114. Chỉ cái Biết Toàn Vẹn mới hóa giải được Động lực Thói quen

25 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 77248)
114. Chỉ cái Biết Toàn Vẹn mới hóa giải được Động lực Thói quen

18-1-2007 – 8:30 giờ sáng

Muốn cải sửa được phải từ bỏ những thói quen mà mình đã nhận ra là không tốt, có thể gây hậu quả  xấu về phương diện thể chất như sức khỏe, có thể tạo nên bệnh tật; về phương diện tinh thần như gây phiền não do lời nói hay hành động tạo sự hiểu lầm, hay giận dữ, buồn phiền giữa ta và người.

Có rất nhiều người tu tập, quán chiếu, biết rõ sai lầm nhưng vẫn vi phạm. Không phải họ muốn sai lầm, nhưng họ nói và hành theo động lực thói quen.

Động lực của thói quen rất mạnh mẽ, luôn chực hờ ta. Có khi ta thấy, biết, nhưng thay vì ta hành theo sự thấy biết thì ta hay làm sai, nói sai, khi thói quen của ta trong một tíc tắc chiếm hữu mọi cử động và lời nói ta mà lúc đó ta không kịp ngăn chận.

Tu và hành rất đúng nhưng rất khó. Từ tu tập đến hành đạo hay đi đúng đường sẽ vô cùng khó khăn, trắc trở, nếu ta không trải qua giai đoạn cam go của sự sửa đổi thói quen xấu để tập nên một thói quen tốt.

Một thói quen xấu bi xóa đi để tập thành một thói quen tốt rất khó. Nếu ta bỏ hành động máy móc, xấu, cũ để trở nên một người máy mới với những thói quen tốt, ta cũng dễ dàng trở lại đường cũ, vì tâm chưa hoàn toàn thay đổi. Điều quan trọng là phải thức tâm để thân tâm hòa hợp chuyển đổi đồng hành.

Có nhiều người được bỏ vào một trung tâm tu học, hay tu viện để trở nên ăn nói hành động như một chân sư. Họ nói, họ hành y như Phật, như Thánh, nhưng có những lúc họ nhìn ra không phải chính mình, hoặc họ làm và nói những gì không giống một vị Phật vị Thánh nói khi nóng giận hay có những cơ hội hoặc hoàn cảnh mâu thuẫn.

Sức mạnh của thói quen có nhiều khi rất ghê gớm, tai hại cho một đời người. Có nhiều thói quen nằm trong huyết quản trong máu trong các thớ thịt và trong tim óc rất khó gột rửa và sửa đổi.
Có bao nhiêu hành giả đã ngã gục trước những thói quen khó trị. Thói quen đã đeo đuổi và chiếm hữu ta từ thể xác cho đến tinh thần, từ cách ăn nói, suy nghĩ, lý luận. Nó nằm trong ta từ câu văn, giọng nói, âm điệu, cách chấm câu từ văn viết cho đến văn nói. Từ cách nhìn cho đến sự ghi nhận của não bộ. Cách vận chuyển từ hình ảnh, âm thanh đến tim, óc, sự suy nghĩ rồi đưa ra lời nói và hành động.

Phải chăng ta bó tay trước sức mạnh của thói quen?

Ta không khai trừ hay tìm cách dìm hoặc diệt bỏ thói quen thì nó sẽ không tìm cách phản pháo lại ta để trở nên mạnh bạo hơn, hằn sâu hơn vào thân tâm ta.

Thay vì dùng mọi nỗ lực khai trừ thói quen thì ta nên tìm cách hóa giải nó, hay chào thua khuất phục nó, biết nó, và cho đi qua một cách nhẹ nhàng. Khi ta nói và hành theo thói quen với sự nhận thức đây là việc ta đang làm, nói sai theo thói quen, thì tự động ta nhớ. Vậy khi ta nhớ đó là do thói quen ta sẽ ý thức hơn, nhẹ nhàng hơn, và ta có thể hóa giải kịp thời khi ta nói và hành và sau đó ta cải sửa ngay.

Nếu ta biết nói và hành tạo hiểu lầm hay nghịch lý, thì ta sẽ biết cách nói và hành như thế nào để tạo ra sự hòa giải hay hóa giải ngay với người. Đó là sự cải sửa hay sửa sai ngay tức khắc khiến sự sai lầm không đi đến trầm trọng ngay.

Ta nhận, biết, thực tập, cải sửa sai lầm của mình liên tục và luôn luôn chính là sự giác ngộ. Sự giác ngộ biết cải sửa, nhận biết lỗi lầm dần dần sẽ giúp cho ta có khả năng biết trước khi thói quen phát xuất từ sự suy nghĩ, hành động, nhận xét sai lầm, hay thành kiến cá nhân. Ta sẽ bước đến giai đoạn không tánh hay có tánh như không. Ta có thể sống trong trạng thái không phản ứng (non-reaction). Tức sống trong sự không phản ứng máy móc. Biết như không biết.
Biết như không biết là cái Biết Toàn Vẹn. Biết ta rõ, biết người rõ, biết được phản ứng nội tại lẫn ngoại tại giữa ta và người. Biết nếu ta nói gì làm gì thì người sẽ phản ứng như thế nào. Và biết người nói gì, làm gì thì ta sẽ phản ứng ra sao.

Từ cá nhân với cá nhân, ta biết tiểu gia đình của ta và cộng đồng của ta, rồi đến quốc gia. Từ cái biết nhỏ bé sẽ lan dần ra cái biết lớn hơn, rõ hơn.

Chỉ có cái Biết Toàn Vẹn mới hóa giải được động lực của thói quen.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880