CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ

13 Tháng Năm 200912:00 SA(Xem: 11969)
CON NGƯỜI VÀ LỊCH SỬ

Mission Viejo, 26-10-1992.

Con thương,
Hôm nay mẹ gởi đến con một bài học khá quan trọng là việc gì mình thấy đúng và quyết định làm thì phải chấp nhận hậu quả và đứng trên sự khen chê, thương ghét.
Nhiều người không thích việc Giáo Hội Công Giáo tổ chức Ngày Cầu Nguyện cho Hòa Bình Việt Nam tại Roma. Mẹ là một nhà báo phải viết trung thực những gì mình cảm nhận khi mắt thấy tay nghe. Họ cho rằng mẹ không biết gì về mặt trái của chánh trị, dễ tin hoặc quên đi sự đối xử của chính quyền thời Đệ Nhứt Cộng Hòa với Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo hay Cao Đài. Mẹ nhận thấy hầu hết lý do của mọi tan vỡ trong việc hợp tác khởi nguồn từ sự ràng buộc với quá khứ của những người đã nằm xuống, của những vết thẹo khó phai. Quá khứ đã khiến trái tim mọi người khép chặt lại.
Chúng ta phải biết quá khứ, biết lịch sử, nhưng đừng để lịch sử hay quá khứ cắt hết con đường mình đi. Đừng để quá khứ trói chặt tư tưởng, con tim, ngăn mình tự xét và chấp nhận những ưu điểm của người khác. Mười mấy năm qua nhiều người cho rằng khi Việt Nam đã rơi vào tay chánh phủ Hà Nội sẽ mãi mãi là nước cộng sản, như vậy tranh đấu để làm gì và họ an tâm xem nước Mỹ là quê hương vĩnh viễn. Họ không cần dạy con tiếng Việt và cố nói cho giỏi tiếng Anh cũng như gắng sống sao cho giống người Mỹ. Họ biện luận: "Hãy xem lịch sử, chỉ có những nước tự do trở thành cộng sản, chứ có bao giờ nước cộng sản trở thành tự do đâu mà hoài công tranh đấu".
Bây giờ họ nghĩ gì sau khi cộng sản Đông Âu và Nga Sô sụp đổ. Con nên nhớ: "Con người làm nên lịch sử chớ lịch sử không tạo nên con người". Vận mệnh đất nước Việt Nam phải nằm trong tay người dân Việt chứ không nằm trong chủ nghĩa hay ý thức hệ của một nhóm hay của ngoại bang. Mẹ nghĩ rằng những người Việt Nam trong nước giờ này đã thức tỉnh, đã vỡ mộng với những chủ nghĩa, những lý tưởng ru ngủ, những hứa hẹn ảo tưởng đẹp đẽ về một tương lai không bao giờ có thực. Chủ nghĩa cộng sản có muốn tồn tại cũng chẳng được vì phải đi theo chu kỳ sanh diệt. Sự phân chia tôn giáo cũng theo chu kỳ thay đổi thành một Tôn Giáo Thống Nhất: đó là "Tôn Giáo Tình Thương".
Có đứng cầu nguyện tại thính đường Aula Magna thuộc Đại Học Giáo Hoàng ở Vatican mới hiểu được. Tất cả mọi con tim đều xúc động khi hướng tâm cầu nguyện cho đất nước Việt Nam thân yêu. Lúc đó không có tôn giáo mà chỉ có Con Người Việt Nam và Những Trái Tim Việt Nam. Mẹ nghĩ rằng giáo hội Vatican với uy tín và phương tiện sẵn có đã lãnh nhiệm vụ mời gọi các tôn giáo khác. Đây là Thời Điểm Lịch Sử, dù thích hay không thích, đồng ý hay chống báng, ngăn cản hay ủng hộ, việc đó cũng xảy ra vì con người chỉ tạo nên thời cơ chứ không thể tạo được thiên cơ.
Con thương, đó là những điều mẹ muốn bày tỏ hôm nay trước khi mẹ viết tiếp những trang ký sự về Roma.
Thương.


Mission Viejo, 27-10-1992.

Cả ngày hôm nay mình buồn ghê, cứ đọc đi đọc lại hai bản tường trình của phái đoàn thuộc đại diện những hội đoàn ngoài chánh phủ (N.G.O) viết ra khi trở lại Mỹ sau cuộc viếng thăm Việt Nam tháng 5 năm rồi. Hai bản tường trình có nhiều điểm dị biệt hết sức quan trọng đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tình trạng của đồng bào trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á.
Phái đoàn gồm có các ông Lê Xuân Khoa, Giám Đốc Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương (IRAC), Canon Burgess Carr (Espicopal Migration Ministries), Dale de Haan (Church World Service), Ralston Deffenbaugh (Lutheran Immigration and Refugee Service), Tom Clark (Interchurch Committee for Refugees) và Russell Rollason (Australian Council for Overseas Aid).
Phái đoàn trên đã phổ biến hai bản tường trình nhận xét về tình trạng đồng bào hồi hương về xã hội Việt Nam, cũng như chánh sách và việc thực thi việc giám sát của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đối với thuyền nhân, có nhiều điểm ngược lại nhau. Việc này có nhiều người biết, nhất là những tổ chức vận động trợ giúp cho thuyền nhân để cải thiện sự bất công của chánh sách thanh lọc, nhưng... tại sao không ai nói lên điều này? Họ sợ mất lòng nhau? Sợ mang tiếng đả kích tổ chức của ông Khoa hay sợ bị hiểu lầm là cạnh tranh hay ganh tị vì tổ chức của ông Lê Xuân Khoa đã nhiều lần nhận được quỹ của chánh phủ Hoa Kỳ tổ chức giúp đồng bào hồi hương tái định cư???
Trong phần "Một nhận định cá nhân" của bản tường trình "giả" gọi là "A Preliminary Report on the N.G.O Trip to Vietnam" do IRAC (Indochina Resource Action Center) phổ biến trong cộng đồng người Việt tị nạn, ông Lê Xuân Khoa cho rằng người hồi hương "đang phải sống lại một cuộc đời còn khổ cực hơn trước ngày vượt biên" và cho là người làm chính sách "tàn nhẫn" và "bất công". Ông cũng nói "Việt Nam hiện nay không có những điều kiện và cơ hội cho họ (thuyền nhân) tiến thân", ông cũng cho rằng "Đây không phải chỉ là một vấn đề nhân đạo mà đích thực là một vấn đề nhân quyền". Trong khi đó bản tường trình "thật" được phổ biến cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cũng như được phân phát trong buổi họp báo tại Hồng Kông vào ngày 23-5-1991 có những điểm hết sức bất lợi cho thuyền nhân đang gặp trở ngại vì bị cho là ra đi vì lý do kinh tế. Bản tường trình dưới tựa đề "Observations and Comments from the N.G.O. Visit to Vietnam, 14-21 May, 1991" ca ngợi chính sách cởi mở của chính quyền cộng sản Việt Nam, và cho rằng những người hồi hương ra đi vì nhiều lý do nhưng không phải "vì bị đàn áp chánh trị" (In our conversations with the returnees we heard that people had left Vietnam for a variety of reasons but not political persecution).
Bản văn cũng kêu gọi các hội đoàn ngoài chánh phủ hỗ trợ và vận động cho những thay đổi cần thiết về chính sách đối với Việt Nam. Ngoài ra bản văn khẳng định là không có một người hồi hương nào bị "hành hạ, ngược đãi hay kỳ thị khi trở về" (We heard no evidence to indicate that returnees suffer harassment, maltreatment or discrimination on return). Phái đoàn này cũng cho biết họ rất hài lòng là Cao Ủy Liên Hiện Quốc đã làm tròn trách nhiệm giám sát của họ ở Việt Nam một cách thích đáng.
Tất cả những lời ca ngợi trên đều khác hẳn với nhận xét của những người trong phái đoàn thứ nhì được cử đi về Việt Nam sau đó. Một người trong phái đoàn sau đã đồng ý cho mình phỏng vấn trên truyền hình Little Sài Gòn nhưng sau đó vì sợ công việc làm ăn bên Việt Nam gặp khó khăn nên đã khước từ.
Riêng ông Nguyễn Đình Hữu, Giám Đốc Hội Cứu Trợ Trẻ Em Không Cha Mẹ, cũng có về trong đợt thứ nhì cho mình biết trẻ em hồi hương hết sức khổ sở, đói rách ngoài đường không được học hành gì. Có đứa về thì cha mẹ đã ly dị nên bơ vơ, có đứa ở với ông nội thì bị cô chú ganh tị đuổi đi, hoặc bà con xài hết tiền của em được cấp sau khi hồi hương rồi tống em ra đường. Theo ông thì những tổ chức được các nước ngoài tài trợ đã dùng quá nhiều tiền vào chi phí điều hành và cơ sở nên tiền giúp cho người hồi hương chẳng còn được bao nhiêu. Lương một nhân viên mướn từ ngoại quốc về một năm mấy chục ngàn cộng tiền bảo hiểm sức khỏe, ở nhà máy lạnh, đi xe hơi, thêm mấy tháng nghỉ hè...
Nỗi buồn to lớn nhứt của mình là khi thấy Henry Kramm, một nhà báo Mỹ đã khai thác bản tường trình thật có chữ ký của ông Khoa trên báo New York Times qua bài "U.S. Raises Hopes on Boat People, Chance to the Stem Flow is Seen in the Move to Normalize Relations with Hanoi." Ông ta viết trong đoạn "A Liberalized Atmosphere" như sau:
The official, who accompanied a group of representatives of refugee-aid organizations from the United States and other Western nations to Vietnam in May said they had found a greatly liberalized atmosphere in which ordinary Vietnamese were no longer afraid to criticize their Government to foreigners.
"Those among the team who had visited Vietnam previously remarked how they were surprised and impressed with the considerable progress the country was making toward becoming a more open society," the delegates said in their report.
(Những viên chức tháp tùng với đại diện của những tổ chức giúp người tị nạn về Việt Nam trong tháng Năm nói rằng họ nhận thấy có một không khí rất tự do trong đó người dân không còn sợ hãi khi chỉ trích nhà cầm quyền với người ngoại quốc.
"Những người trong nhóm đã có viếng Việt Nam lúc trước phát biểu rằng họ rất lấy làm ngạc nhiên và thán phục trước những tiến triển đáng kể của quốc gia này trong việc tiến tới để trở thành một xã hội cởi mở hơn", những đại biểu đã nói như vậy trong bản tường trình.)
Càng nghĩ đến thân phận đồng bào trong trại, những người trở về, những người trong nước, mình càng thấy đau lòng. Bàn tay mình quá bé nhỏ, chỉ biết cố gắng hết sức mình...


Mission Viejo, 28-10-1992.

Sáng nay lúc đi bộ về nhà sau khi tập thể dục ở Holliday Spa, một lần nữa mình nghĩ đến ý định xuất bản sách để chia xẻ cảm nghĩ về đời sống của mình với những người Việt Nam cùng xa quê hương, và những suy tư về thân phận đồng bào còn kẹt trong trại tị nạn. Liên Hiệp Quốc đã làm một việc vô cùng vô lương tâm là cắt giảm thực phẩm để buộc họ hồi hương. Mình nghĩ nếu muốn giải quyết việc gì cho đúng thì người quyết định phải là người trong cuộc hoặc họ phải tự đặt mình vào trường hợp của các đồng bào tị nạn...
Mình còn nhớ hôm ba ứng cử viên tổng thống là Clinton, Bush và Perot tranh cử trên đài truyền hình. Một phụ nữ chỉ hỏi ông Bush có một câu giản dị, đại khái là ông không gặp những cảnh khổ như người dân thì làm sao ông cảm nhận và cảm thông được họ, vậy mà ông Bush ấp úng không hiểu phải hỏi đi hỏi lại.
Những người giải quyết cho Việt Nam phải hiểu nỗi buồn của người ly hương mất nước, cảnh chạy bom đạn, nước mất nhà tan, nỗi khổ đau khi ở tù và sống dưới chế độ cộng sản. Phải biết đau theo vận nước, nếu không họ sẽ chỉ giải quyết theo ý họ và quyền lợi cá nhân.
Một người bạn khuyên mình đừng nên bỏ nhiều công sức vào việc đang làm: một việc không kết quả mà còn làm cho người trong trại hy vọng để rồi họ sẽ thất vọng và tạo nên những phản ứng bất thuận lợi. Người bạn kể chuyện nấu rượu lậu và các đường giây ma túy trong trại. Mình thường nhủ lòng, điều gì mình làm thì cũng có kẻ đồng ý, người không, kẻ khen người chê. Nhưng khi định đúng hướng đi, phải chấp nhận rồi tiến tới. Nhiều người cho rằng những người tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền là những kẻ đi ngược thời cơ, như gió thổi ngược chiều, nhưng có ai hiểu được chiều nào là đúng với Thiên Cơ?
Nếu nghĩ rằng vì sự ký kết giữa Anh Quốc, Hồng Kông và Hà Nội cũng như sự ủng hộ thuận chiều của Mỹ về việc cưỡng bức hồi hương rồi buông rơi bao sinh mạng của đồng bào, hay nghĩ rằng cộng sản sẽ không trở thành Tự Do rồi buông trôi vận nước hay sao? Mình biết rằng trong trại có nạn đĩ điếm, hút sách, buôn lậu, cường hào ác bá, v.v... Nhưng tại sao những việc đó xảy ra? Có phải vì hoàn cảnh? Có ai biết được khi túng quẫn, đói khổ, mình sẽ trở thành người như thế nào? Có ai chắc chắn được mình luôn luôn tốt đẹp, trong sạch trong mọi trường hợp? Ngay cả mình, nếu Tài đi học tập mà con đói, có chắc mình không lấy cán bộ để nuôi con? Hoặc có thể trở nên một người xấu xa hơn?
Ngay tại xứ Mỹ, nơi có nền văn minh và tiện nghi bậc nhất, lại có những người Việt Nam không đói, không bị tù đày, lại có mọi tự do căn bản của con người nhưng tại sao họ có thể đốt hay bắn chết cả đàn con? Tại sao một người đàn bà Việt Nam vì tuyệt vọng bắn chết đứa con tật nguyền rồi nằm trên xa lộ cho xe cán chết? Họ có phải là người xấu hay tại hoàn cảnh đã đưa đẩy họ? Họ giết con phải chăng vì tuyệt vọng hay vì quá thương con?
Ai có thể chịu đựng được cuộc sống trong trại ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, nhìn đàn con lớn lên giữa những lớp rào kẽm gai? Ai có thể sống những ngày nóng bỏng trên cả trăm độ dưới những mái tôn, cộng với sự chèn ép bất công của Cao Ủy Tị Nạn và chính quyền địa phương mà không phát điên? Phải chăng họ là những người có nỗi khát vọng tự do hơn ai hết. Thế thì tại sao chúng ta không bắt một nhịp cầu, hé mở cánh cửa cho họ, dù với bất cứ giá nào. Anh Quốc là một trong những nước đang nắm vận mệnh người Việt tị nạn. Hãy nhìn lại lịch sử, họ đã bán bao nhiêu người Phi Châu qua Mỹ làm nô lệ. Họ đã dùng sinh mạng và đời sống của người khác để làm lợi cho quốc gia của họ. "Phải chăng đó là những người văn minh hung bạo với lương tâm ngủ yên". Lòng kiêu hãnh của họ đã giết trái tim biết yêu thương loài người. Họ đã ký kết với cộng sản Hà Nội, những người đặt bút ký để nhận tiền ngoại bang có lợi cho chính sách độc tài, ngu dân thì thử hỏi số phận người hồi hương có gì sáng sủa hơn trong trại tị nạn? Những người cộng sản ly khai Hà Nội vượt biên tìm tự do làm sao chấp nhận việc bị ép buộc trở về Việt Nam. Nếu muốn hiểu tại sao họ chống đối chính sách hồi hương, chúng ta phải đặt mình vào trường hợp những người hiểu cộng sản hơn ai hết này.

Mission Viejo, 29-10-1992.

Trang mến,
Thường thường người ta cho rằng chỉ quyết định sáng suốt sau khi suy nghĩ cặn kẽ. Đối với mẹ, sự sáng suốt chỉ đến bất chợt như một điểm sáng những lúc tâm hồn bình lặng. Sự bình lặng không thể đến khi mình tự bắt buộc hoặc đợi mong, mà là sự buông rơi của trí óc. Trí tuệ chỉ có khi tâm thức trong sáng. Đó là sự "được ban cho" chứ không là "vật tìm ra" hay "mua chuộc được". Trí tuệ là một đặc ân.
Mẹ nhớ đến những tuần lễ trước khi đi Roma thật là bận rộn. Có nhiều lúc mẹ đi và làm việc như chạy. Người mẹ nhiều khi va vào cạnh bàn hay các nắm cửa bầm tím. Con biết không? Những lúc mẹ bận rộn lo xin chữ ký, thể xác tuy mệt nhưng thỉnh thoảng mẹ lại có một cảm giác tuyệt diệu, cảm giác này cũng có đến những lúc mình đau khổ hoặc cô đơn nhất. Nó đến ở nhiều hoàn cảnh và tâm tư khác nhau. Trạng thái tuyệt diệu lâng lâng đó trong Thiền học gọi là Satori. Cũng có thể gọi là Shadami, Nirvana hay State of Grace. Đó là phần thưởng tinh thần mà mẹ nhận được.
Con đường tâm linh là một con đường vô cùng bí ẩn. Thấy đúng mà sai hoặc thấy sai mà lại đúng, và nhiều khi đúng ở đời thì sai ở đạo, mà đúng về phương diện đạo lại sai về mặt đời. Nếu muốn tiếp tục con đường đó mình phải chấp nhận thử thách, đau khổ từ thể xác đến tâm hồn, phải trải qua bao lần chết để sống lại sáng hơn để rồi lại chết tiếp.
Sự phát triển của tâm linh không bao giờ ngừng nghỉ. Những trạng thái lâng lâng chỉ thoáng chốc đối với sự vật vã triền miên của tâm thức. Nó luôn luôn đến đích mà đồng thời cũng không đến. Bài học mới luôn luôn có từ ngày này qua ngày khác mãi mãi với thời gian, không gian và con người. Bài học ở mỗi hơi thở, mỗi chớp mắt và ở mỗi nhịp đập của con tim. Con người và vũ trụ sống nhịp nhàng, cùng nhau chuyển động, linh động, đối chiếu và phản chiếu. Nếu muốn sống cho đúng nghĩa thì đừng bỏ rơi giây phút nào. Sự sống đầy đủ trọn vẹn đó giúp cho ta biết ta, biết mọi chuyển động chung quanh để ứng phó kịp thời và phát triển theo nhịp độ của thiên cơ.
Nếu sống mà không rõ về mọi chuyển động của con người và vũ trụ, hoặc sống theo sự đòi hỏi, kềm hãm của thể xác, của tâm hồn mình, thì chỉ biết tạo và theo thời cơ. Thiên cơ do thiên định cho con người thực hiện, còn thời cơ do con người tạo ra theo mục đích riêng của mình. Thiên thời, địa lợi, nhơn hòa do thiên cơ định, vì thế những người tạo thời cơ luôn luôn thất bại.

Con thương,
Không hiểu hôm nay tại sao viết thơ cho con mà mẹ lại viết những điều xa vời quá, rán đọc nhé. Thôi mẹ kể chuyện tập "step" ở Holiday Spa cho con nghe. Từ hôm chủ nhật đến nay, mỗi ngày mẹ đều tập thể dục một giờ. Trước khi đi Roma cũng vậy, nên mẹ mới có sức làm việc và đi một chuyến xa. Chớ ba lo là mẹ hay bệnh lắm, nhứt là bệnh nhức đầu và hay bị cảm.
Hôm đi đám cưới cô gái con bà chủ nhà may Thiết Lập, mẹ gặp một cô bạn cũ. Cô nói tập "step" tốt lắm, mau xuống cân và giúp cho đầu gối mạnh. Mẹ nghĩ rằng người khác làm được thì mình làm được, nên mẹ nhất định tập. Lúc đầu bước lên bước xuống bục gỗ mẹ bị mỏi chân lắm, bây giờ thì hết rồi.
Thời gian khởi sự mẹ tập mỗi lần nửa giờ, sau đến 45 phút, và trước khi đi Ý, mẹ đã tập lên 1 giờ mà không đau lưng gì cả. Lúc ở Roma về mẹ nghỉ hai tuần để điều chỉnh giờ giấc cho cơ thể khỏe lại rồi mới tập thể dục. Con biết không, mẹ đi du lịch ăn uống chỗ nào cũng bơ, sữa, đồ ngọt, đồ béo, nên khi về, mẹ lên ký, quần áo chật hết nên mẹ phải tập cho ốm bớt mới có quần áo mặc.
À, pizza ở Ý ngon lắm con ạ, không như ở Mỹ người ta làm dầy và để quá nhiều phô-mai. Bánh bên Mỹ tròn, còn bên đó họ làm vuông và mỏng, nhiều rau, ăn rất thanh. Vào tiệm mình chỉ loại nào mình thích, họ cắt từng miếng vuông bỏ lên cân. Cô Kiều Chinh, dì Liên, dì Thanh Thu và mẹ ngồi ăn pizza ở vỉa hè thích lắm, xong lang thang đi mua sắm. Kiều Chinh mua nhiều nhất nên than xách nặng và mỏi chân. Có một đêm "bốn bà" đi viếng nhà ga trở về chủng viện bằng xe taxi, ông tài xế lái xe như bay, qua nhiều hẽm nhỏ, đi hoài mà không thấy tới. Bốn người sợ bị bắt cóc, ai cũng lo cầu nguyện. Cô Kiều Chinh cứ nhìn hai bên xem có giống đường lúc đi không. Sau cùng hóa ra ông ta chạy lạc. Thật hú hồn.
Con thương, bây giờ mẹ của con hà tiện lắm, không sắm sửa quần áo gì cả vì tiền học Thịnh gia tăng, Cường bắt đầu cận thị cần mắt kiếng. Tội nghiệp Cường, nó ráng đi tìm gọng kiếng cho rẻ để mẹ đỡ tốn tiền chứ không như Thịnh cái gì đắt tiền mới cho là tốt. Hôm kia Thịnh gọi về khoe thuyết trình trong lớp được điểm A. Nó vừa khoe xong là xin phép cuối tuần đi Santa Barbara dự lễ Halloween. Ba nói ba rành nó quá, nó mới khoe là ba biết rồi. Mẹ nhắc với ba là lúc con còn ở nhà cũng vậy. Hôm nào mẹ đi làm về thấy con chỉ huy hai thằng em chạy có cờ, con thì chùi bếp sạch trơn, Thịnh hút bụi, còn Cường chùi nhà tắm, chớ không đợi mẹ biểu, là mẹ biết y như rằng tụi con định đi xem chiếu bóng, hoặc con muốn xin đi ăn tiệc hay dạ vũ. Nếu mẹ không cho thì con tiu nghỉu, buồn so. Nhiều khi mẹ giận, mẹ nói là tụi con đừng làm công chuyện giỏi để bắt mẹ phải cho đi chơi.
Con thương, hôm nay trời u ám quá. Đã qua thu rồi. Các buồng cau trước nhà đổi qua vàng và nâu đậm. Bên nhà Mary các giàn dưa leo, đậu ve cũng héo queo, chỉ còn trơ lại các sợi dây giăng. Vậy chớ bên vườn mẹ có hoa hồng, xả, ớt, rau tần dầy lá để nấu canh chua tươi tốt lắm. Mẹ trồng nhiều loại hoa màu trắng và hồng đậm nở rất đẹp. Hai cây sứ cùi trong chậu bắt đầu ra lá non. Mẹ xin của dì Bé mấy nhánh hôm lễ Đức Phật Thầy Tây An ở hội quán đó. Mẹ.

Mission Viejo, 30-10-1992.

Trang ơi,
Lại sắp hết một tháng nữa rồi. Hôm nay thứ sáu "Casual Day" (là ngày ăn mặc thường không đóng bộ), ba mặc quần jean đi làm với áo thun có in chữ Gucci trên ngực mà mẹ mua ở lề đường New York chỉ có 5 đồng. Con biết không, trong tiệm giá khoảng 30 đồng đó.
Mẹ mới vừa qua Mervyn’s mua cho ba quần jean mới vì quần ba cũ rồi. Ba thích màu xám hơn màu xanh da trời. Cái quần cũ đã rách hai đầu gối mà ba cứ thích mặc hoài vào văn phòng kỳ lắm. Mẹ sẽ để dành quần rách cho ba mặc làm vườn hay cắt cỏ. Mervyn’s cất ngay chỗ chợ Albertson cũ, gần nhà mình. Họ mới khai trương cách nay mấy hôm. Ối cha, người ta đổ lại như kiến, vì bán đại hạ giá. Người Mỹ bình dân và người Mễ đến đông lắm, có Việt Nam nữa.
Lúc này kinh tế suy thoái nên Mervyn’s đắc hàng vì đồ rẻ và đẹp hơn Target với Kmart một chút. Mẹ nói với ba sao họ mở ở đây cạnh tranh với Target bên kia đường chắc Target sẽ mất khách. Ba cười nói Target với Mervyn’s một chủ, họ định hốt hết khách hàng khu này đó. Mà thật con ơi, mẹ thấy bãi đậu xe bên Target và bên này đều đông nghẹt. Khi không có chỗ đậu bên này họ chạy qua bên kia hoặc xem hàng bên này xong các bà dắt con, hoặc đẩy xe em bé qua bên kia. Tối qua mẹ dẫn Cường qua mua cho nó quần lót, cà vạt và bóp nhỏ. Cường chuẩn bị đi họp Liên Hiệp Quốc Mẫu tại nhà ngủ Marriott ở La Jolla, San Diego.
Hôm nọ buồn cười ghê, Thịnh sửa soạn xin vào hội nên dặn mẹ ủi quần áo đặng nó về lấy xuống San Diego mặc. Ai dè mẹ ủi quần của Cường đưa cho nó, nó gọi về la mẹ vì quần nhỏ quá mặc không vừa. Tuần rồi Cường đi họp, tìm quần quá chừng không có phải mặc quần cũ ngắn ngủn. Nó hà tiện cho mẹ, nó nói chỉ họp vài lần thôi, nếu mua quần mới uổng tiền, không lẽ họp mấy ngày có một cái quần nên mẹ lựa quần ba cho nó mặc tạm rồi nịt dây nịt, kéo dùn lại một chút trông cũng được lắm. Năm ngoái tới năm nay nó thường mặc sơ mi của ba mỗi kỳ đi họp nên mẹ khỏi phải mua.
Con biết không, lúc trước Thịnh mặc áo của ba, sau ba mặc áo của Thịnh rồi bây giờ nó to ra quá nên áo nó ba mặc rộng rinh. Mẹ lựa một số áo của Thịnh mặc với quần thun làm thành "mốt mới". Còn quần, giầy và vớ của Thịnh thì không biết cho ai. Vớ của Thịnh ba mang thì cái gót lên khỏi giày vì chân của nó số 11 rưỡi, chân ba số 8. À, mẹ nghe nó nói từ hôm đi học đến nay nó cao lên 2 phân. Nó quan tâm chiều cao hơn là trọng lượng nên thích uống sữa và ăn pho mai, mẹ luôn luôn cầu xin cho nó có nghị lực để có thể xuống cân. Bữa nay chắc nó cao 6 feet tức một thước tám rồi. Ở xứ Mỹ thức ăn dư thừa thì người ta khổ vì mập, còn ở nhiều xứ nghèo, chậm tiến, người dân ốm, da bọc xương vì đói, thiếu dinh dưỡng.
Con thương, Mẹ phải ngừng viết mấy tiếng đồng hồ để nói chuyện điện thoại. Ngày hôm qua ông André Sauvageout đã đến báo Người Việt và một ký giả có phỏng vấn. Ông ấy nói với mẹ ông André cho biết ông ta ủng hộ chính sách hồi hương từ mấy năm nay. Theo ổng thì không có con đường nào khác ngoài chính sách thanh lọc, khi ông về Việt Nam tiếp xúc với thuyền nhân thì không thấy chánh phủ cộng sản ngược đãi hay kỳ thị những người hồi hương. Ông Sauvageout cho biết ông là nhịp cầu của những người tại trại tị nạn Hồng Kông và thân nhân của họ đã bị trả về. Ông báo cho họ biết là thân nhân của họ về bình an. Ông nói cộng sản Việt Nam không ngược đãi vì không có lợi gì cho họ. Mẹ cho chú Nguyễn Đình Thắng hay thì chú Thắng bảo ông ta "nói dối" vì trước khi ông ta qua Hồng Kông và về Việt Nam, chú Thắng có trao tài liệu, và yêu cầu ông thăm viếng một số người bị cưỡng bức hồi hương.
Mẹ có cho chú Nguyễn Quốc Lân hay nữa. Sáng mai chú Lân sẽ đến Hội Cộng Đồng Người Việt ở Santa Ana vào lúc 9 giờ khi ông Sauvageout tiếp xúc với đồng bào và báo chí để cổ động việc hồi hương. Mẹ nghe nói cô Nam Trân đài truyền hình Vietnam Program đã phỏng vấn ông ta. Nếu thứ bảy cô cho phát hình thì thật đúng lúc vì mẹ nghe chú Nguyễn Xuân Hoàng Tổng Thơ Ký báo Người Việt nói sẽ đăng bài mẹ phỏng vấn ông Lê Trung Can, đại diện Ủy Ban Hành Động Chống Cưỡng Bức Hồi Hương vào cuối tuần này. Như vậy thì có đủ tiếng nói của hai chiều về vấn đề tị nạn.
À, mẹ có nói chuyện với bác Phạm Quốc Bảo, phụ trách các trang trong báo Người Việt là bạn con thích đọc mấy lá thơ mẹ viết cho con đăng trên báo lắm. Mẹ nói mấy đứa nó thích bài mẹ đưa bà nội và bà ngoại đi biển. Còn mấy bà bạn mẹ có con cùng tuổi với Cường, Thịnh thì khuyến khích mẹ ra sách. Thôi mẹ đi ăn cơm xong giặt quần áo và dọn dẹp nhà cửa vì hôm nay chiều thứ sáu rồi.

Mẹ của con.
T.B. Con nói mẹ viết ít quá đọc không thỏa, nên mẹ ráng viết nhiều cho con đọc.
***
Mission Viejo, 2-11-1992.

Trang thương,
Mẹ với Cường hôm nay vui lắm, nó được nghỉ học vì bữa nay là Professional Day. Nó đòi mẹ dắt đi ăn trưa, mẹ bắt nó đợi mẹ viết ký sự Vatican xong rồi mới được đi. Mẹ đang tường thuật đến phần các trưởng phái đoàn đọc tham luận. Mẹ cố tường thuật cho đầy đủ nếu không các ông ấy sẽ nói mẹ bất công. Sau đó mẹ dắt Cường đi ăn ở Sizzler, mẹ có phiếu giảm giá, ăn trưa chỉ có $3.99. Mẹ ăn gà Hibachi còn Cường ăn thịt bò. Cường nói sao miếng thịt nhỏ quá, mẹ bảo nó, ăn trưa như vậy là vừa rồi, vì còn khoai nướng, bánh mì nữa. Mẹ còn phiếu giảm giá $3.99 cho món sà lách và trái cây, rau, súp rồi đồ Mễ nữa. Hôm nọ mẹ "tự thưởng" nên mẹ đến ăn trưa ở Sizzler ở đường Marguerite Parkway gần tiệm hoa Conroy’s chỗ mẹ làm ngày xưa. Ai ngờ họ đang phá tiệm ăn ra sửa lại. Mẹ thích tiệm đó vì những chỗ ngồi gần mặt đường có lợp nóc kiếng, mùa thu ngồi đó có nắng rất ấm. Lúc mẹ làm thợ chánh ở Conroy’s, hôm nào làm việc nhiều, hay thứ sáu phải làm hoa đám cưới là mẹ qua đó ăn thịt bò bít-tết để có sức làm việc. Vì vậy mà lúc đó mẹ mập. Tóc lại uốn quăn nên mẹ giống Đại Hàn lắm. Mẹ nhớ ông Deru, chủ tiệm hay nói mẹ có bàn tay "ảo thuật", vì hoa mẹ cắm đẹp làm vừa lòng khách hàng.
Mẹ cũng có phiếu giảm giá của tiệm Soup Exchange. Thịnh, Cường thích chỗ này lắm, hai đứa nó rủ mẹ đi một lần, có ba người mà mẹ trả trên hai chục đồng. Tiệm này bán toàn là sà lách và rau cải, không có thịt, có cả soup và bánh pizza nữa, họ quảng cáo là "low fat" hay là "Non fat items", không biết có ít chất béo thật như họ quảng cáo không. Bây giờ ai cũng sợ mập nên lúc nào họ cũng đánh vào tâm lý là đồ ăn ít hoặc không có chất mỡ. Khách hàng thấy vậy nên yên chí ăn nhiều hơn nên cũng vậy thôi. Có lần mẹ đi với Thịnh, Cường lại Soup Exchange ở Irvine, mẹ thấy một cô Mỹ ăn diện và hơi gầy ngồi trước một dĩa sà lách cao như cái núi. Mẹ đi qua đi lại lấy thức ăn và theo dõi xem chừng nào cô ăn hết. Tới chừng mẹ và Thịnh, Cường về cô ta cũng chưa xong. Còn Thịnh thì khỏi nói, mẹ không dám đếm dĩa của nó, nó nói mắc quá nên ăn cho vừa đồng tiền. Nhà hàng lời của mẹ và Cường đắp qua phần ăn của nó là huề.
Con biết không, hôm nọ mẹ dọn phòng thờ vì bề bộn quá, nhiều khi sách báo nhiều đến đỗi bít cả lối đi. Vài tuần mẹ phải xếp lại một lần, vì có khi bà nội vào cúng Phật không có đường mà đi. Mẹ liệng một đống phiếu giảm giá vào thùng rác vì mẹ đi Ý và bận quá không xài nên hết hạn. Hôm qua mẹ lại cắt một lô mới, mẹ thấy phiếu giảm giá tiệm Chucke Cheese’s, mẹ nhớ tụi con hồi nhỏ quá. Ngày xưa Thịnh Cường còn làm sinh nhật ở chỗ này, ba mẹ đặt bàn, pizza và bánh sẵn. Thịnh, Cường và các bạn chơi các trò chơi xong về bàn ăn, mỗi đứa một cái nón nhọn, tới giờ họ mở máy hát cho các hình nộm trên vách ca hát vỗ tay chúc sinh nhật vui vẻ. Mẹ ngán pizza chỗ này quá, họ chỉ làm cho có lời, không ngon gì cả vì để quá nhiều cà chua và phô-mai.
Con thương, hôm thứ sáu nói chuyện điện thoại với con xong, mẹ cũng mừng. Con bảo là khi đọc thơ mẹ điều gì đúng với tâm trạng con đang gặp phải thì con rất thích, còn những gì con không hiểu con cho đi qua, không thắc mắc, bận tâm. Như vậy rất tốt. Sau này lâu lâu con đọc lại, con sẽ hiểu dần dần, miễn là con muốn học hỏi, đọc thêm sách cho mở rộng tâm thức.
Hồi nãy, sau khi đi ăn xong, Cường đòi mẹ dẫn đi mua sắm ở Laguna Hill Mall. Nó đòi mua áo thun để mặc đi học, mẹ không cho. Mẹ nói mẹ chỉ mua áo sơ mi nào coi đẹp cho nó để đi chơi với ba mẹ, chứ không mua áo thun lặt vặt uổng tiền lắm. Mẹ có ghé Walden Books, mẹ gặp quyển Think On These Things mới tái bản. Mẹ mừng lắm, mua lại vì quyển của mẹ cưng ghê mà ai mượn mất tìm không ra. Quyển sách nào mẹ thích mà ai lấy mất mẹ đều mua lại để dành như một báu vật, dù không đọc. Hôm nọ mẹ cũng mua lại quyển The Tao of Physics của Fritjof Capra, The Teachings of Don Juan: A Yaqui Way of Knowledge của Carlos Castaneda, The Upanishads, The Wisdom of The Hindu Mystics. Mẹ chưa mua lại được quyển Bhagavad Gita (cuốn sách mẹ thích ghê mà đâu mất tiêu). Mẹ cũng mất mấy cuốn của Thiền sư Tarthang Tulku mữa.
Ồ, nói đến sách mẹ mới nhớ là quên kể cho con nghe, cuối tuần vừa rồi ba mẹ rước bác Phạm Công Thiện về chơi. Bác ấy vừa bên Úc qua. Mẹ mua cá he xanh về nướng cuốn bánh tráng đãi bác với lại tôm càng kho tàu. Mẹ đi chợ Bolsa mới mở ngang Bolsa Mini Mall, mẹ đi chợ trên năm chục đồng, nên được tặng bao gạo mười pounds. Lúc mẹ đang nấu thức ăn thì bác ấy biểu mẹ cho bác mượn vài cuốn sách xem chơi. Mẹ hiểu ngầm là bác ấy muốn biết mẹ đang đọc sách gì để đoán tâm thức mẹ ra sao. Có một cuốn mẹ đọc rồi là The Tao of Inner Peace của bà Diane Dreher và Uncommon Wisdom của Fritjof Capra, còn quyển Compassion in Action của Ram Dass và Mirabai Bush thì mẹ mang theo đi Vatican, nhưng không có thì giờ đọc.
À con biết không, quyển The Tao of Inner Peace giúp mẹ rất nhiều trong việc thực hiện Thỉnh Nguyện Thư dâng Đức Giáo Hoàng, mẹ có ý định làm việc đó nhưng ai cũng đưa ra những khó khăn nên mẹ hơi khựng lại. Một đêm mẹ thức đọc sách lúc ba giờ sáng, những câu viết trong sách này làm mẹ giật mình tỉnh ngộ và lấy quyết định thực hiện. Mẹ chép ra cho con để dành đọc nhé.
"Tao people follow their intuition. One with nature, one with Tao, they naturally take the right action at the right time."
Trusting the process, Tao people also pratice the wisdom of timing. They know when to take action to prevent or neutralize negative cycles."
"Recognizing our oneness with Tao, acting in harmony with the changing cycles, we too can bring greater peace to our world."
(trang 220-221)

Mẹ tạm dịch:
"Người hiểu đạo sống theo trực giác. Hợp nhất với trời đất, với Đạo, họ tự nhiên có hành động đúng vào thời điểm. Tin tưởng vào tiến trình này, người hiểu Đạo cũng biểu hiện được trí tuệ đúng thời. Họ biết khi nào phải hành động để ngăn ngừa hay hóa giải những giai kỳ xấu".
"Nhận thức được sự hợp nhất với Đạo, hành động hài hòa với các giai kỳ biến đổi, chúng ta cũng có thể mang lại bình an nhiều hơn cho thế giới".
Bà Diane Dreher còn nói là qua nhiều năm làm cố vấn (khải đạo), dạy học, bà nhận thấy những việc gì bà làm đều thành công nếu bà đặt tin tưởng vào nó.

Mẹ chép hai câu thơ của Lão Tử trong sách này cho con học thuộc nha.
"Tao people deal with trouble before it begins
Affirming order, they prevent confusion."
(trang 221)

Tạm dịch là: "Người hiểu Đạo đương đầu với trở ngại trước khi nó phát khởi. Giữ giềng mối trật tự, họ ngăn ngừa sự hỗn loạn."
Sắp đến giờ nấu cơm, thôi mẹ ngừng đây nha. Còn mười phút nữa là đến 5 giờ rưởi chiều, mẹ vặn đài truyền hình Little Saigon xem vừa làm bếp.
Thân mến.

Mission Viejo, 3-11-1992.

Trang ơi,
Đúng ra thì bây giờ là thứ tư 4-11-1992, vì đã qua 12 giờ khuya, hồi nãy mẹ đã ngủ mơ màng, ba con vặn phim Tàu nên mẹ thức xem, đến đoạn bà vua làm quyền, bắt các ông quan trung tín và thái tử nhốt, còn bà Võ Tắc Thiên cũng bị bà hại vào lãnh cung nên đau và chết rồi. Hết phim ba ngủ, còn mẹ lại ngủ không được. Bây giờ buổi tối thỉnh thoảng ba mẹ xem một hai cuốn phim Tàu giải trí để bớt suy nghĩ.
Hôm nay Thịnh về thăm nhà. Thịnh bỏ phiếu ở San Diego cho Clinton, nó nói bạn bè xếp hàng bỏ phiếu cho Clinton không hà. Còn Cường thì gạch sẵn phiếu mẫu cho mẹ đi bầu. Cường với ba thích Tổng Thống Bush và các nghị sĩ cùng đảng với ông. Rốt cuộc Bill Clinton đắc cử với hai bà Boxer và Feinstein.
Mẹ nghe con kể Hoàng thắp nhang cầu nguyện cho ông Bush, mẹ thấy thương nó quá. Còn con nghe ông Bush rớt thì đau, định nghỉ làm. Mẹ nghe nói có người khóc nữa. Vậy chớ trong cộng đồng người Việt tị nạn cũng có một nhóm ủng hộ Clinton hết mình.
Hôm nọ mẹ xem ông Bush, Perot và Clinton tranh cử trên truyền hình. Mẹ chịu không được thái độ khinh khỉnh của Clinton. Một vị Tổng Thống nắm vận mệnh quốc gia mà ít kinh nghiệm thì dù cho có giỏi cũng nguy cho quốc gia đó lắm, mặc dù phía sau có sự xếp đặt của những người khác đi nữa cũng vậy.
Hoa Kỳ lại bước qua một thời kỳ mới với những sắp xếp và biến chuyển mới. Họ muốn có sự thay đổi. Hai vị Tổng Thống trẻ, có vợ đẹp, giỏi, háo thắng và tràn đầy tự tin. Họ có khả năng đưa xứ Mỹ qua khỏi những khó khăn chăng?
Một giờ sáng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 2024
01 Tháng Tư 2007
01 Tháng Ba 2007
01 Tháng Giêng 2007
1,863,880