- Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện
- Con Đường Văn Hóa - Nguyễn Huỳnh Mai
- CHƯƠNG I - TÌNH NGƯỜI
- CHƯƠNG II - TRÍ VÀ TÂM
- CHƯƠNG III - HÃY GIẢI THOÁT CON NGƯỜI RA KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA CHÍNH MÌNH
- CHƯƠNG IV - ĐỜI VÀ ĐẠO LÀ MỘT
- CHƯƠNG V: TU NHÂN HỌC PHẬT
- CHƯƠNG VI - HỒN THIÊNG DÂN TỘC
- CHƯƠNG VII - TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Ta phải tập sống trong cảnh và đồng thời ở trạng thái ngoài cảnh. Sống thực sự cô đơn, chỉ mình biết mình và đồng thời lại phải hòa đồng với mọi người. Sống ở cảnh phồn hoa đô hội nhưng tâm hồn là cõi sa mạc đìu hiu không một bóng người.
Hành trình tu học càng tiến xa, ta càng phải rũ bỏ hành trang. Cuối cùng chỉ còn là sự trống không, nhẹ nhỏm, chỉ còn ta và thiên nhiên cùng với âm thanh rền tai của vũ trụ siêu nhiên. Ta như mất đi sự hiện diện của thể xác, chỉ còn hơi thở, dòng điện luân lưu và sự ngộ giác.
Ta thả lỏng bộ óc, buông rơi thể xác, ta bước vào hành trình gặp ta nhiều hơn, yêu ta nhiều hơn. Khi đau ta biết tại sao đau. Lúc khóc ta biết tại sao khóc. Ta đau khổ giận hờn, buồn tủi, yêu đời, chán đời, thương người, ghét người. Ta bắt đầu yêu ta ở mọi trạng thái, mọi bản chất xấu tốt, không cần rình rập để biết mà ta biết rõ ta từ mỗi dậy khởi của thân tâm, của mọi ngõ ngách tâm hồn.
Có những lúc ta thấy không còn thiết đến cuộc sống. Thấy rã rời, buồn nản, chán đời muốn buông bỏ. Ta yếu đuối, lụn bại, ta thấy không đủ sức và ý chí để đeo đuổi cuộc sống, ta chỉ muốn rũ sạch để ra đi. Qua những lúc yếm thế, mệt mỏi, ta lại tiếp tục bước để đi tiếp cuộc đời còn lại vì ta đã nhất quyết không sống cho ta.
Vậy thì ta sống cho ai? Phải chăng là cho lý tưởng phục vụ của ta?