152. Khi nào thấy ánh sáng cuối đường hầm?

07 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 87229)
152. Khi nào thấy ánh sáng cuối đường hầm?

4-6-2003

Khi ta sáng suốt thì ta chỉ Thấy chứ không thấy đúng hay sai. Khi thấy đúng hay sai là ta còn dùng óc khi nhìn, mà dùng óc thì mất sáng suốt vì lúc đó ta dùng sự góp nhặt, kinh nghiệm, thành kiến chủ quan để so sánh, biện luận, phê phán. Khi ta biện luận và phê phán, so sánh thì lúc đó "chính ta sai" chứ không phải nhân vật đối diện sai.

Mỗi con người, mỗi sinh vật, mỗi thảo mộc đều có nguồn gốc, môi trường, và giống phái khác nhau. Vậy ta không thể dùng nguồn gốc, môi trường và giống phái của ta mà đo lường phán xét người khác được.

Khi ta còn dùng thành kiến và kinh nghiệm chủ quan để phán đoán thì tâm ta bắt đầu loạn. Ta bắt đầu lý luận phải trái, tốt xấu, hay dở; và dĩ nhiên là ta còn cho mình hay hơn người - nói đúng hơn ta còn muốn DẠY NGƯỜI mà thật ra lúc đó ta cần DẠY TA hơn.

Ta chỉ thấy con người ở một khía cạnh mà ta đang tiếp xúc. Ta không thể thấy toàn diện về tâm linh, thân xác, bản chất, đời sống, và còn cả một quá khứ gồm văn hóa, giáo dục, thể chất của một con người để có thể giải quyết cho họ. Mỗi một con người đều có cơ hội tiến hóa. Họ tiến đó và họ lùi đó tùy theo ý chí và tâm thức của mỗi người.

Khi ta thấy người sai thì chính là ta bị thoái hóa. Trong đời sống tâm linh, ta càng tiến hóa thì càng trong sáng, nhẹ nhàng, yêu thương. Chỉ có yêu thương độ lượng mới nhìn rõ con người và vạn vật hầu giúp đỡ họ.

Ta giúp con người không phải chỉ thấy và sửa từng cá nhân vì mỗi cá nhân là một phần tử nhỏ của xã hội, quốc gia hay thế giới.

Nếu muốn giúp Đời giúp Đạo, ta phải có một cái nhìn toàn thể, một phương thức hay, một phương pháp chung mà ai cũøng dùng được dù hoàn cảnh, môi trường, chủng tộc, và giống tính khác nhau.

Khi trong ta có được một "lực tình thương" ta sẽ được sáng suốt vì lúc đó ta mới có thể thấy. Cái thấy trong sáng đầy tình thương. Với cái thấy đầy tình người ta mới có thể giúp bất cứ một chế độ nào, một lý thuyết nào, vì trong ta không chống và không phê phán. Ta chỉ nhìn, thấy nguồn gốc và hậu quả, kết quả của sự việc theo định luật thiên nhiên. Và từ đó ta mới sáng tạo được một đường lối mới phù hợp với mọi môi trường vì ta hiểu chứ không ghét và không phê phán xấu tốt.

Luật tự nhiên sẽ cho ta thấy mỗi đường lối của một quốc gia, mỗi chủ thuyết, lý thuyết đều đưa ra một hậu quả khác nhau. Lý thuyết này giúp con người điều này và lý thuyết chủ thuyết kia lại đưa đến những hậu quả khác. Lý thuyết, chủ thuyết có giúp con người được hay không còn tùy theo con người, hoàn cảnh và môi trường sống của họ.

Lý thuyết, chủ thuyết nào dù có hay đến đâu mà áp dụng sai cho con người và môi trường đều đem đến đau khổ, đổ vỡ. Đó không vì nó dở mà vì đặt sai chỗ.

Một lý thuyết đúng phải xuất phát từ LÒNG DÂN TỘC chứ không thể từ ngoại lai đưa vào. Lý thuyết xây dựng dân tộc Việt Nam phải nảy sinh từ con người nước Việt và môi trường nước Việt chứ không phải ở người Việt từ Hải ngoại. Người Việt ở Hải ngoại dù có học giỏi thế mấy đều nhìn đất nước mình từ nhãn quan vọng ngoại kết tụ từ học vấn cho đến môi trường sống. Hai điều này đã ảnh hưởng đến luận thuyết của họ. Vì thế nhiều điều không thể áp dụng được cho môi trường quốc nội.

Chủ thuyết mới cho Việt Nam tương lai phải nảy sinh từ môi trường nội địa với người dân đang sống, đang thở dưới hai chế độ, hai thời kỳ. Họ là nạn nhân của hai chủ thuyết ngoại lai. Họ đã là những người nếm tất cả nỗi đau đớn của sự áp đặt sai lầm của những chế độ dùng lý thuyết ngoại lai để cai trị họ.

Người dân trong nước sẽ nảy sinh ra một con đường để họ thoát thân ra khỏi gọng kềm của các nhà cầm quyền. Những lý thuyết cũ đã làm tơi tả một quốc gia Việt Nam và một cộng đồng Việt tại Hải ngoại.

Ngày nào mà các lãnh tụ Việt Nam biết rằng mình chưa thật sự có lý tưởng phụng sự dân tộc và tự rút lui vào bóng tối, thì ngày đó người Việt trong nước hay hải ngoại mới thấy được ánh sáng cuối con đường hầm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880