3. 1001 Chuyện Ly Kỳ, Quái Đản Trong Cuộc Chạy Đua Vô Hạ Viện

24 Tháng Tám 200512:00 SA(Xem: 11940)
3. 1001 Chuyện Ly  Kỳ, Quái Đản Trong Cuộc Chạy Đua Vô Hạ Viện

Bích chương, bích chương... lại bích chương. Bích chương trên những bức tường loang lổ, lủng lẳng trên thân cây, cột đèn, nơi đàu đường xó chợ, căng ngang đường, bay phất phới như những sợi chỉ... phơi tã. Bích chương bị cảnh sát hùng hổ xé nát (dấu hiệu chống Mỹ), bị người qua đường xỉa xói, bị trẻ con trát bùn.
Thật chưa bao giờ người dân lại bị làm phiền nhiều như lúc này, nhất là lớp dân khốn khổ, vì có bao giờ người ta lại đi gọi cửa một căn biệt thự có tấm biển "Coi chừng chó dữ" để tặng một chai dầu khuynh diệp, hay để hứa hẹn "Nếu tôi được làm "kép" hay làm "đào" trong Nhà hát tây, tôi sẽ lo cho quí vị no cơm ấm áo, tranh đấu cho quí vị có nhà ở, có xe buýt đi, có điện, có nước, có ruộng, có trường cho con quí vị..." Rồi những vành khăn sô đã ngả màu vàng bỗng được người ta an ủi; những cặp nạng đã mòn bỗng được người ta vuốt ve; những đôi mắt đã khô cạn bỗng được người ta hứa hẹn: "Mẹ hãy ráng sức già đi bầu cho con đi; nếu đắc cử con sẽ làm cho nước mắt mẹ ngừng rơi" (mặc dầu con của mẹ đã ngủm từ khuya). Những cô nhi bị bỏ rơi không được ai ngó ngàng tới, bỗng giờ đây người ta túm cổ chúng lại, vỗ về, rót vào tai chúng những câu nói đượm tình thương. Trong lịch sử Việt Nam, chưa bao giờ người ta lại thích làm trò hề như lúc này, và bọn trẻ chỉ biết đỏ mặt trước trò hề của người lớn.

NGƯỜI VÀ DẤU HIỆU
Nếu bích chương của Liên danh Lư Đồng làm đỏ cả con đường Hồng Bàng trong kỳ bầu cử bán phần Thượng viện năm vừa rồi, thì trong kỳ bầu cử Hạ viện này, luật sư Trần Văn Tuyên, ứng cử viên mang số 9 với dấu hiệu "cây thông cong cong" xuất hiện đầu tiên trong những khung đỏ suốt con đường Hồng Thập Tự, nhất là trước trụ sở của ông. Sau đó, lần hồi bích chương viền đỏ lại đến với ông "Bốn Bông Huệ" Nguyễn Lương Hưng, ông "Nhịp Cầu Thông Cảm" Nguyễn Cao Thanh, ông "Trâu Đen" Đinh Trịnh Chính, ông "Tre Già Măng Mọc" Nguyễn Đình Mai. Người ta lại thấy "Ông Sư Chuông Hòa Bình" Thích Thanh Nhàn được viền vàng, ông "Khuynh Diệp" Bùi Kiến Tín được viền xanh lá cây, ông Nguyễn Gia Khánh bị sơn từng khúc đỏ. Riêng ứng cử viên Bùi Văn Thuật đã "chơi khôn" bằng cách bọc bích chương trong những bao nylon xanh lá cây lợt.
Người ta cũng nhận thấy một vài khuôn mặt thất bại trong cuộc chạy đua vào Thượng viện năm rồi lại xuất hiện trong kỳ thi Hạ viện này, như "Ông Búa Bay" Phan Ngô từng đứng trong liên danh Cá Nước của giáo sư Nguyễn Cao Hách, "Ông Nón Lá" Phạm Việt Tuyền của liên danh Đại Đoàn Kết dấu hiệu Sao Sáng, ông Nguyễn Lương Hưng của liên danh Lư Đồng do bà Nguyễn Phước Đại làm thụ ủy, nha y sĩ Nguyễn Văn Thiếc của liên danh Nguyễn Tiến Hỷ, và bà Nguyễn Thị Hai của ông Trương Vĩnh Lễ thụ ủy liên danh Cái Nhà. Phần nhiều nhìn vào các bích chương người ta thấy những chữ in thật to, thật đậm: Hòa Bình, No Cơm, Ấm Áo, Tự Do, Bình Đẳng, Đối Lập. Có bích chương in những chữ Để, chữ Chống thật to, hoặc Bốn Có, Năm Không. Dạo này người ta thấy Ton Ton hơi nhiều. Những lập trường mấy không của các ông làm người ta liên tưởng đến một loại thuốc gội đầu "Ba Không" là: không ngứa, không gầu, không rụng!
Các ứng cử viên dùng dấu hiệu một cách bừa bãi cốt sao để hốt phiếu thì thôi, nên nhiều dấu hiệu không còn ý nghĩa gì cả, vì người lấy dấu hiệu Phật Bà chưa chắc đã là con Phật, lấy dấu hiệu Cây Lược chẳng phải là một thợ hớt tóc, lấy dấu hiệu Búa Bay chưa chắc là thợ mộc thợ nề, lấy dấu hiệu Xe Xích Lô Đạp chưa hẳn biết đạp xích lô, v.v... Vì cũng vì lấy dấu hiệu Xe Lam mà hiện lại mở trường dạy lái xe, lấy dấu hiệu Nhà Lá mà ở nhà gạch, lấy dấu hiệu Đèn Dầu, Nồi Cơm Lò Lửa bằng đất mà xài toàn đèn điện bếp ga. Có vài ứng cử viên thực tế như Trung tá Nguyễn Thanh Tùng đơn vị 32 lấy dấu hiệu Cây Tùng Xanh. Kẻ hèn này lấy làm tiếc mà nghĩ rằng phải chi nghị viên Giáp Văn Thập xin dấu hiệu Chữ Thập của bác sĩ Nguyễn Bửu Trung, thay vì lấy dấu hiệu bàn tay làm nhiều cử tri cứ ngỡ ông chuyên xem chỉ tay.
Tại vài nơi chỉ lèo tèo có vài bích chương như tại vùng Cầu Ông Lãnh, nơi sình ngập đến mắt cá vào những hôm trời mưa. Ở hầu hết các ngã ba ngã tư đều có dựng một tấm bảng của "Công Ty Nằm Ngang" của năm ông là: "Ông Đèn Dầu" Phạm Ngọc Hợp, "Ông Mũi Tên" Nguyễn Văn Phong, "Ông Cây Chổi" Nguyễn Trân, "Ông Khóm Trúc" Dương Chí Sanh, và "Ông Nón Lá" Phạm Việt Tuyền. Nhưng thỉnh thoảng "Ông Mũi Tên" lại đi xé lẻ một mình, vàng võ bởi chất sét tiết ra từ tấm thiếc được đóng trên thân cây.
Khác với các bích chương của kỳ bầu cử Thượng viện nằm rồi làm rợp cả khu nhà thờ Đức Bà, các ứng cử viên năm nay lại xúm xít chung quanh bức tượng Hai Người Lính đang chỉa súng vào Hạ viện. Có ông quỳ dưới chân bức tượng, có ông bám vào mông. Ông Trâu Đen Đinh Trịnh Chính lại treo cổ tòng teng trên họng súng. Nơi đây, nhiều bích chương bị rách bươm trông thật thảm thương. Có bích chương bị đùn lại một cục trong những chiếc bao nylon treo trên cây đu đưa theo chiều gió. Các ông lại nắm tay nhau quay quần quanh bồn bông có nước xịt trên trời, nơi các bà các cô thường ỏng ẹo "chụp hình lấy liền." Bích chương tại công viên trước rạp Rex bị chìm mất trong tấm biển được trình bày lòe loẹt đủ màu quảng cáo cho các băng nhạc Thanh Thúy, Diễm Ca, Shotguns, những biểu ngữ của vài tờ báo mới xuất bản nhân mùa bầu cử. Những tấm biển nhỏ quảng cáo giọng hát Thái Thanh nổi bật trong số bích chương dán dọc theo con đường Tự Do. Trên một bức tường đối diện nhà hàng Brodard, bích chương dán thật thấp của "Ông Bàn Thờ Tổ Quốc" phía dưới có câu "Trương Lê là ai?". Có một hàng chữ ai viết trả lời: "-Là em Trương Táo" được viết một cách vụng về bởi một em bé vô danh dám cả gan trêu người lớn.
Có một điều là là "Xe Lam" của Nguyễn Văn Tám không chạy vào xóm lao động mà lại chạy vào Passage Eden và đậu thành một hàng trên những cánh cửa của rạp hát Eden. Trong khi bác sĩ Tín lại ngồi mỉm cười trước rạp Rex.

Tôi trực chỉ sang vùng Gia Định. Qua chiếc cầu sát cũ kỷ, tôi bắt đầu chạy vào đường Bùi Hữu Nghĩa. Tại đây bích chương không được dồi dào như ở đơn vị 1. Các dấu hiệu phần nhiều cũng tương tự như: bông sen, trâu đen, nhà lá, đồng hồ, bông huệ, v.v... Một vài dấu hiệu hơi lạ như: lò dầu lửa, nông dân, đập lúa, cái áo, trái bắp, cái lược, 134 ngàn, v.v...
Sau đó, tôi tìm gặp Duyên, cô bạn ở vùng Chợ lớn. Tôi hỏi Duyên sẽ bầu cho ai? Con bé trả lời:
- Chắc mình không đi bầu đâu. Sao kỳ này Ba Tàu ra nhiều quá hà. Con mẹ xẩm sau nhà mình cũng ra ứng cử nữa!

Có một điều làm cử tri thắc mắc là khắp mọi noi đều có bích chương chỉ trừ khoảng đường Công Lý trước cửa nhà Ton Ton (phủ tổng thống). Không hiểu có phải vì ứng cử viên chỉ ứng cử với dân, hay Ton Ton đã chọn dân biểu sẵn rồi nên không cần xem bích chương làm gì nữa?

Tháng 8, 1971

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2006(Xem: 41773)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 42720)
06 Tháng Tư 2005(Xem: 48841)
03 Tháng Tư 2005(Xem: 42427)
01 Tháng Tư 2005(Xem: 36479)
20 Tháng Ba 2005(Xem: 41423)
18 Tháng Ba 2005(Xem: 41132)
17 Tháng Ba 2005(Xem: 43040)
14 Tháng Ba 2005(Xem: 39458)
12 Tháng Ba 2005(Xem: 45051)
26 Tháng Mười Hai 2004(Xem: 40037)
1,863,880