- Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện
- Con Đường Văn Hóa - Nguyễn Huỳnh Mai
- CHƯƠNG I - TÌNH NGƯỜI
- CHƯƠNG II - TRÍ VÀ TÂM
- CHƯƠNG III - HÃY GIẢI THOÁT CON NGƯỜI RA KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA CHÍNH MÌNH
- CHƯƠNG IV - ĐỜI VÀ ĐẠO LÀ MỘT
- CHƯƠNG V: TU NHÂN HỌC PHẬT
- CHƯƠNG VI - HỒN THIÊNG DÂN TỘC
- CHƯƠNG VII - TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Nếu trước mọi lời nói hành động ta đều đặt câu hỏi với chính ta. Ta làm việc đó để làm gì và nói như thế để làm gì?
Sau khi thành thật tự trả lời ta sẽ thấy rõ mục đích của việc làm và lời nói đó. Nếu nó có mục đích tốt đem lại lợi ích cho người khác ta hãy nói, hãy làm. Nếu nó chỉ có mục đích phục vu, đề cao ta hoặc để phê phán người khác hay làm cho người khác đau khổ thì ta đừng làm. Nếu giảm thiểu được những cử chỉ hành vi, lời nói có hại cho người khác ta sẽ tránh nhiều nghiệp quả.
Mọi hành vi, lời nói, tư tưởng xấu đều gây nghiệp quả cho kiếp hiện tại lẫn kiếp tương lai. Nếu ta có tâm không, tức tâm tự tại thì mọi cảnh giới quanh ta không thể gây cho tâm ta xao động. Ta sẽ có sự sáng suốt để rũ sạch mọi hành vi tư tưởng của ta vừa chớm nở do sự động loạn nội tâm. Ta dứt nó ngay để nó không đâm chồi nẩy lộc. Ta dứt được nó thì ta dứt nghiệp quả không những của quá khứ mà của hiện tại lẫn tương lai.
Lối thoát của con người là nội tâm an tịnh của mình và mọi hoàn cảnh mà mình sống đều là hoàn cảnh để mình tu học, hành đạo. Người tu học không lựa chọn hoàn cảnh sống để tu mà người thật sự, thật tâm tu không có quyền lựa hoàn cảnh vì lựa hoàn cảnh tức là trốn tránh sự khó khăn. Khi ta còn trốn tránh khó khăn tức ta tìm sự an nhàn cho đời sống thì điều đó không bao giờ gọi là tu là hành đạo. Hành đạo là xả thân phục vụ. Có bao giờ người xả thân phục vụ mà lại tìm nơi an nhàn để sống, tìm sự giàu sang để hưởng, tìm chức cao quyền trọng để ngồi? Hay phải tìm cái khó, cái không ai làm mới làm, sống trong hoàn cảnh éo le, khó khăn vẫn nhẫn nhục chịu đựng để phục vụ tha nhân.
Người muốn hành đạo hay xả thân phục vụ tha nhân phải sống vượt qua sự xúc cảm của chính ta và của những người quanh ta. Vì nếu sống theo cảm xúc của ta và của người thì ta sẽ bị chi phối trong vấn đề danh lợi và khi bị chi phối bởi danh, lợi thì con đường phục vụ người khác của ta sẽ đi sai ngay tức khắc. Và khi đã sai đường thì sẽ đi đến thất bại hoàn toàn.
Nếu mỗi cá nhân đều có một tình yêu quê hương Việt Nam dạt dào và muốn thật sự xây dựng cho tương lai dân tộc mình thì không còn nghĩ đến lợi danh cho cá nhân mình nữa. Khi muốn dấn thân phục vụ thì phải có những cá nhân khác hỗ trợ, nắm tay xây dựng thành một nhóm người mà ta gọi là đoàn thể hay hội đoàn. Và mọi đoàn thể hội đoàn đó phải hiểu là mục đích của đoàn thể là để phục vụ xây dựng một nước Việt Nam Độc Lập Tự Do chứ không phải để xây dựng cho lợi danh của chính đoàn thể đó. Và mỗi cá nhân phải hiểu rõ mục đích của họ là bước vào đoàn thể để có môi trường xây dựng cho tương lai dân tộc chứ không phải để tìm cách xây dựng cho tên tuổi của cá nhân đó được nổi bật trong cộng đồng hay được sự kính nể qua các vai trò, chức vụ của mình. Mỗi cá nhân phải tự hiểu mình là một giọt nước nhỏ, mỗi đoàn thể là một dòng nước nhỏ để cùng nhau hòa lại biến thành một dòng thác lũ mạnh mẽ để xây dựng dân tộc Việt Nam.
Nếu nhận chân được như vậy sự đoàn kết không còn là việc quá khó khăn và chúng ta sẽ cho tuổi trẻ Việt Nam một niềm tin vào tương lai của họ.