8-1-2007 – 9:30 giờ sáng
Muốn không đi sai đường hay lạc đường, tránh mất thì giờ một cách uổng phí ta phải làm sao?
Ta cần quán chiếu lại chiều sâu tâm thức của ta. Trọng điểm của ta là phục vụ ai? Phục vụ Đạo? Phục vụ con người? Phục vụ số đông hay phục vụ một nhóm người?
Quán chiếu lại những thất bại: vì tin người, hay vì quá tin mình? Mình có đủ khách quan để xét người và xét mình không? Thất bại vì tin người quá hay vì quá tốt nên trở nên mù quáng dễ tin?
Nếu thất bại việc nhỏ thì sẽ thất bại việc lớn. Có bao nhiêu người chỉ vì tin người mà đã làm hỏng cả một công trình tài chánh hay công trình tư tưởng mà mình đã gầy dựng cả một đời người.
Trước nhất là con người dù làm bất cứ việc gì hay quyết định gì cũng là do lòng tin nơi mình, nơi nhận xét của mình về con người, thời điểm, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, hay tôn giáo. Vì thế, mọi thất bại phải do duyên cớ “chính mình,” chính bộ óc và cả một sự nhận thức của mình. Không thể đổ lỗi cho ngoại cảnh hay bất cứ một người nào mà mình cộng tác, hợp tác, hay nhờ cậy.
Có rất nhiều trường hợp sai lầm xảy ra do chính ta tạo cơ hội cho họ đi sai đường, và tạo cho họ hay nói khác hơn là mở đường cho họ làm sai vì mình không đủ khả năng đưa ra phương thức làm việc.
Muốn thành công trong mọi việc, ta phải đặt ra một phương thức làm việc cho chính mình và giữa mình với người cộng tác với mình.
Lòng tin và sự minh bạch phải đặt trên hàng đầu cho mọi công tác dù từ thiện, xã hội, giáo dục, hay chánh trị. Nhất là tôn giáo.
Có biết bao tổ chức thuộc các môi trường trên đã làm đổ ngã bao niềm tin và tạo nên sự thất vọng, có khi tuyệt vọng cho giới trẻ.
Khi có sai lầm, thất bại, ta phải biết dừng lại ngay để “quán xét,” quán chiếu, chính những sai lầm và lỗi lầm của chính mình và xem xét cho rõ từng trường hợp sai trái thất bại này để tìm ra nguyên nhân chính yếu.
Hầu hết mọi thất bại có một căn bản chung là lòng tham con người: tham danh, tham lợi, tham tiền.
Cái tham của con người luôn luôn lấp ló thừa dịp bộc phát tùy trường hợp và môi trường mà chính cá nhân đó cũng không biết, vì họ thường bao phủ bởi lòng từ thiện, lòng thương người, yêu dân tộc, yêu quốc gia, hay yêu nước, yêu nhân loại, yêu Đạo, yêu Thầy, nhưng mấu chốt là YÊU CHÍNH MÌNH.
Làm thế nào để cái đau do tin người, tin mình rồi thất bại chỉ trở thành một kinh nghiệm sống đạo, chứ không làm mình nản lòng bỏ cuộc?
Nếu mình nhận xét mọi thất bại là do chính tâm mình chưa vững vàng để xét người cho đúng để đưa ra phương thức đúng giữa hai bên để cộng tác, ngõ hầu tránh những hơ hỏng đưa đến sai lầm thất bại.
Vì sao do tâm mình? Tâm mình yếu đuối nên mình mới nhận xét sai lầm. Muốn tránh sai lầm ta phải phối hợp giữa Tâm Từ Bi và Trí Sáng Suốt. Cái trí sáng suốt tránh cho ta bị động tâm do lòng tốt dễ tin hay sự yếu đuối dễ bị người ngoài dùng lời ngọt ngon êm dịu thuyết phục.
Khi tâm luôn phối hợp cùng trí sáng suốt ta sẽ đi đứng vững vàng hơn, nói năng vững vàng hơn, quyết định vững vàng hơn, vì không bị khuất phục hay thuyết phục một cách dễ dàng.
Khi tâm vững trí vững thì con đường Đạo sẽ vững. Ta vững vàng tiến bước trên con đường đã chọn. Lúc đó ta không còn tự hỏi phục vụ ai, con người hay Đạo, hay đất nước.
Con đường ta đi là con đường Đạo, tức tự tu tự tiến. Tự giải trình những gút mắc, những sai lầm, những thất bại.
Đó là con đường tiến hóa để phù hợp hài hòa giữa con người với con người, con người với vũ trụ trong thời đại của Tân Thiên Niên Kỷ này.