúp người, vì còn bị ảnh hưởng là không thể sáng suốt trong công việc.

- Có liệu ta đã đủ sức bước ra ngoài chưa?

Ta không tạo hoàn cảnh mà việc gì đến thì phải làm vì hoàn cảnh là do bề trên sắp xếp để ta làm không được thấy khó mà tránh né. Phải luôn giữ tâm yên tịnh thì sẽ có tuệ giác, minh mẫn. Nghĩ việc gì nên làm thì làm, đừng để lý luận đôi co, chống đối sẽ bị rối loạn, lu tâm.

Từ nay cần phải tập nói năng giản dị, không nói cao nói thấp, không úp mở, không nói ngoằn ngoèo. Khi không nghĩ ngoằn ngoèo sẽ không nói ngoằn ngoèo, thì ta và người nghe cảm thấy dễ chịu thoải mái, do đó mọi chướng ngại sẽ giảm thiểu. Tâm Thân Ý luôn luôn an lạc. Đó là thể Không Tánh.

Không cảm thấy nóng lòng, cũng không cảm thấy đang kiên nhẫn vì khi ta cảm thấy đang kiên nhẫn là lúc đó ta cảm thấy nóng lòng và đang kềm chế mình. Do đó tâm lại động. Phải xem mọi việc đều không có thời gian và không gian vì thời gian và không gian là do sự giới hạn của con người. Khi đã gọi là bất sanh bất diệt, bất giai bất biến thì không có giới hạn giữa thời gian và không gian. Như vậy thì sự kiên nhẫn cũng không. Sự kiên nhẫn nếu có thì con người còn nằm ở giới hạn thời gian và không gian, có sớm có trễ, có già có trẻ, có lâu có mau, có sanh có diệt.

Phải hiểu rõ là ta đang sống ở đâu, giai đoạn thế kỷ nào của con người để học hỏi từ cảnh sống cho đến sự suy nghĩ  để giúp họ. Phải hiểu cho rõ điều đó. Và mình đến đây để rồi mình đi. Tất cả việc xảy ra đều là để học hỏi chứ không phải để ràng buộc hoặc kềm chế mình tại đây. Phải luôn luôn thức giác để không bị tình cảm xâm chiếm, ý chí bị lung lay. Ý chí phải luôn luôn mạnh, luôn luôn vững như thạch sơn. Như vậy thì há việc gì mà không làm được.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880