117- GIÁC NGỘ HAY LÀ ẢO NGỘ

19 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 80085)
117- GIÁC NGỘ HAY LÀ ẢO NGỘ

Thứ bảy 27-4-02 - 6:45 giờ sáng


Muốn giác ngộ phải làm sao?


Muốn giác ngộ phải Biết.


Muốn biết phải Học và Thực Hành.


Có con đường nào khác hơn? Vì sao có những người thoạt nhiên Giác Ngộ?


Làm thế nào để biết áp dụng cái Giác Ngộ đó vào đời sống và để phục vụ nhân sinh?


Nếu không áp dụng Giác Ngộ đó vào đời sống thì phải chăng sự giác ngộ sẽ đem đến đau khổ cho ta lẫn người vì ta sẽ sống ngược lại những người quanh ta?

 

Sự GIÁC NGỘ phải cộng với sự QUÁN THÔNG về con người và sự việc quanh ta mới giúp được ta và người.


Giác ngộ là chỉ Thấy nhưng chưa Biết. Muốn biết phải học để áp dụng sự Thấy Biết vào Đời. Thấy mà không học hay sợ mà từ chối học thì không bao giờ có thể giúp đời được vì thiếu thực hành.


Ta ở đây nhìn thấy ngọn núi với việc biết làm thế nào để đi lên đến ngọn núi đó thì cả một cuộc học hỏi, đối phó, chịu đựng, chống đỡ với bao nhiêu gian nguy hiểm trở, có khi phải hy sinh cả tài sản, sinh mạng, hy sinh từ vật chất đến tinh thần mới đặt chân đến ngọn núi đó được. Nếu ta đứng đây mà nói về ngọn núi mà ta thấy đó, có phải chăng ta đang nói về một ảo tưởng vì ta thật sự chưa đến, chưa sờ mó nó, chưa đặt chân đến đó để biết nó cao bao nhiêu, có bao nhiêu cây cối, thú dữ, hốc đá. Ta chưa biết phương cách gì để lên đến đó. Và khi lên đến đó ta mới có khả năng nhìn xuống núi để thấy những gì ở phía dưới núi, hay nói đúng hơn nhìn lại nơi ta đứng trước đó.


Có va chạm trên con đường tìm đạo trí tuệ ta mới khai triển. Khi ứng phó với đời. Ta sống, ta thở, ta va chạm với đời, ta không thể không nhờ vào thân xác, máu huyết, da thịt của ta cùng lục phủ ngũ tạng. Đó là một kho tàng để cho ta học hỏi. Thân tâm ta là một kho tàng vô giá mà ta học mãi cũng không hết.


Thân và tâm luôn phải đi song đôi. Thân tự tại thì tâm mới tự tại và ngược lại. Thân và tâm như hai cái ta. Một cái đang đứng ở chân núi và một cái ở trên chót núi. Cả hai phải cùng làm việc để đối chiếu, để khai mở mới tìm ra ánh sáng, mới bật ra Giác Ngộ.


Sự Giác Ngộ, sự thức tỉnh luôn qua nhiều giai đoạn như nhiều cánh cửa được mở từ lâu. Con đường tiến tới Giác Ngộ, sự Hiểu Biết thật vô cùng thâm sâu diệu vợi mà ta có mở hoài mở mãi cũng không hết. Con đường CHÂN LÝ bao la bát ngát. Có khi ta thấy tới đỉnh mà thật ra chỉ là chốn khởi hành, chỉ mới thấy có một hạt cát của Chân Lý mà thôi. Vì thế mới Biết mà Không Biết vì Cái Biết vô giới hạn, ta có học hoài cũng không hết vì Cái Biết còn biến thiên theo sự vận hành của vũ trụ và sự tiến hóa của loài người cùng vạn vật. Khi con người thay đổi thì chuyển cả bầu khí quyển, và ngược lại. Đó là một sự gắn bó muôn đời không thể tách rời được.


* Loài người nơi nào càng thanh lọc càng giác ngộ nhiều thì ảnh hưởng cả bầu khí quyển cả vùng đó tạo nên sự thay đổi chế độ, thể chế của cả một quốc gia. Vì thế tại sao có những quốc gia được hòa bình an lạc và những nước khác lại giết chóc, đổ máu chiến tranh hận thù, con người nơi đó thật lầm than đau khổ tột cùng.


Muốn hữu lợi cho ta và cho đời thì ta phải KHAI NGỘ, tức khai triển tâm hồn và thể xác. Phải trải qua tất cả lục căn lục trần, hỉ nộ ái ố, thất tình lục dục của một con người bình thường để biết thế nào là một con người với tất cả bản tính bản chất của người thì mới hiểu được cặn kẽ về người.


Ta phải hiểu ta thì ta mới hiểu người. Khi ta giúp ta được thì ta mới giúp người được. Ta không thể giúp người được khi ta bó tay trước cái ta.


Ta không thể giúp và hiểu chính ta nếu ta không vượt được những tính người của trần gian. Ta phải có khả năng nhìn rõ mình không che đậy và ta phải có khả năng lột trần con người thật của chính mình. Ngày nào mà ta còn che đậy chính ta thì ngày đó Đỉnh Núi Trí Tuệ của GIÁC NGỘ chỉ là một cơn mộng ảo và sự giúp đời chỉ là một ảo tưởng vì ta vẫn còn nằm im trong đáy giếng sâu thăm thẳm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880