4. 1001 Mốt Hứa Ly Kỳ, Rùn Rợn Của Các Tay đua Tranh Vô Hạ Viện

28 Tháng Tám 200512:00 SA(Xem: 11616)
4. 1001 Mốt Hứa Ly Kỳ, Rùn Rợn Của Các Tay đua Tranh Vô Hạ Viện

Từ hôm cuộc chạy đua vô Nhà Hát Tây bắt đầu đến nay, truyền đơn cứ bay tới tấp như bươm bướm, đến tay cử tri bằng đủ trăm phương ngàn cách. Có tờ được trẻ em quăng vào nhà, tờ thì được trao tận tay trong phong bì hay kẹp vào trong sách báo, có tờ được kèm theo một tấm hình in dấu hiệu hay kèm theo ve dầu. Truyền đơn lại còn đến tay phụ huynh học sinh qua bức thư của Ban Giám đốc nhà trường, có khi từ bàn tay các dì phước phát cho học trò nhỏ đem về nhà...
Thường thì truyền đơn được in khổ 20x25cm, nhưng có vài ứng cử viên đã ăn gian bằng cách vượt quá khuôn khổ này, như truyền đơn của ông "Trâu Đen" đơn vị I dài hơn 3.5 cm, truyền đơn của ông "Bó Lúa Ngôi Sao" in rộng hơn 1 cm và dài thêm 5 cm (lấy lý do chưa cắt). Phần nhiều truyền đơn được in hết hai mặt, có tờ được trình bày giản dị nhưng có tờ trông giống như toa thuốc tán. Ông "Mũi Tên" lại biến truyền đơn của mình thành "giấy cam kết" có chữ ký hẳn hoi.
Nếu lời lẽ trong các truyền đơn của kỳ bầu cử bán phần Thượng viện ôn hòa, súc tích bao nhiêu, thì trong những tờ truyền đơn bầu cử Hạ viện này gồm toàn những lời tuyên bố vung vít đao to búa lớn với những hứa hẹn lắp biển vá trời. Nào là: "nếu tôi đắc cử mỗi người dân sẽ có một mái nhà, cha mẹ không tiền con cũng được đi học, hoặc rùng rợn hơn là sẽ tu chỉnh Hiến pháp, cải tổ Lập pháp, và... sửa sai Hành pháp. Có ông lại hứa "nếu đắc cữ sẽ không còn cảnh góa phụ." Khiếp, làm như là được làm dân biểu ông ta sẽ "thầu" hết không bằng. Ông "Trái Bắp" đơn vị 33 lại có giọng văn thật cải lương đã nêu lý do tranh cử của mình như sau:
"- Số trời đã đưa tôi vào con đường của kẻ sĩ. Cố gắng đã nhiều. Đau thương cũng lắm. Nay lại dấn thêm bước nữa: ứng cử viên dân biểu... Tôi đã nhiều ngày do dự và run sợ..."
Cử tri lại còn tìm thấy sự kiện mâu thuẫn trên truyền đơn của ông "Con Rồng Cháu Tiên." Ở mặt trước ông chửi chính quyền đã ưu đãi vài ngàn sinh viên du học bằng cách mỗi năm trợï cấp cho họ hai tỷ bạc, trong khi chỉ dành độ chín tỷ bạc cho sinh viên học sinh tại quốc nội; mặt sau ông lại tự cho là mình "được diễm phúc xuất ngoại du học tại Pháp." Ông quên rằng mình đã từng tham sự vào sự bất công đó rồi chăng? Ông lại còn dặn dò cử tri: "Đồng bào cần sự giúp đỡ, xin lại nhà... cha tôi." Muốn làm dân biểu mà còn núp sau lưng bố thì làm sao mà lo cho dân được?
Về tiểu sử của các ông thì ôi thôi đọc mà phát mệt, dầy đặc cả tấm truyền đơn. Có ông kể cả tên tuổi chức tước của con, của cha, của cả ông ngoại lẫn ông nội, rồi thuở nhỏ học trường tiểu học nào, lớn lên một chút học đệ I, đệ II cấp ở đâu, v.v... Ông thì tự xưng con nhà nho giáo, trí thức, dòng dõi có đầu óc cách mạng và hỏng biết... xài tiền.
Thành tích các ông còn rực rỡ hơn nữa, chẳng hạn như "xây cất Hội chợ Quốc tế Nam Vang, được huy chương, tưởng lục, và cờ... Kampuchia; hoặc "bị bắt giam vì chạy xe vô dinh Độc lập kêu gọi hòa bình với ông Diệm." Các bạn nào thường đi đường Công Lý, buồn buồn nên quẹo xe vô thăm Ton Ton (tổng thống) một tí để kiếm chút thành tích với đời.
Một ứng cử viên còn cho biết "thỉnh thoảng có gởi vài bài thơ đăng báo." Này, các bạn thường gửi bài cho trang thiếu nhi Mai Bê Bi của nhật báo Chính Luận nhớ chuẩn bị thành tích dần đi nhé, tương lai tươi sáng lắm đấy! Suốt hơn tuần nay, ngoài các tiết mục thường xuyên, khán giả của màn ảnh nhỏ còn được thưởng thức thêm cuộc tuyển lựa đào kép thi vào Nhà Hát Tây. Thôi thì ông nào bà nào cũng khen "cái tôi" là "năm bờ oăn", còn chính quyền thì độc tài, thối nát, mạt sát các cựu dân biểu nào là lem nhem, bất tài, thiếu thiện chí, ăn cơm Tây, biến Hạ viện thành cái thùng rác, v.v... Ai cũng có vẻ thiết tha lo lắng cho dân nghèo, nhưng không biết dân nghèo có nghe thấy không vì nếu nghèo thuần túy thì làm gì có tivi mà xem. Qua chiếc máy các lời thề lại được tung ra: thề không lãnh lương, không phản bội cử tri, không buôn lậu, v.v... Nhưng lời thề này được ai chứng giám, ông "vô tuyến tàng hình" chăng?

ĂN VỚI NÓI
Trên màn ảnh tivi còn xảy ra nhiều chuyện tức cười nữa, chăng hạn như có ông ứng cử viên vỗ ngực bình bịch khoa chân múa tay loạn cả lên, và phồng mang trợn mắt hò hét như... sắp giết người đến nơi. Có ông lúc ngâm nga, lúc thì đọc diễn văn như đọc... lô tô.
Riêng ông ứng cử viên Quốc Táng hăng say quá nên quên tuốt vai tuồng của mình, phải lật hai ba tờ giấy xem mình đã nói đến đâu, đọc cái chi mà khán giả không hiểu nổi. Có bà lại lắc đầu vì đọc bài viết sẵn ... không ra.
Xuất hiện trước ống kính, ứng cử viên nào cũng ăn mặc chải chuốt tươm tất. Có ông cựu Hải quân lại mặc áo dài khăn đóng, mề đay gắn nặng ngực. Ông thì mặc quần áo hướng đạo. Cũng có ông đội lớp thầy tu như ông "Vuông Tròn" nhưng lại thích tu trong Nhà Hát Tây cơ. Về phái nữ, có bà tự xưng là bạn của người buôn gánh bán bưng mà ướp hột xoàn lấp lánh, có bà tuy đã già mà còn đeo bông tòng teng.
Dân xem tivi được chào đủ kiểu, người thì cúi rạp mình cung kính, kẻ thì chào bằng ba ngón tay, người lại chắp tay xá, miệng niệm Phật, có khi được chúc ngủ ngon hay được cầu nguyện "xin ơn trên phò hộ cho quí vị." Người nghe phải nghĩ tiếp "để quí vị mạnh khỏe, quí vị đi bầu cho tôi."
Mỗi ứng cử viên chỉ được nói chuyện ba phút nhưng nếu chịu khó canh đồng hồ các bạn sẽ ngạc nhiên vì có nhiều màn được kéo dài hơn khi đến phiên các chú Ba thiếm Ba.
Ngoài ra khán giả lại còn được thưởng thức ngài Thứ trưởng Nội vụ tả cảnh hoa phượng vĩ, ngâm thơ "Ao thu lạnh lẽo nước trong veo."
Nhiều ông đã đọc không xuôi mà lại còn đọc sai làm kẻ này nhớ đến lời thổ lộ của một người quen: "Tôi có một ông bạn ra ứng cử, ổng nói với tôi thay vì mướn người khác đến 15 'bớp', tôi viết hộ dùm ổng lấy 10 'bớp' thôi, vì để người lạ ăn uổng."
Tối 18-8-1971, khán giả truyền hình suýt khóc thét lên khi nghe cô đào Kim Thoa nói rằng "Vì được ông bà cô bác anh chị em tín nhiệm và quý mến như bà con trong gia đình, nên mới... tái ứng cử." Hôm 20-8 khán giả lại phải một phen bé cái lầm khi "Ông Quả Tim" xuất hiện trong âm thanh bản "Không" qua tiếng hát Elvis Phương. Và ai cũng phải phì cười đêm 26-8 khi thấy ứng cử viên "Nước Mắt Mẹ Việt Nam" có đặt lên tivi một bà già ngồi chống tay rầu rĩ. Lại có một ông mang cả cây chổi xể lên quét lia lịa trên màn ảnh. Chắc ông này làm công tác đuổi ruồi hộ đài "tàng hình." Khán giả trẻ con được một phen thích thú khi cụ cháu nội ông Nguyễn Thiện Thuật lắp bắp đọc (bên trong có tiếng ai thì thào nhắc): "Tôi đã được sinh... chưởng tại Chung Hoa... nhưng gì thương lước... Diệc Lam nên dề lo cho... tồng pào. Tôi lấy dấu hệu cái li... hi...ên da ứng cử dăng pẻo hạ nghị di... ện." Xin đề nghị với ông Tivi là sau ngày 29-8-71 nên chọïn thêm một số tài năng mới qua các khuôn mặt vừa lên Tivi.
Người dân dầu có bịt mắt, bít tai cũng không tránh khỏi bị chướng tai gai mắt. Tuy nhiên cũng có một vài khuôn mặt khiến người ta hy vọng nhưng biết có lọt được vào Hạ viện qua cuộc xổ số này không? Riêng đối với cử tri Phật tử, điều làm họ tức giận nhất trong kỳ bầu cử này  là chưa bao giờ hình Phật Bà bị dán một cách bừa bãi như lúc này, từ nơi thật cao cho đến những nơi thật thấp, từ những gốc cây cho đến những bờ tường nơi các ông đi đường và các chú cầy tơ thường ghé lại.
Vậy ứng cử viên thường tự xưng là Phật tử nghĩ sao về cái trò đem Phật kiếm phiếu này???

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41808)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42754)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48881)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42464)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36509)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41466)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41167)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43076)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39505)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45100)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40078)
1,863,880