102- CHỌN TRUNG ĐẠO hay Sinh Lộ cho Hiện Kiếp

19 Tháng Mười 200712:00 SA(Xem: 81213)
102- CHỌN TRUNG ĐẠO  hay Sinh Lộ cho Hiện Kiếp

3-10-1997 - 8:00 giờ sáng

Thần thánh hóa, tâm linh hóa đời sống khó bao nhiêu thì vật chất hóa, trần tục hóa đời sống dễ bấy nhiêu.

Vấn đề không nằm ở chỗ lựa chọn cho mình một con đường dễ hay khó mà là phải chọn cho mình một con đường đúng và có ích cho mình lẫn tha nhân. Và đó là con đường Trung Đạo.


Vậy con đường này khó hay dễ? Làm sao mới bước được vào con đường này?


Trung Đạo là con đường ở giữa, quân bình giữa tâm linh và vật chất?


Muốn chọn con đường này phải biết hy sinh sở thích của mình trong đời sống đi quá đà vào tâm linh hay vật chất, vì sống quá vào tâm linh hay vật chất đều là sống cho cá nhân, cho sự vị kỷ của mình.


Đi quá vào tâm linh cũng vì sự vị kỷ quên đi bổn phận đối với gia đình xã hội, chỉ muốn sự thanh tịnh, an lạc cho chính mình mà quên rằng khi tìm được sự an lạc và giải thoát cho chính mình thì mình phải quay trở lại đem những kinh nghiệm lợi lạc đó chia sẻ giúp cho người cũng được thanh tịnh an lạc như mình.


Sống thiên quá về vật chất thì cũng vì muốn cho cái bản thân mình được sung sướng, đẹp đẽ, khoái lạc, hưởng thụ hết mình.

 

Trung Đạo phải chăng nói đến thì dễ mà chọn lựa và thật sự bước vào lại khó?


Trung Đạo?  Trung Đạo? Con đường giữa phải đi như thế nào? Và quân bình làm sao? Có phải là mình cần kiên nhẫn tối đa, quên mình tối đa chăng? Làm sao đối phó với sự sợ hãi mất mát những gì đã nếm đã hưởng thụ trong đời sống tuyệt dịu của tâm linh, của sự giác ngộ, của sự trong sáng?


Bỏ bớt những gì thụ hưởng của đời sống vật chất, và bỏ bớt những tuyệt vời của đời sống tâm linh? Cái nào khó hơn? Cái nào quan trọng hơn? Cái nào mang theo nhiều tiếc rẻ hơn?

Làm sao kềm mình sống trong Trung Đạo để không bị nghiêng ngả qua bên tâm linh hay vật chất?


Người đã quyết chí bước vào đời sống tâm linh, giải thoát khi muốn quân bình phải bước ngược vào đời sống vật chất. Liệu vật chất có làm hoen ố, có làm họ tiêm nhiễm lại những gì đã gột rửa chăng?


Phải chăng sống trong Trung Đạo là sống trong sự trống không? Tức không phân lúc nào là vật chất và lúc nào là tâm linh. Chỉ có sự bất phân mới đối phó được với sự sợ hãi mất mát dù tâm linh hay vật chất, dù sự giải thoát hay hưởng thụ khoái lạc trần tục.

 

Khi ta thấy ta thế này hay thế kia đều là những điều ảo tưởng. Ta tự gạt gẫm ta quá nhiều trên bước đường ta đi. Ta uống rượu ta tưởng ta say nhưng thật ra chính men rượu đã ảnh hưởng cơ thể và thần trí ta. Khi ta mặc áo đẹp, trang sức và son phấn, ta tưởng ta trẻ ta đẹp, nhưng thật ra là chính son phấn nữ trang đã tô điểm cho ta thành một người khác mà ta tưởng đó là ta. Khi ta tu tập, rũ bỏ tất cả để trở nên một người thánh thiện, ta lại lầm mình là một vị thiền sư thoát tục. Nhưng người đó quả thực có phải là ta chăng? Nếu ta cho vị thiền sư đó ăn mặn, bỏ vào một môi trường phải làm việc cực nhọc, đối phó với mọi khó khăn trong đời sống, không bao lâu có thể sự thoát tục đó châm dứt.

 

Muốn bước vào Trung Đạo phải mở cho mình một Sinh Lộ. Sinh lộ là một con đường sống, sống động hữu lợi cho chính ta và tha nhân. Đó là một con đường đòi hỏi nhiều hy sinh cho hiện kiếp của mình.


Sinh lộ phải chăng là chọn cho mình một đời sống gần gũi với mọi người để thương yêu và phục vụ họ là phục vụ chính con đường giải thoát mà mình chọn. Theo đúng con đường mà Đức Phật dạy, nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì ta không thành Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
1,863,880