- Lời giới thiệu của Giáo Sư Phạm Công Thiện
- Con Đường Văn Hóa - Nguyễn Huỳnh Mai
- CHƯƠNG I - TÌNH NGƯỜI
- CHƯƠNG II - TRÍ VÀ TÂM
- CHƯƠNG III - HÃY GIẢI THOÁT CON NGƯỜI RA KHỎI SỰ NÔ LỆ CỦA CHÍNH MÌNH
- CHƯƠNG IV - ĐỜI VÀ ĐẠO LÀ MỘT
- CHƯƠNG V: TU NHÂN HỌC PHẬT
- CHƯƠNG VI - HỒN THIÊNG DÂN TỘC
- CHƯƠNG VII - TIẾNG NÓI TỪ TRÁI TIM
Như thế nào là Thần Thông để tạo dựng, xây dựng hoàn cảnh và con người để hoàn thành một công việc?
Và như thế nào là dùng sự khôn ngoan mưu mẹo để tạo dựng hoàn cảnh, hành xử đưa đẩy sai khiến con người để hoàn thành một công việc?
Điểm khác nhau là ở yếu tố căn bản. Một đằng là phục vụ mục đích chung có tính cách thiêng liêng. Một đằng là có mục đích riêng theo nhu cầu trục lợi cho một cá nhân hay phe nhóm.
Người có thần thông nhìn thấy một việc làm có lợi ích chung. Khi tiến tới việc thực hiện phải đối đầu với hoàn cảnh khó khăn thì dùng ý chí cùng với sự nỗ lực hành động, hành xử như thế nào để san bằng sự khó khăn đó. Phải tự đặt câu hỏi: Nếu thực hiện được mục đích đó thì cần phải làm gì? Có những nhu cầu nào phải thực hiện trước mới đạt được mục đích đó. Ta phải hành xử như thế nào để có những cá nhân cộng tác giúp sức cho việc đó thành công? Phải có những con người ở hoàn cảnh nào thì công việc mới đưa đến kết quả?
Thần thông không có nghĩa là biến hóa mà thần thông là sự hiểu biết. Biết người biết ta, biết hoàn cảnh để hành xử đúng thời, đúng lúc.
Sự hiểu biết của con người là con dao hai lưỡi. Người có sự hiểu biết mà chưa diệt được lòng tham thì rất nguy hại cho những người khác. Họ có thể là một người rất hiểm độc dưới mọi dạng thức tốt đẹp và người xung quanh rất dễ bị nhầm lẫn. Họ hết sức khéo léo để lèo lái những người xung quanh, ru ngủ họ với nhiều lý tưởng tốt đẹp, nhưng mục đích sâu xa là để trục lợi cho tham vọng cá nhân. Họ càng hiểu biết nhiều thì họ càng sâu sắc, tế nhị, khôn ngoan, gian manh, kính đáo. Họ ở mọi dạng thức tùy theo nhu cầu mà họ muốn đạt tới và tùy theo nhu cầu của những người xung quanh phù hợp với môi trường của họ. Họ có thể là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà học giả, một nhà văn hóa, giáo dục, một triết gia, một thiền sư chỉ biết phục vụ tha nhân, một nhà báo, v.v...
Họ càng khôn ngoan càng khéo léo thì ta càng khó nhận được chân tướng của họ.
Làm sao để biết được họ?
Đó là một câu hỏi dễ mà khó.
Khó nếu ta chưa biết rõ và tự xét ta. Và dễ nếu ta theo dõi ta với những liên hệ giữa ta và họ.
Ta xem xét lại đời sống và lý tưởng mà ta muốn thực hiện và xem lại những kết quả hỗ tương mà ta và họ đã thực hiện. Những kết quả đó sẽ đánh giá ta và người mà ta hợp tác.
Ta có thật sự tham dự sự hợp tác với sự bình đẳng thực hiện mọi công việc hay ta bị lôi kéo, điều hành, đưa đẩy, sai khiến (manipulate). Ta phải tự hỏi ta có tự chủ để hợp tác hay ta là một con cờ, con chốt để họ đưa đẩy mọi bước đi không định hướng.
Ta biết rõ vai trò mà ta đang đóng, biết rõ ta đang đứng đâu và làm gì trong mọi trường hợp xảy ra, hay ta đang đứng trong hỏa mù chỉ xoay trở theo sự điều động của người. Ta xem ta có phù hợp xứng đáng với vai trò, danh xưng, chức tước mà ta đang mang hay ta được họ mệnh danh, đặt để ngõ hầu họ có thể dễ dàng sai khiến.
Sự tham lam chức vụ, với những hứa hẹn tương lai thường làm cho kẻ mơ màng về ảo tưởng một tương lai huy hoàng trở nên một công cụ để làm bàn đạp, nấc thang cho những kẻ gian xảo khôn ngoan, mưu đồ lợi dụng.
Nếu muốn tìm hiểu, nhận xét về một cá nhân lãnh đạo ta hãy nhìn xem những người hợp tác, bu quanh họ. Nếu tìm được ngọn, thấy được giá trị của các thành viên, các hợp tác viên, các bè bạn quanh họ ta sẽ truy ra cái gốc ẩn tàng sâu kín được phủ nhiều lớp áo (trí thức, văn hóa, giáo dục, chính trị hay tôn giáo của họ).
Khi nhận chân được một người khác thì ta sẽ nhận ra chân tướng của ta. Ta định được vai trò, biên giới mà ta phải đứng. Có như thế ta sẽ tìm được người phù hợp để cộng tác hay người lãnh đạo.