30-8-05 - 1:30 giờ sáng
Muốn có một đường lối sáng suốt cho Phật Giáo Hòa Hảo thì cần tịnh tâm và luôn luôn phải ở thể tỉnh tâm.
Tỉnh tâm không có nghĩa là bất động, mà phải linh động. Linh động trong sự sáng suốt nhạy bén giữa động và tịnh. Động mà không động, tức là biết nhưng không bị lôi kéo, thúc đẩy bởi cái biết đó mà hành động chủ quan. Tịnh là tâm bất động nhưng bất động trong sự sáng suốt, linh hoạt để nhận định khách quan các vấn đề xoay chuyển của thời cuộc.
Có ở thể không tánh, động nhưng không động, tịnh nhưng không tịnh, ta mới có thể không bị xô đẩy bởi thời cơ do các xu hướng chánh trị quấy động theo sự tham sân si của họ. Họ thường có mục đích dùng chánh trị, tôn giáo, kinh tế để trục lợi.
Người thật sự muốn phục hoạt giáo pháp chân truyền của Đức Phật không chạy theo thời cơ mà phải trụ không tánh, đứng ngoài tham sân si hỉ nộ ái ố, hòa nhập tâm thức với đấng thiêng liêng mới biết được con đường nào phải đi, hành động nào phải làm, cho đúng thiên thời địa lợi nhân hòa.
Cái thiên thời địa lợi nhân hòa này luôn luôn uyển chuyển theo thời thế và tâm thức của con người ở mỗi hoàn cảnh nơi xảy ra, tức tùy theo quốc gia mà người phục vụ có liên hệ.
Cái thiên thời địa lợi ở Việt Nam khác với ở Hoa Kỳ, khác với Iraq, khác với Afghanistan, khác với Do Thái, khác với Ấn Độ, vân vân... Vì thế ta không thể lấy thời cuộc và thời cơ của xứ này hay xứ khác mà áp dụng cho Việt Nam.
Mỗi xứ đều có những kẻ phục vụ cho chánh giáo và tà giáo. Tà giáo là phục vụ cho cá nhân, bất kể cả sinh mạng con người miễn là tạo thành công cho họ và phe nhóm họ. Chánh giáo là phục vụ cho sự hữu lợi của nhân sinh nói chung, và quần chúng, quốc gia của họ nói riêng.
Chánh giáo ở đây không phải là TÔN GIÁO mà là TÂM GIÁO.
Con đường từ đây không còn là con đường TÔN GIÁO mà là con đường TÂM GIÁO, phục vụ cho nhân loại.
Tôn giáo chia rẽ nhiều phe phái, nhiều đường lối để lôi kéo tín đồ, tạo tranh chấp, tạo chiến tranh. Chiến tranh giữa con người và con người, quyền lực với quyền lực cạnh tranh nhau. Tôn giáo tạo phân hóa giữa người và người, tạo ra sự phân biệt giữa những người cùng quốc gia, cùng chủng tộc, và ngay cả trong gia đình.
Hai chữ tôn giáo càng ngày càng mất dần ý nghĩa, thay vì đưa con người đến gần thiêng liêng, lại đưa họ xa rời các đấng thiêng liêng.
Tâm Pháp sẽ đưa con người dù khác biệt tôn giáo trở về với CHÂN TÂM. Khi ở trạng thái trở về chân tâm, thì tất cả mọi người đều đi đến HÒA TÂM, không còn phân biệt với nhau – dù cho khác biệt chủng tộc hay ngôn ngữ.
Con đường phục vụ TÂM GIÁO mới là con đường cách mạng tôn giáo, để bước vào sự hợp nhất của tất cả tôn giáo. Đó mới “đúng là Chánh Giáo”, con đường của Đức Phật mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã và đang thực hiện, qua giáo pháp cao siêu nhưng giản dị của Ngài.
Giáo pháp Phật Giáo Hòa Hảo nhằm đưa con người trở về với Chân Tâm, hồi quy nguyên bổn của con người.
Trở về với Chân Tâm mới thật là CHÁNH GIÁO.