- 1. 1970: Viết Trước Một Ngày, Đọc Sau Một Ngày Bầu Cử Bán Phần Thượng Viện
- 2. Đi Xem Nghị Sĩ Thề
- 3. 1001 Chuyện Ly Kỳ, Quái Đản Trong Cuộc Chạy Đua Vô Hạ Viện
- 4. 1001 Mốt Hứa Ly Kỳ, Rùn Rợn Của Các Tay đua Tranh Vô Hạ Viện
- 5. Rạch Giá thành phố cổ đang chuyển mình
- 6. Rạch Giá trên đường phát triển Kỹ nghệ Ngư nghiệp
- 7. Tâm sự Xì Thẩu
- 8. Khi Xì Thẩu Đoàn Tụ
Những trận mưa dồn dập vào những ngày cuối tháng làm cho không khí trước ngày bầu cử bán phần Thượng viện thêm tả tơi, tơi tả, không phải vì những tấm bích chương rách rưới mà vì cuộc bầu cử đã mất đi cái ý nghĩa cao đẹp.
Lòng dân cứ thắc mắc, nhất là bọn trẻ chúng tôi: mình sẽ bỏ cho ai? Những bộ mặt già nua tuổi tác, nay đau mai yếu liệu có sức đến đâu, làm được việc gì cho đất nước điêu tàn này vào những ngày cuối thu của đời người. Rồi đến một vài kẻ mà dư luận đồng loạt cho là "mặt dày mày dạn", thiên hạ có đui mù đâu mà không biết thành tích bất hủ của họ, vậy mà họ cũng vẫn tỉnh bơ, tỉnh rụi như "ta chưa từng làm điều chi trái với lương tâm." Rồi những bộ mặt trẻ tập tễnh bước vào vòng danh lợi. Tất cả đều đáng ghét, đáng chửi! Chỉ tội cho bọn trẻ tụi mình, các bạn nhỏ.
Không khí cuộc bầu cử kỳ này khác hẳn với các lần bầu cử vào năm xửa năm xưa. Cũng những bộ mặt tương tợ như thế, nhưng lòng dân còn hăng lắm...
Dạo ấy tôi còn bé chưa đủ tuổi để "được" đi bầu. Tôi cứ trông cho mau lớn để được đi bỏ phiếu như ba má, anh chị. Tôi hăng hái đọc báo, nghe ra dô, ra đường gặp tấm bích chương nào cũng dừng lại ngắm kỹ từng khuôn mặt, đọc kỹ thành tích của từng người, xem kỹ từng lời hứa hẹn ghi trên đó... Bây giờ đến tuổi được xử dụng quyền công dân thì tôi mong sao cho người ta quên phát thẻ cử tri cho tôi.
Hôm nọ gặp Ngân, tôi hỏi:
- Sao? Kỳ này bồ đi bầu không?
- Không!
- Sao vậy?
- Không có thẻ cử tri.
- Thì nhắc người ta đi chớ.
- Trời đất, mừng muốn chết mà còn đi nhắc nữa, bộ điên à?
- Sao lạ vậy?
- Nói thật với bồ, hồi trước chưa được đi bầu tui hăng lắm. Thấy liên danh nào hay tui còn đi cổ động không công nữa. Bây giờ thì hết rồi. Đừng hòng tui tin lời hứa của mấy ổng mấy bả nữa.
Tưởng đâu có mình tôi như vậy, ngờ đâu con bạn cũng cùng tâm sự. Những người lớn đã đánh mất niềm tin của bọn trẻ tụi mình rồi nhỉ.
Hôm nay là thứ sáu rồi cơ à? Buổi chiều lại bắt đầu bằng một cơn mưa. Mai thứ bảy, mốt chủ nhật đi bầu. Chỉ còn hai hôm nữa thôi, vậy mà dường như điều này không gây sự chú ý của mọi người. Tôi có cảm tưởng nếu không có màn giới thiệu các liên danh trên ti vi, hay những bài phỏng vấn đăng trên báo, chắc chắn nhiều người đả không biết rằng mình đang sống trong mùa bầu cử.
Ngoài trời mưa đã dứt hột, một ý tưởng bỗng chợt đến với tôi: thử xách xe Honda chạy một vòng xem khung cảnh trước ngày bầu cử như thế nào. Nghĩ là làm. Thấy tôi xách xe ra cửa, mẹ tôi liền hỏi:
- Đau yếu, mưa gió thế kia mà đi đâu vậy con?
- Con làm "Tiếu ngạo giang hồ" mấy vòng Sàigòn, Chợ lớn, Gia định để xem bích chương.
Mẹ tôi lộ vẻ ngạc nhiên rồi lắc đầu cười cho "cái điên" của tôi. Suốt con đường từ nhà tôi đến Phan Đình Phùng chỉ lèo tèo có vài tấm bích chương. Thật chả bù với dạo trước họ cứ dán tưới vào cổng vào tường nhà mình, có cho gỡ thế mấy cũng không hết được, trông loang lổ dơ bẩn làm sao. Cuối đường, tôi quẹo phải trên đường Phan Đình Phùng, và trực chỉ về hướng Chợ lớn. Thôi thì hai bên đường treo đủ loại bích chương, nào là cái nhà, một bông sen, hai bông sen, cá nước, bông huệ, sao sáng, v.v...
Có nơi không biết bàn tay vô hình nào đã đóng cả những tờ diều hâu có đang hình ba liên danh đắc cử của cuộc thăm dò dư luận: liên danh 3, 8 và 1. Có điềm lạ là kỳ này bích chương không bị dán một cách bừa bãi nữa, mà lại được đóng khung treo lên cây hoặc lên cột đèn đàng hoàng như những tấm biển quảng cáo. Lại có tấm vừa được bọc nylon vừa được đóng lên thân cây. Thôi thì người, vật, hoa, cây, lúa.. đều được cho vào bao nylon treo trên cây bay phất phới. Chỉ tội nghiệp cho liên danh của lính vẫn phải dãi nắng dầm mưa cả lúc ra tranh cử, trên các bức tường loang lổ. Phương pháp ra tranh cử càng ngày càng tân tiến thật, mà càng tân tiến bao nhiêu thì các anh có yêu nước mà thiếu xu đừng hòng làm nghị sĩ. Vậy mà hôm nọ tôi hỏi một chú tài xế:
- Ông sẽ bỏ thăm cho ai?
- Cho lính - ông ta trả lời liền vừa khoa tay - nhứt định bỏ một mình cho liên danh lính thôi, cho dư thăm chơi vậy hà.
Tôi thấy buồn dùm cho sự hăng hái của ông ta, vì lúc trước cụ Trần Văn Hương ra ứng cử, hễ đi đâu tôi cũng nghe người ta nói: chắc chắn bầu cho cụ Trần Văn Hương. Bạn bè, gia đình tôi người nào cũng cổ động không công vì mến tài đức cụ. Ai cũng đinh ninh là cụ Hương đắc cử. Nhưng có đắc cử đâu!
Hôm qua có một ông Việt kiều hồi hương đến nhà chơi, tôi liền mở một màn phỏng vấn:
- Chủ nhật này ông có đi bầu không?
- Uổng quá có thẻ cử tri đâu mà bầu.
- Nếu có thì ông bầu cho ai?
- Cho lính!
Tôi hỏi lý do thì ông trả lời không do dự:
- Nhờ quân đội chớ không thôi ngày này tôi đâu có còn ngồi đây. Tôi theo chính phủ này cho đến ngày nhắm mắt.
Lời nói của ông này làm tôi bỗng nhớ đến một bà cũng Việt kiều hồi hương. Thật là hai người khác xa một trời một vực. Suốt buổi nói chuyện với bà ta tôi phải dằn cơn giận không biết bao nhiêu lần. Nếu tôi không nghĩ đến nhà cửa, gia sản con cái bà ta mất hết, thì, nói theo ngôn ngữ của Diệp, con bạn người Huế của tôi, "thật muốn bộp cho hắn vài bộp." Cái gì ở Sàigòn bà ta cũng chê hết. Nào là dân Sàigòn ăn mặc không đẹp không sang như Nam vang, đường phố Sàigòn đầy rác rến, nhà cửa phố xá cũ xì, cái thụt vô cái thụt ra, đồ ăn mắc mỏ, v.v...
Còn "ở ngoài Bắc" bà nghe người ta nói bôm (táo rẻ rề có mười mấy đồng một ký cắn nhai dòn rụm (không biết bà đã nghe ai tuyên truyền, vì nếu bà có dính líu gì thì làm đời nào chạy về được tới dưới này). Thậm chí bà còn chê đến nỗi "Con trai ở ngoải người ta trắng tươi, còn đàn ông con trai trong này đen thùi, xấu oắc." Thôi, hết nói nổi rồi! Bà nói đến đây thật là tôi muốn cười ra nước mắt. Một đằng phải trốn chui trốn nhủi trong rừng sâu, trong hầm, trong hố, lâu lâu mới gặp ánh sáng mặt trời một lần. Một đằng phải phơi nắng dầm mưa từ lúc ở quân trường chứ đừng nói chi đến lúc hành quân vất vả. Vâng, họ đen thùi xấu oắc hà, người nếu không nhờ họ, thì bà đã xương tàn cốt rụi rồi bà ạ... Bà chê miền Nam đến như vậy mà bà còn vác mặt vô đây làm gì cho tốn cơm chánh phủ, bắt họ phải lo từ miếng ăn chỗ ở cho bà. Sao bà không chạy về ngoải? Sao bà không vô khu mà ở? Sao bà... ? Sao bà... ?
Tôi đang miên man vừa suy nghĩ vừa tức giận thì bỗng giật mình vì những tiếng la của các anh lơ xe. Thì ra tôi đã đến bến xe đò An Đông. Nơi đây không có nhiều bích chương nhưng tôi đoán các ông xe đò ủng hộ liên danh Cấp Tiến vì tôi thấy họ dán truyền đơn Cấp Tiến trên kiếng xe.
Lúc đi ngang qua ngôi biệt thự 205 Hồng Bàng nơi dùng làm trụ sở của liên danh Lư Đồng, tôi nhận thấy nơi này không khác gì hơn trụ sở của liên danh Gà Gáy Sáng, cũng vắng vẻ, không có gì đặc biệt, ngoài những tấm bích chương được đóng trong khung đỏ làm sáng rực cả một khoảng đường. Hình ảnh cái nhà được gắn cách khoảng nhau nhưng đều đặn suốt con đường Thành Thái. Bích chương của liên danh Cái Nhà được trình bày giản dị và duy nhất được treo trên bảng thiếc, đôi khi còn được nhuộm màu vàng nhờ chất sét của tấm bảng tiết ra sau những trận mưa buồn.
Tôi cứ tiếp tục đi mãi và đi mãi, hết con đường này sang con đường kia, hết trụ sở của liên danh kia đến trụ sở của liên danh nọ, nhưng cũng chăng có gì đặc biệt ngoài những tấm bích chương của Liên danh 14 Ba Bông Sen chiếm hết con đường Nguyễn Thiện Thuật. Bích chương của liên danh này được thấy rõ khi đặt chung với các liên danh khác là nhờ số 14 in to và đặt ở góc ngoài.
Bích chương liên danh Bông Huệ chiếm đa số trên đường Phan Thanh Giản. Liên danh Mẹ Bồng Con được bao nylon vào đóng đinh trên các thân cây của những con đường Kỳ Đồng, Bà Huyện Thanh Quan, Tú Xương. Bích chương của liên danh Cá Nước xuất hiện từ trụ sở của họ ngang trường Régina được treo lơ lửng trong các bọc nylon. Bích chương này cũng đặc biệt nhờ điểm "cá nước mà sợ nước."
Liên danh Một Bông Sen được gắn khá nhiều trên các cột đèn của đường Trương Minh Giảng. Qua khỏi cầu Trương Minh Giảng, tôi nhận thấy các bích chương đã bị liếp mất bởi các tấm biển quảng cáo đủ màu sắc như: hớt tóc, siêu thị, tắm hơi, luyện thi, v.v...
Bích chương tràn ngập trên con đường Công Lý, từ khoảng sân vận động Phan Đình Phùng, dấu hiệu Lư Đồng xuất hiện nổi bật trong khuôn đỏ. Dấu hiệu Kỳ Lân cũng được đóng khung đỏ như thế nhưng thỉnh thoảng mới có một cái thôi.
Tôi đi ngang qua đường Hồng Thập Tự, rồi Duy Tân, sau cùng đến nhà thờ Đức Bà. Thôi thì rừng bích chương! Đủ cả, Sao Sáng, Mặt Trời, Ba Cây, Con Gà, v.v... Trước nhà thờ bích chương được treo trên cao bay phất phới. Một phần vì ở xa, một phần vì bích chương lại được bọc nylon, trong một phút ngắn ngủi tôi chỉ thấy rợp trời toàn là mà đen trắng hòa hợp lẫn nhau. Một cảm giác vừa chợt đến với tôi. Tôi cảm thấy như đâu đây người ta đang cử hành một đám tang trọng thể. Tôi lại tự hỏi một cách bất chợt: Nước Việt Nam sẽ đi đâu về đâu và sẽ ra sao sau cuộc bầu cử này?
Tháng 8-1970